Mảng tư vấn, kỳ vọng sẽ nóng vào năm sau
Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2019 diễn ra rất chậm, khiến các công ty chứng khoán “thất thu”, nhưng kỳ vọng năm tới sẽ sôi động hơn.
Hàng năm, những công ty chứng khoán hoạt động lành mạnh và có vị thế dẫn đầu trong các mảng nghiệp vụ được nhà quản lý ghi nhận và vinh danh
“Chẳng làm được gì cả…”
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán APG (APG) than phiền như vậy, khi năm 2019 sắp qua đi nhưng mảng tư vấn thoái vốn, tư vấn cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán gần như không có đóng góp gì cho doanh thu của Công ty.
Đến thời điểm này, APG đã tham gia tư vấn thoái vốn cho một số doanh nghiệp, nhưng chưa chốt được thương vụ nào, bởi sau khi phương án tư vấn được Công ty đề xuất thì khách hàng là doanh nghiệp thoái vốn lại trình cấp có thẩm quyền xem xét. Có trường hợp, thời gian xem xét này kéo dài đã 6 tháng, nhưng đến nay vẫn không triển khai được. Bởi lẽ, cả doanh nghiệp thoái vốn lẫn bộ, ngành là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước… đều sợ trách nhiệm, trong bối cảnh gần đây có không ít sai phạm trong thoái vốn nhà nước bị phát hiện, khiến lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước bị kỷ luật.
Ông Huỳnh Văn Tốt, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Beta nhận xét, công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chậm khiến cơ hội để các công ty chứng khoán có doanh thu từ mảng tư vấn thoái vốn trong năm 2019 quá ít.
Nếu như “căn bệnh” sợ trách nhiệm khiến cho thương vụ bán vốn khó “ra chợ”, thì có không ít thương vụ đã mang hàng ra chợ, nhưng chẳng ai mua vì giá bán cao. Tâm lý thà định giá cao để giảm rủi ro trách nhiệm khiến các doanh nghiệp, bộ, ngành có vốn cần thoái thường chọn phương án định giá cao nhất mà đơn vị tư vấn đưa ra cho an toàn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa rơi vào cảnh ế ẩm, vì nhà đầu tư chê giá cao.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, không ít bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu doanh nghiệp chưa quyết liệt, chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chậm bàn giao doanh nghiệp hậu cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Việc chậm đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán cũng khiến tiến trình thoái vốn nhà nước chậm. Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương còn nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định. Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử, vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Video đang HOT
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thoái vốn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm nay, chỉ có 12/62 doanh nghiệp theo Quyết định 1232/2017/Q-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020 đã thực hiện thoái vốn, với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng.
Ở vai trò của một đơn vị tổ chức thoái vốn, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ( HNX) cho thấy, trong tháng 10/2019, HNX chỉ diễn ra 3 phiên bán đấu giá thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình. Lũy kế 10 tháng đầu năm, HNX đã tổ chức 29 phiên đấu giá, trong đó có 25 phiên thoái vốn, 2 phiên chào bán cổ phần lần đầu và 2 phiên phát hành ra công chúng. So với cùng kỳ năm 2018, số phiên đấu giá qua HNX giảm 2 phiên, nhưng tổng số cổ phần đưa ra đấu giá giảm 8 lần, số cổ phần trúng giá giảm 4,3 lần, tổng giá trị cổ phần bán được giảm 2,9 lần.
Kỳ vọng sẽ được “làm nóng” trong năm 2020
“Nếu những điểm nghẽn nêu trên về thoái vốn nhà nước không được tháo gỡ kịp thời cả về cơ chế, chính sách lẫn cung cách tổ chức triển khai, thì hoạt động thoái vốn dù chúng tôi rất muốn tin là sẽ sôi động trong năm tới, nhưng không chắc niềm tin đó có trở thành hiện thực hay không. Thời gian qua, các cấp quản lý đã không ít lần thể hiện quyết tâm, nhưng khoảng cách từ lời nói đến kết quả chuyển động trên thực tế còn lớn, nên tiến trình thoái vốn ì ạch kéo dài. Có nghĩa là nếu không có cách tiếp cận và thực hiện đột phá, thì không dễ làm nóng tiến trình thoái vốn trong năm 2020″, ông Trần Thiên Hà nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thoái vốn và năm 2020 là thời hạn cuối cùng của kế hoạch thoái vốn theo Quyết định 1232/2017/Q-TTg, kỳ vọng tiến trình thoái vốn trong năm tới sẽ sôi động, giúp các công ty chứng khoán bận rộn trở lại với hoạt động tư vấn thoái vốn.
Liên quan đến hướng khắc phục bất cập của cơ chế về xác định giá trị lịch sử, văn hóa, ông Tiến cho hay, Bộ Tài chính đang lên phương án sửa đổi Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/N-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, theo hướng đề xuất bãi bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử khi xác định giá trị các khoản vốn nhà nước cần thoái. Các giá trị này sẽ được quy về tính vào giá trị vô hình như quy định hiện hành đã có cách tính.
Đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá, quyết liệt
Ông Nguyễn Quốc Bình, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hanel
Theo Quyết định 1232/2017/Q-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 sẽ thoái vốn tại hơn 400 doanh nghiệp. Trong năm 2018, phải thoái vốn 181 doanh nghiệp, năm 2019 phải thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018 mới thực hiện thoái vốn được tại 54 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chậm…
Với tiến độ chậm như hiện nay, để đến hết năm 2020 hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch của Chính phủ, cần phải có những giải pháp dứt điểm và quyết liệt. Lý do chính làm cho quá trình thoái vốn nhà nước chững lại là việc đánh giá lợi thế quyền thuê đất theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Quá trình các địa phương xác định giá đất kéo dài, vì đây là vấn đề khá nhạy cảm, dẫn đến đa số cơ quan chức năng tại các địa phương chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành, trung ương. Vấn đề không phải là vì doanh nghiệp tiến hành thoái vốn chậm, mà do các cơ quan chính quyền làm chậm, nhưng trách nhiệm này chưa được làm rõ.
Việc chậm trễ trong thoái vốn nhà nước gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước và doanh nghiệp. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đột phá, quyết liệt để tháo gỡ nút thắt, vướng mắc hiện nay trong thoái vốn nhà nước bằng những hướng dẫn cụ thể, công khai tiến độ triển khai, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thoái vốn, trước tiên là của người đứng đầu để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Thắp kỳ vọng giảm lãi suất tái cấp vốn?
Cân đối các quy định lãi suất và cơ chế, có thể đặt kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn.
Ảnh minh họa.
Như BizLIVE thông tin ở bài viết trước, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 24 quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng.
So với trước đây, thông tư vừa ban hành đã đưa việc cho vay tái cấp vốn qua hình thức trên để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành, lĩnh vực được khuyến khích phát triển vào quy định "Mục đích" của chính sách. Trước đây, mục đích chính của cho vay tái cấp vốn chủ yếu nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Như vậy, về quy trình, các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận kênh tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để thêm nguồn cho vay các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy, khi so sánh các quy định lãi suất hiện hành, kênh và cơ chế trên đang rất hạn chế.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn hiện nay Ngân hàng Nhà nước áp dụng 6%/năm. Trong khi đó, với quyết định vừa qua, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ngành, lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Như vậy, trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên trên cũng đã ngang bằng với mức lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, cùng 6%/năm.
Theo đó, cơ chế và mục đích tái cấp vốn quy định trong Thông tư 24 vừa ban hành trở nên hạn chế trên thực tế. Vì tổ chức tín dụng sẽ hạn chế động lực và nhu cầu vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 6%/năm để rồi cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên tối đa cũng chỉ 6%/năm theo trần quy định hiện hành, không có lãi khi cho vay ngắn hạn.
Với thực tế đó, cơ chế cho vay tái cấp vốn chủ yếu chỉ nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản. Để mục đích "hỗ trợ nguồn vốn cho vay" các lĩnh vực ưu tiên như Thông tư 24 nêu, lãi suất tái cấp vốn - chi phí vốn cần có chênh lệch đáng kể so với trần lãi suất cho vay ngắn hạn nói trên.
Để tạo chênh lệch, cũng như tính khả thi của cơ chế, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn có thể đặt ra thời gian tới.
MINH ĐỨC
Theo Bizlive.vn
Cổ phiếu giảm sâu, Thaco tiếp tục đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HAGL Agrico Trước đó Thaco đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HNG, tuy nhiên do mức giá cổ phiếu trên thị trường chưa phù hợp với kỳ vọng nên Thaco đã không mua được cổ phiếu nào. CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa thông báo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai...