Ma làng
Nghe các cụ kể ngày trước ở đầu làng có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê che rợp cả một khoảng đất rộng mênh mông. Dưới gốc đa có quán nước chè, kẹo lạc, khách hàng của bà Son là mấy bác đi làm đồng hoặc nhưng ai đi xa lỡ độ đường…
Một ngày đầu năm bốn tám bọn Pháp từ trên đồn Nam Tây tràn xuống, bọn địch lùa cả làng ra dưới gốc cây đa, thằng quan hai mặt đỏ như tôm luộc ngồi trên xe jeep hất hàm ra lệnh “bắn”, một tràng tiểu liên khô khốc, xác người đổ ngổn ngang, máu loang thành dòng ngập ngụa cả gốc cây.
Người ta bảo những người đó chết oan nên linh hồn họ thường lẩn quất, vất vưởng không thể siêu thoát được. Kể từ đó dưới gốc đa không còn là chốn yên bình nữa, nó có cái gì đó lạnh lùng kinh hãi, có người còn bảo những hôm mưa phùn lất phất lẫn trong tiếng gió rít trên ngọn đa nghe như có tiếng người la hét, kêu khóc thảm thiết, lúc sau lại có tiếng cười the thé nghe buốt lạnh hết sống lưng…
Sau này bọn địch thiết lập vành đai trắng và tuyến hàng rào điện tử Mcnamara, cây đa bị chúng ném bom na pan cháy trụi. Chỗ cây đa giờ đây là hai chiếc xe tăng cháy nằm lù lù, một chiếc của địch một của ta.
Chiến tranh đã qua nó cũng dần bị chìm vào quên lãng, lau lách mọc um tùm, mỗi lần có cơn gió thổi nghe xào xạc mang theo bao điều huyền bí, kể từ đó những câu chuyện ma quỷ lại được mọi người thoải mái thêu dệt: Có người thề sống thề chết rằng đã từng thấy hai bóng ma lại là ma Mỹ hẳn hoi, hai con mắt như mắt mèo từ trong chiếc xe cháy đi ra. Có đứa lại bảo đã gặp một cô gái mặc áo lụa trắng trong những đêm sáng trăng, có lẽ một cô thôn nữ nào đó đã xung phong đi bộ đội vào binh chủng xe tăng chẳng may hi sinh…. Sau này mới biết lũ nói khoác, đã nghe đơn vị xe tăng nữ nào bao giờ?
Rồi một ngày nọ những tò mò, thắc mắc của lũ trẻ con chúng tôi cũng được giải đáp. Lão Quân chủ tịch xã gọi xe cẩu và xe reo về trục hai chiếc tăng lên bán sắt vụn, chiếc M48 đen trùi trũi gần như còn nguyên vẹn từ tháp pháo đến bánh đà, nước thép còn xanh lét đúng đồ Mỹ có khác, làm mưa làm gió trên chiến trường giờ chỉ còn là đống sắt chờ xẻ từng mảng đem đi bán. Một chút nhói lòng khi chiếc cẩu rú ga giật chiếc tăng thứ hai, “xe của mình”, tiếng ai đó run run, PT76 – tăng lội nước, người hùng Khe Sanh một thuở đây ư? Tháp pháo bay đâu mất nên nó càng thấp thỏi, nhỏ bé…Hai chiếc xe, hai chiến tuyến giờ cùng chung một số phận, bên kia đường lão chủ tịch và tay đầu nậu mặt đỏ gay, tiếng gõ trứng vịt lộn tiếng khui bia Vạn Lực bôm bốp…Nghe đâu trong Đảng ủy và Hội đồng có người phản đối vì hai chiếc xe này là minh chứng cho trận thắng oanh liệt của quê hương nhưng lão chủ tịch “cả vú lấp miệng em”. Với lại lão chẳng lạ lùng gì cái tính ba phải của ông Bí thư, đánh đấm ra trò nhưng làm công tác quản lý quá dở, ai nói gì cũng cười hề hề, lúc nào cũng sợ mất đoàn kết nội bộ thành thử một mình lão thích làm gì thì làm.
Video đang HOT
Ngã ba xưa giờ đã là mảnh đất mặt tiền, mặt tiền là tiền mặt chả trách người ta đổ xô ra như thế, quán hàng tạp hóa mọc lên, quán nhậu, quán karaoke, tiệm net…Thì ra quê mình đâu kém cạnh gì ai, ý nghĩ ấy, niềm vui ấy vừa chợt lóe lên đã vụt tắt biến… Từ đâu xuất hiện người đàn bà phốp pháp, bà xông thẳng vào tiệm nét chụp cổ một cậu bé trạc mười hai tuổi tát bôm bốp. Ra đến đường cái bà lăn lộn bù lu bù loa ” Trời ơi là trời! Cha phá
đằng cha con phá đằng con, kiểu nay tôi chết quách cho xong còn sống làm gì…”.Trong quán thịt cầy có tiếng người như quát tháo. Lão chủ tịch, không nguyên chủ tịch thì đúng hơn, sau đận “xẻ thịt” hai con tăng uy tín lão suy giảm đôi chút nhưng “cắp vặt quen tay” lão bắt đầu xà xẻo những công trình xây dựng cơ bản, vốn hỗ trợ người nghèo…
Đi đêm lâu có ngày gặp ma, đơn khiếu kiện gửi về Huyện ủy, thanh tra rồi công an lên làm việc, vì giữ uy tín cho lão nên người ta không truy tố nhưng cũng chỉ ngót nhiệm kỳ rồi cho nghỉ.
Từ ngày rớt Hội đồng về vườn lão đâm ra chán nản, suốt ngày uống rượu. Lão hằn học uất hận vì ” chúng nó” tệ bạc. Lão quy tụ một nhóm toàn những thành phần “hảo hán”, từ anh thuế vụ ăn hối lộ bị thải hồi đến anh hàng thịt lợn bất mãn còn lại là những anh nghiện rượu hay lê la “ăn hôi”.
Lão phân công cụ thể ” chú đập thằng này ở điểm này, còn chú đánh thằng kia ở điểm kia”. Mấy vị thèm rượu được một chén đã sáng mắt giờ còn được bác chủ tịch mời, rượu thịt ngập mồm lại còn chỉ ra “con đường tranh đấu” còn gì bằng thứ ” thứ nhất lý trưởng loại ra thứ nhì chăn vịt thứ ba lái bò” không sai chút nào…
Đời lão giờ chỉ còn hai thứ, một là uống hai là kiện. Trước hết lão cho lâu la nhậu xỉn vào quấy rối cuộc họp. Nhiều khi cán bộ ủy ban đành bó tay trước những anh Chí Phèo đời mới lắm lý sự cùn… Đơn kiện giờ xếp ra có lẽ chất cao bằng người lão, ông Chánh văn phòng ủy ban huyện mỗi lần thấy lão lò dò ở cổng là đóng sầm cánh cửa ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi…
Sau mấy ngày phép ngắn ngủi lại phải về thành phố, nhìn hai bên đường những cánh đồng chỉ canh tác một vụ vì không có nước tưới, cỏ dại mọc um tùm mà không khỏi xót xa. Những vùng quê khác khó khăn hơn bao nhiêu vậy mà người ta quyết chí vươn lên còn quê mình thì…
Xa xa lũy tre làng ngả màu xanh thẩm trầm mặc trong ráng chiều như dáng vẻ lầm lũi của người dân quê chất phác hiền lành. Tiếng riết rống của người đàn bà, dáng vẻ liêu xiêu lảo đảo của lão Quân dưới bóng hoàng hôn buông như trào lên một nỗi buồn man mác… Ôi! Quê tôi!
Theo Dantri
Thoảng yêu...
Anh đến lúc Hà Nội đang độ xuân thì và ra đi vào một ngày thu buồn man mác...
Trút hết tất cả những mệt mỏi của bộn bề công việc, gác sang một bên cả danh sách dài những kế hoạch, những cuộc hẹn còn chưa thực hiện được với bạn bè, em lại một mình lang thang khắp phố phường Hà Nội. Chẳng hiểu từ bao giờ em lại có cái sở thích kỳ quặc như vậy, thế nhưng quả thực là cứ mỗi khi cuộc sống gặp áp lực là em lại không thể nào làm cho đôi chân mình đứng yên một chỗ.
Em bắt đầu làm quen với việc đi lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố náo nhiệt này có lẽ từ ngày ấy. Anh - kẻ "đã từng là người dưng" luôn dẫn em theo trong mỗi chuyến hành trình. Cũng chẳng hiểu tại sao đang là một cô tiểu thư "yểu điệu thục nữ" mà khi ấy em lại có thể "say" được cái thứ cảm giác phiêu lưu, bụi bặm này. Do em tò mò về cách mà anh có được những tấm ảnh có một không hai ấy, hay là bởi em đã chót mang cảm giác thích thú người con trai với mái tóc nghệ sĩ luôn đeo bên mình chiếc máy ảnh dù đi bất cứ nơi đâu?
Em thích đi khám phá Hà Nội một mình (Ảnh minh họa)
Kể cũng kỳ lạ, sống ở Hà Nội đã hơn chục năm rồi, vậy mà chỉ từ khi anh tới em mới biết Hà Nội của em đẹp đến thế nào. Có lẽ một khi đã mang trong mình cảm giác quá quen thuộc thì người ta sẽ không buồn khám phá. Ngày ấy em vẫn cứ nghĩ rằng Hà Nội chỉ là một chốn ồn ào, xô bồ và tù túng, chật hẹp. Nhưng anh lại chỉ cho em thấy ẩn sâu trong lòng Hà Nội luôn tồn tại một thứ cảm xúc rất riêng, nhỏ bé thôi mà lại tinh tế vô cùng.
Đôi khi em thích ngồi lặng yên ở một góc, có thể là cà phê cóc, hoặc trà đá vỉa hè. Lặng yên để ngắm nhìn và lặng yên để cảm nhận. Hà Nội ba mươi sáu phố phường với ban ngày chưa bao giờ thôi nhộn nhịp nhưng lại quá đỗi hiền từ, dung dị mỗi lúc đêm về. Hà Nội với Hồ Gươm, Hồ Tây... lộng gió, với hương sen thơm ngát mỗi độ hè về. Nhớ ngày nào anh đã từng nói: dù đi qua rất nhiều nơi rồi nhưng anh chưa bao giờ gặp một thành phố nào lại có nhiều hồ như thế. Ngày đó em đã từng nghĩ rằng hình như anh thích thú với tất cả mọi thứ ở đây.
Em hay đòi theo chân anh để rồi cái sở thích ấy đã ngấm luôn vào máu của em tự khi nào. Ngay cả bây giờ, khi đã chẳng còn anh ở đây thì em cũng không thể nào từ bỏ được thói quen ấy. Chẳng phải bởi quá yêu, quá nhớ anh nên em mới hay lang thang, mà đơn giản vì em luôn tìm được sự bình yên, luôn cảm thấy tâm hồn mình như phẳng lặng hơn mỗi lần được lang thang trên phố một mình.
Hà Nội vào thu đẹp lắm! (Ảnh minh họa)
Biết không anh, có đôi lần em vẫn nhìn thấy anh trong dòng người phía trước mặt, một chàng trai ăn mặc bụi bặm và luôn đeo chiếc máy ảnh bên mình. Thế nhưng em chỉ mỉm cười, bởi em biết rằng anh sẽ chẳng bao giờ trở lại một vùng đất đã từng đi qua. Anh luôn thích khám phá những điều mới mẻ, thích đến những nơi mà anh chưa đặt chân tới bao giờ. Người nghệ sĩ ấy quá đam mê với việc chu du bốn bể cùng với chiếc máy ảnh của mình. Thế là anh đi, và thế là tình yêu lặng câm của em vẫn muôn đời câm lặng.
Anh đến lúc Hà Nội đang độ xuân thì và ra đi vào một ngày thu buồn man mác. Em chưa bao giờ buông một câu níu giữ, bởi biết rằng sẽ chẳng có điều gì có thể níu được bước chân anh. Em yêu anh, nhưng cũng không nhiều quá. Em không khóc lúc tiễn anh đi mà trong lòng chỉ thấy có những cảm xúc tựa như buồn buồn. Thật tốt, bởi anh vẫn luôn coi em giống như là một cô em gái.
Hà Nội lại vào thu rồi đó anh. Đi dọc đường Nguyễn Du em đã thấy ngạt ngào hương hoa sữa. Em thả hồn mình cho tự do bay lượn dưới những tán cây. Hà Nội đêm mùa thu đẹp quá! Em cố hít hà mùi hương này cho thật căng lồng ngực, bởi biết đâu đấy, ngày mai giống như anh hoa sữa cũng lại bỏ em đi...
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi 'chịu kiếp' chung chồng với đồng nghiệp cũ Từ thứ hai đến thứ sáu, anh chung sống với cô ấy, còn dành cho mẹ con tôi hai ngày cuối tuần. Tốt nghiệp xong, tôi nhận công tác tại một trường vùng cao. Ở đó, tôi quen anh, cha của hai đứa con tôi bây giờ. Lúc yêu, chúng tôi cũng trải qua bao nhiêu sóng gió mới đến được với nhau....