Mách nhỏ XY cách chăm sóc bao quy đầu đúng cách
1. Khi nào thì bao quy đầu “tuột xuống” ?
Khi một bé trai được sinh ra, phần đầu của “đèn dầu” được một lớp da mỏng bên ngoài bảo vệ. Lớp da này được gọi là bao quy đầu. Ở trẻ sơ sinh, bao quy đầu dính liền với phần đầu của “cậu nhỏ”. Đây là điều hết sức bình thường. Khi các bé trai lớn lên, phần da này một cách tự nhiên sẽ “tuột” xuống khỏi phần đầu dương vật.
Khi bao quy đầu chuẩn bị “tuột” xuống, bạn sẽ phát hiện thấy các “bựa sinh dục” có màu trắng xuất hiện. Những bựa sinh dục này được hình thành là do các tế bào da bong ra trong quá trình tách ra khỏi phần đầu dương vật của bao quy đầu.
Video đang HOT
Trong trường hợp bao quy đầu không tách ra hoặc có tách nhưng với tốc độ chậm, chúng mình không được kéo, lột “cậu nhỏ” một cách thô bạo, bởi điều này có thể khiến các mô ở phần tiếp xúc giữa bao quy đầu và đầu dương vật bị vỡ, nhẹ thì khiến quá trình tách ra của bao quy đầu chậm lại, nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng dương vật đấy nhé!
Thông thường, bao quy đầu sẽ tự “tuột” ra khi bé trai được 5 tuổi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, phải đến khi bạn bước vào tuổi dậy thì quá trình “phân tách” này mới diễn ra.
2. Cách chăm sóc bao quy đầu cho “cậu nhỏ”
Bạn cần vệ sinh cậu nhỏ thường xuyên, chắc chắn rằng phần da bên trong được vệ sinh sạch sẽ. Lưu ý rằng nếu bạn sử dụng xà phòng để vệ sinh, cần kiểm tra xem phần da bên trong có còn sót lại chút ít xà phòng nào không, bởi nó có thể khiến vùng da đầu dương vật bị tấy đỏ.
Nếu đã bước vào tuổi dậy thì nhưng phần đầu dương vật của bạn vẫn bị “đóng kín”, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. Có thể bạn sẽ được bôi loại kem “steroid” giúp đẩy mạnh quá trình phân tách của bao quy đầu, hoặc bạn sẽ cần đến một tiểu phẫu nhỏ đế tách nó ra.
Nếu trong quá trình bao quy đầu vẫn chưa “tuột ra, “cậu nhỏ” có dấu hiệu mẩn đỏ, sưng tấy, hoặc đau rát khi đi tiểu, có thể bạn đã mắc phải chứng nhiễm trùng bao quy đầu, hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Một chứng bệnh khác có thể mắc phải là thắt nghẹt bao quy đầu (paraphimosis). Hiện tượng này hay gặp ở những boys có bao quy đầu hẹp nhẹ. Vì bao quy đầu chỉ hẹp nhẹ nên vẫn có thể tụt bao quy đầu ra khỏi quy đầu nhưng lại không tự tụt trở lại vị trí bình thường được (thường gặp lúc dương vật cương), tạo ra một vòng thắt ở bao quy đầu và khấc quy đầu gây ứ dịch phù nề bao quy đầu.
Tình trạng này giống như trường hợp đeo một chiếc nhẫn hơi chật vào ngón tay, có thể cố gắng đeo vào được nhưng không lấy ra được, và chiếc nhẫn có thể tạo thành vòng thắt gây phù nề ngón tay.
Khi bị thắt nghẹt bao quy đầu, nhìn sẽ thấy quy đầu lộ rõ ra, da bao quy đầu phồng to căng mọng do chứa dịch phù nề bên trong. Ngay phía trên chỗ bao quy đầu phồng to về phía khấc quy đầu là chỗ vòng thắt của bao quy đầu, nơi này da bao quy đầu thắt chặt lại quanh khấc quy đầu. Nếu để càng lâu thì hiện tượng thắt nghẹt bao quy đầu càng nặng dần, dẫn đến loét và hoại tử da và niêm mạc bao quy đầu.
Ngoài ra, chứng bệnh thường gặp nhất là hẹp bao quy đầu: là tình trạng bao quy đầu không thể tuột khỏi quy đầu của dương vật khiến việc vệ sinh sẽ khó khăn, dễ dẫn đến các viêm nhiễm ảnh hưởng da bao quy đầu (tạo sẹo). Hẹp bao quy đầu còn gây ra tình trạng nghẹt da qui đầu, thường xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo ngược ra sau nhưng rồi không lấy trở lại được.
Chứng hẹp bao quy đầu thường không phải là vấn đề trầm trọng. Nếu không tuột được nó thì với thời gian nó dễ gây ra những viêm nhiễm, ảnh hưởng cả “cậu nhỏ” và cho sức khỏe chung. Chẳng hạn tình trạng nghẹt da bao quy đầu có thể cản trở sự tuần hoàn máu đến đầu cậu nhỏ đấy.