Mang nghìn tỷ ra nước ngoài, ngân hàng Việt đang làm ăn ra sao nơi xứ người?
Đầu tư hàng nghìn tỷ ra thị trường nước ngoài nhưng các ngân hàng Việt nhận về kết quả trái ngược nhau. Có ngân hàng lỗ cả trăm tỷ mỗi năm tại nước ngoài.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm gần nhất (2018), Vietinbank, BIDV và Vietcombank đang là những ngân hàng có hoạt động tại nước ngoài lớn nhất.
Trong khi đó, ngân hàng với quy mô cho vay lớn nhất Việt Nam là Agribank mới chỉ có khoảng 812 tỷ đồng dư nợ tại thị trường nước ngoài. Mức cho vay này chỉ tương đương chưa tới 1/30 so với nhóm ngân hàng cùng quy mô trong nước.
Lãi lớn ở nước ngoài
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của Vietinbank Lào (Vietinbank sở hữu 100% vốn) cho biết sau gần 7 năm có mặt tại thị trường này, vốn điều lệ của ngân hàng hiện đạt 50 triệu USD và tổng tài sản đã đạt khoảng 358 triệu USD. Trong đó, ngân hàng đã giải ngân cho vay hơn 249 triệu USD, và tổng nguồn vốn huy động đạt gần 299 triệu USD.
Về kết quả kinh doanh cùng năm, Vietinbank Lào ghi nhận 5,87 triệu USD lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ ROE đạt khoảng 7,29%, tương đương tỷ lệ ROE của ngân hàng mẹ tại Việt Nam là gần 8%.
Tương tự, Vietcombank cũng có một ngân hàng con tại Lào, nhưng mới chỉ được thành lập từ tháng 7/2018 với vốn điều lệ 1.820 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, hoạt động của Vietcombank Lào chủ yếu là quảng bá hình ảnh và phát triển các sản phẩm cho vay ban đầu.
Vietcombank cũng sở hữu một công ty tài chính tại Hong Kong là Công ty tài chính Việt Nam (VFC). Công ty này bao gồm cả hoạt động nhận tiền gửi, tín dụng, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền như một ngân hàng thu nhỏ. Trong năm 2018, VFC thu về gần 20 tỷ đồng lãi trước thuế.
Không tiết lộ kết quả kinh doanh của ngân hàng con tại Lào, tuy nhiên, Vietcombank cho biết tổng thu nhập hoạt động từ thị trường nước ngoài của nhà băng này đạt 89 tỷ đồng năm vừa qua. Sau khi trừ các chi phí liên quan và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thị trường quốc tế mang về gần 22 tỷ đồng lãi trước thuế.
Tính ra, Vietcombank Lào mới đóng góp xấp xỉ 2 tỷ đồng trong kết quả lợi nhuận chung của ngân hàng năm vừa qua. Tuy nhiên, Vietcombank vẫn kỳ vọng trong năm nay ngân hàng tại Lào sẽ thu về 1,72 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Riêng quý I đầu năm, lãi trước thuế từ thị trường nước ngoài đã mang về cho ngân hàng khoảng 15 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Video đang HOT
Đi sau trong việc “xuất ngoại”, nhưng Vietcombank đang vượt mặt các nhà băng còn lại với việc dự kiến mở văn phòng đại diện tại New York (Mỹ) vào quý III năm nay.
Theo đó, ngân hàng đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Cơ quan Quản lý Tài chính New York (NDYFS) chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập văn phòng đại diện.
Xét ở thị trường nước ngoài, SHB cũng là ngân hàng đầu tư rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Lào và Campuchia.
Nhờ việc sớm “xuất ngoại” giúp SHB chiếm thị phần không nhỏ trong hoạt động tín dụng tại hai quốc gia này. Trong năm vừa qua, thị trường nước ngoài mang về cho ngân hàng này 347 tỷ đồng thu nhập và 161 tỷ lãi trước thuế, chiếm gần 8% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Chỉ riêng quý I vừa qua, ngân hàng của ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng thu về tới 81 tỷ đồng thu nhập và 48 tỷ đồng lãi trước thuế từ thị trường nước ngoài.
Những năm trước đó, thị trường nước ngoài đều mang về cho SHB hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm.
Kẻ lỗ tới hàng trăm tỷ đồng
Tuy nhiên, không phải ngân hàng Việt nào “xuất ngoại” cũng thu về lợi nhuận.
BIDV cũng có “ngân hàng con” đang hoạt động tại Lào là Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LVB). Đây chính là ngân hàng Việt đầu tiên được thành lập tại Lào từ năm 1999, do BIDV (sở hữu 65%) liên doanh với Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL).
Năm 2018, với mức vốn điều lệ 100 triệu USD và tổng tài sản xấp xỉ 1,13 tỷ USD (đứng thứ 3 toàn thị trường), LVB thuộc nhóm ngân hàng thương mại lớn về quy mô và hiệu quả tại Lào. Các chỉ số tài chính như huy động vốn và dư nợ cho vay đạt lần lượt hơn 1 tỷ USD và 809 triệu USD cùng năm.
Sacombank Lào lãi 30 tỷ đồng trước thuế năm 2018 thì Sacombank Campuchia lại lỗ tới 325 tỷ đồng. Ảnh: Sacombank
Sở hữu quy mô tín dụng lớn giúp LVB thu về tới 9,5 triệu USD lợi nhuận trước thuế năm vừa qua. Mức lợi nhuận cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính chung của BIDV lại cho biết kết quả kinh doanh bộ phận từ thị trường nước ngoài năm vừa qua lỗ trước thuế tới 93 tỷ đồng. Thậm chí, trong năm trước đó ngân hàng này cũng đã lỗ hơn 12 tỷ đồng.
Cũng sở hữu ngân hàng con tại Lào và Campuchia, năm gần nhất Sacombank thu về tổng cộng 296 tỷ đồng thu nhập từ hai thị trường này.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của 2 “ngân hàng con” lại trái ngược nhau. Trong khi Sacombank Lào lãi 30 tỷ đồng trước thuế năm 2018 thì Sacombank Campuchia lại lỗ tới 325 tỷ đồng. Tổng cộng, thị trường nước ngoài khiến Sacombank lỗ gần 295 tỷ đồng trước thuế.
Nguyên nhân chính khiến Sacombank Campuchia thua lỗ do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 335 tỷ đồng, gấp đôi tổng doanh thu tại thị trường này.
Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng của Sacombank Campuchia cũng chỉ vào khoảng 2.848 tỷ đồng, cho thấy chất lượng tín dụng mà Sacombank sở hữu tại thị trường Campuchia tương đối thấp.
Theo Thắng Quang/Zing.vn
Một số ngân hàng tăng lãi suất thẻ tín dụng
Một số ngân hàng vừa có thông báo đến khách hàng về việc thay đổi lãi suất thẻ tín dụng quốc tế đối với khách hàng cá nhân.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông báo đồng loạt tăng lãi suất đối với thẻ tín dụng Techcombank Visa, Vietnam Airlines Techcombank Visa hạng chuẩn và hạng vàng.
Theo đó, từ kỳ sao kê ngày 18/7, đối với nhóm chủ thẻ mới, ngân hàng này sẽ tăng lãi suất đối với thẻ tín dụng hạng Chuẩn từ 27,8%/năm lên 29,8%/năm; hạng thẻ Vàng tăng từ 27,8%/năm lên 28,8%năm.
Đối với nhóm chủ thẻ hiện hữu, lãi suất sẽ tăng từ 26,8%/năm lên 28,8%/năm với hạng thẻ Chuẩn; từ 26,8%/năm lên 27,8%/năm với hạng thẻ Vàng.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa ban hành Quy định về thay đổi lãi suất đối với thẻ tín dụng VPBank cho khách hàng cá nhân.
Theo đó, với dòng thẻ Classic: Sẽ tăng lãi suất từ 3,75%/tháng lên 3,99%/tháng với thẻ VPBank No.1 Mastercard; tăng từ 3,19%/tháng lên 3,49%/tháng với thẻ VPBank MC2 Mastercard.
Dòng thẻ Titanium, tăng lãi suất từ 2,79%/tháng lên 2,99%/tháng đối với thẻ VPBank StepUp Mastercard và thẻ VPBank Titanium Cashback MasterCard.
Tương tự, dòng thẻ Platinum của ngân hàng này cũng đồng loạt tăng lãi suất từ 2,59%/tháng lên 2,79%/tháng đối với các thẻ VPBank Platinum MasterCard, VPBank VNA Platinum MasterCard, VPBank Cashback MasterCard, VPBank Priority Platinum MasterCard, VPBank Priority VNA Platinum MasterCard, VPBank MobiFone Platinum MasterCard.
Một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất thẻ tín dụng
Trên thực tế, thẻ tín dụng bản chất là một "hình thức cho vay tiêu dùng". Hiện các ngân hàng trong nước chủ yếu liên kết với các tổ chức thẻ quốc tế để phát hành các thẻ tín dụng quốc tế.
Hiện nay, các ngân hàng thường miễn lãi cho các chi tiêu thẻ tín dụng trong khoảng 45 - 55 ngày, vì vậy nếu khách hàng trả đủ số tiền đã chi tiêu trong thời gian này sẽ không bị tính lãi suất. Nếu trả không trả đủ thì lãi suất sẽ bị tính từ sau khi hết thời hạn miễn lãi, và có thể sẽ phải chịu thêm một số loại phí khác.
Theo các chuyên gia thẻ, muốn tránh bị tính lãi suất thẻ tín dụng, bạn cần thanh toán ngay khoản tiền vừa giao dịch càng sớm càng tốt. Nếu không thanh toán được đầy đủ thì thanh toán một khoản bao nhiêu hay bấy nhiêu nhưng càng sớm càng tốt. Bởi trong phương pháp tính lãi suất theo dư nợ trung bình ngày (daily average balance), ngày nào tiền nhiều thì lãi nhiều, ngày nào tiền ít thì lãi ít, và không có tiền thì không có lãi.
Nếu đoán trước không thể trả hết số tiền nợ trong tháng này vào hạn chót trả nợ của tháng sau thì bạn không nên mua sắm tiếp trong những ngày của tháng sau. Bởi vì những giao dịch đó sẽ bị tính lãi do bạn chưa (hoặc có khả năng) không trả hết tiền nợ và như vậy, bạn bị mất quyền lợi miễn lãi (45 ngày).
Thông thường, nếu bạn để nợ trả không hết, thì phải mất ít nhất 2 tháng để lấy lại quyền miễn lãi.
Theo anninhthudo.vn
Nợ xấu ngân hàng Việt Nam giờ ra sao? Nợ xấu từng nhiều năm đè nặng lợi nhuận ngân hàng, nhưng sự ám ảnh đó nay đã bớt xấu... Theo tapchitaichinh.vn