Mát lòng bánh tằm Ngan Dừa xứ Bạc Liêu
Từ là món ăn vặt của người dân thị trấn Ngan Dừa, bánh tằm Ngan Dừa ngày nay đã trở thành đặc sản mà người dân Bạc Liêu háo hức giới thiệu cho du khách gần xa.
Bản hòa tấu sắc màu xanh, trắng, cam, vàng, đỏ của một đĩa thành phẩm bánh tằm Ngan Dừa.
Nhắc về bánh tằm thì nhiều tỉnh, thành ở miền Tây đều có bán thế nhưng bánh tằm Ngan Dừa lại nổi tiếng hơn bởi cách chế biến cũng như nguyên liệu để làm ra món ăn. Cụ thể, sợi bánh nơi đây có kích thước cỡ con tằm và không đồng đều nhau. Điều này cũng dễ hiểu bởi sợi bánh được làm hoàn toàn thủ công từ những người thợ lành nghề.
Cộng thêm, gạo để làm bánh nhất định phải là loại gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, loại gạo ngon nổi tiếng của vùng đất Bạc Liêu. Qua một số quá trình chế biến như xay nhuyễn gạo, hồ trên ngọn lửa liu riu, rây và se bột thành từng sợi bánh bắt mắt rồi đem đi hấp mới có được thành phẩm những sợi bánh tằm thơm ngon.
Một điểm nhấn khác biệt nữa của bánh tằm Ngan Dừa là những viên xíu mại xinh xắn, dễ thương nằm khép mình bên những sợi bánh tằm trắng tinh sương. Qua tìm hiểu, xíu mại là món ăn mang phong vị ẩm thực Trung Hoa. Thành phần nguyên liệu gồm thịt ba rọi và gan heo bằm nhỏ cùng ít củ sắn được áo lớp hỗn hợp đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt rồi đem hấp chín.
Video đang HOT
Ngoài ra, một phần bún tằm Ngan Dừa chuẩn vị thì còn có bì heo, dưa leo xắt sợi trộn cùng ít rau thơm, giá sống. Điểm đặc biệt nữa của bánh tằm đó là phải chan nước cốt dừa (thường chỉ dùng ăn sống với chè) cộng với nước mắm chua ngọt. Món ăn đặc trưng miền Nam này sẽ khó ăn với người vùng khác vì có cảm giác món ăn vừa ngọt lại vừa mặn. Tuy nhiên, một khi đã ăn và cảm nhận các tầng hương vị chua ngọt, thơm béo đan xen vào nhau thì sẽ luôn nhớ về món bánh tằm mỗi khi có dịp ghé miền Tây.
Một số nguyên liệu thực phẩm của bánh tằm Ngan Dừa.
Cách đựng bánh tằm của người dân Ngan Dừa lại cũng khá khác biệt so với những nơi khác khi họ sử dụng đĩa lòng sâu thay vì là tô. Theo một người bán món ăn này tại Bạc Liêu, đĩa lòng sâu sẽ giúp “phô diễn” hết những nguyên liệu để cuốn hút, gọi mời thực khách thưởng thức.
Mặc dù không phải là món ăn xuất hiện ở những nhà hàng sang trọng, thế nhưng bánh tằm Ngan Dừa của vùng đất Bạc Liêu vẫn luôn lấy lòng du khách phương xa và cả người dân bản địa chính từ sự mộc mạc, giản dị như tấm lòng của người dân nơi đây.
Thoáng Bạc Liêu cùng mắm chua Vĩnh Hưng
Nhắc về miền Tây, du khách phương xa thường liên tưởng về những con người hiền hòa, cảnh đẹp sông nước hữu tình và các món ăn từ mắm. Trong đó, xứ sở công tử Bạc Liêu cũng có riêng cho mình món mắm trứ danh - mắm chua Vĩnh Hưng.
Do là vùng sông nước, lúc nào tôm cá cũng dồi dào từ phù sa bồi đắp nên người dân ở xã Vĩnh Hưng luôn tìm kiếm phương thức chế biến cũng như bảo quản thực phẩm. Ngoài dùng thực phẩm tươi để làm món ăn thì họ còn đem phơi khô hay ủ mắm, tích trữ dùng dần. Theo thời gian, món mắm chua nơi đây trở nên nổi tiếng và được những thực khách sành ăn cả nước đánh giá cao.
Để có sự yêu mến như ngày nay, mắm chua Vĩnh Hưng đã được những người thợ lành nghề, đặt cả tâm mình vào sản xuất, và qua nhiều năm tháng chất lượng mắm vẫn giữ nguyên vẹn. Qua tìm hiểu, mắm chua Vĩnh Hưng còn có tên gọi khác là mắm chua không xương Vĩnh Hưng. Không xương ở đây hàm ý là thịt cá dù là nguyên con nhưng qua tài xử lý điệu nghệ của thợ nấu mà khi ăn rất mềm, cảm giác như cá đã được lọc xương.
Hỏi thăm chị bạn là người chánh gốc Bạc Liêu và thường nhận nấu đám tiệc mới hay, cách làm mắm chua cũng lắm phần công phu. Đầu tiên, thợ nấu sẽ chọn cá rô, cá lóc hay cá sặc đồng, có kích thước chừng hai ngón tay để làm mắm. Sau đó, đem bỏ vào túi và ra sông, treo dưới nước, dùng tay quay túi liên tục để những chú cá trong đó tự ma sát nhau, cứ thế vẩy hay nhớt cũng tự ra hết. Quan trọng là cách làm này cũng giúp thịt và xương cá mềm hơn.
Tiếp đến, cá được sơ chế bằng cách loại bỏ đầu, nội tạng, đem để ráo, khô rồi mới ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, thính, tỏi, ớt, riềng. Công đoạn này quan trọng nhất bởi nó quyết định đến độ mặn, nhạt của mắm. Nếu muối cá đúng liều lượng thì thịt cá mới chín, thơm ngon.
Theo đó, mắm chua Vĩnh Hưng đạt chuẩn là khi mở nắp, thịt cá chín, cá vẫn còn nguyên con dù toàn bộ xương đã mềm. Một trong những cách thưởng thức mắm phổ biến nhất của người dân Bạc Liêu là chuẩn bị mâm rau thơm cùng ít ổi xanh, khế chua, chuối chát, dứa dọn ra kèm đĩa thịt heo ba chỉ luộc.
Cách thưởng thức chỉ đơn giản là gắp nhẹ ít rau, cuốn thêm ít củ, quả, thịt cá nguyên con và ít ba chỉ heo. Gói lại cho gọn và nên thưởng thức hẳn một lần để cảm nhận đầy đủ hương vị món ăn. Theo đó, những tầng hương vị chua, ngọt, mặn, cay, béo như đan xen trong khoang miệng, tạo nên sự thích thú khó tưởng.
Ngày nay, mắm chua Vĩnh Hưng không chỉ là món ăn thuần túy trong bữa cơm hằng ngày mà nó còn trở thành món khai vị trong thực đơn của nhà hàng. Ở một số hội chợ về thực phẩm, nó cũng nghiễm nhiên được giới thiệu là món ăn đặc sản của tỉnh Bạc Liêu.
Tiệm bánh tằm 'mẹ chồng nàng dâu' ở miền Tây Tiệm bánh tằm không biển hiệu của chị Thiểu là một trong những quán đồ ăn sáng đông khách nhất chợ Vị Thanh, có từ thời mẹ chồng chị còn trẻ. Chợ "chồm hổm" gần chân cầu Cái Nhúc ở phường 1, TP Vị Thanh nổi tiếng là nơi bán nhiều mặt hàng nông sản địa phương giá rẻ, cạnh chợ là một...