“Mạng nhện” sở hữu chéo ngân hàng đã gỡ đến đâu?
Hiện nay vẫn một số nhà băng chần chừ, chưa quyết liệt giảm tỷ lệ sở hữu vượt quá quy định tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác khiến tình hình sở hữu chéo tại Việt Nam chưa thể thoát khỏi sơ đồ mạng nhện.
Ảnh minh họa.
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều TCTD chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp.
Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).
Tuy nhiên sau hơn một năm, các ngân hàng thương mại vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác.
Những tín hiệu đáng mừng
Cho đến gần đây, một số ngân hàng mới thực thi về việc thoái vốn. VietinBank đã đem đấu giá gần 16,9 triệu cp Saigonbank để thực hiện thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn. Mặc dù giá khởi điểm đưa ra 10.800 đồng/cổ phần tuy nhiên đã có 10 cá nhân (không có tổ chức nào tham gia) tranh nhau đặt mua với số lượng gấp 4 lần lượng cổ phần VietinBank bán đấu giá công khai.
Kết quả là, toàn bộ 16,875 triệu cổ phần đã được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân. Với mức giá đấu thành công bình quân 12.500 đồng/cổ phần, ước tính VietinBank thu về số tiền gần 211 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng bởi trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp ngân hàng rao bán cổ phiếu giá rẻ ví như mớ rau nhưng vẫn ế trơ khi không một nhà đầu tư nào tham gia giao dịch.
Trong khi đó, vào thời điểm tháng 2/2016, thương vụ thoái vốn của Maritime Bank tại MB cũng đã thu hút sự quan tâm của thị trường.
Maritime Bank đã chuyển nhượng 64,2 triệu cổ phiếu MBB đang sở hữu – tương đương 4% vốn – cho nhóm các nhà đầu tư thuộc Dragon Capital. MaritimeBank không công bố mức giá chuyển nhượng, tuy nhiên tính theo giá cổ phiếu của phiên 19/2 thì số tiền mà nhà băng này thu về xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Kết quả hiện tại Maritimebank chỉ còn nắm dưới 5% tại MB từ mức 8,96% trước đó.
Video đang HOT
Sẽ “buông” dần
Hiện Vietcombank là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất, sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng Quân đội (MBB); 8,19% cổ phần Eximbank; 5,07 vốn tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,3% vốn tại SCB, ngoài ra Vietcombank cũng đang sở hữu 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.
Trước sức ép thoái vốn theo đúng quy định, Vietcombank sẽ bỏ ai và chọn ai? Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước mắt NHNN cho phép Vietcombank giữ nguyên tỷ lệ này tại ngân hàng Quân đội (MBB) – đây là ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm ngân hàng sẽ nghiên cứu và chỉ giữ lại cổ phần ở 2 ngân hàng. Việc giữ lại ngân hàng nào hay bán cổ phần đơn vị nào ngân hàng sẽ căn cứ vào tín hiệu thị trường và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Đối với OCB và Saigonbank giá trị thấp chỉ hơn 100 tỷ, mức đầu tư quá nhỏ bé so với tổng tài sản của Vietcombank.
Như vậy, Vietcombank sẽ phải chọn 1 trong 4 TCTD trên ngoài MBB để giữ lại cổ phần sở hữu và thoái vốn tại 3 TCTD còn lại.
Một cái tên khác là Eximbank. Mặc dù tổ chức 2 lần ĐHĐCĐ đều bất thành, song trong nội dung thảo luận Eximbank cũng không đề cập đến việc sẽ thoái 8,76% vốn đang nắm giữ tại Sacombank. Cũng chính vì sở hữu chéo mà ngân hàng này đang vấp phải những tranh cãi gay gắt về vấn đề nhân sự, về vị trí những chiếc ghế lèo lái ngân hàng. Một trong hai nhóm cổ đông đề cử vào chiếc ghế quản trị – đang nắm giữ trên 10% vốn tại Eximbank lại từng là lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng khác.
Đang phải đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ, vì vậy mục tiêu giảm sở hữu chéo của ngân hàng này tại Sacombank chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi thêm.
Thực tế, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo có ở hầu hết các hệ thống tài chính, hệ thống các TCTD trên thế giới với quy mô và độ phức tạp khác nhau. Ở Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD là vấn đề có tính lịch sử, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất…
Theo các chuyên gia ngân hàng, mặc dù quy mô sở hữu chéo trực tiếp tại Việt Nam chưa lớn, nhưng có nhiều hình thức khác nhau khá phức tạp. Sở hữu chéo cũng là một trong những vật cản trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Vì vậy, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết. Và tất nhiên là phải cho các ngân hàng một lộ trình thoái vốn, song cũng cần tiến hành kiên quyết, bởi càng để lâu, càng khó xử lý.
Theo Bizlive
Phiên giao dịch chiều 30/5:CP chứng khoán và BĐS đồng loạt tăng
KBC phiên hôm nay thỏa thuận 3,6 triệu cổ phiếu, trị giá 49,68 tỷ đồng.
Rõ ràng thông tin sửa đổi thông tư 36 đã giúp các cổ phiếu bất động sản trên thị trường giao dịch rất khởi sắc. Các cổ phiếu như CCL, HAR, NVT, SGR, SII và UDC đều đã được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, CEO, DRH, FLC, HBC... cũng đều duy trì được sắc xanh tốt.
Sau khi nhóm cổ phiếu BĐS giao dịch khởi sắc, các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán cũng bắt đầu &'nổi sóng', các cổ phiếu như SSI, HCM, VIX, IVS...cũng đồng loạt tăng giá. SSI phiên hôm nay tăng 800 đồng lên 21.600 đồng/CP và khớp lệnh được hơn 3,3 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào hơn 1,2 triệu đơn vị. HCM cũng tăng 1.100 đồng lên 31.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,48 triệu đơn vị.
Ngoài ra, khá nhiều cổ phiếu trụ cột khác như VIC, VCB, HPG, KDC, BVH, BID, VCG... đều nhích lên trên mốc tham chiếu, đây cũng chính là những nhân tố chính giúp cả hai chỉ số duy trì được đà tăng khá mạnh. VIC tăng 2.000 đồng lên 53.500 đồng/CP. VCB tăng 1.500 đồng lên 46.800 đồng/CP.
Chiều ngược lại, một vài mã trụ cột khác như VNM, GMD, NTP, PGS, SHB... vẫn chìm trong sắc đỏ và phân nào kìm hãm đà tăng của hai chỉ số, điều này khiến chỉ số VN-Index chưa thể vượt mốc 615 điểm.
Phiên hôm nay, ITA vẫn dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên HOSE, đạt hơn 5,5 triệu đơn vị. Trên HNX, vị trí thứ nhất về khối lượng khớp lệnh thuộc về SCR, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.
Về giao dịch thỏa thuận, KBC phiên hôm nay thỏa thuận 3,6 triệu cổ phiếu, trị giá 49,68 tỷ đồng. LAS và KHB thỏa thuận lần lượt 2 triệu cổ phiếu và 1,4 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 6,39 điểm (1,04%) lên 614,5 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 85 mã giảm và 97 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 111 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.859 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index phiên hôm nay cũng tăng 0,13 điểm (0,17%) lên 81,53 điểm. Toàn sàn có 108 mã tăng, 88 mã giảm và 164 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 51,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 591 tỷ đồng.
Phiên giao dịch sáng nay, sắc xanh ở nhóm cổ phiếu lớn đã chiếm ưu thế hơn và giúp cả hai chỉ số đều có được mức tăng điểm. Trong đó, các mã như VIC, VCB, SSI, FPT, KDC, VCG... đều đồng loạt tăng giá. Khép phiên sáng, VIC tăng 1.000 đồng lên 52.500 đồng/CP. VCB tăng 400 đồng lên 45.700 đồng/CP. MBB tăng 200 đồng lên 15.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,3 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào hơn 1,2 triệu đơn vị và không bán ra.
Chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn còn hiện hữu trên một vài cổ phiếu lớn khác như GND, HSG, MSN, PVS, NTP... điều này khiến đà tăng của hai chỉ số không được nới rộng thêm.
Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay diễn ra vẫn khá ảm đạm, dòng tiền chỉ tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản như ITA, FLC, KBC, IJC... Trong đó, ITA tăng 100 đồng lên 4.500 đồng/CP và dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 4,5 triệu đơn vị. Các mã FLC, HQC, KBC và IJC đều khớp lệnh trên 2 triệu đơn vị.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 2,71 điểm (0,45%) lên 610,82 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 82 mã giảm và 77 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 63,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạthơn 958 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,08 điểm (0,1%) lên 81,48 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 91 mã giảm và 212 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 283 tỷ đồng.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với những diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn, trong đó, sắc xanh đang chiếm ưu thế và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, các mã như VIC, VCB, FPT, MBB, KDC... đều đồng loạt tăng giá. Hiện tại, VIC đang tăng mạnh 1.000 đồng lên 52.500 đồng/CP. VCB tăng 300 đồng lên 45.600 đồng/CP. VCG tăng mạnh 700 đồng lên 1.300 đồng/CP.
Chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên một số cổ phiếu lớn khác trên thị trường là CTG, EIB, VNM, STB, MSN, PVS...
Được biết, cuối ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đối với hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản, Thông tư 36/2014 dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%. Việc nâng HSRR sẽ được áp dụng thực hiện từ 1/1/2017.
Thông tin trên được cho là phần nào sẽ ảnh hưởng tích cực tới các cổ phiếu bất động sản. Hiện tại, các cổ phiếu bất động sản trên thị trường đang giao dịch tương đối tích cực, các mã nhưu HAR, DXG, DRH, CCL, KBC, LDG, NVT, SII... đều đồng loạt tăng giá. Hiện tại, dòng tiền trên thị trường tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản. Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, 5 cổ phiếu dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên HOSE lúc này đều thuộc nhóm BĐS là ITA, IJC, HQC, NTL và FLC. Trong đó, ITA khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt hơn 3,35 triệu đơn vị.
Chỉ số VN-Index hiện tại đang tăng 1,57 điểm (0,26%) lên 609,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 34,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 485 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,15 điểm (0,18%) lên 81,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15,4 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 185 tỷ đồng.
Theo NDH
Xáo động thị trường bất động sản vì chính sách thiếu nhất quán Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tưởng dừng rồi tiếp tục triển khai; Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước mới áp dụng chưa đầy một năm đã sửa. Sự thiếu nhất quán về cơ chế chính sách thời gian vừa qua đã làm xáo động thị trường bất động sản (BĐS) vốn rất nhạy cảm. Tạo sóng dư luận...