Mã số vùng trồng là gì mà hễ nông dân nào của tỉnh Vĩnh Long làm thì đều bán trái cây ngon ơ?
Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “ tấm vé thông hành” với những mặt hàng xuất khẩu.
Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng nông sản vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT), mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng.
Theo đó, để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác,…
Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.
Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản.
Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu, và cũng có thể xem đây là công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa cho nông sản Việt Nam (đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi) xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.
Video đang HOT
Theo đó, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho hay: Hợp tác xã chuyên sản xuất chôm chôm Java và chôm chôm Thái nghịch vụ với tổng diện tích 42ha và được sản xuất theo quy trình Global GAP, kiểm tra chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký mã số vùng trồng chôm chôm. Hiện thị trường chính là Trung Quốc, còn lại xuất sang Mỹ và châu Âu như Pháp, Hà Lan,… Số còn lại tiêu thụ trong nước.
“Hợp tác xã sản xuất với sản lượng 840 tấn/năm, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Hợp tác xã tự tìm khách hàng thu mua cho thành viên, thông qua các doanh nghiệp bằng hình thức liên kết. Khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ ở thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc và thị trường trong nước giá cả không cao. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, chôm chôm của hợp tác xã có giá trị cao hơn”- ông Nhân cho biết thêm.
Cần khắc phục “rào cản”
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới việc xuất khẩu nông sản, việc gắn mã số vùng trồng hiện nay đang ngày càng được tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký.
Vừa qua, Sở NNPTNT đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nông sản trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Nhiều nông dân cũng cho hay, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính. Song, do dịch COVID-19, sức tiêu thụ thị trường này gần đây bị giảm sút. Đồng thời, việc Trung Quốc đưa ra chính sách ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, chỉ có các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký mã số vùng trồng mới được nhập khẩu, khiến rau quả Việt Nam càng khó vào thị trường này hơn trước đây.
Tuy nhiên, không ít nông dân cho rằng, quá trình triển khai đăng ký mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi (yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng phải từ 10ha trở lên); chi phí cho việc cấp mã số vùng trồng tương đối lớn; vẫn còn không ít nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chú trọng việc xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản,…
Bên cạnh đó, theo ông Nhân, thị trường xuất khẩu không ổn định, số lượng nhỏ lẻ, không liên tục. Trong khi, hợp tác xã chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ vậy, quá trình quản lý hồ sơ mã số vùng trồng còn chưa rõ ràng, nên theo dõi và truy cập đôi lúc chậm và chưa chính xác. Đối với MSVT do hợp tác xã quản lý thì không biết cách định hướng và khai thác nên không phát huy được hiệu quả.
Việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao giá trị.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho biết: Để triển khai thực hiện xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp, hộ sản xuất phải nâng cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu đặt ra. Đồng thời, cần sự thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các hộ sản xuất, doanh nghiệp, từ cơ sở sản xuất và cơ sở chế biến, áp dụng truy xuất, khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đến tháng 9/2021, Vĩnh Long có 59 mã số vùng trồng cây ăn trái với trên 730ha và 6 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài: Hoa Kỳ, EU, Úc, Trung Quốc và Newzealand.
Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng vùng nguyên liệu khoai lang tím với trên 1.100ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc
Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa thị trường các loại nông sản.
Hiện, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các nông sản và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vải thiều chín sớm tại huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam, có mức tăng trưởng khá. Hai thị trường có tính chất bổ trợ cho nhau không phải cạnh tranh, cho nên cả hai bên đều rất tích cực đẩy mạnh thương mại.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán và có nghị định thư của 9 loại nông sản, hai bên tiếp tục đàm phán cho 8 loại nông sản gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít để ký kết nghị định thư về kiểm dịch. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng tăng mặt hàng, số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Khi đã xuất được chính ngạch thì sẽ có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất, cũng như sơ chế, chế biến, vận chuyển, bao gói kiểm soát, kiểm dịch...
Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai đang gặp khó khăn. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Tham tán công sứ Trung Quốc về giải pháp khắc phục trong bối cảnh dịch COVID-19 từ đó có thêm các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc có rất nhiều quy định mới. Các quy định mới này sẽ được phổ biến cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp để khi đưa hàng lên biên giới đảm bảo được những tiêu chí theo quy định mới của Trung Quốc như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật để việc thông quan được liên tục.
Bên cạnh đó, về hạ tầng như hệ thống kho bãi, giao thông, cảng đảm bảo hàng hóa được thông suốt từ các tỉnh phía Nam đưa ra xuất khẩu được ngay, không phải lưu kho, lưu bãi. Nếu trong trường hợp còn tồn đọng thì có hệ thống kho bãi, kho lạnh để lưu giữ, không làm giảm chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ cũng đang tiếp tục thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa. Hai bên cũng sẽ tiến đến thống nhất hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay.
Về vấn đề cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã có khoảng hơn 3.600 mã số vùng trồng được cấp. Các mã số được cấp nhằm xuất khẩu sang các thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là hàng nghìn cơ sở đóng gói được cấp phép.
So với diện tích sản xuất thì việc kiểm tra, đánh giá cấp mã số vùng trồng mới đạt được một con số rất khiêm tốn. Thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ sẽ cùng với các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hiệp hội thúc đẩy mạnh hơn nữa trong việc kiểm tra, đánh giá và cấp mã số này theo đúng quy định các tiêu chí.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể về việc cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về các quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng với các địa phương tiến hành tập huấn và xây dựng bộ tài liệu cho từng cây trồng cụ thể ở các địa phương mang tính chất cây trồng đặc thù. Từ đó, tổ chức thực hiện xây dựng và kiểm tra, đánh giá và xây dựng mã số vùng trồng. Việc mã số vùng trồng của địa phương sẽ chuẩn hóa và chuyển cho các nước nhập khẩu các hàng hóa nông sản.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, ở một số nơi, chất lượng của mã số vùng trồng chưa đảm bảo dẫn tới phía Trung Quốc hay Malaysia đã có thông báo về việc không tuân thủ. Do vậy, dẫn tới việc phải xuất khẩu các sản phẩm từ những mã số không đáp ứng được. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã thông báo các địa phương và hướng dẫn các quy trình cụ thể để có biện pháp kỹ thuật khắc phục để không vi phạm nữa.
Ngoài ra, cũng có tình trạng mạo danh sử dụng các mã số vùng trồng. Các doanh nghiệp, địa phương cần quản lý tốt hơn, sử dụng đúng và tránh tình trạng mạo danh hoặc không có mã số nhưng vẫn bịa ra mã số để sử dụng... Ông Hoàng Trung cũng khuyến nghị doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và hỗ trợ tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân để qua đó, tạo sự quản lý theo chuỗi từ đầu vào đầu ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, các tỉnh trong cả nước cân đối lại phần sản xuất nông sản với diện tích, năng suất, sản lượng sản xuất được thì nội tiêu trong nước và dự kiến xuất khẩu là bao nhiêu để chúng ta có bước chủ động điều tiết, tránh ùn ứ ở các cửa khẩu như những năm vừa qua.
Chuyện về Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi Do sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm của Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi (Bến Tre) tạo được niềm tin với người tiêu dùng, giúp nông dân có thu nhập cao. Lợi ích kép Sau những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi đến Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi ở ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp,...