Mastercard và Visa rời bỏ dự án tiền số của Facebook
Theo Reuters, nỗ lực xây dựng đồng tiền điện tử quy mô khổng lồ của Facebook đã bị dội gáo nước lạnh vào ngày 11/10 với việc 2 công ty thanh toán lớn nhất thế giới rút khỏi dự án.
Trước đó, PayPal cũng thông báo rời liên minh phát triển Libra trong hoàn cảnh các chính phủ toàn cầu bày tỏ lo ngại với tham vọng của Facebook.
Sau quyết định của Mastercard và Visa, không còn công ty thanh toán lớn nào tham gia Hiệp hội Libra. Điều đó khiến cho mức độ tin cậy của đồng tiền kỹ thuật số này giảm mạnh dù chỉ mới ở gian đoạn “thai nghén”.
Mastercard và Visa vừa rút khỏi Hiệp hội Libra. Ảnh: Reuters.
Thành viên còn lại của Hiệp hội Libra chủ yếu là quỹ đầu tư mạo hiểm, viễn thông, blockchain, những công ty công nghệ, các nhóm phi lợi nhuận. Tên tuổi đáng chú ý nhất gồm Lyft và Vodafone, đều không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
“Visa không tham gia vào Hiệp hội Libra ở thời điểm này”, thông cáo của công ty khẳng định. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, quyết định cuối cùng được xác định bởi một số yếu tố, bao gồm khả năng Libra đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết”.
Video đang HOT
Trên Twitter, người đứng đầu dự án Libra, cựu sáng lập PayPal David Marcus, thừa nhận đây không phải là tin tốt vào lúc này. Tuy nhiên ông cho rằng hãy chờ đợi những cập nhật mới về đồng tiền số của Facebook.
Trưởng bộ phận truyền thông và chính sách Facebook, Dante Disparte, nói rằng Libra sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện, bất chấp việc những đối tác then chốt rút lui.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc đẩy nhanh kế hoạch, tiếp tục xây dựng một hiệp hội mạnh mẽ cùng với những công ty đầu thế giới, tổ chức xã hội và các bên liên quan khác”, ông tuyên bố.
Cách đây hơn 3 tháng, Facebook chính thức công bố kế hoạch phát triển Libra với hợp tác của 28 thành viên ban đầu. Dự kiến đồng tiền kỹ thuật số này sẽ hoạt động từ tháng 6/2020. Không lâu sau đó, nhiều chính phủ, cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương trên thế giới bày tỏ lo ngại trước tham vọng khổng lồ của Mark Zuckerberg.
Vào tháng 9, Pháp, Đức tuyên bố sẽ ngăn Libra hoạt động ở châu Âu và ủng hộ một loại tiền điện tử công cộng thay thế. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FDI) Jerome Powell yêu cầu không cho phép vận hành Libra trước khi giải quyết vấn đề quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường tiền tệ.
Quyết định rời khỏi Libra của Mastercard và Visa vào ngày 11/10 cho thấy các đối tác lớn nghi ngại khả năng thành công của đồng tiền số này.
Trước đó 3 ngày, hai thượng nghị sĩ Dân chủ đã gửi thông điệp đến Visa, Mastercard và Stripe, yêu cầu họ cảnh giác với một dự án có nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng của hoạt động tội phạm trên toàn thế giới.
“Nếu bạn thực hiện điều này (tham gia dự án Libra- ND), bạn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý, không chỉ đối với hoạt động thanh toán liên quan đến Libra, mà trên tất cả các nội dung khác”, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Brian Schatz viết trong thư.
Mark Zuckerberg sẽ lên tiếng bảo vệ kế hoạch phát triển Libra khi điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 23/10 tới đây. Trong khi đó, bà Maxine Waters, chủ tịch ủy ban này, đã liên tục kêu gọi Facebook tạm hoãn dự án.
Theo Zing
CEO Facebook sắp điều trần trước Quốc hội Mỹ về tiền điện tử Libra
Phiên điều trần sẽ là cơ hội hiếm có để các nhà lập pháp Mỹ chĩa mũi rìu về người đứng đầu Facebook trước công chúng.
Ngày 9/10, Ủy ban Tài chính và Thuế Hạ viện Mỹ thông báo giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook sẽ có buổi điều trần trước ủy ban này về dự án tiền điện tử gây tranh cãi, Libra.
Phiên điều trần diễn ra vào ngày 23/10 được cho là cơ hội hiếm có để các nhà lập pháp Mỹ chĩa mũi rìu về người đứng đầu Facebook trước công chúng, tập trung làm rõ tính pháp lý và những tác động của Libra đối với các dịch vụ tài chính; các quy định về Internet trong tương lai - điều này có thể gây ra mối đe dọa cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook.
Việc Zuckerberg sẵn sàng gặp các nhà lập pháp Mỹ cho thấy ông chấp nhận các quy định pháp lý sắp đến và muốn trở thành một phần của các cuộc thảo luận.
Phiên điều trần sắp tới được cho là cơ hội hiếm có để các nhà lập pháp Mỹ chĩa mũi rìu về người đứng đầu Facebook trước công chúng.
Những phát biểu của CEO Facebook tại phiên điều trần cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra chống độc quyền mà mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện đang phải đối mặt. Công ty này đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ điều tra về các hoạt động cạnh tranh.
Việc chấp nhận ra điều trần trước Quốc hội Mỹ của ông Zuckerberg đánh dấu một sự thay đổi. Trong một bản ghi âm cuộc họp nhân viên tháng 7 mà trang tin The Verge có được, Zuckerberg nói với các nhân viên rằng ông đã từ chối điều trần trước một số chính phủ nước ngoài bởi vì "điều đó không thực sự có ý nghĩa đối với tôi."
Liên quan đến dự án Libra, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế Hạ viện Mỹ, hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Maxine Waters đã từng yêu cầu Facebook tạm dừng triển khai tiền điện tử Libra trước phiên điều trần tháng 7.
Tuy nhiên, sau đó bà Waters không hài lòng với sự thiếu cam kết từ ông David Marcus, giám đốc tiền điện tử của Facebook về việc hoãn kế hoạch ra mắt tiền điện tử.
Kể từ đó, một số nhà chức trách trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về Libra và một trong những tổ chức ủng hộ dự án ngay từ đầu là hãng thanh toán trực tuyến PayPal tuyên bố rút lui khỏi Hiệp hội Libra - một tổ chức do Facebook lập ra để giám sát dự án.
Các đối tác khác như Visa, Mastercard và Stripe cũng đang cân nhắc có động thái tương tự PayPal.
Theo VietNamPlus
PayPal rút khỏi liên minh giám sát đồng tiền Libra của Facebook Tuy rút khỏi liên minh giám sát đồng tiền số Libra nhưng Công ty thanh toán điện tử PayPal vẫn ủng hộ dự án và mong có ngày sẽ tiếp tục đàm phán để hợp tác với Facebook trong dự án này. Ngày 4/10, Công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới PayPal, có trụ sở tại California, Mỹ thông báo...