Mát lạnh kem xôi Sài Thành
Sài Gòn rất đa dạng những món ăn vặt khác nhau, mỗi món ăn lại mang đến những hương vị và cảm nhận rất riêng và độc đáo.
Mỗi món ăn dù là đặc sản của vùng miền nào khi đến với Sài Gòn cũng tạo nên những nét đặc sắc riêng, khiến người ăn nhớ mãi thật khó để mà quên những hương vị ấy.
Kem Xôi- là một trong những món ăn độc đáo khó quên ấy. Hương vị ngọt ngào của kem sữa hay vị ngọt đắng của kem socola, bùi bùi của đậu phụng quyện với vị thơm, dai dai của hạt nếp được nấu rất khéo léo tạo nên một món ăn rất quyến rũ.
Ở Sài Thành thời tiết lúc nào cũng nóng nực, khó chịu nếu được ngồi trong một không gian lãng mạn, yên tĩnh và thưởng thức những ly kem xôi thơm mát thì thật tuyệt vời.
Xôi được nấu rất kỹ, những hạt xôi rời ra chứ không kết lại, được nấu chung với đậu xanh nên ăn rất thơm và dai. Khi thưởng thức, cô chủ quán thường bỏ một lớp kem sữa phía dưới cốc, rồi bỏ một lớp xôi lên rồi lại thêm một lớp kem, phía trên phủ một vài cộng dừa nạo và mấy hạt đậu phụng rang. Xúc thìa kem vừa có kem, có đậu, có xôi bỏ vào miệng vị kem tan ra trong cái dai, mềm của nếp, thơm bùi của đậu phụng làm cứ muốn ăn mãi, ăn liền mấy ly cho đỡ thèm.
Video đang HOT
Khác với những ly kem khác, kem xôi không quá lạnh cũng không quá ngọt mà kem sữa ăn kèm với xôi có một vị thơm rất đặc trưng, giống như mùi dầu thơm mà khi nấu chè mọi người thường cho vào để chè ngậy mùi thơm thu hút.
Món ăn này không còn lạ với nhiều người Sài Gòn, nhất là những bạn trẻ, sinh viên. Nhưng dù quen thuộc, dù đã ăn nhiều lần nhưng món ăn này vẫn là khoái khẩu của nhiều người. Ở Làng Đại học Thủ Đức có một quán kem xôi đối diện trường đại học Quốc Tế lúc nào cũng nườm nượp khách, nhất là vào giờ trưa và chiều tối khi sinh viên tan trường. Quán nhỏ chỉ chừng 25m2 nên nhiều khi các bạn sinh viên không có chỗ ngồi phải mua về. Giá cả bán tại quán cũng rất rẻ, phù hợp với các bạn sinh viên. Để thưởng thức một ly kem xôi ngon chỉ có 6.000/ly.
Trong trung tâm thành phố cũng có rất nhiều quán kem xôi, mỗi quán lại mang đến những hương vị thưởng thức khác nhau, nhưng đều rất ngọt ngào và thơm mát. Vào một số quán kem lớn trong thành phố cũng có phục vụ kem xôi, được để trong những chiếc ly trong suốt với kem nhiều màu theo yêu cầu của khách, ly kem không chỉ còn ngon mà còn rất bắt mắt nữa. Cùng đi thưởng thức kem xôi cho những ngày hè nóng nực sắp tới thôi nào!
Theo PNVN
Bánh đa cua An Biên món ngon từ miền biển
Các món ăn làm từ cua đồng vốn đã quá thân thuộc với những người dân đồng bằng Bắc Bộ. Trong số đó, bánh đa cua là một món ăn độc đáo có nguồn gốc từ thành phố biển Hải Phòng và đang theo chân người dân nơi đây làm giàu thêm nét ẩm thực của thủ đô Hà Nội.
Trong một ca khúc về Hải Phòng, nhạc sĩ Trần Tiến đã viết: " thật thà như bánh đa cua...". Bánh đa cua thật thà bởi các thức ăn đi kèm của nó đều có những cái rất riêng, không thành phần nào bị làm ẩn khuất mà vẫn hài hoà bổ trợ cho nhau. Nước dùng thơm ngọt, đậm vị cua và nước xương; bánh đa tươi dẻo dẻo, dai dai; chả lá lốt thơm phức, rau muống tươi giòn; hành phi thơm nức lòng thực khách. Bấy nhiêu "thật thà" đã đủ làm cho thực khách thấy lý thú dù chỉ một lần được thưởng thức.
Món bánh đa cua được nhiều người ưu ái, ăn mùa nào cũng hợp. Mùa hè, bánh đa cua khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn, còn mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy.
Vài chục năm nay, bánh đa cua Hải Phòng cũng đã theo chân người mà làm giàu thêm ẩm thực khắp nơi. Tuy nhiên, ở mỗi nơi, người ta lại chỉnh sửa và thay đổi cho phù hợp với điều kiện nguyên vật liệu có sẵn ở vùng đất đó. Chính vì thế mà thật hiếm để tìm thấy ở đâu khác ngoài Hải Phòng, một bát bánh đa cua đúng vị ngon nguyên bản.
Thế nhưng, gần đây, người Hà Nội sành ăn lại xôn xao về một quán ăn nằm khiêm tốn trên đường Triệu Việt Vương đã thành công trong việc giới thiệu món bánh đa cua đúng vị Hải Phòng tại vùng đất Kinh Kỳ này. Ngay cả cái tên quán - "An Biên" dường như cũng đã được chủ quán cân nhắc rất kỹ, nhằm nhắc thực khách về nguồn gốc và sự nguyên bản của món bánh đa cua. Vì An Biên vốn là cái tên mà nữ tướng Lê Chân đã đặt cho vùng đất Hải Phòng xưa, khi về đây chiêu mộ binh sĩ, luyện quân, đánh giặc.
Cái làm cho bánh đa cua An Biên đặc biệt lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng hay hành phi - những thứ có thể tìm thấy ở nhiều nơi, mà lại chính là thứ bánh đa đỏ, đặc sản của Hải Phòng. Bánh đa có màu nâu sậm, là loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai, có vị giòn và đậm. Thứ bánh này, theo như chủ nhà hàng chia sẻ, thì được nhà hàng cầu kỳ vận chuyển từng mẻ, từ làng Dư Hàng Kênh một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố Cảng không xa. Chỉ có ở đây, người làm bánh mới nắm rõ và giữ bí quyết từ khâu ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh... để đảm bảo những mẻ bánh ra lò vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, và quánh.
Không chỉ có thế, thưởng thức bánh đa cua tại An Biên, thực khách còn bất ngờ vì loại tương ớt được dùng trong nhà hàng có vị thơm ngon rất lạ, khi cho thêm vào bát bánh đa cua, thứ tương ớt này nhanh chóng làm cho món ăn đậm đà và ngon lành hơn nữa. Hỏi ra mới biết, người Hải Phòng gọi tương ớt là chíu trương. Chíu trương ngon phải được lên men theo công thức gia truyền do những người Hoa ở Hải Phòng truyền lại. Hẳn là người tinh tế và kỹ tính lắm chủ quán mới cầu kỳ chuyển từng chai chíu trương lên Hà Nội để đảm bảo vị ngon nguyên bản của bát bánh đa cua.
Nếu không có dịp đến Hải Phòng, bạn có thể chia sẻ "cảm xúc thật thà" của món ăn độc đáo này tại An Biên ngay giữa lòng Hà Nội.
Thông tin cho bạn:
Địa chỉ quán: 168A Triệu Việt Vương - Hà Nội (gần tháp Vincom)
Điện thoại: 042 246 9600
Website: banhdacua.vn
Theo BĐVN
Điều khác biệt trong món miến trộn của ba đất nước Miến trộn Thái Lan, miến trộn Hàn Quốc, miến trộn Việt Nam giống và khác nhau như thế nào nhỉ? Là một món ăn độc đáo, dễ ăn, miến trộn từ lâu đã được yêu thích và phổ biến ở khắp nơi. Miến trộn rất đa dạng. Vì là món trộn nên chỉ cần có một chút nguyên liệu khác nhau thôi đã...