Măng khô tẩm lưu huỳnh: Hậu quả khôn lường
Măng khô, thịt bò khô và cá biển sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm trên cả nước. Trong khi, hơn 5 tạ măng khô sấy lưu huỳnh vừa bị bắt giữ tại Thanh Hóa chưa được giám định.
Chờ kết quả giám định
“Khi có kết quả giám định lưu huỳnh trong măng khô mới có đủ cơ sở để xử lý người vi phạm cũng như tang vật thu được”- ông Nguyễn Văn Sang- Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 9 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, chiều 20/9.
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 18/9, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) phối hợp Đội quản lý thị trường (QLTT) số 9 tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và tạm giữ tang vật đối với hai cơ sở chế biến măng khô của ông Phạm Ngọc Mạnh ở thôn 4 và cơ sở của ông Đỗ Mạnh Hiền ở thôn Minh Khai 1 (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân).
Tang vật vi phạm thu giữ được là 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118kg lưu huỳnh (người dân thường gọi là diêm sinh) dùng để sấy măng.
Trung bình một lò sấy măng bằng lưu huỳnh trong vòng 24 giờ sẽ cho ra 50kg măng khô. Lưu huỳnh là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Chiều 20/9, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra và xử lý các cơ sở sử dụng chất lưu huỳnh để chế biến, bảo quản măng và các loại thực phẩm khác.
Ông Nguyễn Văn Sang cho biết, việc cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm và tạm giữ tang vật dựa trên cơ sở đây là hai cơ sở sản xuất không có giấy phép kinh doanh và sử dụng lưu huỳnh để làm khô, chống ẩm mốc sản phẩm măng.
Số lưu huỳnh thu giữ không có xuất xứ, nguồn gốc. Các cơ sở này hoạt động theo mùa vụ. Đợt sấy măng này, vừa được họ thực hiện 10 ngày. Ngày 21/9, sẽ chuyển mẫu thực phẩm măng sấy khô bằng lưu huỳnh đến Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hóa để giám định kết quả thành phần lưu huỳnh trong măng.
Sau khi có kết quả, lực lượng QLTT có thể sẽ xử phạt, tiêu hủy hoặc tái chế măng khô đang bị thu giữ đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng có khuyến cáo đối với người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Video đang HOT
Đây là vụ việc đầu tiên liên quan việc sử dụng lưu huỳnh trong thực phẩm măng mà cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa thực hiện. Được biết, khi sử dụng lưu huỳnh để sấy măng sẽ làm cho măng khô, có độ bóng, không bị ẩm mốc.
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có nhiều vùng khai thác được măng. Hằng năm vào các tháng 7,8,9, người dân vào rừng khai thác măng, luộc lên hoặc bán tươi cho các chủ thu mua.
Mỗi kg măng hái về (đã được luộc) bán tại địa bàn với giá từ 5.000-10.000 đồng. Thu nhập bình quân mỗi người dân địa phương vào mùa khai thác măng rộ từ 40.000-50.000 đồng/ngày.
Măng sử dụng chất lưu huỳnh để sấy khô bị thu giữ tại Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa
Soi hóa chất trên măng khô, thịt bò khô, cá biển
Chiều 20/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa yêu cầu Cục phải kiểm tra ATTP trên măng khô.
Theo ông Hồng, việc kiểm tra sẽ bắt đầu từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. “Sẽ kiểm tra ở một số địa phương chuyên sản xuất măng, một số thành phố tiêu thụ măng nhiều. Việc kiểm tra diễn ra đột xuất, lấy mẫu phân tích, kể cả ở các cơ sở kinh doanh măng khô” – ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết, trên măng khô, kể cả măng tươi, không lo ngại về vi sinh vật vì thường nấu chín. Chất lưu huỳnh thường được sử dụng để chống mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng.
Ngoài chất này, Cục cũng yêu cầu kiểm tra một số hóa chất khác trên măng để cảnh báo, ngăn chặn.
Theo Cục BVTV, trước đây, Việt Nam có xuất khẩu long nhãn, nhưng một số nước họ trả về, vì sử dụng lưu huỳnh để sấy, tồn dư vượt ngưỡng cho phép so với quy định của họ.
Theo ông Hồng, nhiều nước trên thế giới vẫn cho phép lượng tồn dư lưu huỳnh nhất định trong thực phẩm.
Tại cuộc họp bàn về ATTP mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, ngoài Cục BVTV kiểm tra ATTP với măng khô trên thị trường, Cục Thú y phải kiểm tra thịt bò khô, Tổng cục Thủy sản kiểm tra trên cá biển.
“Có dư luận ngư dân dùng phân urê để ướp cá, việc này có đúng không, độc hại thế nào. Ngoài kiểm tra, các đơn vị phải phối hợp các địa phương cùng vào cuộc, đảm bảo triển khai trên diện rộng”- ông Phát nói.
Hậu quả khó lường
Bác sĩ Nguyen Văn Dũng- Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh viện chưa tiếp nhận bệnh nhân nào mắc bệnh có liên quan thực phẩm chứa chất lưu huỳnh hoặc sử dụng chất lưu huỳnh để bảo quản.
Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Nếu cấp tính, thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực…
Ngày 20/9, phía Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hóa chưa có phát ngôn liên quan vụ việc trên.
Theo 24h
Món ăn ngon từ măng tre gai
Năm nay mùa mưa bão về sớm. Chợ vắng bóng cá tươi. Mất điện, nhiều loại thực phẩm thường dùng cũng theo đó mà thưa thớt. Nhưng đừng quá lo lắng, buổi chợ ngày bão chỉ cần mua miếng thịt ba rọi trong bếp nhà vẫn còn gói măng khô được cất kỹ từ năm trước đến giờ.
Măng tre tươi - Ảnh: Đăng Khôi
Nồi măng kho ba rọi có mặt trong hầu hết các mâm cơm của người quê tôi vào những dịp tết Nguyên đán. Ở miền Đông Nam bộ, măng tre gai được nhiều gia đình phơi khô cất trữ quanh năm, lỡ như bất chợt thèm măng mà không đúng dịp tết thì vẫn có thể kho được một nồi. Tất nhiên nồi này nho nhỏ thôi, chủ yếu giải quyết cơn thèm bất chợt, đợi đến ngày xuân sẽ làm hẳn một nồi mừng năm mới.
Thường niên độ khoảng tháng tư âm lịch trở đi, khi nắng vàng bớt gắt nhường chỗ cho vài cơn mưa báo hiệu vụ mùa, người ta hay đón sẵn dọc đường để chờ tiếng xe đạp cọc cạch của những phụ nữ về từ phía rẫy. Đó là người nội trợ trong gia đình có chồng hoặc con trai tạm gác việc đồng áng để theo nghề thời vụ: bẻ măng.
Vào những sớm tinh sương, giỏ măng mới luộc còn nóng ấm nằm chễm chệ trên yên sau xe đạp, ấy là giỏ măng được người mua hồ hởi săn đón nhất. Hai ba người cùng nhau nhấc giỏ xuống, đem cân, rôm rả bán mua trong tiếng nói cười. Khi người bán cất tiền, thong thả xuôi về chợ, ấy là lúc người mua đem dao rổ ngồi tỉ mỉ cắt gọt, tranh thủ làm cho xong để phơi măng kịp lúc nắng lên.
Măng tre gai cắt bỏ những xơ cứng, ước lượng độ giãn nở của miếng măng sau khi kho mà tước miếng măng trước khi phơi. Tùy mỗi gia đình có người già trẻ khác nhau, hàm răng "mạnh" hay "yếu" mà quyết định tước măng sợi to hay nhỏ. Nhưng thường thì chỉ nên tước sợi vừa, bởi quá to khi kho lâu thấm, còn quá nhỏ hâm đi hâm lại nhiều ngày miếng măng bị nát mất ngon.
Tranh thủ những ngày nắng trong, nên phơi miếng măng cho thật khô giòn. Sau đó gói trong bao cất kỹ. Theo kinh nghiệm của bà tôi thì cất hai ba năm ăn vẫn ngon, khi lấy ra kho miếng măng vẫn vàng ươm như mới tắm nắng tức thì. Kho một nồi ăn dần trong mùa mưa bão thì phù hợp. Đem măng đi ngâm nước lạnh vài giờ, sau đó cực nhất là khâu luộc. Nhóm bếp củi, cứ luộc sôi rồi xả lại nước lạnh, làm như vậy khoảng ba bốn lần. Luộc kỹ măng sẽ "nhả" hết độc, cả những tạp chất bám vào khi gọt, phơi.
Thịt ba rọi mua từ buổi chợ sớm đem về rửa sạch, ướp hành tỏi, bắc lên bếp đảo đều tay. Cho nước lạnh vào kho rệu, nêm nếm. Sau đó mới trút rổ măng đã luộc, vắt ráo nước vào, chụm lửa liu riu chờ măng thấm. Cần nhớ lúc đầu nêm lạt, bởi vì nồi măng kho để dành ăn lâu, hâm đi hâm lại nước cạn sẽ mặn dần.
Mùa này vườn điều xác xơ trong bão, thay vì chờ khi điều chín, cả nhà phải xúm xít lượm dọn trái non. Rồi thì thu nhặt ngói rơi, sửa mái nhà dột, chằng chống những loại cây ăn trái sau bão còn cứu được. Nhiều gia đình dồn sức cứu lúa, hoặc chuẩn bị vụ gieo trồng mới. Vậy nên mỗi trưa hoặc buổi chiều về, đỏ bếp nấu nồi cơm, dọn kèm với ít măng kho là đã no lòng, ngon giấc...
Theo VNE
Món ngon từ măng tre gai quê tôi Năm nay mùa mưa bão về sớm. Chợ vắng bóng cá tươi. Mất điện, nhiều loại thực phẩm thường dùng cũng theo đó mà thưa thớt. Nhưng đừng quá lo lắng, buổi chợ ngày bão chỉ cần mua miếng thịt ba rọi trong bếp nhà vẫn còn gói măng khô được cất kỹ từ năm trước đến giờ. Măng tre tươi - Ảnh:...