Mại dâm ở Thụy Điển: Bán dễ, mua khó
Người mua dâm ở Thụy Điển ngoài bị phạt tiền hoặc đi tù, còn bị công khai danh tính để phải cảm thấy xấu hổ.
Trong 30 năm, mại dâm là hoạt động hợp pháp ở Thụy Điển, nhưng đến năm 1998 đã bị xét lại khi nước này nhận thấy hợp pháp hóa mại dâm khiến nó lan tràn ngoài tầm kiểm soát, trong khi tổn hại về giá trị đạo đức xã hội lại quá lớn.
Năm 1999, với 70% dân số ủng hộ, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chống mại dâm theo cách mới, từ đó coi hành vi mua dâm là tội hình sự.
Công dân Thụy Điển bị bắt gặp mua dâm tại nhà hay ở nước ngoài đều bị phạt 5.000 USD hoặc ngồi tù 6 tháng, nếu tái phạm có thể bị tù 4 năm. Chính phủ còn thiết lập cả hệ thống camera giám sát tại các “điểm nóng”. Cảnh sát cũng công khai danh tính kẻ mua dâm nơi công cộng để họ phải cảm thấy xấu hổ.
Cơ sở của luật này là hành vi mua dâm vi phạm quyền bình đẳng giới. Cơ quan lập pháp của Thụy Điển có quan điểm rằng đàn ông mua dâm từ phụ nữ là điều không thể chấp nhận được. Ngược lại, luật này không trừng phạt gái bán dâm.
Sau 10 năm nhìn lại hiệu quả của luật nhằm vào khách mua dâm, số lượng gái bán dâm đường phố ở Thụy Điển đã giảm một nửa. Không có bằng chứng cho thấy gái mại dâm đường phố giảm khiến những nơi khác tăng lên, cả trên mạng lẫn trong nhà. Chính phủ cũng cung cấp thêm nhiều dịch vụ để gái bán dâm chuyển sang làm nghề khác. Tất cả các trường trung học đều triển khai các biện pháp truyền thông để giáo dục học sinh về vấn đề mại dâm, rằng mua dâm là hành vi bất hợp pháp và trái đạo đức.
Tuy thời gian đầu bị chỉ trích, nhưng đến nay cảnh sát đã xác nhận luật này rất hiệu quả và có tác dụng răn đe những người tổ chức, môi giới bán dâm. Đến nay, Thụy Điển dường như là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà số lượng gái mại dâm và nạn buôn bán người phục vụ bán dâm không tăng.
Cơ quan lập pháp của Thụy Điển có quan điểm rằng đàn ông mua dâm từ phụ nữ là điều không thể chấp nhận được (Ảnh minh họa)
Nhiều nước học hỏi
Video đang HOT
Sau thời gian hợp pháp hóa mại dâm, xã hội Đức và Hà Lan chứng kiến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như buôn bán phụ nữ, tội phạm có tổ chức. Vì thế, hai nước này đang đề xuất sửa luật để trừng phạt khách mua dâm từ những gái mại dâm không được cấp phép. Đề xuất này biến tấu từ luật của Thụy Điển, cho thấy việc trừng phạt khách mua dâm đã đạt được kết quả tốt.
Sự thất bại của chính sách hợp pháp hóa mại dâm ở châu Âu là lý do giúp mô hình của Thụy Điển trở thành kiểu mẫu ở khu vực Bắc Âu. Năm 2009, Na Uy ra luật cấm mua dâm phụ nữ và trẻ em. Một năm sau, khảo sát ở TP. Bergen, Na Uy cho thấy số lượng gái mại dâm đường phố giảm khoảng 20%, còn gái bán dâm trong nhà giảm khoảng 16%. Cảnh sát Bergen cho biết số lượng quảng cáo của gái bán dâm giảm đi 60%. Ngoài ra, cảnh sát còn quản lý số điện thoại của những người mua liên lạc với các quảng cáo đó nhằm nhận diện và phạt khách mua dâm. Cũng trong năm 2009, Iceland thông qua luật trừng phạt khách mua dâm.
Sự thành công của mô hình ở Bắc Âu không phải nhờ vào các hình phạt đối với khách mua dâm, mà là khiến khách mua dâm sợ bị lộ danh tính nên tự từ bỏ. Chính vì thế, những kẻ môi giới và dắt gái cũng chán dần, khi lợi nhuận thu được ngày càng ít.
Báo cáo cho thấy số nam giới từng tham gia mua dâm Thụy Điển giảm từ 12,7% năm 1996 xuống còn 7,6% vào năm 2008. Nạn buôn người cũng gần như không có cơ hội tồn tại ở Thụy Điển. Năm 2007, theo cảnh sát Thụy Điển, chỉ có từ 400 đến 600 phụ nữ nước ngoài được đưa đến Thụy Điển mỗi năm làm gái mại dâm, trong khi Phần Lan, dân số chỉ bằng một nửa Thụy Điển, con số đó lên tới 10.000-15.000 phụ nữ, hoặc ở Đức con số này là 40.000.
Nhìn thấy hiệu quả từ cách quản lý của Thụy Điển, một số nước châu Âu khác cũng như Na Uy, Iceland và bang Rhode Island của Mỹ năm 2009 cũng thôi công nhận nghề mại dâm. Từ năm 1988, Hàn Quốc cũng đã coi mại dâm là nghề phi pháp với hy vọng thay đổi thói quen đi nhà thổ cố hữu của nam giới.
Mại dâm ở Nhật Bản là bất hợp pháp, nhưng trên thực tế, những lỗ hổng pháp lý, cách giải thích luật linh hoạt và việc thực thi lỏng lẻo khiến ngành công nghiệp sex của Nhật Bản phát triển mạnh. Điểm khác biệt ở Nhật Bản là công nghiệp tình dục không đồng nghĩa với mại dâm. Những vấn đề này sẽ được đề cập trong bài “ Mại dâm Nhật Bản: Muôn kiểu lách luật” đăng lúc 19h ngày 22/12/2012.
Theo 24h
Bán dâm hợp pháp: Những bài học thất bại
Hợp pháp hóa mại dâm giúp cải thiện địa vị pháp lý của gái bán dâm, đem lại nguồn thu cho nhà nước và khiến ngành công nghiệp tình dục dễ quản lý hơn ở chừng mực nào đó. Tuy nhiên, thực tế ở các nước thực hiện chính sách này cho thấy hợp pháp hóa mại dâm dẫn đến rất nhiều hệ lụy to lớn.
Hiếp dâm tăng, cảnh sát dễ vơ vét
Một số ý kiến cho rằng mại dâm giúp giải tỏa nhu cầu bản năng cho nam giới, từ đó giúp giảm số vụ hiếp dâm. Nhưng sự thực là ở những nơi công nhận nghề mại dâm thì tỷ lệ hiếp dâm cũng cao ngất ngưởng. Tại Nevada (bang duy nhất ở Mỹ hợp pháp hóa mại dâm), tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30. TP. Las Vegas của bang này có tỷ lệ hiếp dâm cao gấp 2 lần TP. New York và 4 lần mức trung bình của cả nước.
Thái Lan, đất nước có ngành công nghiệp tình dục cực kỳ phát triển, có tỷ lệ hiếp dâm cao nhất Đông Nam Á (từ 7-8 vụ/100.000 dân). Tỷ lệ này cao gấp 2 lần Phillippine, 3 lần Singapore và 5 lần Việt Nam.
Tại Australia, sau hai thập kỷ cho phép nghề mại dâm, những vấn đề như bạo hành phụ nữ, mại dâm đường phố, nhà thổ trái phép và cảnh sát nhận hối lộ không những không giảm mà còn trở nên tồi tệ hơn.
Việc hợp pháp hóa mại dâm đã khuyến khích văn hóa mại dâm cũng như khiến mại dâm đường phố gia tăng. Văn phòng Tổng chưởng lý Australia năm gần đây cho biết ở phố đèn đỏ Kilda, TP. Melbourne vẫn có gần 400 gái bán dâm đường phố. Thị trường mại dâm được hợp pháp hóa không thể bảo vệ gái mại dâm khỏi bạo lực. Tháng 5/2012, một người đàn ông đã tấn công và hành hạ đến chết một phụ nữ bán dâm 47 tuổi.
Các nhà thổ cũng thích sử dụng gái bán dâm bị đưa từ nước khác vì giá cả của họ rẻ hơn so với gái bán dâm hợp pháp, vì gái bán dâm chui không đòi hỏi quyền lợi hay phải tuân theo luật lao động.
Theo cảnh sát Victoria, bang này có khoảng 400 nhà thổ bất hợp pháp tính tới năm 2011. Con số này cao gấp 4 lần số nhà thổ hợp pháp. Ngay cả những người chủ của nhà thổ hợp pháp cũng dùng địa điểm của mình để che đậy các hoạt động tội phạm, và hối lộ cảnh sát để tránh bị điều tra.
Hợp pháp hóa mại dâm không làm giảm tình trạng mại dâm đường phố (Nguồn: trendhunter.com)
Theo một khảo sát gần đây ở bang Queensland, 54,4% gái mại dâm đường phố cho biết họ bị cảnh sát quấy rối tình dục ít nhất một lần trong 5 năm qua. Theo báo cáo của tổ chức Kilda Street năm 2008, "ít nhất 40% cảnh sát có hành vi sai trái liên quan đến ngành công nghiệp tình dục trong giai đoạn 2000-2007".
Tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chi phí quản lý mại dâm cao hơn so với doanh thu của nhà nước từ ngành công nghiệp tình dục.
Điểm nóng về buôn bán phụ nữ
Không nước nào trên thế giới nổi tiếng về ngành công nghiệp tình dục hơn Hà Lan. "Quận đèn đỏ" ở Amsterdam mang về doanh thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho ngân sách của nước này. Hà Lan được đưa vào nhóm đầu bảng trong báo cáo về tình trạng buôn bán người của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm, nghĩa là đã hiện thực hóa những tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về xóa bỏ nạn buôn người.
Một trong những mục đích của chính sách hợp pháp hóa mại dâm ở Hà Lan là để cơ quan chức năng đối phó tốt hơn với nạn buôn người. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Lan lại là điểm đến, điểm trung chuyển lớn của những đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em để phục vụ mục đích bán dâm. Vì thế, nhiều học giả và nhà hoạt động nhân quyền cho rằng Hà Lan không xứng đáng với vị trí nhóm đầu.
Chính phủ Hà Lan cũng thừa nhận rằng rất khó để ước tính số lượng nạn nhân bị buôn bán đến và ra khỏi Hà Lan mỗi năm.
Số phụ nữ từ Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Ukraina... bị bán đến Hà Lan làm gái mại dâm dao động từ khoảng 1000-7000 mỗi năm. Cuối năm 2008, một nhóm gồm 6 đối tượng bị kết án từ 8 tháng đến 7,5 năm tù trong vụ án mà các ủy viên công tố gọi là vụ buôn người tồi tệ nhất từng xảy ra ở Hà Lan. Trong vụ án này, hơn 100 phụ nữ bị đánh đập và ép phải bán dâm. Tháng 12/2009, 2 người đàn ông Nigeria bị kết án 4 - 4,5 năm tù vì đã đưa 140 phụ nữ Nigeria tuổi từ 16-23 sang Hà Lan làm gái mại dâm.
Ước tính, hơn 50% gái bán dâm ở Hà Lan là người nước ngoài, phần lớn là nạn nhân của bọn buôn người. Khoảng 70% gái mại dâm ở Hà Lan không có giấy phép cư trú, chưa nói đến giấy phép hành nghề hay giấy khám sức khỏe.
Ngoài ra, các nạn nhân bị buôn bán làm gái mại dâm cũng được dạy cách trả lời cảnh sát trong trường hợp bị hỏi. Ngay cả những nhà thổ hợp pháp cũng có hoạt động buôn bán người phi pháp. Khoảng 30 nhà chứa bị đóng cửa gần đây cũng là do vi phạm luật liên quan đến buôn bán người và rửa tiền.
Trên thực tế, số lượng nhà thổ hợp pháp ở Hà Lan đang giảm đi, và được thay thế bằng những cơ sở trá hình như salon, câu lạc bộ, dịch vụ mát-xa để hoạt động mà không cần xin phép kinh doanh mại dâm và để che đậy tốt hơn những hoạt động bóc lột thân xác phụ nữ.
Job Cohen, cựu thị trưởng của Amsterdam, từng nói: "Chúng tôi nhận ra rằng không phải các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mà là các tổ chức tội phạm quy mô lớn đang nhúng tay vào việc buôn bán phụ nữ, ma túy, giết người và các hoạt động tội phạm khác... Chúng tôi nhận ra rằng chính sách hợp pháp hóa mại dâm không có tác dụng vì tình trạng buôn bán phụ nữ vẫn tiếp diễn. Phụ nữ đang bị bán đi bán lại, khiến cảnh sát khó kiểm soát hơn".
Ba bộ trưởng của Anh là ông Vernon Coaker, bà Barbara Follet và bà Vera Baird từng sang thăm Hà Lan để nghiên cứu cách quản lý ngành công nghiệp tình dục, nhưng họ rút ra một điều rằng chính sách hợp pháp hóa mại dâm không hiệu quả, nên không thể áp dụng tại nước Anh.
Tại Đức, luật pháp công nhận nghề bán dâm và các nhà thổ từ năm 2002 nhằm cải thiện địa vị pháp lý của gái bán dâm. Tuy nhiên, giống như Hà Lan, Đức vẫn đang là điểm nóng của nạn buôn bán phụ nữ.
Chỉ sau 5 năm hợp pháp hóa mại dâm, số phụ nữ bị đưa từ các nước Đông Âu, Columbia, Thái Lan và châu Phi sang Hà Lan rồi bị ép bán dâm tăng tới 70%.
Theo 24h
Khu "đèn đỏ": VN có thể học nước ngoài? Nhiều người cho rằng có lẽ Việt Nam nên thí điểm mô hình "phố đèn đỏ" như một số nước để dễ quản lý người hành nghề mại dâm.Nhưng tại những nước đã hợp pháp hóa ngành "công nghiệp sung sướng" này, liệu có phải mọi chuyện đều êm đẹp? Loạt bài này sẽ giới thiệu mô hình quản lý, những vấn đề...