Mark Zuckerberg: Người dùng không tin tưởng Facebook vì họ không hiểu gì về nó
Sau tất cả những gì đã xảy đến với mạng xã hội Facebook suốt hơn một năm qua, phải tới nay CEO Mark Zuckerberg mới có những chia sẻ về sóng gió đã qua, đồng thời phản biện về những vấn đề Mark cho rằng người dùng đã nghĩ sai về Facebook.
2018 là một năm đầy sóng gió với mạng xã hội lớn nhất hành tinh sau hàng loạt vụ bê bối gây chấn động, khi niềm tin của người dùng với Facebook đã suy giảm đáng kể. Tại thời điểm này, có vô số lý do khiến người dùng không khỏi lo lắng mỗi khi truy cập Facebook.
Hôm thứ Năm (24/1) mới đây, tờ Wall Street Journal đã đăng tải bức tâm thư dài hơn 1000 chữ của CEO Mark Zuckerberg giải thích về cách Facebook hoạt động, xử lý dữ liệu người dùng và kiếm tiền từ quảng cáo.
Hơn hết Mark muốn “thanh minh” cho những hiểu nhầm từ trước đến nay của nhiều người về Facebook. Tâm thư có tiêu đề “The Facts About Facebook” hay “Những sự thật về Facebook”.
Mark cho rằng, Facebook đã có một lịch sử hoạt động 15 năm và đủ sự chín chắn để có được lòng tin của người dùng. Tuy nhiên, lý do chính khiến nhiều người dùng vẫn còn e ngại và thiếu niềm tin vào Facebook vì lo sợ năng lực xử lý dữ liệu người dùng và trách nhiệm của Facebook.
CEO Facebook chia sẻ : “Thông thường, bạn sẽ phải trả tiền để sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ. Còn với Facebook, bạn được phép sử dụng dịch vụ của chúng tôi mà không mất phí. Chúng tôi làm việc với các nhà quảng cáo để hiển thị quảng cáo mà bạn quan tâm. Mô hình này nghe có vẻ khá mơ hồ và khó nắm bắt. Rõ ràng chúng ta thường không tin tưởng vào những thứ mà chúng ta không hiểu về nó”.
Theo Mark, chính quảng cáo đã giúp Facebook có cơ sở để cung cấp một mạng xã hội miễn phí cho tất cả mọi người.
Mark nhấn mạnh: “Đôi khi, mọi người lầm tưởng chúng tôi đã làm những việc mà thực tế chúng tôi không làm. Ví dụ chúng tôi không bán dữ liệu của người dùng mặc dù có nhiều nguồn tin nói rằng chúng tôi đã làm như vậy. Thực tế, việc bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo là hành động đi ngược lại lợi ích của chúng tôi, bởi nó sẽ làm giảm đi giá trị duy nhất của Facebook trước mắt các nhà quảng cáo. Chúng tôi có động cơ mạnh mẽ để bảo vệ thông tin của người dùng khỏi bị người khác truy cập trái phép”.
Video đang HOT
Hồi đầu tháng 1/2019, một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew Research cho thấy, nhiều người dùng dùng rõ ràng không hề hay biết về cách Facebook theo dõi thông tin của họ để cung cấp những quảng cáo liên quan đến sở thích. Facebook thường thu thập thông tin về các trang cá nhân, fanpage mà người dùng thích hoặc theo dõi để từ đó làm cơ sở nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác hơn.
Trong số gần 1 ngàn người Mỹ trưởng thành được hỏi thì có tới 74% người dùng Facebook không hề biết về cách Facebook hiển thị quảng cáo ưu tiên dành cho từng người như thế nào. Bên cạnh đó, có tới 51% người dùng cho biết, họ cảm thấy không thoải mái khi Facebook thu thập quá nhiều thông tin của họ.
Cơ sở dữ liệu của Pew Research cho thấy, vấn đề của Facebook rõ ràng vẫn là minh bạch thông tin. Có một thực tế rằng, chúng ta càng biết nhiều về cách Facebook hoạt động thì nó càng trở nên kém tin cậy hơn.
Một cuộc khảo sát thường niên của Viện Ponemon tiết lộ, niềm tin của người dùng với Facebook đã suy giảm đáng kể từ sau vụ bê bối thu thập trái phép dữ liệu người dùng của Cambridge Analytica. Facebook được cho đã biết chuyện Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng nhưng không hề có động thái muốn giải quyết cho đến khi mọi chuyện bị phanh phui.
Tờ Finacial Times cho biết, niềm tin của người dùng vào Facebook thực sự đã có lúc tăng lên trước vụ bê bối. Tuy nhiên, sau khi vụ việc vỡ lở, lòng tin của người dùng đã giảm từ gần 80% trong năm 2017 xuống chỉ còn 27% trong năm 2018. Đó là một cú sốc quá lớn đối với Facebook.
Cuối năm 2018 vừa qua, Facebook tiếp tục dính phải một bê bối dữ liệu khác khi tờ New York Times tiết lộ, Facebook đã thỏa thuận và cho phép hơn 150 công ty truy cập trái phép vào các tin nhắn riêng tư, xem bài đăng, thông tin liên hệ và bạn bè dễ dàng. Trong đó có những cái tên khá nổi tiếng như Microsoft, Netflix, Spotify, Microsoft, Yahoo.
Thậm chí có nhiều nguồn tin cho rằng, Facebook đang theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã tắt tính năng chia sẻ vị trí.
Ngoài tất cả những bê bối trên, Facebook trong năm qua còn phải đối mặt với hàng loạt sự cố mất mạng do lỗi hệ thống, nạn tin giả vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện cũng gây ra những căng thẳng chính trị ở nhiều quốc gia.
Nhưng trong năm qua, Facebook đã rất tích cực sửa sai với việc xóa sổ hơn 1,27 tỷ tài khoản Facebook giả mạo trong giai đoạn từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018. Tiếp đó trong giai đoạn từ tháng 3-9/2018, Facebook tiếp tục xóa hơn 1,5 tỷ tài khoản giả mạo và và 2,1 tỷ tin nhắn spam.
Xét ở góc độ nào đó, Mark Zuckerberg đã phần nào thực hiện được mục tiêu “sửa chữa” lại Facebook do chính mình đặt ra hồi đầu năm 2018. Nhưng để lời hứa và mục tiêu đó thêm chắc chắn hơn, Mark và ban lãnh đạo Facebook sẽ còn rất nhiều điều phải làm trong năm 2019 này.
Theo VnReview
Bị khóa tài khoản Facebook vì kết bạn với người lạ
Kẽ hở của Facebook khiến một tài khoản bị khóa nếu chẳng may bị kẻ xấu đưa làm quản trị viên một fanpage vi phạm chính sách cộng đồng.
Anh Hữu Thọ (quận 4, TP HCM) cho biết mình bị mất tài khoản Facebook chỉ vài ngày sau khi kết bạn với một vài người lạ. "Tối hôm trước tôi không để ý, nhưng đến sáng hôm sau thì không còn truy cập được tài khoản của mình nữa. Trong thời gian này, hầu như tôi không làm gì ngoài thích và bình luận một số trạng thái của bạn bè", anh Thọ nhớ lại.
Người cùng có thể bị thêm làm quản trị một trang nào đó mà không hề hay biết.
Anh Thu, một người chuyên cung cấp các dịch vụ tăng tương tác và mở khóa tài khoản Facebook tiết lộ, trường hợp của anh Thọ không phải là hiếm, thậm chí có xu hướng tăng thời gian gần đây. Theo dự đoán ban đầu, tài khoản anh Thọ bị khóa do một người nào đó lợi dụng kẽ hở trong điều khoản người dùng Facebook, phổ biến nhất là FAQ 178 - tính năng báo cáo vi phạm với người dùng là tội phạm.
Cách thức để làm cho một tài khoản Facebook bị khóa dạng này không quá phức tạp. Đầu tiên, kẻ gian sẽ dùng một hoặc nhiều tài khoản để kết bạn với mục tiêu. Sau khi thành công, tài khoản đó sẽ được cài làm quản trị viên ở mức cao nhất cho một fanpage đã lập sẵn mà chủ tài khoản không cần đồng ý. Fanpage sau đó sẽ đăng các nội dung vi phạm cộng đồng như ảnh khỏa thân, súng ống, ấu dâm...
Tiếp đó, kẻ gian sẽ dùng những tài khoản đáng tin cậy (có thời gian hoạt động 3 đến 4 năm trở lên và có nhiều bạn bè) để báo cáo nội dung vi phạm. Với chính sách của Facebook, các fanpage và tài khoản quản trị trang đó sẽ bị khóa. Điều nguy hiểm ở đây là, khác với việc tố cáo mạo danh, việc mở lại tài khoản đã khóa khi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng khó hơn rất nhiều, thậm chí là không thể kể cả kháng nghị.
Thông báo khóa của một tài khoản vi phạm chính sách Facebook.
Theo anh Thu, thông thường kẻ gian thường thực hiện việc tấn công trong khoảng 1h đến 4h sáng - thời gian nạn nhân không còn hoạt động trên Facebook. Người này thừa nhận thời gian qua, đã có nhiều người, trong đó có cả bạn bè nhờ mở lại tài khoản Facebook bị khóa không rõ lý do. "Việc tấn công có thể là do tư thù cá nhân hoặc nhằm vào các đối thủ cạnh tranh bán hàng trên mạng", anh Thu dự đoán.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng đây là một kẽ hở trong điều khoản người dùng Facebook về quản lý trang và đã bị lợi dụng. "Vấn đề nằm ở chỗ khi thêm quản trị viên cho một trang, Facebook không hỏi người được thêm rằng họ có đồng ý hay không mà chỉ đưa ra thông báo. Điều này rất nguy hiểm nếu như nạn nhân không để ý hoặc tạm thời không hoạt động", ông Thắng giải thích.
FAQ 178 không phải là lỗ hổng duy nhất bị kẻ gian lợi dụng thời gian gần đây, bên cạnh các chiêu cũ như báo cáo người dùng không đủ độ tuổi (dưới 14 tuổi không được tạo Facebook), báo cáo mạo danh, báo chủ nhân tài khoản đã chết...
Ông Thắng cho rằng, các cách trên đều nhắm mục tiêu duy nhất là khiến mục tiêu vi phạm chính sách Facebook hoặc không vi phạm nhưng vẫn báo cáo là vi phạm khiến hệ thống kiểm duyệt của mạng xã hội hiểu nhầm. Tuy nhiên, các tài khoản hoạt động lâu năm (trên 3 năm) và tương tác thường xuyên, có đầy đủ thông tin cá nhân, email cố định, đăng nhập trên thiết bị được xác thực... sẽ rất khó bị khóa theo cách này.
Với các trường hợp còn lại, tốt nhất người dùng Facebook chỉ nên chấp nhận kết bạn với những người quen biết, cẩn thận với các tài khoản mạo danh bằng cách kiểm tra kỹ, nếu cần thiết có thể liên hệ trước với người yêu cầu kết bạn để xác thực trước khi nhấn đồng ý. Khi phát hiện mình bị cấp quyền làm admin một fanpage nào đó, cần nhanh chóng thoát ra (bằng cách vào Cài đặt trên trang> tìm đến tài khoản của mình> nhấn Gỡ> Nhập mật khẩu để xác nhận). Ngoài ra, việc khai báo và sử dụng thông tin thật, chọn bạn bè tin cậy...cũng là những cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ tài khoản của mình.
Theo: vnexpress
Facebook chặn quyền truy cập dữ liệu người dùng của nhiều ứng dụng Tất cả ứng dụng không gửi cho Facebook đánh giá sẽ bị ngưng quyền truy cập dữ liệu người dùng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới mới thông báo rằng sẽ chặn quyền truy cập dữ liệu người dùng với API của công ty. Đây là nền tảng dành cho các nhà phát triển có thể sử dụng thông tin người dùng...