Lý do smartphone cần camera kép
Camera trên điện thoại vẫn được cải tiến hàng năm, nhưng chúng bị hạn chế do nằm trên một thiết bị quá nhỏ như smartphone.
Điện thoại thường được trang bị ống fix (ống kính một tiêu cự) do rất khó đưa zoom quang lên máy bởi kích cỡ smartphone ngày càng mỏng nhẹ. Trong khi đó, zoom số sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh.
Một số nhà sản xuất đã tìm cách khắc phục hạn chế này bằng các giải pháp phần mềm như bổ sung chế độ HDR, ghi nhận chênh lệch các vùng sáng tối tốt hơn, cho ảnh đẹp và sinh động hơn. Một số khác chọn đưa ống zoom vào điện thoại, nhưng không thành công. Chẳng hạn, Samsung từng ra mắt S4 Zoom – điện thoại đầu tiên trên thế giới có zoom quang 10x, nhưng không ít người cho rằng trang bị ống kính zoom làm gì để khiến máy dày và chẳng ai lại mua sản phẩm trông kỳ cục như thế.
Vậy cần làm gì để nâng chất lượng camera trong không gian nhỏ hẹp với độ dày chỉ 7 mm trên điện thoại? Giải pháp được nhiều nhà sản xuất lựa chọn nhất là đưa nhiều ống kính lên một thiết bị.
One M8 mở ra xu hướng dùng camera kép trên điện thoại. Ảnh: Digital Photography Review
HTC lần đầu trình làng camera kép trên phiên bản One M8 từ năm 2014. Ống kính chính có cảm biến 4 megapixel, trong khi ống thứ hai đảm nhiệm việc ghi lại thông tin về độ sâu trường ảnh, cho phép người dùng có thể lấy nét hay chỉnh lại màu sắc của ảnh sau khi chụp. Trang bị này gây chú ý nhất định, tuy nhiên nó vẫn hoạt động lỗi và chỉ cho kết quả khá trong điều kiện lý tưởng là chủ thể đủ sáng và điện thoại được cầm chắc trên tay hoặc giá đỡ.
Phải tới Huawei P9, hệ thống camera kép mới thực sự được giới chuyên môn đánh giá có tiềm năng. Huawei sử dụng một ống kính đơn sắc để chụp ảnh đen trắng với chất lượng tốt và ghi lại nhiều chi tiết nhất có thể để bổ trợ cho ảnh màu từ ống kính thứ hai. Hai camera có tiêu cự khác nhau và bộ vi xử lý trên P9 sẽ tính toán độ sâu của ảnh dựa trên sự khác biệt giữa hai ống kính. Cuối cùng, màu sắc sẽ được hợp nhất vào ảnh đen trắng. Tất cả quá trình này diễn ra rất nhanh trong thời gian người sử dụng nhấn nút chụp.
Apple gia nhập thị trường từ phiên bản iPhone 7 Plus. Họ sử dụng phương pháp tương tự là so sánh ảnh từ hai tiêu cự khác nhau, nhưng ở iPhone là một ống góc rộng và một ống tele, nhờ đó cho chất lượng tương đương với zoom quang học 2x, giúp chụp ảnh chân dung xóa phông.
Trong khi đó, Galaxy Note8 là smartphone đầu tiên của Samsung theo xu hướng này và cũng dùng hai ống kính giống Apple. Điểm khác là hãng Hàn Quốc đem đến cho người sử dụng tính năng Live Focus – tùy chỉnh xóa phông theo thời gian thực bằng một thanh kéo ngay trên màn hình và dễ dàng xem trước mức độ làm mờ hậu cảnh khi chụp.
Video đang HOT
Galaxy Note8 hỗ trợ điều chỉnh mức độ xóa phông theo thời gian thực với tính năng Live Focus.
Note8 cũng là smartphone duy nhất trang bị chống rung OIS trên cả hai ống, về lý thuyết sẽ hỗ trợ chụp chân dung ngay cả trong điều kiện không phải tốt nhất, như thiếu sáng hay chủ thể chuyển động. iPhone X sẽ có tính năng này khi được bán trên thị trường vào tháng 11. Bên cạnh đó, nhờ cảm biến nhận diện khuôn mặt, iPhone X còn có khả năng chụp chân dung xóa phông bằng camera trước.
Những hãng khác đang lựa chọn giải pháp tương tự có thể kể đến Nokia, Oppo, Asus hay OnePlus.
Trong khi đó, Motorola và LG có hướng đi khác biệt. Hệ thống kép trên LG G6 hay Moto X4 là hai camera hoàn toàn độc lập, không bổ trợ cho nhau. Thay vào đó, nó cho phép người dùng đơn giản chuyển đổi giữa ống kính góc rộng chuẩn và ống kính siêu rộng để phù hợp từng tình huống, như ghi lại toàn cảnh trong một không gian chật hẹp.
Tuy nhiên, dù camera kép đang trở thành xu hướng, giới chuyên môn cho rằng phần cứng rồi sẽ đạt tới những giới hạn vật lý, do đó để tạo được đột phá thực sự cho ảnh chụp từ smartphone phải đến từ việc xây dựng sức mạnh xử lý và phần mềm.
Chỉ với một ống kính, Pixel 2 chứng minh không cần camera kép vẫn chụp ảnh xóa phông tốt.
Google Pixel 2 đang chứng minh điều đó, khi chỉ cần một ống kính duy nhất, nó vẫn được đánh giá là camera “chất nhất quả đất” hiện nay theo thang điểm của DxOMobile. Bí quyết của Pixel 2 là sử dụng công nghệ Dual Pixel và các thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) để mang đến một loạt tính năng mà các nhà sản xuất khác phải cần đến hai ống kính riêng biệt, như tạo hiệu ứng chiều sâu khi chụp chân dung, chế độ HDR …
Châu An
Theo VNE
5 smartphone camera kép, chuyên chụp ảnh chân dung
Camera kép là trào lưu ở smartphone 2017 nhưng không phải model nào cũng có camera kép giống kiểu Galaxy Note 8 và iPhone 7 Plus.
Samsung Galaxy Note 8
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng smartphone đầu tiên của Samsung có camera kép cũng trình làng. Dù muộn hơn nhiều mẫu điện thoại Android khác cùng như iPhone, Galaxy Note 8 vẫn biết cách gây ấn tượng khi sở hữu hệ thống camera kép đầu tiên có ống kính chống rung quang học OIS. Một trong hai camera có ống kính tiêu cự tele 52 mm, đi kèm với tính năng chụp ảnh chân dung xoá phông Live Focus, cho phép tuỳ chỉnh không chỉ trước mà sau khi chụp, tạo hiệu ứng như khi chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp.
Apple iPhone 7 Plus
Không phải smartphone đầu tiên, nhưng iPhone 7 Plus lại định hình xu hướng sử dụng camera kép cho nhiều mẫu smartphone Android, với một trong hai ống kính là tele vừa cung cấp tính năng zoom quang 2x vừa dùng để chụp ảnh chân dung với hiệu ứng xoá font. So với nhiều điện thoại camera kép trước đó, hệ điều hành iOS của Apple cũng xử lý ảnh chân dung tốt, làm mờ hậu cảnh khá chân thực. Dù vậy, tính năng chụp ảnh chân dung trên iPhone 7 Plus vẫn còn hạn chế, giảm chất lượng nhiều trong điều kiện thiếu sáng.
Xiaomi Mi 6
Đây là mẫu smartphone cao cấp và có camera thuộc hàng tốt nhất hiện nay của Xiaomi. Mi 6 được nâng cấp máy ảnh phía sau thành camera kép, một hỗ trợ góc rộng và một ống kính tele với zoom quang học x2, zoom kỹ thuật số x10 mang lại hiệu quả chụp xa. Người dùng cũng có thể tạo nên các bức ảnh xóa phông như trên máy DSLR từ chiếc smartphone này nhờ khả năng tính toán độ sâu hình ảnh chính xác từ hai ống kính. Dù vậy, khác với Galaxy Note 8, chỉ có một trong hai ống kính của camera kép ở Mi 6 được trang bị chống rung quang học OIS.
OnePlus 5
OnePlus 5 có cấu hình mạnh hơn Galaxy S8 lẫn HTC U11, nhưng thiết kế gợi nhớ đến iPhone và cũng có cụm camera kép nằm ở lưng. Sản phẩm đi theo hướng camera kép của Apple khi dùng một cảm biến Sony IMX 398 độ phân giải 16 MP và ống kính khẩu độ f/1.7, một cảm biến Sony IMX 350 độ phân giải 20 megapixel với ống kính tele và khẩu độ f/2.6. Nhờ thế, OnePlus 5 tập trung vào tính năng chụp ảnh chân dung với hiệu ứng xoá mờ phông nền giống như chế độ Portrait trên 7 Plus. Thậm chí, so với điện thoại của Apple, camera trên smartphone Trung Quốc có độ phân giải cao hơn nhiều. Tại Việt Nam, OnePlus 5 chỉ xuất hiện theo dạng xách tay với giá hơn 10 triệu đồng, rẻ hơn khá nhiều so với ịPhone 7 Plus lẫn Galaxy Note 8.
Oppo R11
R11 không được bán chính hãng ở Việt Nam nhưng đây là mẫu Android gây được nhiều chú ý khi ra mắt. Máy không chỉ có ngoại hình khá giống với iPhone 7 Plus, mà còn được trang bị camera kép với tính năng chuyên chụp ảnh chân dung. R11 được trang bị camera kép (20 megapixel và 16 megapixel), trong đó camera độ phân giải thấp hơn có ống kính Tele. Tính năng camera kép và giao diện của ứng dụng chụp ảnh trên Oppo R11 cũng đặc biệt giống với iPhone 7 Plus và hệ điều hành iOS 10. Việc chuyển camera kép và zoom thực hiện bằng vòng xoay và phím ảo 2x trên màn hình cảm ứng. Mẫu Android của Oppo cũng có chế độ chụp ảnh chân dung Portrait.
Tuấn Anh
Theo VNE
Nên chọn mua Galaxy Note 8 hay iPhone 8 Plus? Cả Galaxy Note 8 và iPhone 8 Plus đều là những smartphone hàng đầu mà người dùng có thể mua ở thời điểm hiện tại. Nhưng với giá bán không hề rẻ, việc nên mua sản phẩm nào là điều nhiều người dùng quan tâm. Dựa trên các tiêu chí khác nhau, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số điểm nhấn...