Mai mốt thì sao?
Hiên hỏi tôi: “Phụ nữ tuổi như mình có con được không?”. Câu hỏi vang lên cùng tiếng thở dài. Vậy, Hiên mong có con không chỉ để hủ hỉ vui như những người hiếm muộn hoặc kết hôn trễ tràng, còn là để thừa kế căn nhà.
Cha mất sớm, mẹ đổ bệnh liệt giường khi Hiên bước qua tuổi băm, vừa nhận lễ hỏi của người ta. Hai bà chị chồng con đùm đề, bàn bạc thay nhau chăm sóc mẹ. Bàn hoài không xong, khó bởi lẽ không thể bỏ chồng bỏ con mà về với mẹ dài ngày được, thuê người thì không yên tâm, chưa kể tiền bạc đóng góp trả công người làm cũng là bài toán khó. Cuối cùng thì Hiên tự nguyện hoãn đám cưới, đợi mẹ khỏe hơn rồi tính.
Người bệnh liệt giường sợ nhất là một mình. Bà mẹ cứ lạnh toát người mỗi khi chồng sắp cưới của Hiên đến. Bà sợ Hiên theo chồng rồi như hai đứa con gái kia chỉ về thăm mẹ như khách, hỏi han vài câu rồi đi.
Ảnh minh họa
Và Hiên cũng không biết làm sao. Khi mới tính chuyện khoan cưới còn thấy vướng vít xôn xao trong lòng, ba năm trôi qua thành thói quen, chồng sắp cưới đến thăm chơi rồi về. Một ngày anh nói, thôi, tụi mình làm bạn bè. Hiên chỉ biết gật đầu.
Hiên trọn vẹn chữ hiếu gần hai mươi năm. Lạ lùng là vừa mới tuần trước đây, khi mẹ còn sống, Hiên vẫn mạnh mẽ bế bồng mẹ lên xe lăn đưa ra trước thềm hong nắng, vậy mà mẹ vừa nằm xuống thì Hiên mệt nhừ như bấy lâu nay sử dụng hết năng lượng của cả đời rồi. Leo chục bậc cầu thang Hiên đã thấy đầu gối nhoi nhói, xách giỏ đi chợ nấu bữa cơm cúng đông đủ chị em Hiên thấy cánh tay mỏi nhừ, trở trời một chút là nhức nhối toàn thân, phải nằm bẹp mấy ngày…
Đàn bà trung niên thì đau xương nhức khớp mỏi người là đúng rồi, hai bà chị nói, từ nay hãy tự chăm sóc mình chu đáo, đừng để lỡ mà… Câu nói bỏ lửng như sợ thốt ra thành điềm gở. Ừ, lỡ mà Hiên đổ bệnh thì lấy ai chăm sóc? Hai chị còn có chồng con, Hiên chỉ một mình. Nghe như hai chị thương Hiên lắm.
Xong xuôi tang lễ giỗ quảy tròn năm, căn nhà bán đi chia đều cho ba chị em. Trước đây, Hiên vừa chăm sóc mẹ vừa mua hàng tạp hóa về bán trong xóm kiếm tiền đi chợ, nay nhà bán rồi thì coi như xong. Không có việc làm và cũng chẳng còn chỗ ở.
Video đang HOT
Hiên sấp ngửa vay mượn thêm, tìm mua một chỗ mới. Mười mét vuông trong con hẻm nhỏ cũng gọi là nhà. Hai bà chị nói Hiên ở một mình thì mười mét vuông cũng được rồi, như nhà của chị nhìn rộng vậy nhưng chia đều diện tích cho vợ chồng con cái thì mỗi người cũng chỉ mười mét vuông chứ mấy. Còn nói, trời mà thương, nếu cái chợ ở đằng kia phát triển thêm về hướng này thì nhà Hiên lên giá là cái chắc.
Ảnh minh họa
Nói bâng quơ mà hóa thật, khu chợ lan dần về hướng con hẻm rồi thì hẻm cũng thành chợ. Căn nhà nhỏ của Hiên lên giá. Có người nói, đang còn lụp xụp thì giá chỉ nhỉnh lên vậy thôi, chứ mà Hiên có tiền lên tầng thì còn tăng gấp mấy lần.
Tôi là hàng xóm sát vách Hiên, quá gần, nên động tĩnh gì bên đó thì bên này tôi đều nghe rõ và ngược lại. Hai bà chị Hiên bàn tính, nhà ngay tại chợ mà Hiên chỉ bán chanh, hành, ớt, tỏi thì uổng quá, nên hỏi Hiên có chịu cho hai chị đầu tư làm cái gác lửng không? Chị Hai thủ thỉ, Hiên ở trên gác, cho chị thuê toàn bộ phía dưới, tiền thuê trả sòng phẳng, chỗ chị em ruột thịt mới vậy chứ người dưng thì ai mà tin tưởng kiểu đó cho được. Đợi chị Hai về, chị Ba thì thào, mười mét vuông làm quán thì ngon lành, đâu phải người dưng mà tính chuyện thuê mướn, cho Hiên hùn vốn làm ăn với chị luôn đó.
Tôi nghe giọng Hiên lí nhí, chân cẳng nhức nhiều rồi, cầu thang tầng lửng tuy vài bước nhưng mà lỡ leo trèo bị té thì biết làm sao? Thôi, cứ để em buôn bán lặt vặt cũng được.
***
Mấy đứa cháu bỗng thường xuyên lui tới thăm dì Hiên. Đứa ham chơi đi đâu đến tối hù mới về, còn mở nhạc ì xèo. Đứa chăm học thì ôm sách vở đến từ sớm, còn xách chổi ra trước quét quét, Hiên tự hào khoe: “Cháu chăm chỉ học giỏi và ngoan lắm đó”. Có điều, ham chơi hay chăm chỉ học giỏi thì tôi cũng nghe chúng nửa đùa nửa thật: “Mai mốt dì Hiên cho con căn nhà này nha!”.
Mới hiểu ra dạo này sao Hiên hay buồn và cáu gắt chuyện không đâu. Chẳng còn như ban đầu, mỗi khi có cháu tới Hiên lăng xăng bày ra nấu nướng…
Nguyên Hương
Theo phunuonline.com.vn
Để chồng được làm chồng
Đàn bà muôn đời nên 'yếu mềm' như nước - có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách với sức mạnh vô song được ẩn giấu kỹ lưỡng. Sức mạnh ấy hoàn toàn không phải kiểu luôn gồng mình lên...
Hà Nội trời trở lạnh. Ngồi bên chén trà nóng và đĩa hạt hướng dương đầy vun, Lan thở dài: "Cả tháng nay, mẹ chồng em đang dỗi em. Chả là vì em đã dám cãi tay đôi với bà chị chồng. Đúng là dù đúng hay sai, người ta cũng chỉ biết đến con ruột của mình thôi".
Vẫn bằng cái giọng đầy uất ức ấy, Lan kể tôi nghe chuyện chị chồng của cô vô lý, tráo trở thế nào, khiến việc kinh doanh của chồng cô thất bại ra sao. Rồi Lan phân trần, vì cô tức cho chồng nên mới đứng ra đôi co với chị chồng như thế. Lan bảo, bố mẹ chồng cô cũng sai khi giận cô, bởi con gái ông bà mới là người sai. Chẳng ai chịu ai, không khí gia đình bức bối, chưa có cách giải quyết.
Không biết có bao nhiêu phụ nữ đang ngày ngày thể hiện "máu anh hùng" trước chồng giống như Lan. Họ sẵn sàng đứng ra bảo vệ, bất đắc dĩ ép chồng phải nép sau lưng mình.
Ảnh minh họa
Ngọc vốn là một người vợ được gắn mác "ba đảm đang" nhờ giỏi vun vén mọi việc trong gia đình - từ chuyện nội trợ, tài chính, nếu cần thì thay đèn nhà tắm, sửa ống nước đều được. Chồng cô khiến nhiều đàn ông phải ghen tị, vì lúc nào cũng được Ngọc chăm bẵm từng bữa ăn, giấc ngủ. Anh thậm chí không cần phải biết công tắc nóng lạnh nằm ở vị trí nào, bởi khi anh về nhà, nước ấm đã luôn sẵn sàng để dùng. Nhưng bỗng một ngày, Lan và Ngọc gặp nhau ở văn phòng... luật sư tư vấn ly hôn.
Đó là khi họ cảm thấy quá mỏi mệt, muốn buông xuôi tất cả. Chồng Lan, giữa vòng vây của vợ và bố mẹ đẻ, chị gái ruột, đã chọn nghiêng về phía máu mủ của mình. Anh bảo vợ cần xin lỗi vì đã "hỗn hào". Còn Lan vẫn nhất mực khẳng định mình không sai, mà còn vì yêu chồng, thương chồng nên mới phải đứng lên hứng chịu thị phi. Mâu thuẫn nhỏ thành to, bởi cái tôi của mỗi người đều quá lớn.
Còn bế tắc của Ngọc do cô nhún nhường quá nhiều. Mọi buồn lo, áp lực, cô đều giữ cho riêng mình, tự mình tìm cách giải quyết để xứng với danh xưng tài giỏi, độc lập, có thể làm hết mọi việc mà không phiền đến chồng. Dần dà, chồng cô như người dưng trong nhà. Khi Ngọc ốm đến mức phải xin nghỉ làm, cô vẫn phải gượng dậy lo cơm nước cho cả nhà, tắm giặt cho con. Tối, vì quá mệt, cô nhờ chồng đi mua hộ đồ ăn, chồng cô vẫn cầm điện thoại lướt mạng, dửng dưng: "Vẫn đi được đó thôi, đã liệt giường đâu". Câu nói như gáo nước lạnh dội xuống, khiến Ngọc tỉnh hẳn.
Nhưng dường như cả khi Lan và Ngọc đã quyết tâm buông tay, họ vẫn chưa hiểu một phần lỗi nằm ở phía mình. Trong nhiều năm hôn nhân, họ chưa bao giờ trao cho chồng cơ hội được làm người chồng đúng nghĩa. Mối quan hệ vợ chồng không ở đúng thứ tự âm - dương như lẽ tự nhiên. Lẽ ra, người chồng nên được đẩy cái tính "dương" trong bản năng lên, để làm chỗ dựa, làm khiên chắn che chở cho vợ con chứ không phải ngược lại. Sự bao bọc, gồng mình choàng gánh của người vợ, lâu dài sẽ vô tình làm thui chột khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề của người chồng. Dần dà, cả đôi bên đều sẽ mệt mỏi và chán chường.
Nếu như Ngọc, trong mâu thuẫn với gia đình chồng, có thể ngồi lại chuyện trò, tâm sự với chồng, để biết suy nghĩ của anh và cùng tìm hướng giải quyết, chứ đừng nhảy chồm lên hòng "giải cứu thế giới" thay chồng như thế thì bi kịch đã không xảy ra. Vợ chồng nên luôn đứng cùng một phía và vợ nên ở sau lưng chồng, để nhắc nhở và yểm trợ. Cho là Ngọc không thể chịu đựng được "cục tức", cô hoàn toàn có thể nói với chồng về cảm xúc của mình. Những cảm xúc tiêu cực không hẳn xấu, nhưng ta có thể khiến nó tiêu tan theo cách dễ chịu, nhẹ nhàng hơn so với việc cãi tay đôi, khơi mào cuộc chiến giữa những người thân.
Đàn bà muôn đời nên "yếu mềm" như nước - có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách với sức mạnh vô song được ẩn giấu kỹ lưỡng. Sức mạnh ấy hoàn toàn không phải kiểu luôn gồng mình lên như cách Lan hay Ngọc đã làm. Ngay từ đầu, Ngọc đã không cho phép mình được khóc, được buồn, được cần một vòng tay chở che khi bước vào hôn nhân. Để rồi đến ngày cảm thấy tất cả những hy sinh của mình là vô nghĩa thì tất nhiên cô sẽ bế tắc, tuyệt vọng. Cô đâu biết, chồng không phải là mầm cây nhỏ để chăm bẵm mỗi ngày, mà ngược lại nên là một cây cổ thụ để người vợ có thể dựa vào.
Việc của người vợ là trao cho chồng và cho chính mình cơ hội được sống đúng với bản năng và quy luật của tự nhiên. Đơn giản là muốn khóc hãy khóc, mỏi mệt hãy nói ra, muốn làm điều gì hãy gợi mở, để những cảm xúc nữ tính được lên tiếng. Chỉ cần thả lỏng được như thế, bất kỳ phụ nữ nào cũng sẽ tìm được bình yên cho mình.
Cát Tường
Theo phunuonline.com.vn
Sao phải lén lút hạnh phúc? Anh muốn tôi và anh yêu nhau trong bí mật. Anh sẽ mua một căn nhà nhỏ và chúng tôi sống với nhau. Thỉnh thoảng anh về nhà lúc các con về chơi thăm bố... Chị Hạnh Dung kính mến, Tôi năm nay 46 tuổi. Thời còn trẻ, tôi có người yêu. Gần đến ngày cưới thì anh bị tai nạn giao thông...