Mạnh Trường: ‘Được đóng vai Bác Hồ là vinh dự lớn trong đời’
“Thầu Chín ở Xiêm” là tác phẩm điện ảnh kể về quãng thời gian Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín.
Thích những vai diễn “vất vả”
- Có tần suất xuất hiện trên màn ảnh không nhiều nhưng anh lại “để dành” được nhiều vai diễn ấn tượng, ghi dấu ấn đậm nét với người xem. Việc xuất hiện không nhiều có phải do anh là một diễn viên “kén” kịch bản?
- Được khán giả nhớ mặt qua các vai diễn đối với tôi là một niềm vui và thành công lớn rồi. Còn nói là “kén” thì cũng không hẳn. Là diễn viên ai cũng muốn mình sẽ được đảm nhận những vai nhiều màu sắc, hấp dẫn và “nặng đô”.
Bản thân tôi cũng là người cầu toàn nên mỗi khi nhận được lời mời đóng phim là tôi suy nghĩ lung lắm. Tôi muốn thà đóng ít phim nhưng mình có sự đầu tư, ra được vai diễn ấn tượng còn hơn là nhận nhiều vai diễn nhưng thể hiện mờ nhạt, làm ảnh hưởng đến cả bộ phim.
- Vậy một kịch bản như thế nào sẽ dễ dàng hấp dẫn được anh?
- Tôi thích những vai diễn “vất vả”, khi tôi nhận lời thì tôi phải nghiên cứu kịch bản, mày mò tìm hiểu nhiều yếu tố, vấn đề. Vai diễn càng khó khăn bao nhiêu, khi thể hiện thành công, người nghệ sĩ càng thấy “sướng” bấy nhiêu.
Bản thân tôi rất thích những vai thiên về tâm lý, nhân vật có cuộc sống nội tâm phong phú, nhiều màu, ban đầu có thể hiền lành tốt bụng nhưng rồi trở nên biến chất, suy đồi, bệnh hoạn. Hoặc ngược lại, những con người sống cảnh đời giang hồ, làm chuyện ác nhưng vẫn có những ẩn ức sâu kín bên trong.
Diễn viên Mạnh Trường xuất thân từ nghề người mẫu nên anh có ngoại hình sáng và ăn hình.
- Là một diễn viên sở hữu ngoại hình đẹp, anh có coi đây là lợi thế của mình?
- Sở hữu ngoại hình đẹp là lợi thế không chỉ của diễn viên mà của bất cứ ai hoạt động trong ngành nghệ thuật. Tuy nhiên đây chỉ là một “điểm cộng” nhỏ chứ không phải là toàn bộ vấn đề.
Khán giả bây giờ xem phim rất tinh tế, họ không chỉ cần một diễn viên đẹp mà còn cần những nghệ sĩ có tài. Một diễn viên đẹp sẽ dễ được chú ý lúc ban đầu, nhưng nếu chỉ có ngoại hình thôi thì không thể đọng lại lâu trong tâm trí khán giả được.
- Ngoại hình của anh rất phù hợp với loại hình phim thần tượng hoặc phim hiện đại, nhưng anh lại thường nhận lời mời tham gia những phim cách mạng, cổ điển hơn. Đây là người chọn phim hay phim chọn người?
Video đang HOT
- Người chọn phim hay phim chọn người, mỗi ý đều có cái đúng riêng. Diễn viên có lẽ ai cũng muốn xây dựng cho mình một “gu” phim riêng, nhưng hiện nay chúng ta chưa có quá nhiều kịch bản chất lượng, nếu cứ kén chọn mãi thì dễ “ế” lắm (cười).
Bản thân tôi muốn được trải nghiệm qua nhiều thể loại phim, nhiều dạng vai đa chiều để thể hiện được khả năng. Nhưng có lẽ nhờ duyên với dòng phim cách mạng nên được các đạo diễn giao cho khá nhiều vai diễn “nặng đô”.
Việc thực hiện một bộ phim cách mạng khó hơn việc quay một bộ phim hiện đại rất nhiều, vì vốn dĩ dòng phim này kén khán giả hơn, các khâu xây dựng bối cảnh, kỹ thuật quay, hiệu ứng cháy nổ, diễn xuất của diễn viên cũng được yêu cầu cao hơn.
Đó là chưa kể nếu 1, 2 diễn viên dù chính hay phụ thể hiện “lạc tông” là cả đoàn lại phải hì hụi làm lại.
Diễn viên đóng phim cách mạng cũng phải tìm hiểu nhiều kiến thức lịch sử, xã hội khác. Bù lại, việc trải nghiệm cảm giác làm sống dậy lịch sử qua từng thước phim là một cảm giác rất tuyệt vời.
Được đóng vai Bác Hồ là vinh dự lớn trong đời diễn viên
- Cơ duyên nào đã đưa anh vào việc đảm nhận vai Bác Hồ thời trẻ trong phim Thầu Chín ở Xiêm? Anh có thể kể cho độc giả biết về quá trình casting bộ phim này?
- Tôi được nhận vai Bác Hồ trong bộ phim Thầu Chín ở Xiêm một cách rất tình cờ. Khi đang đóng được một nửa phim Đường lên Điện Biên thì đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng có gọi tôi đến nói về một dự án anh đang ấp ủ về đề tài cuộc đời của Bác, và ngỏ ý mời tôi nhận vai chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ.
Lúc đó tôi rất ngỡ ngàng, cảm giác sung sướng xen lẫn chút hồi hộp, lo lắng. Được tái hiện hình ảnh Bác Hồ là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn của tôi trong nghiệp diễn. Tuy nhiên tôi cũng hơi áp lực vì sợ rằng mình không thể hiện hết được thần thái của Bác Hồ.
Tạo hình Bác Hồ thời trẻ của diễn viên Mạnh Trường.
- Anh đã mất bao lâu để chuẩn bị cho vai diễn này, và anh chuẩn bị như thế nào?
- Khi tôi nhận kịch bản, yêu cầu đầu tiên của đạo diễn dành cho tôi là phải giảm cân để có ngoại hình giống với Bác hơn. Tôi đã giảm hơn 6 kg trong vòng chưa đầy 1 tháng, chủ yếu là nhờ chế độ ăn hạn chế và tăng cường thời gian tập thể dục.
Khẩu phần ăn bị cắt giảm, vừa phải luyện tập lại vẫn hoàn thành những dự án phim còn dang dở nên trong thời gian đó tôi thờng xuyên bị… đói (cười).
Ngoài ra, trước khi phim bấm máy, tôi đã chủ động nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Bác, đặc biệt là những đoạn băng phim ghi lại những hình ảnh của Bác trong cuộc sống đời thường cũng như trong lúc Người làm việc.
Tôi cũng xem lại những bộ phim về Bác được quay trước đó để học hỏi kỹ năng diễn xuất từ các bậc tiền bối như chú Tiến Hợi hay chú Trần Lực.
- Theo anh, yếu tố khó nhất khi thể hiện vai diễn Bác Hồ là gì?
- Điểm khó nhất khi tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ trên màn ảnh là phải diễn sao cho đạt đến thần thái của Người. Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một con người rất đặc biệt, vừa cương quyết, mạnh mẽ vừa bao dung, ân cần, đôi khi lại khá dí dỏm.
Thêm vào đó là trước đây có rất nhiều diễn viên gạo cội từng đảm nhận vai diễn Bác Hồ. Tái hiện hình ảnh chân thực về Bác nhưng làm sao để tạo nên dấu ấn riêng của bản thân mình trong vai diễn cũng là một thách thức khá lớn đối với tôi.
Ban đầu tôi chỉ cố gắng hết sức để bộ phim không bị chê bai khi ra rạp thôi, nhưng khi phim ra mắt, nhận được nhiều nhận xét tích cực từ giới chuyên môn và khán giả thì tôi biết mình đã thành công.
Mạnh Trường khá có duyên với những vai diễn cách mạng. Trước đó anh có tham gia bộ phim Đường lên Điện Biên và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
- Vậy nếu giờ được thể hiện lại hình ảnh Bác Hồ, anh có nghĩ mình sẽ có bổ sung, sáng tạo gì mới để vai diễn hoàn thiện hơn không?
- Trong quá trình làm phim tôi luôn cố gắng hết sức để thể hiện vai diễn một cách trọn vẹn nhất. Tất nhiên mỗi lần quay, người diễn viên sẽ có một xuất thần riêng, chính điều đó khiến cho mỗi lần quay họ lại tạo nên một sắc thái biểu cảm riêng không trùng lặp.
Nếu thể hiện lại, có thể tôi sẽ làm tốt hơn, cũng có thể không làm được như thế, nhưng tôi trân trọng những gì mình đã làm được trong Thầu Chín ở Xiêm.
Sống tốt với thu nhập từ nghệ thuật
- Giữa phim điện ảnh và phim truyền hình anh có xu hướng muốn đóng thể loại nào hơn?
- Ở những nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, sự phân cấp giữa điện ảnh và truyền hình rất rõ ràng. Nhưng ở Việt Nam, ranh giới này mong manh lắm. Phim điện ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao, được đầu tư mạnh tay nhưng phim truyền hình có ưu điểm là đến được với số đông khán giả.
Với tôi, hoạt động nghệ thuật nên lấy khán giả là thước đo quan trọng nhất. Tôi luôn cố gắng dung hòa giữa điện ảnh và truyền hình.
Diễn viên Mạnh Trường hiện có gia đình hạnh phúc bên vợ và hai thiên thần nhỏ.
- Đóng phim mang đến những gì cho cuộc sống của anh?
- Hiện tôi chỉ hoạt động nghệ thuật và không có nghề tay trái nào cả. Số tiền cát xê đủ để tôi sống tốt và dành toàn bộ thời gian, tâm huyết vào các dự án phim.
Trong những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam có chất lượng khá tốt và các diễn viên đã có thể sống với thu nhập đến từ nghề. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho các anh em nghệ sĩ.
- Nếu được mời lại sàn diễn, anh có suy nghĩ tới việc nhận lời?
- Tôi tham gia nghề người mẫu từ khi học lớp 12. Ngay từ ban đầu tôi đã xác định nghề mẫu là bước đà để mình đến với nghệ thuật, còn cái đích tôi hướng đến vẫn là nghiệp diễn. Thế nên khi chia tay sàn catwalk để theo học trường Sân khấu điện ảnh rồi làm diễn viên chuyên nghiệp, tôi không hề hối tiếc gì cả.
Phải nói thật là nghề mẫu ở Thủ đô kém phát triển hơn khu vực phía Nam, rất nhiều bạn bè hoạt động cùng tôi những ngày đầu, giờ đều đã vào TP HCM để phát triển sự nghiệp. Nghề mẫu có tuổi đời khá ngắn, khi đã bước đến ngưỡng U30 thì coi như cánh cửa sự nghiệp đã gần khép lại. Trong khi đó một diễn viên có thể sống và làm nghề đến tận tuổi 70.
- Giả sử nếu được mời tham gia một bộ phim điện ảnh có nhiều cảnh nóng hay cảnh đồng tính, anh quyết định thế nào?
- Cái này chắc tôi còn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc xem tổng thể kịch bản có hay không, đạo diễn là ai, bản thân mình có cáng đáng được cảnh nóng đó hay không. Có nhiều bộ phim kịch bản hay nhưng khi chuyển thể lên màn ảnh thì lại không thật sự trọn vẹn. Nếu không đóng cảnh nóng trong phim này, thì còn nhiều tác phẩm trong tương lai chờ đợi mình. Nhưng chỉ cần một lần diễn lố, diễn dở thì sẽ bị áp lực trong thời gian dài.
Với tôi nghệ thuật là niềm đam mê, nhưng gia đình mới là nền tảng của cuộc sống. Khi lấy vợ, tôi và vợ đã thống nhất nhiều chuyện, cô ấy là người luôn âm thầm giúp đỡ, ủng hộ tôi, nên chắc chắn sẽ không có chuyện ghen tuông hay phản đối tôi đóng phim có cảnh nóng. Vấn đề là bản thân tôi thấy cảnh nóng đó có phù hợp hay không mà thôi.
- Anh có thể chia sẻ về dự án phim tiếp theo của anh?
- Bộ phim Người đứng trong gió do tôi đóng vai nam chính sẽ lên sóng VTV vào tháng 6 tới. Đây là thể loại vai mà tôi rất thích, kể về một người đàn ông ban đầu hiền lành, tốt tính, nhưng sau đó trượt dài và trở nên bệnh hoạn, tàn ác. Nhưng trong sâu thẳm người đàn ông này vẫn chất chứa tình yêu thương vô bờ dành cho đứa con của mình.
Theo Huyền Trang/Đất Việt