Mang cả trụ sở cơ quan nhà nước đi cầm cố!
Không chỉ bán thửa đất cho nhiều người, cầm cố cho tư nhân và các tổ chức tín dụng để vay tiền, chủ đầu tư dự án khu dân cư Nọc Nạng còn đem cả đất và tài sản trên đất của các cơ quan nhà nước thế chấp ngân hàng
Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện An Biên ( tỉnh Kiên Giang) vừa có văn bản ủy thác cho Chi cục THADS thị xã Giá Rai ( tỉnh Bạc Liêu) THA đối với 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại dự án khu dân cư (KDC) Nọc Nạng (phường 1, thị xã Giá Rai), theo bản án số 04/2015/QĐST-KDTM của TAND huyện An Biên đã có hiệu lực pháp luật. Điều đáng nói là trong 20 sổ đỏ này có cả 2 thửa đất tại trụ sở Chi cục THADS và Chi cục Thống kê thị xã Giá Rai.
Thi hành án… chính cơ quan mình
Chuyện hy hữu này xuất phát từ việc chủ đầu tư dự án KDC Nọc Nạng là Công ty TNHH Thiên Phúc (trụ sở tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) mang 20 sổ đỏ ở dự án cho Công ty TNHH Trường Phú ở huyện An Biên thế chấp cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Chi nhánh Kiên Giang vay 7 tỉ đồng. Trong đó có 2 thửa đất hiện là trụ sở hoạt động của Chi cục THADS và Chi cục Thống kê thị xã Giá Rai.
Do Công ty Trường Phú không thực hiện việc trả lãi nên bị ngân hàng khởi kiện. Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 17-6-2015 của TAND huyện An Biên thì Công ty Trường Phú còn nợ SHB Kiên Giang gần 8,3 tỉ đồng. Trong đó, lãi trong hạn là gần 880 triệu đồng, lãi quá hạn hơn 400 triệu đồng. Theo thỏa thuận, kể từ ngày 21-7-2015, nếu Công ty Trường Phú không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hằng tháng còn phải trả cho SHB thêm khoản lãi theo mức lãi quá hạn. Trong trường hợp Công ty Trường Phú không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn thì Công ty Thiên Phúc thống nhất phát mãi tài sản thế chấp để trả nợ cho SHB.
Đến giữa năm 2018, Công ty Trường Phú vẫn không thực hiện trả nợ như thỏa thuận nên TAND huyện An Biên quyết định THA đối với tài sản thế chấp của Công ty Thiên Phúc.
Sau khi nhận được văn bản ủy thác của Chi cục THADS huyện An Biên đề nghị phối hợp thi hành bản án của TAND huyện An Biên, chính Chi cục THADS thị xã Giá Rai cũng ngỡ ngàng khi nhận thấy trong 20 sổ đỏ bị THA có cả đất và trụ sở cơ quan này và cơ quan Chi cục Thống kê thị xã Giá Rai nên đã báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo.
Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã Giá Rai phải thi hành án chính cơ quan mình
Video đang HOT
Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Công ty Thiên Phúc do ông Nguyễn Việt Trung làm giám đốc đã được UBND huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) lựa chọn làm chủ đầu tư dự án KDC Nọc Nạng với giá trúng thầu 63,39 tỉ đồng. Tháng 1-2012, dự án được khởi công hoành tráng nhưng chỉ một năm sau đó nhà đầu tư đã ôm hết sổ đỏ đi cầm cố khiến hàng trăm người dân trót lỡ mua nền trong dự án không biết tìm đâu để đòi đất, đòi lại tiền.
Sau khi được lựa chọn, tổng số tiền trúng thầu mà Công ty Thiên Phúc phải nộp cho ngân sách là hơn 27 tỉ đồng. Thời gian nộp được phân thành ba kỳ: 30% sau 6 tháng kể từ ngày xác định trúng thầu; 40% và sau 12 tháng và 30% sau 18 tháng. Thế nhưng, cho đến nay, Công ty Thiên Phúc chỉ mới nộp cho ngân sách thị xã Giá Rai hơn 9 tỉ đồng.
Theo quy định đối với phần thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Công ty Thiên Phúc phải nộp 100% tiền sử dụng đất là 13.783.361.340 đồng mới được cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư mới nộp ngân sách được 7,7 tỉ đồng thì ông Nguyễn Văn Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, lúc bấy giờ ký công văn đề nghị cấp 111 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho Công ty Thiên Phúc. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cũng cấp tới 214 giấy CNQSDĐ cho Công ty Thiên Phúc. Trong đó, có hàng chục nền được cấp giấy CNQSDĐ nhưng chưa có hệ thống hạ tầng.
Từ việc được cấp hàng trăm sổ đỏ một cách dễ dãi và “thần tốc”, Công ty Thiên Phúc đã ký hàng trăm hợp đồng mua bán đất nền dự án nhưng không chuyển quyền sử dụng đất cho người mua dù đã nhận đủ tiền, thậm chí mang toàn bộ sổ đỏ đi thế chấp cho các tổ chức tín dụng và cầm cố cho tư nhân ở khắp nơi với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng rồi lặn mất tăm.
Mới đây, UBND thị xã Giá Rai đã thành lập tổ công tác kiểm tra các dấu hiệu sai phạm tại dự án KDC Nọc Nạng. Kết quả xác định Công ty Thiên Phúc đã bán hàng trăm lô đất cho người dân nhưng không chuyển quyền sử dụng đất dù đã nhận từ 90% đến 100% tiền. Có nhiều trường hợp bán một thửa đất cho nhiều người. Tổ kiểm tra cũng xác định công ty này đã cầm cố 136 sổ đỏ cho cá nhân và các tổ chức tín dụng để vay tiền, hiện đã bị THA phát mãi 57 nền và sắp bị phát mãi thêm 20 nền.
Nhận thấy hành vi của chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên tổ công tác đã đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ.
Điều chỉnh tăng 64 nền làm lợi cho chủ đầu tư
Sau khi trúng thầu, ngày 21-11-2011, Công ty Thiên Phúc có tờ trình xin được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân lô dự án KDC Nọc Nạng nhằm tăng thêm số lượng nền so với quy hoạch. Việc điều chỉnh tăng số lượng nền trong dự án không làm lợi cho ngân sách mà chỉ làm lợi cho chủ đầu tư. Thế nhưng, UBND huyện Giá Rai vẫn chấp thuận tại Quyết định số 870 ngày 12-3-2012, phê duyệt điều chỉnh tăng số lượng nền từ 294 lên 358 nền, tức là nhiều nền phải bóp nhỏ lại diện tích.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
Theo nld.com.vn
CIC8 bị tố làm ăn tắc trách
Hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án khu đô thị mới Hưng Phú (TP Cần Thơ) nhưng chủ đầu tư chây ì, không chịu cấp sổ đỏ
Sáng 22-8, hơn 30 hộ dân trong số hàng trăm trường hợp mua nền, nhà ở tại dự án khu đô thị mới Hưng Phú (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tập trung trước trụ sở Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) Chi nhánh Cần Thơ để yêu cầu giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (gọi chung là sổ đỏ).
Ngâm sổ đỏ của hàng chục hộ
Theo phản ánh của người dân, từ 10 năm qua, họ đã có nhiều cuộc họp với chủ đầu tư và chính quyền quận Cái Răng nhưng việc cấp sổ đỏ tại dự án trên vẫn kéo dài.
Người dân tập trung trước trụ sở CIC8 Cần Thơ yêu cầu công ty trả sổ đỏ
Ông Lê Minh Nhơn cho biết ông mua nhà tại dự án khu đô thị mới Hưng Phú từ năm 2006 với giá hơn 800 triệu đồng theo hình thức trả từng đợt. Phía công ty cam kết sau khi ông trả hết 5% (khoảng 43 triệu đồng) thì sẽ được giao sổ đỏ. Tuy nhiên, hơn 10 năm, dù ông đã nộp đủ tiền nhưng công ty vẫn không giao sổ.
Bà Vũ Thị Ánh Hương mua nhà từ năm 2009, diện tích 76 m2, thời điểm mua căn nhà mới ép cọc. Dù bà nộp đủ số tiền 450 triệu đồng nhưng 6 năm sau, căn nhà vẫn chưa xây dựng. "Gia đình tui phải đi thuê nhà ở với mức 5-6 triệu đồng/tháng. Sau đó tui đi mượn người quen và vay tiền ngân hàng để xây nhà. Công ty không hề quan tâm đến khách hàng, giấy tờ nhà thì bặt vô âm tín" - bà Hương bất bình.
Một khách hàng khác là ông Đỗ Văn Trắng bức xúc: "Cách đây 5 năm, đất nhà tôi bị quy hoạch giao cho CIC8 xây dựng. Họ giao kết lấy của tôi 1.000 m2 đất đổi 1 nền tái định cư 120 m2. Đã qua nhiều năm, tôi không biết sổ đỏ nằm ở đâu".
Mong người dân... thông cảm
Tiếp xúc với người dân, ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc CIC8 Cần Thơ, xin lỗi người dân và mong muốn họ thông cảm cho công ty. "Tình hình kinh doanh bất động sản trải qua giai đoạn khó khăn, vừa rồi công ty bán đấu giá 1 miếng đất thì lẽ ra ngân hàng giải phóng một số lượng lớn sổ đỏ nhưng cuối cùng chỉ lấy được 29 sổ. Sắp tới sẽ có thêm 79 sổ đỏ giao cho bà con. Tuy nhiên, 79 sổ đỏ này đang gặp trục trặc do Cục Thuế TP HCM phong tỏa. Công ty sẽ bán đấu giá một số tài sản để trả cho ngân hàng, lấy ra thêm 220 sổ đỏ nữa. Còn cái nào chưa ra phôi thì chi nhánh công ty đang nộp hồ sơ cho UBND quận Cái Răng rồi chuyển lên Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ..." - ông Trọng phân trần.
Người dân không đồng tình với giải thích của đại diện CIC8 Cần Thơ bởi lẽ theo họ, trong 29 khách hàng đã được cấp sổ đỏ đa phần là của cán bộ, lãnh đạo ở Cần Thơ, trong khi hàng chục người dân thì mòn mỏi chờ đợi. Vì vậy, người dân đề nghị trong vòng nửa tháng, CIC8 Cần Thơ phải mời được tổng giám đốc CIC8 từ TP HCM xuống để giải quyết vụ việc.
Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho rằng yêu cầu của người dân là chính đáng. Chính quyền đề nghị phía lãnh đạo CIC8 phải khẩn trương giải quyết, không để sự việc kéo dài gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Trên 1.000 sổ đỏ của người dân bị thế chấp
Trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, Ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ thông tin có trên 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân bị các chủ đầu tư thế chấp ngân hàng, mặc dù đã có hợp đồng góp vốn hoặc hợp tác đầu tư của các hộ dân với chủ đầu tư. Đồng thời, một số lượng rất lớn lô, nền người dân đã góp vốn nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc chưa hoàn thiện hạ tầng để được cấp giấy và thực hiện các thủ tục cho người dân theo quy định. Cá biệt có nhà đầu tư lẩn tránh, gian lận, phủi bỏ trách nhiệm của mình đối với chính quyền và người dân.
Bài và ảnh: CA LINH
Theo nld.com.vn
Mất nhà vì đưa sổ đỏ cho "cò" ngân hàng vay hộ tiền Đem sổ đỏ cầm cố để vay tiền người không quen biết, đến khi bị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thông báo phát mại căn nhà mình đang ở, nhiều người mới tá hỏa trước nguy cơ mất nhà. Ngân hàng thông báo phát mại căn nhà của bà Thu và ông Cần Điều đáng nói là dù "tình ngay"...