Mật mã dân sự – ‘Viên gạch móng’ để xây dựng chính phủ điện tử
Mật mã dân sự có thể coi là chuẩn kết nối cũng như tăng cường bảo mật cho các hệ thống cơ sở dữ liệu, bước đầu trong việc xây dựng chính phủ điện tử.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, hiện Việt Nam có gần 800 hệ thống máy chủ, trong đó có khoảng 85 trung tâm cơ sở dữ liệu, tập trung ở 30/63 tỉnh, thành và 23/30 bộ, ngành.
Mật mã dân sự được coi là “viên gạch móng” để xây dựng chính phủ điện tử.
Phát biểu tại hội thảo về mật mã dân sự năm 2019, với chủ đề “Quản lý và ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phục vụ Chính phủ điện tử” do Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hôm nay (26/9), ông Nguyễn Công Thành, Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ nhận định, với số lượng hệ thống máy chủ và trung tâm cơ sở dữ liệu hiện nay, nước ta có đủ cơ sở hạ tầng để thực hiện chính phủ điện tử, tuy nhiên hệ thống này vẫn chưa hoạt động đủ chức năng.
Thêm vào đó, thiếu chuẩn chung để có thể kết nối các trung tâm dữ liệu với nhau, điều kiện tiên quyết để thực hiện chính phủ điện tử.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xác định rõ thông tin nào cần kết nối cùng với đó là dùng định dạng mật mã dân sự nào để các bộ, ngành, đơn vị có thể kết nối, trao đổi với nhau”, ông Thành cho hay.
Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự cho 95 doanh nghiệp, cấp hơn 300 Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, bước đầu triển khai kiểm định, đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự… Do đó, công tác quản lý mật mã dân sự đã đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Việc ứng dụng mật mã dân sự sẽ tiêp tục góp phần đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trên các hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp tạo nền tảng vững chắc cũng như bảo mật hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia.
Video đang HOT
Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại hội thảo.
Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đang xây dựng Chính phủ điện tử, để nâng cao tính minh bạch, nâng cao tính hiệu quả hiệu lực của các cơ quan Nhà nước, các chính quyền địa phương; góp phần hạn chế tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
“Các nghiên cứu về mật mã dân sự, giải pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như định hướng sử dụng mật mã dân sự phục vụ Chính phủ điện tử sẽ được triển khai trong thời gian tới, góp phần tiếp tục triển khai hiệu quả các dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mật mã dân sự”, Thiếu tướng Lê Xuân Trường cho hay.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, xu thế phát triển viễn thông, internet ngày nay thì internet không chỉ có chức năng cung cấp thông tin mà còn là nền tảng, hạ tầng quan trọng cho các giao dịch điện tử nói chung và chính phủ điện tử nói riêng.
Các giao dịch điện tử trong nền kinh tế số ngày càng nhiều và nhu cầu cần được đảm bảo an toàn ngày càng lớn, do đó, dự báo nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, an toàn thông tin ngày càng tăng về quy mô, số lượng, loại hình, chủng loại.
Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định: “Sản phẩm – dịch vụ mật mã dân sự không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà được dùng rộng rãi trong bảo vệ thông tin trong Chính phủ điện tử và giao dịch điện tử”.
“Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị liên quan thời gian qua cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới, không chỉ trong các nghiệp vụ quản lý, cấp phép sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự và mở rộng thiết lập nền tảng hạ tầng an toàn, tin cậy triển khai Chính phủ điên tử của các cơ quan từ trung ương đến địa phương”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Theo VOV
Đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Xây dựng sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội
Thiếu đồng bộ hạn chế việc chia sẻ dữ liệu
Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt giúp nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.
Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng được một số các cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm từ Trung ương tới địa phương, được cài đặt tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Ngành, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hệ thống và người sử dụng.
Tuy nhiên, ngành Bảo hiểm xã hội chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các ứng dụng trong toàn Ngành, các phần mềm sử dụng một hoặc nhiều cơ sở dữ liệu để phục vụ nghiệp vụ của người dùng gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu giữ nguyên hiện trạng hiện nay, thời gian tới, các nghiệp vụ tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm càng ngày càng nhiều. Khi không có các quy định về việc xây dựng, thu thập dữ liệu sẽ có sự chồng lấn và cát cứ.
Nguồn lực xây dựng Chính phủ điện tử sẽ bị ảnh hưởng lớn. Với đặc thù dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội rất lớn nên thu thập dữ liệu theo quy trình, mục đích khác nhau sẽ dẫn tới những sai lệch nhất định, dữ liệu sẽ phụ thuộc lớn vào đặc thù của quy trình nghiệp vụ sẽ không thể được tích hợp sử dụng được.
Điều này sẽ dẫn tới các "ốc đảo" dữ liệu và việc chia sẻ dữ liệu sẽ rất hạn chế. Việc triển khai các biện pháp để xử lý, tái cấu trúc sau này sẽ khó khăn và tốn kém chi phí hơn rất nhiều.
Số hóa dữ liệu góp phần cải cách thủ tục hành chính
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 với mục tiêu hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Như vậy, để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cải cách hành chính tiến đến Chính phủ số, Chính phủ điện tử thì việc việc xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là thực sự cần thiết.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, nội dung của chính sách gồm: Quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; quy định việc khai thác, sử dụng, chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; quy định việc quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Về giải pháp thực hiện, đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, dự thảo Nghị định quy định các nội dung liên quan đến thu thập các thông tin trong cơ sở dữ liệu; việc cập nhật thông tin cũng như duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Đối với việc khai thác, sử dụng, chia sẻ và kết nối, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về các đối tượng, phạm vi được khai thác và sử dụng; quy định việc kết nối chia sẻ phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về kết nối và chia sẻ dữ liệu số.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng được một số các cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những cơ sở dữ liệu có tính chất nền tảng cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Theo An Ninh Thủ Đô
TP HCM triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung Ngày 12-9, UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung của TP. Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết hiện TP HCM có nhiều sở, ngành, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tuy đa dạng...