Lý do Tổng thống Pháp tích cực giúp hạ nhiệt căng thẳng Nga-phương Tây
Tổng thống Pháp E. Macron đang tìm cách khuyến khích Nga đưa ra quyết định lịch sử. Theo ông Macron, không thể xây dựng hòa bình ở châu Âu mà không đối thoại với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã tiến hành một loạt cuộc hội đàm với những người đồng cấp Mỹ, Nga và Ukraine, những người theo cách này hay cách khác tham gia vào các cuộc đàm phán do Nga khởi xướng về một kiến trúc an ninh toàn cầu mới.
Tổng thống Nga và Pháp gặp nhau tại Moskva ngày 6/2/2022. Ảnh: AFP
Theo tờ nhật báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), Pháp đang đứng trước một chiến dịch bầu cử với cuộc bầu cử tổng thống được ấn định vào tháng 4 tới. Một thông báo chính thức về việc tổng thống đương nhiệm tham gia tranh cử đang rất được mong đợi, vì vậy ông Macron tìm cách bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình với một động thái ấn tượng.
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Khoa Nghiên cứu Chính trị và Xã hội tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga về Châu Âu Sergey Fedorov nhận định, ông Macron đang tự định vị mình là một tổng thống mạnh mẽ, người tìm cách nâng cao tầm ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế.
Các vấn đề chung của châu Âu sẽ là lĩnh vực mà Tổng thống Macron có thể chứng tỏ sức mạnh và ảnh hưởng của Pháp. Nếu ông Macron thành công trong việc chứng tỏ mình là một nhà môi giới hòa bình ở một mức độ nào đó, đây sẽ là một khởi đầu tốt cho chiến dịch tái tranh cử của ông.
Về phần mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xung đột Kiev Mikhail Pogrebinsky cho rằng, trên thực tế, ông Macron là chính trị gia châu Âu lớn duy nhất nói rõ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có liên quan, trước hết và quan trọng nhất, đến việc Moskva yêu cầu phải xem xét lại hệ thống an ninh toàn cầu bất cập hiện có.
“Vấn đề Donbass và nhu cầu giải quyết xung đột Ukraine vẫn là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Tổng thống Pháp”, Giám đốc Viện Sáng kiến Gìn giữ Hòa bình và Xung đột Denis Denisov lưu ý.
Kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh nhất trong 50 năm
Gần hai tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, Chính phủ Pháp đón nhận những thông tin tốt lành: số người tìm việc đang ở mức thấp nhất, trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2021 lại đạt kỷ lục.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn thông tin từ Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE) cho biết, kinh tế Pháp đã ghi nhận mức tăng trưởng ngoài mong đợi trong năm 2021. Sau khi giảm 8% vào năm 2020, GDP của nước này tăng 7% trong năm 2021. Theo đánh giá của INSEE, đây là mức tăng kỷ lục kể từ 50 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng này cũng vượt xa dự báo mới nhất của Ngân hàng trung ương Pháp đến 0,3 điểm phần trăm và cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch.
Phát biểu mới đây trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã hoan nghênh các kết quả tích cực của nền kinh tế và cho rằng "sự phục hồi ngoạn mục này đã xóa đi những nỗi lo về khủng hoảng". Kết quả trên cũng khiến Pháp trở thành một trong những quốc gia có mức phát triển tốt nhất ở châu Âu, giúp nước này có một sự khởi đầu thuận lợi cho tài khóa 2022.
Do sự phục hồi nhanh và mạnh hơn dự kiến, INSEE đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng kinh tế 0,1 điểm phần trăm cho mỗi quý trong ba quý I, II, III của năm 2022, còn chính phủ tiếp tục dự kiến mức tăng trưởng cho năm nay là 6,25%. Ông Bruno Le Maire khẳng định nền kinh tế Pháp đang vận hành hết tốc lực.
Cũng theo INSEE, trong quý IV/2021, hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ, tăng 0,7%, trong khi dự kiến trước đó chỉ ở mức 0,5%. Ngay cả khi vẫn còn bị kìm hãm bởi những khó khăn trong nguồn cung và tuyển dụng lao động, tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Chi tiêu của hộ gia đình đã tăng lên mức trước đại dịch. Tuy nhiên, sau khi phục hồi mạnh mẽ (5,6%) trong mùa Hè 2021, sức mua đã có xu hướng chậm lại, chỉ tăng 0,4% trong quý IV/2021.
Một trong những đặc điểm nổi bật của sự tăng trưởng ở Pháp vào năm 2021 là sự tái cấu trúc ngành nghề. Theo nhận xét của ông Denis Ferrand, Giám đốc điều hành của Rexecode, chi tiêu cho dịch vụ tăng nhanh vào năm 2021, trong khi chi tiêu cho hàng hóa giảm.
Về hoạt động ngoại thương, nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn (3,6%) so với xuất khẩu (3,2%).
Tổng thống Pháp chúc mừng cộng đồng người châu Á nhân dịp Tết Nguyên đán Theo phóng viên TTXVN tại Paris, sáng 1/2, tức mùng 1 Tết Nguyên đán tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi thông điệp chúc mừng Năm mới tới cộng đồng người châu Á tại Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN Trong bài phát biểu ngắn gọn trên tài khoản Twitter,...