Manila tố Bắc Kinh cố tình thông tin sai sự thật
Philippines đang phản ứng dữ dội việc Trung Quốc cố tình thông tin sai lệch sự thật, tung hỏa mù, thậm chí “nói năng ngược ngạo” trong cách thông tin liên quan đến tranh chấp giữa hai nước ở biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa DDG-112 Harbin của Trung Quốc trong một lần tập trận trên biển – Ảnh: Tân Hoa xã
Ngày 28-5, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ một báo cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Nội dung của báo cáo này viết hai nước đã nhất trí cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế (UNCLOS) “không thể được sử dụng làm căn cứ pháp lý để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”.
Video đang HOT
Mượn tiếng chuyên gia
Báo Tài Tân của Trung Quốc mới đây cho rằng Bắc Kinh phải đi đầu trong việc lập lại trật tự trên biển Đông và ngăn chặn những hành vi vi phạm. Chính vì thế, Trung Quốc sẵn sàng triển khai tàu chiến đến biển Đông khi cần. Tờ báo này còn lớn tiếng khẳng định quan tâm chính của Trung Quốc ở biển Đông là chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
Báo cáo này có tựa đề “Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh bãi Hoàng Nham: ai là chủ của bãi cạn này?” và tác giả là ông Cao Kiến Quân, một giáo sư về luật quốc tế thuộc ĐH Luật và khoa học chính trị Trung Quốc. Trong đó có một đoạn viết: “Sự thật là bãi Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) có nằm trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa của đảo Luzon gì đi nữa thì điều này cũng chẳng liên quan gì đến việc xác định lãnh thổ. Do đó, dù bãi cạn Scarborough có nằm gần Philippines hơn Trung Quốc đi nữa thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì trong việc giải quyết tranh chấp”.
Ông Cao còn dẫn chứng: năm 1997, phía Philippines đã tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough với Trung Quốc và cả hai bên đều đã đồng ý rằng việc gần kề về địa lý không phải là phương thức bắt buộc trong tuyên bố chủ quyền.
Báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez phản ứng khi nhấn mạnh Philippines luôn tuân thủ UNCLOS và đang sử dụng quyền lãnh thổ trong khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo Manila, bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales, miền trung Luzon 124 hải lý là hoàn toàn nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS.
Ông Raul Hernandez nhấn mạnh những gì Manila nhất trí với Bắc Kinh hồi đầu tháng 5-2012 chỉ là việc cả hai bên cần kiềm chế để không gây thêm bất kỳ căng thẳng nào ở bãi cạn Scarborough. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã nhắc lại yêu cầu này trong lần gặp mới đây với phía Trung Quốc.
“Tôi nói là không có thỏa thuận nào hết. Họ đang lải nhải rằng chúng tôi không tôn trọng thỏa thuận. Tôi thấy tôi nên nói rõ cho Trung Quốc hiểu rõ thông tin của họ là không chính xác” – Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nhấn mạnh tuyên bố.
Cố tình “đánh lận con đen”
Trước đó, ngày 14-5 tờ Thời Báo Hoàn Cầu và hàng loạt báo của Trung Quốc đã đưa tin Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã “hoan nghênh” lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành từ ngày 16-5 đến 1-8. Song chỉ ba ngày sau, báo Tài Chính Quốc Tế của Trung Quốc “sửa lại” rằng Tổng thống Philippines Aquino không thừa nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, nhưng Manila ủng hộ “mùa ngưng đánh bắt cá” ở biển Đông.
Báo chí Trung Quốc đã lập lờ trong thông tin của mình. Sự thật là, như báo Philippines Star vạch rõ: sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough, Philippines cũng có lệnh cấm riêng của mình nhằm bảo vệ nguồn hải sản ở Scarborough. Tổng thống Philippines Aquino hoan nghênh lệnh cấm đánh bắt cá của nước mình chứ không phải của Trung Quốc.
Cuối tháng 4-2012, Bộ Ngoại giao Philippines đã dừng các cuộc gặp ngoại giao với Đại sứ quán Trung Quốc. Đây là phản ứng mạnh nhất của Manila trong hai tháng qua khi Bắc Kinh lại đưa ra thông tin “sai sự thật”. Bộ Ngoại giao Philippines chỉ đích danh đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Khanh đã cố tình truyền đạt thông tin về một thỏa thuận “chưa bao giờ tồn tại” là toàn bộ tàu của Trung Quốc và Philippines đã rút khỏi Scarborough.
Khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định nước này đã rút tàu ngư chính 301 và một tàu hải giám khỏi khu vực Scarborough. Song đến 20g ngày 23-4, Philippines cho biết tàu ngư chính 301 vẫn xuất hiện cách bãi cạn này 8 hải lý về phía đông nam. Cùng lúc, tàu ngư chính CMS 71 và năm tàu cá của Trung Quốc xuất hiện cách bãi cạn Scarborough 12 hải lý. Đến nay, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết có 16 tàu lớn và gần 90 tàu đánh cá loại nhỏ của Trung Quốc đang ở gần bãi cạn này.
Truyền thông Philippines cho rằng Bắc Kinh đang cố tình tung hỏa mù, gieo rắc thông tin sai lệch, bóp méo sự thật nhằm che đậy chính sách bá quyền trên biển Đông.
Theo Tuổi Trẻ