Mắc chứng trầm cảm, ít nhất 5 cầu thủ Premier League từng định quyên sinh
Clarke Carlisle – Chủ tịch Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Anh cho biết, có ít nhất 5 ngôi sao Premier League từng nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời vì mắc chứng bệnh trầm cảm.
Clarke Carlisle
Ngoài chức danh chủ tịch Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp, Clarke Carlisle còn là một chuyên gia của FA phụ trách đường dây nóng tư vấn cho các cầu thủ mắc chứng bệnh trầm cảm.
Theo Carlisle, có ít nhất 2 cầu thủ chơi bóng ở giải đấu cao từng cố gắng kết thúc cuộc sống và 3 người khác đã nhận được lời tư vấn.
Tháng trước, cầu thủ đã thi đấu cho 9 đội bóng trong suốt 16 năm sự nghiệp đã trình bày bộ phim tài liệu mang tên “Football’s Suicide Secret” (Bí ẩn tự sát trong bóng đá) trên kênh truyền hình BBC3 để nói về những áp lực mà các cầu thủ có thể sẽ phải đối mặt.
Ngay khi “Football’s Suicide Secret” được công chiếu, cựu hậu vệ 33 tuổi này đã nhận được rất nhiều lời kêu gọi cần sự giúp đỡ của hơn 30 cầu thủ chuyên nghiệp, trong đó có 5 cầu thủ đang chơi bóng ở Premier League.
Video đang HOT
Clarke Carlisle khi còn là cầu thủ
“Có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc trầm cảm, nhưng chủ đề được nói nhiều nhất là một bước ngoặt, chẳng hạn như chấn thương hoặc giải nghệ”, Carlisle cho biết.
Carlisle cũng cho biết một trong những cuộc gọi khiến mình khó chịu nhất là của một cậu bé 13 tuổi – đang được đào tạo tại một học viện bóng đá hàng đầu nước Anh.
“Mọi thứ liên quan đến cầu thủ đều quyến rũ như tiền bạc và sự thành công. Nhưng cũng có những biểu hiện trầm cảm xảy ra rất nhanh chóng, ngay cả trong một buổi tập”, Carlisle chia sẻ.
Bên cạnh đó, cựu ngôi sao Watford – người sẽ phát hành cuốn tự truyện của mình trong tuần này muốn CLB phải chịu trách nhiệm nhiều hơn khi các cầu thủ giải nghệ hoặc phải nghỉ thi đấu vì chấn thương.
Theo VNE
Hiện tượng tự sát vì trầm cảm trong bóng đá: Đừng thêm một Gary Speed nữa
Tự sát vì trầm cảm đang ngày càng gia tăng trong thế giới bóng đá. Đó thực sự là một vấn đề đáng lo, và Clarke Carlisle hiểu rõ hơn ai hết.
Bóng đá thế giới không muốn chứng kiến thêm một cái chết nào như Gary Speed nữa
Clarke Carlisle là một nhân vật được kính trọng ở Anh, đã thi đấu cho 9 đội bóng trong suốt 16 năm sự nghiệp, vừa mới giải nghệ vào tháng trước. Ông đang là chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA), đồng thời là một chuyên gia của FA phụ trách đường dây nóng tư vấn cho các cầu thủ bị trầm cảm.
Từ trải nghiệm của bản thân
Nhưng khi mới 21 tuổi, ông từng mang theo 56 viên thuốc giảm đau và 1 chai bia đến một công viên ở phía Tây London để tự tử, trong đầu vật lộn với ý nghĩ làm thế nào để đối chọi với ca chấn thương nặng mà suýt nữa đã khiến ông mất cả sự nghiệp lẫn sự tôn trọng từ bạn bè và gia đình.
"Tôi đã nghĩ rằng kết thúc cuộc đời của mình là cách tốt nhất để không ai bị tổn thương", Carlisle nói. "Tôi uống hết chỗ thuốc đó và hy vọng sẽ có một cái chết như trong phim. Khi điều đó không xảy ra, tôi trở về căn hộ, uống thêm một lọ nữa và hy vọng có thể ngủ vĩnh viễn. Điều đó thật sự đáng sợ, không hiểu lúc đó tôi đã nghĩ gì nữa".
May cho Carlisle, ông được tìm thấy và cứu sống kịp thời, dù chứng trầm cảm và nghiện chất có cồn vẫn theo ông trong những năm tháng thi đấu cho Blackpool, QPR, Leeds, Watford, Luton, Burnley, Preston, York và Northampton.Những trải nghiệm đó của người đàn ông 33 tuổi này đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu có tên "Bí ẩn tự sát trong bóng đá", trong đó ông nói chuyện với chị gái của HLV quá cố của ĐT xứ Wales Gary Speed, và những cầu thủ đã từng có ý định tự sát.
Carlisle cho rằng có hàng trăm cầu thủ đang phải trải qua những điều tương tự. Ngoài xã hội, tỉ lệ là 1 người bị trầm cảm trên 4 người, và bóng đá là một phần của xã hội. Tuy nhiên trong bóng đá, việc công khai điều đó trước công chúng sẽ khiến một người trở thành tâm điểm của sự chú ý. Carlisle cho biết đã có khoảng 15-20 cầu thủ đến gặp mình và nói rằng đang gặp vấn đề, nhưng không biết phải làm gì. Họ chỉ muốn nghỉ đá bóng. Và đó mới là những người có số điện thoại và gọi trực tiếp, còn biết bao người khác nữa.
Không muốn có thêm một Gary Speed nữa
Nhiều người cho rằng các cầu thủ bóng đá nhìn chung được trả lương rất cao, vì vậy không cần phải được thông cảm, nhưng Carlisle tin rằng quan điểm đó là sai lầm: "Trầm cảm là một trạng thái mất cân bằng hóa học trong não bộ, cần phải có sự điều chỉnh. Bạn có giàu đến đâu, thông minh và có công việc tốt đến đâu cũng không giúp bạn tránh được nó. Căn bệnh này cần phải được phát hiện và chữa trị".
Giống như nhiều cựu cầu thủ khác như Paul Gascoine, Tony Adams và Paul McGrath, Carlise từng tìm đến rượu bia để chống lại căn bệnh trầm cảm.
Nhưng sau đó, ông đã được chẩn đoán bệnh, uống thuốc mỗi sáng để giúp suy nghĩ tỉnh táo hơn nhằm đối mặt với những thách thức".
Carlisle đánh giá rằng vấn đề với các cầu thủ trong bóng đá hiện đại là phải thừa nhận họ cần được giúp đỡ, và tránh được nỗi sợ không muốn tiết lộ với bất kì ai.
Sau trường hợp của Gary Speed, Carlisle đã tự hứa với bản thân là sẽ giúp những người khác không đi vào vết xe đổ đó. Ông lập nên một đường dây điện thoại nóng dành cho các cầu thủ và cựu cầu thủ bóng đá. Carlisle cho rằng khi đã có một đầu mối liên lạc đáng tin cậy và kín đáo, các cầu thủ có thể thoải mái thổ lộ về những vấn đề mình gặp phải, và sẽ được quan tâm một cách chu đáo.
Carlisle cũng muốn có một nghiên cứu cụ thể về những nguyên nhân có thể gây trầm cảm trong bóng đá, những chấn thương, chuyển CLB, giải nghệ và các nguyên nhân khác ảnh hưởng thế nào tới suy nghĩ của các cầu thủ.Trên hết, ông hy vọng cầu thủ có thể phá vỡ truyền thống văn hóa trong bóng đá, tỏ ra dũng cảm và thừa nhận các vấn đề của mình. Một Gary Speed đã là quá nhiều rồi.
Theo VNE