Lý do khiến Tổng thống Biden công khai ‘tối hậu thư’ với Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden không dễ dàng khi đưa ra tối hậu thư rằng nếu Israel mở cuộc tấn công lớn vào Rafah thì Mỹ sẽ ngừng cung cấp một số loại vũ khí.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Sturtevant, Wisconsin, ngày 8/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 9/5, quyết định trên được đưa ra sau nhiều cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu từ giữa tháng 2. Trong các cuộc điện đàm, ông Biden đã thúc giục Thủ tướng Israel xem xét lại kế hoạch tấn công thành phố Rafah đông đúc ở miền Nam Gaza, nơi vốn là tuyến đường quan trọng cho viện trợ nhân đạo.
Theo các quan chức Mỹ, các cuộc gặp trực tuyến và trực tiếp giữa các quan chức an ninh quốc gia Mỹ hàng đầu và người đồng cấp Israel đều nhằm mục đích gửi đi cùng một thông điệp. Đó là có nhiều cách khác để truy lùng Hamas mà không cần đưa quân vào Rafah.
Ở nhiều cấp độ, Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ đã cảnh báo ông Netanyahu rằng sẽ không để Israel dùng vũ khí Mỹ trong cuộc cuộc tấn công lớn vào Rafah. Ngày 9/5, các quan chức Nhà Trắng cho biết đó là thông điệp mà Nhà Trắng tin rằng chính phủ Israel đã hiểu rõ.
Tuy nhiên, công khai những cảnh báo này là một bước đi mà Tổng thống Biden từ lâu muốn tránh. Cảnh báo công khai sẽ tạo ra bước ngoặt thay đổi và gây ra vết rạn nứt lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Israel kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza ngày 7/10/2023. Ngay cả dưới áp lực từ những người cấp tiến trong đảng Dân chủ, Tổng thống Biden vẫn cẩn thận để tránh rạn nứt công khai với Thủ tướng Netanyahu.
Tuy nhiên, trong các cuộc họp nội các chiến tranh của ông Netanyahu, quyết định tấn công Rafah dường như sắp được đưa ra. Lực lượng Phòng vệ Israel đã hiện diện ở Rafah và dọc biên giới của thành phố này, phong tỏa hai điểm tiếp nhận viện trợ và cảnh báo rằng sắp xảy ra cuộc tấn công lớn.
Theo các quan chức Mỹ, cuối cùng Tổng thống Biden cũng cho rằng những lời cảnh báo của mình không được chú ý và vì vậy ông đã thay đổi hướng đi.
Tuần trước, ông Biden đã ký lệnh tạm dừng cung cấp 3.500 quả bom cho Israel mà các quan chức chính quyền Mỹ lo ngại Israel sẽ thả xuống Rafah. Và ngày 8/5 trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN, Tổng thống Biden đã nói rõ với thế giới những gì ông nói riêng với Thủ tướng Netanyahu. Ông tuyên bố: “Nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí…”.
Tối hậu thư không phải là điều bất ngờ
Các trợ lý của Tổng thống Biden cho biết thông điệp này sẽ không gây ngạc nhiên cho Israel.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói vào ngày 9/5: “Tôi có thể đảm bảo rằng những quan ngại cũng như tuyên bố trực tiếp và thẳng thắn mà Tổng thống đưa ra trong cuộc phỏng vấn đó là nhất quán với những gì ông đã nói với Thủ tướng Netanyahu và các quan chức Israel”.
Theo ông Kirby, chính phủ Israel từ lâu đã hiểu rằng tấn công Rafah sẽ ảnh hưởng tới tương lai của số vũ khí mà Mỹ định chuyển cho Israel.
Dù biết hay không biết về quan điểm của Tổng thống Biden nhưng các quan chức Israel đều phản ứng sốc trước thông báo công khai này. Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố: “Nếu cần đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình. Tôi đã nói rằng, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ chiến đấu hết sức”.
Video đang HOT
Các quan chức Israel cũng tìm cách làm giảm nhẹ tác động của “tối hậu thư” trên. Người phát ngôn của quân đội Israel, ông Daniel Hagari, cho biết Israel đã có sẵn vũ khí cần thiết cho các nhiệm vụ mà nước này đang lên kế hoạch.
Ngoài những quả bom loại 2.000 pound (trên 900kg), Tổng thống Biden cũng nói với CNN rằng Mỹ có thể hoãn chuyển cả pháo trong trường hợp Rafah bị tấn công. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn bom, nhưng Mỹ coi pháo là vũ khí thiếu chính xác, có thể gây thiệt hại nguy hiểm ở các khu vực thành thị.
Nghi ngờ về ý định của Israel ở Rafah
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN
Israel tuyên bố chiến dịch hiện tại ở Rafah có quy mô hạn chế và một số quan chức Mỹ cũng đánh giá tương tự. Nhưng trong hậu trường, vẫn còn những nghi ngờ về ý định của Israel khi nước này cung cấp cho Mỹ ít thông tin rõ ràng về kế hoạch với Rafah.
Trong suốt cuộc xung đột ở Gaza, Tổng thống Biden ngày càng không đồng tình với Thủ tướng Netanyahu, ngay cả khi ông công khai khẳng định rằng sự ủng hộ của ông dành cho Israel là không hề lay chuyển.
Tổng thống Biden đã nói rõ rằng cho dù cuộc chiến Israel – Hamas diễn ra theo chiều hướng nào, Mỹ sẽ vẫn là đồng minh vững chắc nhất của Israel chừng nào ông còn là tổng thống. Tuy nhiên, theo các cố vấn Mỹ, sự ủng hộ mà ông Biden dành cho Israel khác với sự ủng hộ mà ông dành cho cá nhân Thủ tướng Netanyahu.
Rafah không phải là điều duy nhất gây khó khăn cho mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo.
Trước đó, khi binh sĩ Israel vô tình giết chết 7 nhân viên cứu trợ của tổ chức World Central Kitchen tại Gaza vào đầu tháng 4 mà một trong số họ là công dân Mỹ, Tổng thống Biden đã không còn kiên nhẫn.
Các cố vấn kể rằng, khi biết tin này, ông Biden đã tỏ ra tức giận. Ông nói rõ với các cố vấn rằng cái chết của các nhân viên cứu trợ là sự cố không thể chấp nhận và đó là thời điểm cần có phản ứng mới. Các trợ lý của ông Biden nhanh chóng sắp xếp một cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu.
Trong cuộc gọi ngắn gọn, Tổng thống Biden đã đưa ra cảnh báo mới cho Thủ tướng Netanyahu: Nếu Israel không đi đúng hướng, Mỹ sẽ xem xét lại cách hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột.
Đây là tín hiệu rõ ràng nhất rằng sau sáu tháng diễn ra cuộc chiến ở Gaza, Tổng thống Biden đã bắt đầu xem xét nghiêm túc về việc đặt điều kiện cho các gói hỗ trợ mà Mỹ dành cho Israel. Nhưng ngay cả khi đó, vẫn chưa ai biết chính xác những hậu quả sẽ như thế nào và những hành động nào của Israel cuối cùng sẽ khiến Tổng thống Biden đưa ra quyết định.
Kể từ đó, Nhà Trắng đã ca ngợi Israel vì đã thực hiện các bước để tăng cường viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Rafah vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Các quan chức Israel vẫn nhấn mạnh cần phải truy lùng Hamas trong thành phố Rafah, ngay cả khi phía Mỹ chưa thấy Israel có kế hoạch bảo vệ dân thường ở đó.
Theo các quan chức Mỹ, các cuộc họp giữa hai bên đã không thống nhất được về vấn đề này. Các quan chức Nhà Trắng không chấp nhận kế hoạch bảo vệ dân thường của Israel và đã tuyên bố rõ ràng rằng đưa quân vào Rafah sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo.
Trong khi đó, ngày 9/5, ông Kirby nêu rõ: “Theo quan điểm của Tổng thống Biden, chiến dịch tấn công Rafah sẽ không thúc đẩy được mục tiêu tiêu diệt Hamas”.
Cũng trong ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố chiến dịch quân sự lớn ở Rafah sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong những cuộc đàm phán giải thoát con tin với Hamas.
Chiến lược của Tổng thống Biden gặp thử thách khi Israel tiến vào miền Nam Gaza
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau khi nước này bị Hamas tấn công, nhưng chính quyền của ông đã gia tăng áp lực để buộc Israel giảm thiểu thương vong cho dân thường ở Dải Gaza.
Chính sách của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở bang Colorado ngày 29/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ New York Times, trong hai tháng qua, Tổng thống Biden đã ủng hộ mạnh mẽ quyền tự vệ của Israel, qua đó để gây ảnh hưởng và muốn Israel giảm bớt cường độ tấn công Gaza. Nhưng khi lực lượng Israel tiến vào miền Nam Gaza, câu hỏi đặt ra là khi nào Mỹ sẽ không thể ủng hộ Israel thêm nữa.
Các quan chức chính quyền Mỹ khẳng định họ đã tác động đáng kể đến hành động của Israel trong vài tuần qua nhờ cách tiếp cận của Tổng thống Biden và sẽ tiếp tục theo hướng này. Nhưng những cuộc điện đàm hàng ngày giữa Mỹ và Israel ngày càng trở nên căng thẳng và các thông điệp công khai của một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ cũng trở nên gay gắt hơn trong những ngày gần đây.
Xung đột thể hiện rõ ràng vào ngày 5/12 khi Bộ Ngoại giao Mỹ cấm cấp thị thực cho những người định cư Israel ở Bờ Tây vì có hành vi bạo lực nhằm vào người Palestine. Đây là một lời nhắc nhở với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì đã không hành động nhiều hơn để đảm bảo các cuộc tấn công chỉ diễn ra ở Gaza. Đồng thời, bất chấp cảnh báo của Mỹ, ông Netanyahu cho biết quân đội Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza rất lâu sau khi đánh bại Hamas.
Rủi ro với cả hai bên hiện rất cao. Israel cần chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục hỗ trợ lực lượng quân đội và bảo vệ nước này khỏi áp lực quốc tế từ các góc độ khác, trong đó có cả áp lực từ Liên hợp quốc. Về phần mình, ông Biden đã trở nên liên quan chặt chẽ tới các diễn biến ở Israel đến mức ông đang hứng chịu các cuộc tấn công chính trị, đặc biệt là từ phe cánh tả trong chính đảng Dân chủ.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, nói với các phóng viên: "Câu hỏi thực sự là: Làm thế nào để một mặt vừa cho phép một quốc gia có chủ quyền như Israel truy đuổi các mục tiêu Hamas, mặt khác lại yêu cầu họ phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường?".
Hiện tại, ông Biden đã giao quyền cho cấp dưới đưa ra những thông điệp công khai cứng rắn hơn. Trong những ngày gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố: "Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ thường dân vô tội". Bà đã cử cố vấn an ninh riêng tới Israel để truyền đạt mối quan ngại của các nhà lãnh đạo Arab mà bà gặp trong chuyến đi tới Dubai.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết điều bắt buộc đối với Mỹ là thiệt hại lớn về tính mạng và tình trạng rời bỏ nhà cửa quy mô lớn ở Bắc Gaza không được lặp lại ở phía Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin cảnh báo Israel: "Nếu đẩy người dân vào vòng tay của kẻ thù, thay vì có chiến thắng về mặt chiến thuật thì lại hứng chịu thất bại về mặt chiến lược".
Tuy nhiên, bản thân ông Biden đã cân nhắc lời nói và nói rất ít về cuộc tấn công quân sự vào miền Nam Gaza từ khi Israel bắt đầu vài ngày trước. Tại buổi gây quỹ tranh cử ở Boston ngày 5/12, ông lại nhấn mạnh vào việc Hamas giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 người làm con tin.
Tại một sự kiện vận động tranh cử khác, ông nói về mối quan hệ thân thiết của mình với Israel, kể rằng ông đã ngay lập tức lên máy bay và đi tới Israel sau cuộc tấn công ngày 7/10, đã thuyết phục người Israel cho phép đưa thêm viện trợ vào Gaza. Ông Biden nói: "Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ Israel từ thời bước chân vào Thượng viện Mỹ năm 1973".
Trong những ngày gần đây, ông Sullivan và John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia - cũng nhấn mạnh đến các hành vi của Hamas và ủng hộ phản ứng của Israel ngay cả khi họ kêu gọi quan tâm đến dân thường.
Mặc dù các thông điệp trên nhất quán nhưng khác nhau về mức độ, phản ảnh chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ là tổng thống giao quyền cho những người khác đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn. Dù vậy, với tư cách cá nhân, ông Biden cũng gây áp lực với Thủ tướng Netanyahu mạnh mẽ như Phó tổng thống Harris, hay các bộ trưởng như Blinken và Austin.
Ông Indyk, người từng làm việc cùng ông Biden và ông Blinken trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Tôi coi đây là một chiến dịch công khai cần thiết đã được điều chỉnh rất cẩn thận, bởi họ lo ngại rằng Israel sẽ không nắm được thông điệp nếu được truyền đạt riêng. Tôi không nhớ có thời điểm nào mà nhiều quan chức cấp cao Mỹ lại đồng loạt lên tiếng cảnh báo rõ ràng như vậy đối với Israel".
Tuy nhiên, phe chỉ trích lại cho rằng chính quyền Mỹ chưa làm gì thực sự để dừng cuộc chiến ở Dải Gaza. Bà Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành tổ chức "Democracy for the Arab World Now", nói: "Chính quyền Mỹ chiều theo nhu cầu ngày càng tăng của công chúng là kiềm chế hành động của Israel, nhưng cùng lúc vẫn đáp ứng yêu cầu về hỗ trợ quân sự vô điều kiện cho Israel. Cuối cùng, người Israel sẽ chỉ chú ý đến những gì chính quyền Mỹ thực sự làm chứ không chỉ chú ý tới những gì họ nói ".
Bà Enia Krivine, chuyên gia về Israel tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, cho biết: "Cho đến một tuần trước, chính quyền Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu đã nêu của Israel là tiêu diệt Hamas. Mỹ đã cho Israel khoảng 8 tuần và đang bắt đầu áp đặt các điều kiện để tiếp tục hỗ trợ".
Theo bà Krivine, Israel muốn tiếp tục giữ Mỹ đứng về phía mình càng lâu càng tốt nhưng họ không thể hoàn toàn chấp nhận lời kêu gọi của chính quyền Mỹ. Vì vậy, Israel cuối cùng có thể phải quyết định hoặc là xoa dịu Mỹ hoặc là hoàn thành đầy đủ các mục tiêu trong cuộc chiến với Hamas.
Ông Biden đã đưa ra quan điểm khi thường xuyên gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu và tiếp tục cử một đoàn quan chức đến Israel. Ngày 5/12, Philip H. Gordon, cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Harris cũng đã có mặt tại Tel Aviv. Ông Gordon đang làm rõ các câu hỏi được đặt ra hàng ngày là điều gì sẽ xảy ra ở Gaza khi Israel kết thúc cuộc chiến với Hamas.
Mâu thuẫn về tương lai của Gaza
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Biden và ông Netanyahu mâu thuẫn về vấn đề trên. Trong khi ông Biden nhất trí với Israel rằng cần phải loại bỏ quyền lực của Hamas ở Gaza, nhưng ông phản đối Israel tái chiếm Gaza. Thay vào đó, ông ủng hộ hồi sinh Chính quyền Palestine để tiếp quản Gaza. Trái lại, Thủ tướng Netanyahu đã phản đối ý kiến này và ngày 5/12 khẳng định chỉ Israel mới có thể đảm bảo rằng Gaza sẽ vẫn được phi quân sự hóa sau khi Hamas bị tiêu diệt.
Trong bối cảnh có khác biệt như trên, các quan chức Mỹ cho rằng chiến lược của Tổng thống Biden chưa mang lại hiệu quả, dù ông đã góp phần ngăn Israel mở rộng cuộc chiến, ngăn nước này tấn công cả phong trào Hezbollah ở Liban; buộc Israel mở cửa trở lại Gaza để tiếp nhận viện trợ nhân đạo; khuyến khích tạm dừng giao tranh để trao đổi con tin; và thúc giục Israel thực hiện nhiều bước hơn để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Khi lực lượng Israel tiến vào miền Nam Gaza, họ đã công bố bản đồ về các khu vực an toàn - nơi dân thường có thể trú ẩn để tránh cuộc giao tranh và đã tìm cách điều chỉnh mục tiêu để tránh nhiều cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt. Tuy nhiên, cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát cho biết hàng trăm người đã thiệt mạng chỉ trong vài ngày qua và bản đồ của Israel không hiệu quả ở một khu vực hầu như không còn thông tin liên lạc.
Trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục, các quan chức Nhà Trắng nhận ra rằng sự ủng hộ công khai dành cho Israel có thể có giới hạn về thời gian.
Ông Cliff Kupchan, Chủ tịch Tổ chức Eurasia, nhận định: "Tôi nghĩ chính sách của Mỹ có thời gian từ 4 đến 6 tuần. Nếu cuộc chiến này vẫn tiếp diễn vào tháng 1 năm sau, bất đồng quan điểm trong đảng Dân chủ và áp lực quốc tế mạnh mẽ có thể sẽ khiến Tổng thống Biden gây áp lực buộc Israel phải thu hẹp quy mô hoạt động quân sự".
Mỹ lạc quan triển vọng đột phá ngoại giao với Hamas Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, ngày 8/5, trong cuộc hội kiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức hàng đầu khác nhân chuyến thăm Israel, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông William Burns cho biết ông nhận thấy có tiềm năng đạt được bước đột phá ngoại giao với Hamas. Ông William...