Mạo danh Bộ Y tế nhắn tin lừa phát tiền trợ cấp Covid-19
Nhiều website giả mạo Bộ Y tế lừa người dân nhập thông tin ngân hàng để nhận trợ cấp.
Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia ( NCSC) cảnh báo hiện có một số trang web đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để giả mạo thông tin các tổ chức nhà nước để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng là honapply.vn và miniboon.vn .
Trang web mạo danh Bộ Y tế để lừa đảo người dùng.
Các đầu số SIM rác sẽ gửi tin nhắn tới người dùng với nội dung yêu cầu truy cập trang web có giao diện giả mạo Bộ Y tế. Sau đó, kẻ gian buộc người dùng nhập thông tin bao gồm mật khẩu tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp xã hội.
Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ. Đồng thời, NCSC khuyến cáo người người dân nên cảnh giác trước các thông tin có nội dung tương tự.
Để cập nhật thông tin từ Bộ Y tế, người dân cần truy cập đúng địa chỉ https://moh.gov.vn/.
Video đang HOT
Trung tâm NCSC đề nghị người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.
NCSC khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Các thủ đoạn lừa đảo thường thấy gồm: giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…
Hai kiểu lừa đảo mạng lợi dụng dịch Covid-19
Các chiêu lừa đảo trên Internet lợi dụng nhu cầu về nhu yếu phẩm, làm từ thiện, hoặc tìm cơ hội đầu tư tài chính... nở rộ tại Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19.
Do dịch bệnh nên làm ở nhà, Nguyễn Mạnh (Bắc Ninh) thường xuyên lên các group trên Facebook tìm cơ hội kiếm tiền online. Trong một lần như vậy, Mạnh đọc được bài viết chia sẻ về một "ứng dụng đầu tư uy tín" mới ra mắt với lời giới thiệu: "Đầu tư vaccine", hứa hẹn lãi 5 đến 8% một ngày. Người dùng bỏ ra hơn một triệu đồng, sau một ngày có thể thu lãi gần một trăm nghìn đồng.
Tin lời, Mạnh làm theo ứng dụng và nạp thử hơn 300 nghìn đồng. Sau ngày đầu, anh nhận lãi 20 nghìn đồng. Thấy kiếm tiền dễ dàng, Mạnh nạp thêm 500 nghìn đồng để mua gói cao hơn, mong nhận lãi nhiều hơn. Nhưng chưa kịp vào rút tiền thì ứng dụng "sập". Tìm hiểu kỹ, anh mới biết đây là ứng dụng lừa đảo. Trên nhóm Zalo của những người đầu tư vào ứng dụng này, hàng trăm người bị lừa như Mạnh. Người mới chơi mất vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Người chơi lâu và đầu tư lớn, số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Ứng dụng đầu tư vaccine hứa hẹn cho người dùng nhận lãi từ 5 đến 8% mỗi ngày. Hiện ứng dụng này đã "sập".
Trên mạng xã hội, hàng chục hội nhóm kiểu "kiếm tiền online", "kiếm tiền 5.0" xuất hiện thời gian gần đây, thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Mỗi ngày, hàng trăm bài viết, giới thiệu về các "dự án", như Vscn6, Vant6, Tiki888... được chia sẻ. Nhưng theo các chuyên gia về an toàn an ninh mạng, hầu hết trong số này là lừa đảo với hình thức phổ biến là dụ người dùng bằng đầu tư với lãi suất cao "không tưởng". Khi đã thu hút được một lượng người dùng nhất định, những ứng dụng này "sập" và người chơi mất trắng số tiền đã đầu tư.
Một chiêu lừa khác mới xuất hiện trên nền tảng Messenger. Hoàng Linh (TP HCM) nhận được tin nhắn từ một người bạn, chia sẻ đường link nhận thẻ quả tặng 5 triệu đồng từ một chuỗi siêu thị lớn. Vì tò mò và cũng đúng nhu cầu, cô làm theo hướng dẫn với phần lớn là các yêu cầu đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, như giới tính, độ tuổi. Sau khi trả lời xong bốn câu, trang web thông báo chúc mừng trúng thưởng.
Để nhận quà, Linh phải chia sẻ đường link đến 5 nhóm bạn hoặc 20 người, sau đó nhập địa chỉ để nhận. Mặc dù không thực hiện các bước tiếp theo, tài khoản Facebook của Linh vẫn tự động gửi đường link đến nhiều bạn bè. Đến lúc này, cô mới hiểu đây có thể là chiêu lừa đảo chiếm thông tin cá nhân.
Tin nhắn Messenger dụ người dùng nhập thông tin cá nhân để nhận quà tặng từ siêu thị.
Theo Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), nhiều hình thức lừa đảo qua mạng mới xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua, lợi dụng bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.
"Dịch bệnh khiến nhiều người gặp khó khăn về tài chính, hoặc có tâm lý hoang mang. Ngoài ra, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm thiết yếu, thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua Internet cũng nhiều hơn. Lợi dụng tình hình này, kẻ xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng", NCSC cho biết.
Theo các chuyên gia, có hai phương thức lừa đảo phổ biến diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Đó là lừa đảo dùng tài chính để thu hút người dân và lừa đảo lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe.
Lừa đảo dùng tài chính để thu hút nạn nhân
Kiểu lừa đảo này thông qua các hình thức tặng quà, tặng nhu yếu phẩm; kêu gọi làm từ thiện; đầu tư lãi suất cao; mạo danh tổ chức tài chính.
Với hình thức tặng quà và làm từ thiện, kẻ xấu mạo danh các thương hiệu lớn, dụ người dùng qua các chương trình, như "Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà", nhận phiếu mua hàng Co.opmart, VinMart, "Tham gia Quỹ phúc lợi Coca-Cola"... Người dùng, nếu làm theo, có thể bị chiếm đoạt tài sản. Kẻ xấu qua đó xâm nhập được hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.
Với hoạt động đầu tư, kẻ xấu sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao, khi bỏ tiền vào các sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, chẳng hạn dự đoán giá Bitcoin, vaccine Covid-19, robot chạy quảng cáo, "giật" đơn hàng online...
Ngoài ra, chiêu trò mạo danh các ngân hàng lớn để dụ người dùng nhập thông tin thẻ, hoặc mạo danh điện lực lừa người dùng nộp tiền... cũng được phản ánh nhiều thời gian qua.
Lừa đảo lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe
Theo các chuyên gia từ dự án Chongluadao.vn, thời gian qua, rất nhiều tên miền website có chữ "covid" đã được đăng ký. Nhiều người dùng Internet cũng phản ánh về việc nhận được email từ người nhận là nhân viên của các tổ chức y tế như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị mã độc tấn công, dẫn đến lọt thông tin cá nhân hoặc bị đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng.
Trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến, nhiều tài khoản quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus, test nhanh Covid-19, hoặc tuyên truyền các phương thuốc chữa bệnh chưa từng được kiểm chứng. NSCS cũng ghi nhận trường hợp kẻ xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.
Ở cả hai phương thức trên, các cuộc tấn công lừa đảo đều sử dụng các kỹ thuật cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.
Chuẩn bị triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 Người dân có thể tra cứu toàn bộ lịch sử, kết quả tiêm chủng vaccine Covid-19 trên app. Viettel vừa thông báo nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc đã sẵn sàng triển khai theo yêu cầu của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19. Sau khi...