Mái ấm thầy Nhiên
31 mái đầu thơ trẻ. 10 cháu học cấp một, 17 cháu cấp hai, 2 cháu cấp ba là những con số ấn tượng nơi “ Mái ấm thầy Nhiên”. Thầy tâm niệm, một đứa trẻ nên người sẽ bớt đi một gánh nặng cho xã hội. Vì lẽ đó, tất cả đều được đi học.
Mái ấm đơn sơ
Nằm giữa khung cảnh yên bình là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Tuy xa phố chợ nhưng nơi đây không đìu hiu nhờ có tiếng trẻ nói cười. Vật chất tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng chắc rằng các em có một đời sống tinh thần thoải mái, đây là điều mà không phải nơi nuôi dạy trẻ mồ côi nào cũng có được.
Thầy Nhiên (bìa trái) và bầy “con” đứa nào cũng gầy gầy nhưng nhanh nhẹn, lém lỉnh
Thầy Bùi Văn Nhiên – ở tổ 4, thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – tâm sự: “Gia đình tôi vốn làm nghề nông, cuộc sống túng thiếu nhưng tôi may mắn được người cha đỡ đầu tạo điều kiện cho ăn học tử tế. Vì vậy nên từ lúc còn là học sinh, tôi đã ước mình có điều kiện sẽ giúp trẻ mồ côi. Đến năm 2008, có người cho mảnh đất này, rồi nhiều người cho vật liệu, góp công sức xây nên. Tuy còn sơ sài nhưng có thể yên tâm cho các em tránh mưa tránh nắng…”.
Năm đầu tiên, thầy đón về 5 bé qua sự giới thiệu của các sinh viên mùa hè xanh. Dần dần, nhiều người biết đến nên hễ có trẻ nào côi cút, khó khăn là gọi báo cho thầy. Thầy còn cưu mang cả những trẻ còn cha mẹ nhưng họ không nuôi nổi con mình.
100% trẻ được đến trường
Thầy tâm niệm, chăm lo cho trẻ không chỉ là cho chúng ăn no mặc ấm mà quan trọng là cho chúng học hành để sau này chúng đứng được trên đôi chân của mình. Các em ở độ tuổi lớp 8, lớp 9 mà thất học thì thầy cho học nghề hàn hoặc sửa xe máy. Những em này giờ đã có công ăn việc làm, bản thân no ấm và còn giúp được gia đình, thỉnh thoảng vẫn về thăm thầy.
Video đang HOT
Thầy quản rất chặt, thường xuyên liên lạc với nhà trường. Ngay từ đầu năm học, thầy đã gửi gắm, nhờ thầy cô giáo báo giùm nếu các em học yếu hoặc nghịch ngợm. Những buổi họp phụ huynh, nhiều người hỏi thầy có bí quyết gì mà “con” thầy không nghiện game. Thầy chia sẻ: “Làm nông, thời gian tương đối tự do. Sáng chịu khó ghé qua các tụ điểm game xem con mình có ở đó không. Theo dõi sát sao như vậy sẽ tránh được việc không hay”.
Chuyến hàng tình thương hôm ấy có mì tôm, cho thêm mì vào canh thành “món ngon đột xuất”. Mỗi người 1 tô, chia đều 1 miếng trứng, mấy khúc lạp xưởng.
Bé nào cũng được tập cho thói quen tự lập từ sớm nên rất chăm chỉ, tháo vát
Chân thành, giản dị
Thầy không có phòng riêng. Tối tối, cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ. Chiếc giường của thầy kê cạnh giường các bé, “cha con” cùng ngủ cạnh nhau. Chiều chiều, bà con tiểu thương ở chợ Ngãi Giao – cách chỗ thầy khoảng 15 cây số – gom bầu bí, rau củ, trái cây… để góp phần bổ dưỡng cho bữa cơm “nhà quê” của cha con thầy.
Hỏi mái ấm có thiếu gì không, thầy cười hiền, thật thà khoe đầu năm học đã có người cho 1000 cuốn tập rồi. Thầy chỉ xin 25 chiếc chiếu cói thôi, 20 chiếc rộng 1m và 5 chiếc 1,5m giá mỗi chiếc khoảng 100 ngàn đồng.
Thật sự thấy ấm lòng, bởi bên cạnh những người “không biết đủ” thì thầy luôn hài lòng với những gì mình có. Không một lời than vãn hay gợi ý xin tiền để sửa chữa, mở rộng gian nhà. Tường chưa tô, chưa quét vôi, thầy cũng không kêu. Mọi cái cứ tự nhiên đến.
Các bức tường thuần một màu xi măng nên phòng ốc bị tối. Căn bếp ám khói càng tù mù hơn.
Thầy lại khoe mới trồng mấy trăm cây mít Thái, thầy gọi là “cây tương lai”. Một người quen bày cho, rằng mỗi cây trồng sau 2 năm có thể thu được khoảng 1 triệu đồng. Nhìn cây phát triển, niềm hy vọng lớn dần. Thầy mong một ngày không xa, các nhà hảo tâm sẽ không phải lo lắng cho mái ấm này nữa. Thầy còn nuôi một chị bò mẹ, để các em có thêm sữa tươi trong khẩu phần.
Em Nguyễn Thanh Lâm (12 tuổi) đến mái ấm của thầy từ tết đến giờ. Lâm khoe sống ở đây rất vui, cứ khoảng 5 giờ chiều là các em được chơi thể thao thoải mái. Làm “con” thầy Nhiên đã được 3 năm, em Hoàng Nguyễn Hưng (13 tuổi) vui vẻ kể: “Trước đây, con ham chơi lắm. Nay con là học sinh giỏi rồi. Lúc mới thì cũng nhớ nhà, giờ con coi đây là nhà. Vui lắm cô à”. Giọng Hưng thật tự tin khi nói đến một ngày thành đạt, chính mình sẽ trở thành điểm tựa cho các em ở mái ấm này.
Sống trong tình yêu thương chân thành, các em nhỏ ở đây rất dạn dĩ, hồn nhiên.
Người mua tặng thầy Nhiên khu đất cũng là chủ nhân Vườn Kiều ở phường Bình Đa, TP Biên Hòa – bác Phạm Văn Khoát (80 tuổi) nhận xét về thầy: “Nhiên rất nhiệt tình, mộng làm việc xã hội. Từ lâu, anh ấy muốn nuôi trẻ mồ côi hay trẻ có hoàn cảnh khốn khó. Nghĩ Nhiên có ý tốt, tôi đã giúp anh ấy hoàn thành tâm nguyện”.
Anh Nguyễn Quốc Việt – làm nghề sạc bình ắc quy ở khu du lịch bãi tắm Chí Linh, TP. Vũng Tàu cũng cảm mến tấm lòng yêu trẻ và cuộc sống đạm bạc của thầy Nhiên. Anh nhận thấy đây là nơi nuôi dạy trẻ tốt, không vụ lợi. Cùng suy nghĩ như anh Việt, anh Nguyễn Thanh Phú – ngụ đường Ba Cu, TP.Vũng Tàu – hầu như tuần nào cũng đến thăm mái ấm. Mùa Trung thu lại về, các anh rục rịch nhắn tin rủ nhau lo chút quà để các em được vui vẻ phá cỗ đêm rằm.
Theo Dantri
Đến trường, một HS lớp 4 bị điện giật chết
Nơi cháu Anh gặp nạn là công trường thi công cầu (Ảnh minh họa)
Trên đường đến lớp, khi đi qua công trình xây dựng cầu của công ty Tân Nam, không may cháu Anh đụng phải dây điện của tổ công trình đang thi công khiến cháu bị điện giật chết tại chỗ.
Ngày 4/10, theo nguồn tin từ cơ quan công an huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết, vừa qua trên địa bàn huyện đã xảy ra một điện giật dẫn đến chết người rất thương tâm.
Được biết, khi cháu Nguyễn Văn Anh (10 tuổi) trú tại xóm Tam Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành hiện đang học lớp 4, trường Tiểu học xã Long Thành đang trên đường đến trường học.
Khi cháu Anh đi qua khu vực công trình đang thi công cầu do công ty Tân Nam làm thì không may bị đụng vào dây điện bị hở. Do đoạn dây điện hở và truyền điện nên cháu Anh đã bị điện giật chết ngay tại chỗ.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng lãnh đạo công ty đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.
Phía công ty Tân Nam đã bồi thường cho gia đình cháu Anh số tiền 100 triệu đồng.
Hiện gia đình đã tiến hành làm thủ tục mai táng cho nạn nhân.
Theo 24h
Xóm vạn đò cuối cùng trên sông Hương Cái đói nghèo, thất học và gánh nặng mưu sinh cứ đeo đuổi nơi xóm nhỏ vạn đò cuối cùng trên sông Hương ở tỉnh TT-Huế qua bao thế hệ. Những cư dân vạn đò hơn ai hết luôn khát khao được lên bờ định cư, con cháu được đến trường. Đó là khát vọng từ lâu của hàng chục hộ dân xóm...