Ma trận “cò” và những tiểu xảo kiếm bộn tiền “ăn theo” người chết
Qua những câu chuyện xã giao và hỏi thăm về sức khỏe người sắp mất, chị này đi thẳng vào vấn đề: “Gia đình em có nhu cầu về giữ hài cốt người mất không, nếu có, chị sẽ giúp tận tình với giá cả phải chăng”.
Nắm bắt được tâm lý của nhiều người dân, khi gia đình có việc tang gia bối rối luôn mong muốn mọi chuyện diễn ra thuận buồm mát mái, người ra đi sẽ được siêu thoát sớm, người ở lại sẽ cảm thấy nhẹ nhõm tấm lòng, đội ngũ “cò” ở đây không ngừng quảng cáo, sau khi thiêu có thể giữ nguyên xương. Nếu làm được việc này, không chỉ thế hệ trực tiếp mà ngay cả phúc phận con cháu sau này sẽ mãi mãi trường phát?! Lời quảng cáo tâm linh thật “hoành tráng” ấy thực chất như thế nào?
TS. Vũ Thế Khanh: Cần phải để cho linh hồn người quá cố sớm siêu thoát.
Bốc hỏa 100% nhưng vẫn giữ nguyên xương?
Tạm biệt “trùm cò” K., chúng tôi tiếp tục lang thang quanh khu vực đài hóa thân Hoàn Vũ để khảo sát thêm tình hình. Đang mải mê ngó nghiêng, bỗng một người phụ nữ trung tuổi đến gần bắt chuyện. Chị này giới thiệu tên là L., chuyên làm dịch vụ sau hỏa táng.
Qua những câu chuyện xã giao và hỏi thăm về sức khỏe người sắp mất, chị này đi thẳng vào vấn đề: “Gia đình em có nhu cầu về giữ hài cốt người mất không, nếu có, chị sẽ giúp tận tình với giá cả phải chăng”.
Thấy chúng tôi chưa hiểu vấn đề, chị này giải thích: “Thông thường, khi hỏa táng thì cơ thể người mất sẽ bị thiêu cho đến khi thành tro. Hiện nay, với kỹ thuật hiện đại, người ta có thể thiêu mà vẫn lấy nguyên được xương và chỉ có phần thịt là bị thiêu cháy mà thôi. Ở đây, quá trình hỏa táng vẫn diễn ra theo thông lệ bình thường nên chỉ những người có nhu cầu làm dịch vụ thì bọn chị mới giúp”.
Chúng tôi tỏ vẻ không tin vào những lời quảng cáo đó, L. không hề cáu mà lại nhẹ nhàng đưa ra “một mớ” những từ mang tính kỹ thuật, chuyên môn, chuyên ngành thế này, thế kia… để chứng minh, việc thiêu giữ nguyên xương là có thực. Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi nại lý do, người nhà đang ốm nặng, đợi ngày chứ chưa mất thì L. tỏ thái độ tiu nghỉu thật rõ ràng.
Mặc dù vậy, L. lấy lại vẻ mặt và thái độ vồn vã rất nhanh, đồng thời nhấn mạnh: “Tưởng bọn em cần bây giờ thì chị phải nhờ mối quen biết xử lý ngay lập tức. Chứ đang đợi ngày, đợi giờ đối với chị lại càng thuận lợi vì mình càng có thời gian đặt lịch, thoả thuận về sao cho người nhà em được ưng ý nhất”.
Vừa nói, chị L. không quên đề nghị chúng tôi ghi số điện thoại liên lạc, cùng với lời nhắn: “Lúc nào người nhà em mất thì điện thoại ngay cho chị, để chị xử lý mọi việc trước. Chỗ chị em với nhau, chị giúp em để lấy cái phúc, cái đức là chính. Tiền, chị có thể ứng trước cho. Khi “hòm hòm” mọi việc, em trả chị một cục cũng được”.
Thấy cách thức “làm ăn” và xử lý vụ việc khá lạ của L., chúng tôi đành gọi điện thoại cho “cò” K. để xác minh thực hư ra sao. Vừa nghe xong câu chuyện, K. cười khà khà khẳng định: “Em nghĩ sao mà lại tin vào kiểu dịch vụ kỳ lạ như thế. Với việc đốt cháy 100% mọi thứ thì còn nguyên xương được không. Nếu không cẩn thận là bị “bọn cò” lừa đấy”. Đồng thời “cò” K. quay ra giảng giải: “Sau khi đốt, phần còn lại của thi thể gồm có tro và cốt. Nhưng vì đa phần người dân muốn lấy cốt to hơn một chút chứ không muốn vụn quá nên chỉ có dịch vụ lấy cốt to.
Về lĩnh vực này, anh hoàn toàn có thể giúp bọn em được. Anh sẽ liên hệ giúp em để xương người mất không vụn quá mà sẽ to hơn, nhiều mảnh hơn người khác. Thông thường, người dân yêu cầu trực tiếp ban tổ chức lễ tang làm việc này sẽ rất khó. Vì nhân viên ở đây, họ cứ đúng quy định, quy trình mà làm. Quan trọng ở chỗ, phải có sự quen biết, thân thuộc thì sẽ điều chỉnh mức độ cao thấp về độ nóng của lò để xương rơi xuống nhanh hơn. Vì vậy, xương sẽ to hơn và nhiều mảnh hơn. Nếu đặt dịch vụ trọn gói, anh sẽ khuyến mại, lấy giá hữu nghị cộng thêm 500.000 đồng vào trong tổng số tiền trước đó”.
Trước nhiều luồng quảng cáo có cánh như vậy và qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, quá trình hoả thiêu sẽ được thiết lập hoàn toàn tự động. Buồng đốt được duy trì nhiệt độ ở mức 700oC – 1.200oC.
Video đang HOT
Với nhiệt độ trên, quan tài và thi hài người mất sẽ hóa hết trong thời gian khoảng trên dưới 3 tiếng đồng hồ (phụ thuộc vào cơ địa người mất và áo quan dày hay mỏng). Người mất sau khi hỏa táng chỉ còn lại phần tro cốt và được xử lý kỹ thuật trước khi đưa vào bình, rồi bàn giao cho gia đình. Ở đây, chỉ có một hình thức hoả táng duy nhất chứ không hề có hình thức thiêu lấy nguyên xương như “đội cò” quảng bá.
Ngoài ra, ban tổ chức lễ tang cũng có bảng thông báo rõ ràng về việc không thể thực hiện thiêu giữ nguyên xương nhưng không hiểu sao, vẫn có không ít người rơi vào “ma trận cò” để rồi sau đó rơi vào cảnh bị “chặt, chém”, tiền thì mất mà lòng lại đau đớn không yên vì bị lừa tâm linh chứ không phải tiền.
“Phải lấy đức làm đầu”
Trước việc một số người dân mong muốn, sau khi hoả táng người thân của mình được giữ nguyên xương hoặc phần xương cốt có thể giữ lại được nhiều hơn, TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng, UIA) khẳng định, việc này không quá quan trọng đến như vậy.
TS. Khanh cũng cho biết: “Việc giữ hài cốt vốn xuất phát từ tín ngưỡng truyền thống của người dân. Nếu nhìn nhận đúng vấn đề, ta sẽ thấy ngay cả những vị tu hành đắc đạo khi hỏa táng đều rắc tro cốt của mình khắp non sông. Đó là hình thức an táng cao cấp nhất. Bởi lẽ, khi làm thế, người âm không trụ vào xác và cốt nữa. Nhiệm vụ của người còn sống là tích đức và cầu nguyện để cho những linh hồn ấy dễ tái sinh. Hài cốt chỉ là một thứ kỷ niệm với người sống chứ nó không có tác dụng với người đã mất.
Trong Đạo, người ta thường giảng giải cho linh hồn rằng, chết rồi thì đừng bám trụ vào xác thân nữa mà đi đến cảnh giác an lạc hơn. Nếu cứ trụ vào xác và cốt, sẽ ngày càng đau khổ hơn mà thôi (vì xác đó ngày càng mục nát theo thời gian). Tuy nhiên, đối với những người còn sống, thậm chí cả những người mất xương cốt là một điều gì đó thật cần thiết, quan trọng thì đó là trụ hình tướng (coi việc giữ thân xác sẽ giúp người mất mãi vĩnh hằng)…”.
Đã vụ lợi ắt có biến đổi
Theo TS. Vũ Thế Khanh, việc nhiều người phải chi tiền “lót tay” lấy được xương cốt người thân to hơn, nhiều mảnh hơn bên cạnh yếu tố tín ngưỡng còn xuất phát từ lý do phong thủy. Người ta cho rằng, người thân khi mất đi có ảnh hưởng tới số mạng người trên dương trần, nên họ cố gắng giữ được nhiều xương cốt nhất có thể để táng người thân vào những mảnh đất tốt. TS. Vũ Thế Khanh chia sẻ: “Phong thủy có nhiều trình độ, cấp bậc.
Chúng ta hãy tạm thống nhất với nhau về hai loại phong thủy là phong thủy tâm linh và phong thủy vụ lợi. Những người làm phong thủy tâm linh họ thường tìm những nơi yên tĩnh, thanh bình để cho phần tâm linh đó được an lạc. Những hành động đó, đơn thuần chỉ là hành động báo hiếu của con cháu dành cho cha mẹ, tổ tiên. Đó là hành động ân bất cầu báo, để cho linh hồn bố mẹ được vui chứ không phải vì vụ lợi điều gì. Với những người làm phong thủy vụ lợi, họ cũng cố gắng tìm ngôi mộ tốt, để táng hài cốt cha ông vào đó. Nhưng không phải vì mục đích báo hiếu mà là mục đích tư lợi cho cá nhân mình sau này”.
TS. Vũ Thế Khanh cũng khẳng định, nếu phong thủy chỉ để vụ lợi thì tất nó sẽ biến đổi, kể cả ngày hôm nay nó là long mạch, nhưng không có đức thì mai long mạch chạy chỗ khác. Điều này, trong khoa học phong thủy đã nói rất rõ. Nói tóm lại, bất kể người ta bỏ tiền ra giữ xương cốt người thân vì mục đích gì nhưng trước nhất phải xuất phát từ việc lấy đức làm đầu. Có như vậy, linh hồn người mất mới thấy được an lạc và tái sinh.
Việc lẫn tro cốt người khác là bình thường?! TS. Vũ Thế Khanh cho rằng, trong quá trình hỏa táng liên tục, tro cốt người mất có thể còn vương lại trong lò và hòa lẫn với tro cốt người khác thì các tang chủ không nên quá lo lắng. Bởi lẽ, người còn sống, trong lễ cầu siêu giúp linh hồn người mất hiểu được rằng, hài cốt chỉ là kỷ niệm của quá khứ thì việc lẫn tro cốt không còn quan trọng nữa. Thậm chí, có liệt sỹ còn tặng xương cho nhau cho đỡ tủi thân chứ nói gì đến việc lẫn một chút tro cốt. Điều quan trọng nhất vẫn là giúp linh hồn người mất sớm siêu thoát.
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Tận cùng nỗi đau sau những TNGT thảm khốc
Sau mỗi vụ TNGT thảm khốc là nỗi đau phải mất đi người thân. Nhưng với những người còn sống, nỗi đau đó còn bủa vây, níu kéo họ chưa biết lúc nào nguôi ngoai...
Bố mẹ chết thảm để lại 2 con thơ dại
Mới đây, đoàn Ủy ban ATGT Quốc gia đã đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân thương vong vì TNGT. Sau mỗi vụ TNGT thảm khốc, thảm cảnh để lại khiến những người sống không khỏi xót xa.
Vợ chồng anh Phan Thanh Doanh (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Trang Nhung (27 tuổi) ở tổ 12, phường Quang Vinh, TP.Thái Nguyên đều là công nhân ngành đường sắt.
Cách đây ít hôm, sau khi đi làm ca về, tranh thủ có bà ngoại trông con anh chị đã chở nhau bằng xe máy đi xem chương trình tổng duyệt Festival chè Thái Nguyên.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chia buồn với gia đình bà Liễu.
Nhưng thật không may, tại đường tròn trung tâm TP.Thái Nguyên, bất ngờ vợ chồng anh Doanh bị chiếc xe ô tô 7 chỗ tông, khiến cả hai vợ chồng bị thương nặng rồi qua đời ngay sau đó.
Vợ chồng anh Doanh ra đi để lại hai con thơ dại là Phan Thanh Hiền 5 tuổi và Phan Thanh Lương mới 22 tháng tuổi cho người mẹ già thường xuyên đau ốm.
Trong căn nhà cấp 4 được xây lâu ngày, màu sơn đã hoen ố, khi chúng tôi đến thăm, bà Liễu (mẹ đẻ của anh Doanh) khóc cạn nước mắt đang thẫn thờ đứng nhìn hai cháu thơ dại phải chít khăn tang cho bố mẹ.
"Chúng nó ra đi để lại hai đứa nhỏ cho tôi mà không lời trăng trối. Tôi cảnh thân già bệnh tật thế này sao ông trời không bắt tôi đi thay chúng mà để tôi ở lại khổ thế này", bà Liễu nghẹn ngào.
Chứng kiến cảnh tượng đau đớn sau sự ra đi bất ngờ của đôi vợ chồng trẻ, Bộ trưởng Bộ GTVT, kiêm Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã chia sẻ với nỗi đau của gia đình. Đồng thời, ông mong rằng các cấp, các ngành cùng bà con thôn xóm địa phương hãy hỗ trợ giúp đỡ gia đình anh Doanh trong cơn hoạn nạn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nói thêm, ông sẽ kêu gọi ngành đường sắt đến thăm hỏi và có chính sách hỗ trợ lâu dài đối với hai cháu nhỏ, để các cháu có điều kiện được ăn học trưởng thành.
Tại một gia đình khác ở xóm Bồng Lai, Thượng Đình, Phú Bình (Thái Nguyên) chỉ trong vòng 2 năm (2011 - 2012) vợ chồng ông Hà Minh Quốc (67 tuổi) và bà Dương Thị Gia (65 tuổi) đã liên tiếp phải chịu cảnh "lá vàng tiễn biệt lá xanh", khi lần lượt hai vợ chồng đứa con trai duy nhất bị tử vong vì TNGT.
Hai cái chết của con trai và con dâu cách nhau chưa đầy 1 năm khiến ông bà Minh phải chít khăn tang cho 3 cháu nhỏ đang tuổi ăn học, đứa lớn mới 14 tuổi, đứa thứ 2 mới 6 tuổi và đứa út 4 tuổi .
Bà Gia nói trong nghẹn ngào: "Bây giờ chúng tôi còn sống thì còn cố lo được cho các cháu, chứ khi chết đi rồi không biết chúng nó trông chờ vào ai.
Vợ chồng tôi tuổi cao sức yếu trong khi các cháu lại đang tuổi ăn học nên thực sự gặp rất nhiều khó khăn...".
Lái xe nghe điện thoại 8 người chết thảm!
Vụ TNGT ô tô lao vào tàu hỏa tại ngã rẽ Chùa Đậu, thị trấn Thường Tín (Hà Nội) xảy ra đã hơn 2 năm, nhưng hậu quả để lại vẫn là nỗi ám ảnh thường trực với gia đình những người bị nạn.
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng ông Lý vẫn chưa vượt qua được cú sốc về nỗi đau lớn nhất cuộc đời mình, cùng lúc mất 5 người thân vì TNGT.
Ông Lê Văn Đảng (70 tuổi), người thoát chết khi ngồi trên chiếc xe 16 chỗ (chở 21 người) đâm vào tàu hoả hai năm về trước, nhớ lại: Hôm đó chiếc xe lưu thông đến gần đường ngang Chùa Đậu thì lái xe lôi điện thoại ra nghe.
Khi xe đi sắp đến đường tàu, ông Đảng ngồi cạnh phát hiện có tàu chuẩn bị đi qua và nhắc lái xe dừng lại, nhưng lái xe vẫn cố tình lao qua đường ngang rồi húc thẳng vào đoàn tàu ập đến.
Vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người ngồi trên xe tử vong và 3 người bị thương nặng.
Trong 8 nạn nhân trên thì có tới 5 người là người thân của ông Hà Văn Lý (ở Tổ 12, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên). Ông Lý đang cùng gia đình con cháu sống vui vẻ thì bỗng trở thành người độc thân khi cùng lúc mất đi cả vợ, con và cháu.
Bộ trưởng thăm hỏi gia đình có 5 người chết vì TNGT
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng ông Lý vẫn chưa vượt qua được cú sốc về nỗi đau lớn nhất cuộc đời mình nên vẫn thường xuyên phải nhập viện vì chứng suy nhược thần kinh...
Chứng kiến nỗi đau của gia đình ông Lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chia sẻ với những mất mát lớn lao, đồng thời ông cũng mong chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ ông Lý để họ có thể nguôi ngoai phần nào nỗi đau.
Theo Vietnamnet
Áo dài- từ "biểu tượng văn hóa" đến... "thảm họa văn hóa" (I) Trải qua những biến thiên, thăng trầm, trải qua nhiều cuộc cách tân, cải tổ gây tranh cãi, cho đến tận bây giờ, áo dài vẫn là niềm cảm hứng vô tận với các nhà thiết kế. Những cuộc tranh cãi ồn ào quanh tà áo dài vì thế cũng chưa bao giờ dừng lại. Hành trình của một "biểu tượng văn hóa"...