Mark Zuckerberg đối mặt tương lai tăm tối: Tự mãn trong cô độc vì mất đi ‘cánh tay phải’ đắc lực
Facebook – dưới 1 cái tên mới và bị ràng buộc bởi 1 điểm đến mới – vẫn chỉ có độc 1 thuyền trưởng là Mark Zuckerberg.
Trong một bài phân tích mới đây, Wall Street Journal ví von “Metamates” như một đại dương, còn việc Sheryl Sandberg rời bỏ Meta chẳng khác nào nhảy khỏi con tàu mang tên vũ trụ ảo. Không biết hành động trên là tự phát hay bị ép buộc, song dù bằng cách nào đi chăng nữa, Facebook – dưới 1 cái tên mới và bị ràng buộc bởi 1 điểm đến mới – vẫn chỉ có độc 1 thuyền trưởng là Mark Zuckerberg. Vị CEO này kể từ nay sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với con tàu của mình.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Tư, bà Sandberg tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành Meta sau 14 năm gắn bó. Dù khẳng định động lực nghỉ việc đến từ mong muốn tập trung nhiều hơn cho gia đình và các hoạt động từ thiện, song bà Sandberg vẫn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về nguồn cơn thực sự của quyết định này. Cũng bởi bà ra đi vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất của Meta, gã khổng lồ đang bị vây quanh bởi rất nhiều những cáo buộc và đơn kiện tụng.
Ngoài ra, một nền kinh tế lạm phát, sự thay đổi trên hệ điều hành Apple, cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ như TikTok cũng khiến Meta kiệt quệ. Phố Wall dự báo triển vọng doanh thu từ quảng cáo trong năm nay của gã khổng lồ này chỉ vỏn vẹn 6%, thấp hơn rất nhiều so với con số 44% hồi 10 năm trước đó. Cổ phiếu Meta giảm gần 3% trong phiên, ngay sau thông báo của bà Sandberg.
Di sản lớn
Bloomberg mới đây đã có bài viết về vị COO, về “di sản khổng lồ” mà người phụ nữ này để lại. Bà tự nhận xét mình là người mang sứ mệnh phát triển Meta, với tư cách là một trong những Giám đốc điều hành quyền lực nhất nhì giới Big Tech. Từ bỏ vị trí Giám đốc mảng quảng cáo tại Google từ những năm 2000, bà Sandberg đến với Meta, bấy giờ là Facebook, dìu dắt và phát triển bộ máy đạt tới quy mô khổng lồ nhờ nguồn doanh thu quảng cáo tưởng chừng như vô tận.
Bà Sandberg tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành Meta sau 14 năm gắn bó
Dẫu vậy, Sandberg rất khiêm tốn. Bà chỉ dám nhận mình được công chúng biết đến nhờ cuốn sách “Lean In” hồi năm 2013 – cuốn sách do chính bà biên soạn nhằm khuyến khích nữ giới dũng cảm nói lên tiếng nói của riêng mình. Tuy nhiên, với giới chuyên gia, “di sản” lớn nhất mà bà Sheryl Sandberg để lại, có lẽ là sự phụ thuộc của ngành công nghiệp công nghệ vào quảng cáo – lĩnh vực được cho là “hái ra tiền” ở quy mô lớn.
“Những cuốn sách của Sheryl có sức ảnh hưởng lớn. Khi một người như Sheryl sẵn sàng chia sẻ những sai lầm mà bà ấy từng mắc phải, mọi người sẽ lắng nghe và đúc kết được điều gì đó cho bản thân”, chuyên gia Kim Scott nói. “Một trong những điều tuyệt vời khi được làm việc cùng Sheryl, là bà ấy không bao giờ lãng phí một giây phút nào. Bà ấy thực sự rất tập trung để hoàn thành tốt công việc”.
Theo Bloomberg, Sandberg không chỉ xây dựng mô hình kinh doanh cho Facebook mà còn giám sát nhóm chính sách công của tập đoàn. Bà Katie Harbath, cựu Giám đốc chính sách công của Facebook kiêm trợ lý Đảng Cộng hòa, nhận xét Sandberg là một “công cụ vô cùng đáng kinh ngạc”.
“Bà ấy rất giỏi trong việc quan sát mọi thứ. Suy nghĩ cũng rất kỹ càng, chín chắn nữa”, Harbath nói. “Ban đầu, Mark Zuckerberg không muốn trở thành một phần của chính sách công như thế này đâu”.
Sau khi gia nhập Facebook vào năm 2008, tư duy và tầm nhìn của bà Sandberg tiếp tục đặt vào “đứa con cưng” của Mark Zuckerberg
Video đang HOT
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, động lực đó đã thay đổi do Zuckerberg nắm giữ gần như hoàn toàn quyền lực tại Meta. “Tôi không nghĩ sự thay đổi này làm nội bộ ngạc nhiên, dù đây là cú chuyển mình mang tính biểu tượng”, Harbath nói.
Theo Bloomberg, sức ảnh hưởng của Sandberg đủ lớn để giúp hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google bành trướng và trở thành phần thiết yếu trong ngân sách của mọi nhà tạo lập. Sau khi gia nhập Facebook vào năm 2008, tư duy và tầm nhìn của bà tiếp tục đặt vào “đứa con cưng” của Mark Zuckerberg. Thay vì nhắm mục tiêu người dùng dựa trên các công cụ tìm kiếm như Google, Facebook tận dụng những gì nền tảng thu thập được, từ danh tính cá nhân đến sở thích người dùng. Hướng tiếp cận này đã được toàn ngành công nghiệp công nghệ học hỏi.
“Sheryl đóng vai trò quan trọng tại cả 2 tập đoàn lớn và thành công nhất lịch sử”, Colin Sebastian, chuyên gia phân tích tại Robert W. Baird & Co nhận xét. “Theo quan điểm của chúng tôi, di sản mà bà ấy để lại cho Meta chính là những mô hình kinh doanh khổng lồ trong nền kinh tế kỹ thuật số”.
Những nghi vấn
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, hình ảnh trước công chúng của bà Sandberg ít nhiều bị hoen ố trước lời chỉ trích nhằm vào Facebook. Tập đoàn này được cho là không thể ngăn sự lan truyền chóng mặt của những thông tin sai lệch với ngôn từ kích động mang tính thù địch, thậm chí là vi phạm quyền riêng tư, trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến ngày càng mở rộng.
Trong một vài năm trở lại đây, hình ảnh trước công chúng của bà Sandberg ít nhiều bị hoen ố trước lời chỉ trích nhằm vào Facebook
Bà Sandberg và Zuckerberg theo đó thường xuyên bị thẩm vấn trước Quốc hội. Các vụ bê bối dường như chưa bao giờ dừng lại, từ kích động bạo lực sắc tộc ở Myanmar và Sri Lanka, công khai lan truyền các video bạo lực đến những thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19. Mới đây nhất, tờ Wall Street Journal còn đặt nghi vấn về việc bà Sandberg vài năm trước đã lợi dụng quyền lực của mình tại Facebook nhằm bưng bít thông tin về bạn trai. Tuy nhiên, đại diện Meta khẳng định đây không phải nguyên nhân sâu xa khiến bà quyết định rời bỏ công ty.
Nhận xét về “di sản” mà bà Sandberg để lại, cũng có ý kiến cho rằng người phụ nữ quyền lực này không ý thức được những hệ lụy nghiêm trọng đằng sau chính sách điều hành độc đoán.
“Người ta chứng minh rằng Facebook đã mở rộng quy mô một cách liều lĩnh có chủ đích để thống trị toàn bộ cách chúng ta giao tiếp trên toàn cầu. Chính nó đã gây ra nhiều hỗn loạn và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người”, Yael Eisenstat nói, nhà sáng lập công Kilele Global cho biết. “Tôi chưa bao giờ thấy bà ấy tự nhận thức được điều đó”.
Dự tính
Theo Wall Street Journal, quyết định trên của bà Sandberg không có gì đáng ngạc nhiên.
Sandberg từ lâu đã được coi là “cánh tay phải” đắc lực của Mark Zuckerberg
Nổi tiếng với vai trò dẫn dắt hoạt động kinh doanh quảng cáo Meta từ con số 0 tròn trĩnh đến quy mô 115 tỷ USD như hiện nay, Sandberg từ lâu đã được coi là “cánh tay phải” đắc lực của Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, sự tín nhiệm từ những ngày đầu tiên này đang dần mờ nhạt, nhất là sau khi Facebook đổi tên thành Meta.
Hồi năm ngoái, một báo cáo cho thấy tỷ lệ nhân viên thông qua bà Sandberg đã giảm đi đáng kể, trong khi vai trò của Giám đốc phụ trách mảng tăng trưởng Javier Olivan lại được nâng tầm. Meta cho biết có thể sẽ bổ nhiệm ông Olivan vào chiếc ghế COO, sau khi bà Sandberg từ nhiệm.
Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi quyền lực trong nội bộ, tầm quan trọng của bà Sandberg vẫn hiện hữu. Vị COO này công khai lên tiếng bảo vệ các nền tảng của Meta trước những cáo buộc liên quan đến bầu cử và xúi giục bạo lực. Đội ngũ luật sư đại diện pháp lý cho Meta, dưới trướng bà Sandberg, cũng tăng trưởng nhanh hơn khoảng 60% so với tổng thể công ty, trong bối cảnh Meta liên tục cuốn vào vòng xoáy chống độc quyền và cổ đông kiện tụng.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, bà Sandberg ngầm ám chỉ đến những nỗ lực này, và rằng vai trò của bà tại Meta “không chỉ đơn thuần là quản lý những thứ dễ dàng”. Bà mẹ 52 tuổi này, đến giây phút cuối cùng, vẫn dành lời khen tốt đẹp cho Mark Zuckerberg – vị CEO luôn thẳng thắn thừa nhận đúng là Meta được gây dựng nên từ một tiền đề non trẻ. Tuổi tác và kinh nghiệm của bà đã thực sự giúp Facebook có được sự tín nhiệm rộng khắp tại Thung lũng Silicon.
Bà Sandberg ngầm ám chỉ rằng vai trò của bà tại Meta “không chỉ đơn thuần là quản lý những thứ dễ dàng
Trong bài đăng dài 1.500 từ, bà Sandberg không nhắc đến metaverse. Người phụ nữ này chỉ nhắc đến cơ duyên 14 năm trước với Facebook cùng lời hứa gắn bó lâu dài với Mark Zuckerberg. Thế nhưng, những cuộc họp thực tế ảo sắp tới sẽ thiếu bà Sheryl Sandberg. Người xuất hiện thường xuyên có chăng chỉ là Giám đốc Công nghệ Andrew Bosworth.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Zuckerberg có thể lèo lái con thuyền đi đúng hướng, khi không có “chiếc mỏ neo” là bà Sandberg. Dù vẫn được coi là tập đoàn quảng cáo lớn nhất lĩnh vực mạng xã hội, song Meta lại đang cố gắng tự biến mình trở thành một công ty “siêu thị” có đủ mọi thứ, từ thực tế ảo đến một số ứng dụng công nghệ liên quan. Như vậy, khao khát về tốc độ tăng trưởng của Zuckerberg trước giờ vẫn không thay đổi.
Trong một bài phỏng vấn mới đây với nhà đầu tư Tim Ferriss, Zuckerberg khẳng định “đi nhanh là để học hỏi” và việc chôn chân trong một lĩnh vực quá lâu đã khiến bản thân cảm thấy tự mãn.
Thực tế, Facebook – và bây giờ là Meta – vẫn luôn là “con tàu” của Zuckerberg, nhờ số cổ phần mà vị tỷ phú này nắm giữ, song việc mất đi một người bạn đồng hành đồng nghĩa với việc Zuckerberg sẽ phải cáng đáng nhiều hơn trên con đường sắp tới. Các nhà đầu tư chứng kiến việc cổ phiếu Meta lao dốc 44% trong năm nay dường như cũng đã lường trước được vấn đề.
Thế hệ lãnh đạo 'Big Tech' đầu tiên đang dần rời đi
Những người sáng lập các công ty có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon như Twitter, Amazon, Microsoft... không còn trực tiếp lãnh đạo công ty.
Các doanh nghiệp công nghệ như Google, Amazon, Netflix... đã tác động lớn đến cuộc sống của hàng triệu người dùng và đạt được nhiều thành công thương mại. Một điểm chung khác của các công ty trên là người sáng lập không còn bắt buộc phải nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Những nhà lãnh đạo này đã từ chức, dần chia sẻ quyền lực hoặc bị đẩy khỏi vị trí của mình.
Trong tuần này, đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức CEO. Trong khi đó, nhà sáng lập của Salesforce, Marc Benioff trở thành đồng giám đốc điều hành. Những trường hợp này không hiếm gặp trong giới "Big Tech", nhất là các công ty được thành lập từ thế kỷ trước hoặc đầu những năm 2000.
Nhiều nhà sáng lập không trực tiếp điều hành
Tỷ phú Jeff Bezos vừa chính thức trao lại vị trí CEO Amazon cho cựu Giám đốc Amazon Web Services, Andy Jassy vào tháng 7. Tại Apple, Tim Cook tạm thời lãnh đạo công ty vào năm 2009 trong khi Steve Jobs điều trị bệnh ung thư. Ông chính thức đảm nhận vị trí CEO "Táo khuyết" sau khi nhà sáng lập Steve Jobs qua đời năm 2011. Sau 10 năm làm Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook cho biết không có ý định đảm nhận vị trí này thêm một thập kỷ nữa.
Ở Microsoft, Bill Gates rút dần khỏi những vị trí lãnh đạo qua nhiều giai đoạn. Ông lần đầu từ chức CEO vào năm 2000 và rời khỏi vị trí chủ tịch điều hành toàn thời gian năm 2008. Đến năm 2020, Bill Gates chính thức không còn là thành viên trong hội đồng quản trị Microsoft. Điều hành công ty hiện tại là Satya Nadella, người nắm vai trò CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Nhiều người sáng lập doanh nghiệp công nghệ lớn không còn trực tiếp điều hành công ty.
Từ năm 2015, hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã chuyển sang điều hành Alphabet, công ty nắm giữ tài sản riêng biệt của Google. Sự chuyển giao được thực hiện một phần khi Sundar Pichai phụ trách Google. Đến năm 2019, ông chính thức tiếp quản vị trí CEO của công ty.
Jack Ma từ chức CEO của Alibaba hồi năm 2013. Ông thôi giữ chức Chủ tịch điều hành vào 2019. Tại thời điểm đó, nhà lãnh đạo này vẫn nắm một lượng lớn quyền lực trong tập đoàn. The Verge cho rằng sau vụ IPO bất thành của Ant Group, Jack Ma không còn nắm nhiều quyền lực tại công ty mình thành lập.
Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty chủ quản của TikTok đã rời khỏi vị trí CEO hồi tháng 5. Trong một bức thư nội bộ, Zhang bày tỏ sự lo lắng về việc TikTok "đang dựa quá nhiều vào những ý tưởng mà ông có trước khi thành lập công ty".
Trong khi đó, Kevin Systrom và Mike Krieger, những người sáng lập Instagram đã thông báo từ chức vào tháng 9/2018. Theo nhiều nguồn tin, hai lãnh đạo này rời công ty là bởi những bất đồng lớn với Facebook và Mark Zuckerberg.
Tháng 7/2020, nhà đồng sáng lập Netflix, Reed Hastings chia sẻ quyền lực với ông Ted Sarandos, cùng nắm vị trí Giám đốc điều hành công ty. Netflix nói rằng Sarandos đã hỗ trợ trong việc lãnh đạo trong hơn 20 năm hoạt động. Do đó, việc cùng Hasting trở thành CEO chỉ là một sự hợp thức hóa vai trò.
Xu hướng của các doanh nghiệp công nghệ lớn
Một điểm đáng chú ý là những nhà lãnh đạo nêu trên đều là nam giới. Vị trí của họ được thay thế bằng một người đàn ông khác. The Verge cho rằng đây không phải xu hướng tốt cho bình đẳng giới. Có một số phụ nữ nắm vị trí cao trong giới "Big tech" như COO của Meta Sheryl Sandberg hay CEO YouTube Susan Wojcicki.
Ngược với xu hướng, Mark Zuckerberg không có ý định rời khỏi vị trí lãnh đạo Meta.
Đồng thời, cũng có những ngoại lệ đi ngược với xu hướng này. Trường hợp đáng chú ý nhất là người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, vẫn kiểm soát hoàn toàn Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta). Ông nói với The Verge vào tháng 10 rằng mình không có kế hoạch từ bỏ công việc. Đồng thời, rất khó để đẩy Mark Zuckerberg khỏi Meta vì cấu trúc cổ phiếu của công ty.
Ngoài Zuckerberg, một số nhà sáng lập vẫn điều hành công ty của mình. Jensen Huang đang nắm quyền tại Nvidia. Đồng sáng lập Tencent, Ma Huateng hiện đóng vai trò CEO kiêm Chủ tịch của công ty. Bên cạnh đó, Evan Spiegel vẫn điều hành Snapchat.
The Verge cho rằng các doanh nghiệp công nghệ vẫn có thể tồn tại và phát triển tốt mà không cần người sáng lập.
Facebook: Nhà dột từ... Mark Zuckerberg CEO Facebook Mark Zuckerberg sở hữu quyền lực vô song, khiến không ai có thể đụng tới. Thông qua hàng ngàn trang tài liệu nội bộ Facebook bị rò rỉ, hình ảnh CEO Mark Zuckerberg dần hiện lên "xấu không tưởng". Những tài liệu này làm rõ một điều: đội ngũ lãnh đạo cấp cao, bao gồm Zuckerberg, nhận thức được những tác...