Lý do Thổ Nhĩ Kỳ khước từ phong tỏa biên giới ngăn IS
Nỗ lực của Mỹ nhằm phong tỏa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria để ngăn IS bị coi là vô ích khi mục tiêu chính của Ankara không phải là tiêu diệt phiến quân.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở khu vực biên giới với Syria hồi năm ngoái. Ảnh:Reuters
Hồi cuối tháng 11, tờ Wall Street Journal cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gây sức ép đòi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm quân khóa chặt đường biên giới với Syria để ngăn chặn làn sóng phiến quân vượt biên tham gia Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Các quan chức Lầu Năm Góc ước tính Thổ Nhĩ Kỳ phải triển khai khoảng 30.000 quân để phong tỏa đường biên giới với Syria nhằm thực hiện sứ mệnh nhân đạo quy mô lớn hơn với người tị nạn”, tờ báo này cho biết.
Trong một cuộc họp báo ngày 3/12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã đưa ra nhiều lý do để khước từ yêu cầu trên của Mỹ, đồng thời bày tỏ sự bất bình khi phía Mỹ khăng khăng muốn dùng lực lượng bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện mục tiêu mà ông cho là “khó khăn và phức tạp” đó.
“Một khi đóng cửa hoàn toàn biên giới với Syria, các bạn sẽ xử lý vấn đề tiếp nhận người tị nạn như thế nào? Tiếp nhận người tị nạn dọc đường biên giới vừa là nghĩa vụ đạo đức, vừa là để đảm bảo an ninh quốc gia cho chúng tôi. Chúng tôi đã phải trả cái giá cao nhất bởi các hoạt động của phiến quân IS”, ông Davutoglu tuyên bố.
Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã gặp nhau tại Ankara để bàn về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội trên khu vực biên giới giáp với Syria.
Khi đánh giá yêu cầu phong tỏa biên giới do Mỹ đưa ra, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trả lời: “Để khóa chặt biên giới theo cách các ông đề xuất, chúng tôi cần huy động tới 30.000 quân dọc 98 km đường biên giới với Syria, và để bố trí cứ mỗi ba mét một lính canh hoặc vọng gác”.
Video đang HOT
“Không gì khó bằng việc bảo vệ đường biên giới mà phía bên kia không có một nhà chức trách chính trị nào. Bên kia biên giới của chúng tôi không có một hệ thống nhà nước hay chính quyền nào đang hoạt động, vì khoảng 98 km đường biên có vẻ như đang do IS kiểm soát”, ông Davutoglu tiết lộ trong cuộc họp báo.
Ankara từ chối đề nghị của Mỹ vì hai lý do. Thứ nhất, việc bố trí một lượng quân dày đặc như vậy ở biên giới là không khả thi, và thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng khi dồn quân đội sát biên giới, “phía bên kia” có thể coi đây là thái độ thù địch của Ankara, theo Hurriyet.
Hiện chưa rõ “phía bên kia” mà Thổ Nhĩ Kỳ đề cập đến là quân đội chính phủ Syria, phiến quân IS hay các nhóm nổi dậy chống chính phủ, trong đó có các nhóm phiến quân người Turk được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Nỗ lực vô ích
Theo ông Adam Whitcomb, chuyên gia phân tích chính sách tại Viện Các vấn đề Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ muốn kéo dài thời gian trong vấn đề phong tỏa đường biên giới với Syria, bất chấp sức ép từ Mỹ có lớn đến đâu đi chăng nữa.
“Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ vô cùng do dự khi tham gia chiến dịch chống lại IS, vì Thổ Nhĩ Kỳ có thể có những mối quan hệ bí mật với nhóm phiến quân này. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đánh IS khi bị tấn công trước”, ông Whitcomb nói với Sputnik News.
Hàng rào biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị đạp đổ. Ảnh: AFP
“Mỹ có thể yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh không kích để cắt đứt nguồn tiếp tế của IS, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới, nhưng mục tiêu chủ yếu của Ankara lại là lật đổ chính quyền của ông Assad, chứ không phải đánh bại IS”, chuyên gia này lý giải.
Theo chuyên gia phân tích Jason Ditz của trang Antiwar.com, Mỹ đã đặt ra quá nhiều kỳ vọng vào Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS mà không yêu cầu những hành động cụ thể, vững chắc từ phía Ankara.
“Việc yêu cầu họ ‘nỗ lực hơn nữa’ là một khái niệm mơ hồ, và trong bối cảnh hiện nay, việc gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ công khai hứa hẹn ‘nỗ lực hơn nữa’ có thể là tất cả những gì mà Mỹ có thể làm được”, Ditz dự đoán.
Đọc thêm: Thử thách mà Thổ Nhĩ Kỳ mang tới cho NATO
Theo chuyên gia này, tới đây, quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên căng thẳng hơn vì vấn đề trên. “Mỹ đã tỏ vẻ khó chịu với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này tuyên bố tham gia cuộc chiến chống IS, nhưng vài ngày sau đó lại chỉ chăm chăm ném bom vào quân nổi dậy người Kurd”, chuyên gia này nói.
Điều tốt nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm cho Mỹ hiện nay là cho phép thêm chiến đấu cơ của nước này sử dụng các căn cứ không quân trên lãnh thổ để không kích IS. “Các nỗ lực gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn nguồn dầu lậu và các tay súng của IS chỉ là cố gắng vô ích và chắc chắn thất bại”, ông Ditz nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Nga sẵn sàng phong tỏa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Nga hôm qua cho biết nước này sẵn sàng phối hợp với Syria để triển khai phong tỏa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria nhằm tiêu diệt khủng bố.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại khu vực gần biên giới với Syria. Ảnh: AP
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Syria Walid Muallem, theo Tass. Ông Lavrov đồng thời nhắc lại việc Tổng thống Pháp Francois Hollande trước đó có đề xuất thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm phong tỏa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
"Chúng tôi tích cực ủng hộ điều này. Chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác với chính phủ Syria", ông Lavrov nói. "Chúng tôi tin tưởng rằng bằng cách phong tỏa biên giới, ta sẽ giải quyết được nhiều phương diện khác nhau trong nhiệm vụ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố trên đất Syria".
"Chúng tôi hy vọng sáng kiến của Tổng thống Pháp Hollande sẽ được áp dụng dựa trên khuôn khổ của các quy định hợp tác chung, bao gồm cả Nhóm Ủng hộ Syria", Ngoại trưởng Nga cho biết thêm.
Ông Lavrov nhấn mạnh Moscow hiện tồn tài nhiều nghi ngờ đối với các ý đồ thật sự của Ankara, trong đó có cả những nỗ lực chống khủng bố.
"Chúng tôi rất hoài nghi khi một số nước nói họ cam kết tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tự nhận mình là một thành viên của liên minh chống khủng bố nhưng thực tế lại chơi một chiêu bài khác, trao cho khủng bố vai trò của một đồng minh bí mật", ông Lavrov cho hay. Ông thêm rằng ngày càng có nhiều mối nghi vấn liên quan tới mức độ sẵn sàng của Ankara trong việc tiêu diệt khủng bố cũng như cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bình thường hóa tình hình ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga gần khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng máy bay xâm phạm không phận. Trái lại, Nga khẳng định phi cơ của họ chỉ hoạt động trên lãnh thổ Syria.
Căng thẳng giữa hai nước đang có chiều hướng gia tăng. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "cú đâm sau lưng" và không khác gì "đồng lõa với khủng bố". Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan quả quyết Thổ Nhĩ Kỳ làm đúng khi bắn hạ máy bay Nga đồng thời cảnh báo Moscow "đừng đùa với lửa".
Vũ Hoàng
Theo VNE