Lý Quang Diệu với những thế hệ lãnh đạo Trung Quốc
Thành công của Lý Quang Diệu trong việc kiến thiết Singapore và tầm nhìn chiến lược của ông trên vấn đề quốc tế khiến các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc ngưỡng mộ chính trị gia này.
Nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu (phải) và cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Ảnh: CNS
Sự kiện nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu qua đời được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rầm rộ, với quy cách như với lãnh đạo của quốc gia mình. “Ông Lý Quang Diệu là chính khách châu Á có sức ảnh hưởng đặc biệt, là chiến lược gia kết hợp được giá trị phương Đông và tầm nhìn thế giới”, Xinhua dẫn lời ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Trong bức điện chia buồn gửi chính phủ Singapore, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá ông Lý là “người bạn lâu năm của Trung Quốc, là người đặt nền móng, mở rộng và thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Singapore”.
Từ năm 1976 cho đến khi qua đời, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã có 33 lần đến thăm Trung Quốc, từng gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ mật thiết với cả 5 thế hệ lãnh đạo của quốc gia này.
Thành công của Lý Quang Diệu trong việc tạo dựng kỳ tích Singapore được cho là nguồn cảm hứng với giới lãnh đạo tối cao Trung Quốc khi quốc gia này bắt tay vào công cuộc Cải cách mở cửa đầu thập niên 80 của thế kỷ 20.
Theo đó, kinh nghiệm Bắc Kinh muốn học hỏi là phương hướng cân bằng giữa cải cách kinh tế và xã hội, mà vẫn đảm bảo sự ổn định chính trị.
“Singapore có vị trí đặc biệt trong lòng giới lãnh đạo Trung Quốc”, New York Times dẫn lời Giáo sư Hoàng Tĩnh thuộc Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), bình luận. “Điều này có tính tượng trưng, cho thấy Trung Quốc có thể thành công trên cả hai quá trình hiện đại hóa kinh tế và chính trị. Nền chính trị phi phương Tây cũng có thể thành công”.
Tháng 11/1978, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Đặng Tiểu Bình đến thăm Singapore, trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị cho kỳ hội nghị mở màn cải cách. Theo hồi ký của Lý Quang Diệu, ông Đặng đã rất bất ngờ trước thành tựu mà Singapore đã đạt được chỉ trong hơn 10 năm độc lập.
Năm 1992, trong chuyến công du miền nam nhằm kêu gọi thúc đẩy cải cách, ông Đặng lấy Singapore là điển hình thành công trong việc vừa đảm bảo ổn định chính trị, vừa thực hiện cơ chế kinh tế thị trường.
Video đang HOT
“Trật tự xã hội của Singapore là tốt. Họ quản lý rất nghiêm, chúng ta nên học tập kinh nghiệm, mà còn phải quản lý tốt hơn họ”, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu.
Từ đó đến nay, giới chức Trung Quốc thường xuyên đến Singapore học hỏi kinh nghiệm. Theo một nghiên cứu của Đại học Thành thị Hong Kong, từ năm 1990 đến năm 2011, có 22.000 quan chức Trung Quốc đến học tập tại đảo quốc này.
Trong thời gian nhậm chức tại tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch Tập Cận Bình từng có 4 lần đến Singapore khảo sát. Vị khách quốc tế đầu tiên ông Tập tiếp khi mới được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị năm 2007, chính là ông Lý Quang Diệu.
“Họ muốn học tập cách vận hành của Singapore và tại sao lại có thể thành công đến vậy”, Giáo sư Hoàng Tĩnh cho biết. “Ngoài ra, họ cũng muốn học cách hợp tác với thế giới của Singapore, bởi đây là điểm yếu chính của quan chức Trung Quốc”.
Giáo sư Mark Thompson cho rằng sự thành công của Lý Quang Diệu và Singapore đã “cung cấp cho những người ngưỡng mộ từ Trung Quốc một sự đảm bảo về ý thức hệ”.
Mặc dù vậy, quy mô dân số nhỏ của Singapore là lý do khiến kinh nghiệm quản lý của đảo quốc này khó có thể áp dụng vào thực tiễn Trung Quốc. “Chỉ sau một vài tuần, các quan chức Trung Quốc nhận ra rằng không thể sao chép nguyên kinh nghiệm của Singapore”, Giáo sư Hoàng cho biết. “Nhưng họ vẫn giữ quan điểm rằng, nếu như Lý Quang Diệu và Singapore có thể làm được thì chúng ta cũng vậy”.
Ấn tượng với tầm nhìn sâu rộng
Ông Lý Quang Diệu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Ngoài ra, những đánh giá chính xác và tầm nhìn xa của ông Lý Quang Diệu về tình hình khu vực, thế giới đã để lại những ấn tượng sâu sắc với giới lãnh đạo Trung Quốc.
“Ông ấy nỗ lực để những phân tích của mình có tác dụng với họ, để trở thành người người cố vấn có thể tin cậy lâu dài”, chuyên gia Vương Giang Vũ, phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Luật châu Á, bình luận.
Đây cũng được cho là lý do mà quan hệ giữa Lý Quang Diệu và Bắc Kinh vẫn rất mật thiết, ngay cả khi ông có những ý kiến phê bình Trung Quốc và Singapore vẫn duy trì quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ.
Năm 2009, ông Lý Quang Diệu từng nhận định rằng Trung Quốc nay đã trỗi dậy trở thành một cực tại châu Á, mà Nhật Bản hay Ấn Độ đều không đủ sức để cân bằng lại được.
Chính vì vậy, ông cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường quan hệ với châu Á, để cân bằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực. “Nếu như Mỹ không nhận thức được vị trí trung tâm kinh tế của châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, mà mất đi ưu thế kinh tế và vai trò lãnh đạo tại đây, thì họ sẽ mất đi địa vị lãnh đạo trên phạm vi thế giới”, ông Lý bình luận.
Trong cuốn sách “Lý Quang Diệu: Góc nhìn của của bậc đại sư về Trung Quốc, Mỹ và thế giới” xuất bản năm 2013, ông Lý một lần nữa khẳng định mong muốn trở thành sức mạnh chủ đạo tại châu Á của Trung Quốc.
“Với kỳ tích kinh tế, họ đã biến một xã hội nghèo khó thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như ngày hôm nay”, ông bình luận. “Người Trung Quốc muốn chia sẻ cùng với Mỹ thế kỷ này trong tư thế bình đằng”.
Đức Dương
Theo VNE
Ông Lý Quang Diệu: Giúp định hình Trung Quốc đương đại?
Theo các phương tiện truyền thông thế giới, Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có ảnh hưởng to lớn trong việc định hình Trung Quốc đương đại.
Sau khi Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời, các nhà lãnh đạo và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đã đua nhau nói về những di sản to lớn mà "chính trị gia có ảnh hưởng vào bậc nhất châu Á" này để lại. Trong thế giới phương Tây, những phân tích về ảnh hưởng của ông nói chung là khá phức tạp. Thậm chí, báo Mỹ Washington Post đã gọi Lý Quang Diệu là "nhà độc tài yêu thích của thế giới dân chủ". Nhưng ở Trung Quốc - nơi sự kết hợp giữa chuyên chế và cải cách kinh tế của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tỏ ra rất hiệu quả, người ta có những đánh giá tích cực gấp bội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố ngày 23/3 nói rằng, "Trung Quốc bày tỏ lòng tiếc thương tiếc sâu sắc về sự qua đời của ông Lý Quang Diệu". Bộ này ca ngợi Lý Quang Diệu là "một chính khách có ảnh hưởng chưa từng có ở châu Á, một chiến lược gia thể hiện các giá trị phương Đông và tầm nhìn quốc tế".
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong lần gặp gỡ với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Có lẽ, lời ca ngợi nói trên chưa đánh giá hết tầm quan trọng thực sự của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, ban lãnh đạo Bắc Kinh nhận thức rằng, học thuyết Mao không hẳn là con đường tiến lên phía trước cho Trung Quốc, nhưng họ cũng không chấp nhận nền dân chủ phương Tây và một nền kinh tế thị trường tự do. Qua tấm gương Lý Quang Diệu lãnh đạo thành công Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm thấy một con đường thay thế - một con đường mà theo họ là duy nhất thích hợp cho các giá trị của phương Đông (châu Á). Đó chính là sự kết hợp giữa cải cách kinh tế và duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một mô hình đã giúp Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc trong mấy chục năm qua.
Học giả Jin Canrong của Đại học Nhân Dân Bắc Kinh nói với China Daily rằng, sự đóng góp lớn nhất của Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc là "chia sẻ kinh nghiệm thành công của Singapore về quản trị kinh doanh". Trong cuốn tiểu sử Đặng Tiểu Bình, tác giả Ezra Vogel đã viết rằng, cải cách của Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc có sự đóng góp to lớn của "hàng chục ngàn cán bộ Trung Quốc" đến Singapore để nghiên cứu mô hình của Lý Quang Diệu. Khi còn sống, ông Lý Quang Diệu đã thăm Trung Quốc hơn 30 lần và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình để...tư vấn.
Có lẽ di sản lớn nhất mà Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại cho Trung Quốc không chỉ là cảm hứng cải cách kinh tế mà Đặng Tiểu Bình theo đuổi, mà còn ý tưởng rằng cải cách và thích ứng là một quá trình liên tục lâu dài. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 với tờ New York Times, ông Lý Quang Diệu nói thẳng ra rằng quá trình cải cách ở Singapore chú trọng đến thực tiễn chứ không phải là tư tưởng. Ông từng nói: "Nếu biện pháp cải cách tỏ ra hữu hiệu, hãy tiếp tục phát huy. Nếu điều đó là tốt, hãy tiếp tục thực hiện nó. Nếu không hữu hiệu, hãy quăng nó đi và hãy thử một số biện pháp khác". Quan điểm thực dụng của Lý Quang Diệu được lặp lại trong câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là "bất kể mèo màu đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột".
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc hiện đại.
Quan điểm cải cách của Lý Quang Diệu cũng được đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình học tập, khi ông này tiến hành cải cách "sâu sắc và toàn diện" ở Trung Quốc. Tập Cận Bình đang học tập mô hình Singapore của Lý Quang Diệu trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Singapore được biết đến là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới, trong khi tham nhũng ở Trung Quốc đã trở thành một vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tờ Wall Street Journal viết rằng mô hình của Singapore đang cung cấp một kế hoạch chi tiết cho cải cách luật pháp ở Trung Quốc ngày nay.
Cũng giống như Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng nền dân chủ phương Tây là không phù hợp với thực trạng Trung Quốc. Thậm chí, ông Lý Quang Diệu còn nói rằng Trung Quốc sẽ "sụp đổ", nếu rập khuôn theo mô hình dân chủ tự do của phương Tây. Đây cũng là quan điểm phổ biến trong ban lãnh đạo Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước.
Do ảnh hưởng to lớn của ông Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo phương Tây - từ Henry Kissinger để Tony Blair - không ngại xin ông lời khuyên về việc làm thế nào để đối phó với Bắc Kinh. Thậm chí, giới học giả còn đua nhau thu thập những lời khuyên của Lý Quang Diệu về việc làm thế nào để vượt qua được cái "thời kỳ hỗn loạn", khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người đầu tiên nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự thay đổi trong trật tự quốc tế. Ông này từng nói trong năm 1993: "Trung Quốc không chỉ là một nhân tố lớn, mà còn là nhân tố lớn nhất trong lịch sử loài người". Tuyên bố này đã làm nức lòng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, những người muốn tin vào sức mạnh độc đáo của lịch sử-văn hóa Trung Quốc và sự trỗi dậy tất yếu của "con rồng Trung Hoa". Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng vào sự biện minh của Lý Quang Diệu cho đất nước của họ trước thế giới. Tờ China Daily viết: "Khi Trung Quốc gặp phải sự chống đối trên trường quốc tế, Lý Quang Diệu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian hòa giải và giải thích cho lập trường của Trung Quốc".
Đối với giới quan sát ở phương Tây, những tuyên bố của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu dường như là lời tiên tri và người ta tự hỏi thế giới sẽ ra sao, nếu Washington coi trọng những lời khuyên của ông về "sự trỗi dậy của Trung Quốc" cách đây 20 năm. Với việc Lý Quang Diệu qua đời, cả Trung Quốc lẫn phương Tây sẽ phải tìm cách đối phó với nhau mà không còn có sự chỉ dẫn thông thái của ông.
Theo Kiến Thức
Hàng nghìn người đón linh cữu cựu thủ tướng Singapore Sáng 25/3, linh cữu của cố thủ tướng Lý Quang Diệu được đặt lên xe pháo và làm lễ di quan tới tòa nhà Quốc hội. Người dân Singapore có thể đến đây viếng ông trong 4 ngày tới. Theo BBC, hàng nghìn người xếp hàng dài khắp các con đường tại Singapore để đón linh cữu cố thủ tướng Lý Quang Diệu...