Lý giải nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội cao hơn đỉnh dịch năm 2022
Thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đều giảm. Thế nhưng tại Hà Nội, trong 4 tuần liên tiếp ghi nhận hơn 2.000 ca sốt xuất huyết/tuần, cao hơn đỉnh dịch năm 2022.
Vậy, nguyên nhân gì khiến số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao?
Ca bệnh giảm trên cả nước, còn Hà Nội lại tăng
Theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 9-2023, cả nước ghi nhận 5.758 ca mắc, giảm 4,3% số mắc và giảm 5,6% số nhập viện so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 93.814 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 ca tử vong (giảm 58,9% số mắc và giảm 91 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm 2022).
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh với hơn 2.000 ca/tuần, cao hơn đỉnh dịch năm 2022.
Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 9-2023, thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9-2023. Cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 3 ca tử vong.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội phát hiện ổ bọ gậy tại bể nước ngầm một công trình xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ.
Ngoài ra, tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài.
Lý giải vì sao số ca sốt xuất huyết giảm chung trên cả nước nhưng tại Hà Nội lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương cho biết, thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao.
Cụ thể, trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. Chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.
Video đang HOT
Cán bộ y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cũng dự báo, mùa đông ở miền Bắc không còn lạnh như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nguy cơ cao đối mặt với dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Ngoài sự biến đổi của thời tiết, dịch Covid-19 thời gian qua cũng làm giảm hệ miễn dịch của người dân. Mặt khác, người dân hiện cũng chưa hiểu biết hết về việc phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy, xử lý triệt để những nơi sinh sản của muỗi gây bệnh…
Phạt tới 10 triệu đồng nếu vi phạm quy định chống dịch
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông làm cho muỗi dễ phát tán vi rút gây bệnh hơn. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, người dân phải tăng cường dọn sạch môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại, vỏ chai… Khi xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thì phải phun hóa chất diệt muỗi.
Phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân hợp tác khi cán bộ y tế tiến hành phun hóa chất để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn cho sức khỏe.
Cụ thể, trước khi phun thuốc, người dân cần che đậy kín thức ăn tránh phun trực tiếp vào. Trong khi phun thuốc, người dân không đi vào nơi đang phun, trừ người có mặc đồ bảo hộ, khẩu trang. Từ 15-30 phút sau khi phun mới được đi vào nơi phun để tránh hít phải hơi thuốc còn lơ lửng trong không khí. Còn những hạt nhỏ (sương) thuốc bám trên bề mặt sàn nhà không nguy hại cho người. Như vậy, nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của ngành Y tế thì việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ không nguy hại đến sức khỏe.
Để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả, theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phải phun trong bán kính 200 mét, tính từ ổ dịch đến các khu vực xung quanh và bảo đảm 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Ngoài ra, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Cụ thể, thực hiện xử phạt hành chính các hộ gia đình, cơ quan, công sở có bọ gậy theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức 1-3 triệu đồng/lần vi phạm. Các hộ gia đình không tuân thủ việc phun hóa chất theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 117, mức phạt là 5-10 triệu đồng/lần vi phạm.
Nhiều tỉnh Tây Nguyên tăng vọt ca mắc sốt xuất huyết, thêm bệnh nhân tử vong
Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.
Sốt xuất huyết lan rộng
Đến nay sốt xuất huyết đã lan rộng ra nhiều huyện/thành phố ở Lâm Đồng lẫn Đắk Lắk, kéo theo đó là nhiều ca bệnh có chuyển biến nặng. Các cơ sở y tế phải nỗ lực điều trị kịp thời để giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, đến ngày 27/9 đã ghi nhận 2.967 ca, tăng đến 2.572 ca so với cùng kỳ 2021. Nhiều huyện tăng đột biến, điển hình như: Huyện Đạ Teh có 410 ca sốt xuất huyết, tăng 217 ca so với năm 2021; huyện Đức Trọng có 423 ca, tăng 406 ca so với năm 2021; TP. Bảo Lộc có 512 ca, tăng 456 so với năm 2021; huyện Di Linh có 540 ca, tăng 517 so với năm 2021...
Đến ngày 27/9, Lâm Đồng cũng đã ghi nhận một ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết tại thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai.
Phun hóa chất, quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết.
Nhiều hộ dân ở xã Bảo Thuận (huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, năm ngoái số người mắc sốt xuất huyết không nhiều và diễn biến không phức tạp như hiện nay. Nhiều hộ dân cũng đã có ý thức chủ động diệt lăng quăng, nhất là trong thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến bất thường.
Cũng như Lâm Đồng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến ở Đắk Lắk. Đến cuối tháng 9 đã ghi nhận trên 6.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao như: TP. Buôn Ma Thuột; Krông Pắc; Ea H'leo; Ea Kar; Krông Bông...
Thêm bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, quyết liệt chống dịch
Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), bệnh viện vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong nâng tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đã tử vong ở Đắk Lắk lên 9 người.
Bệnh nhân thứ 9 là nữ, sinh năm 2001 (trú tại Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Ngày 24/9, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, đau tức bụng... Ngày 30/9, các triệu chứng mệt mỏi tăng thêm nên bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột để điều trị.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - suy đa cơ quan (suy gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa nặng, thiếu máu mạn mức độ nặng, theo dõi bệnh lý máu ác tính, sốt xuất huyết Dengue... Do bệnh cảnh quá nặng, bệnh nhân tử vong ngày 2/10.
Cần vệ sinh, triệt tiêu các môi trường dễ phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Trước diễn biến của dịch bệnh, các địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp dập dịch. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các các thôn, buôn, tổ dân phố diệt lăng quăng, muỗi, đưa các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết đến tận hộ gia đình.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo đến các địa phương, ban, ngành trong tỉnh này cần triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch sốt xuất huyết và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh ở Lâm Đồng, Đắk Lắk tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú kể cả trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng.
Đồng thời duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, ngay từ các thôn/buôn... nhất là ở các điểm nóng phát huy mạnh mẽ vai trò của đội xung kích diệt lăng quăng.
Bác sĩ Võ Thanh Dũng - Trưởng Trạm y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chia sẻ: "Cùng với ngành y tế và các lực lượng khác thì từng hộ dân cũng phải nâng cao ý thức chủ động phòng dịch sốt xuất huyết. Với dịch bệnh này, việc vệ sinh nơi ở, quanh nơi sinh sống, triệt tiêu môi trường phát sinh muỗi gây bệnh là việc làm rất cần thiết, nhà nhà, người người cần thực hiện ngay".
Cả nước ghi nhận trên 211.300 ca sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn đã có 21 trường hợp tử vong...