Lý do ‘Đất rừng phương Nam’, ‘Nhà bà Nữ’ trắng tay ở LHP Việt Nam 2023
Hai bộ phim từng gây sốt phòng vé là “Đất rừng phương Nam” và “Nhà bà Nữ” với nhiều ồn ào tranh cãi không được gọi tên dù chỉ 1 lần ở lễ trao giải LHP Việt Nam 2023.
Đất rừng phương Nam ra rạp từ 13/10 với doanh thu cao nhưng cũng vướng ồn ào ngay khi ra mắt. Phim bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn. Do vậy, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã yêu cầu thẩm định lại bộ phim, buổi làm việc giữa Cục Điện ảnh và đại diện nhà sản xuất Đất rừng phương Nam đã diễn ra chiều 14/10 để rà soát lại những vấn đề khán giả phản ánh.
Sau đó, nhà sản xuất chủ động đề xuất sửa phần thoại trong phim, chuyển từ “Nghĩa Hoà Đoàn” thành “Nam Hoà Đoàn” và “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội” nhằm tránh sự liên tưởng đến “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hoà Đoàn” từ thời nhà Thanh của Trung Quốc.
Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”.
Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn. Phim được làm dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi với kinh phí đầu tư lên tới 40 tỷ đồng. Ngay khi Đất rừng phương Nam được lựa chọn là 1 trong 16 phim tranh giải ở hạng mục Phim truyện điện ảnh tại LHP Việt Nam 2023 ở Đà Lạt đã tạo dư luận.
Tại sự kiện họp báo LHP Việt Nam 2023 ở Hà Nội ngày 30/10, khi được hỏi về việc ồn ào vừa qua có ảnh hưởng đến kết quả chấm Đất rừng phương Nam? Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói rằng tất cả phải dựa trên kết quả của các hội đồng chấm thi, BGK sẽ quyết định giải thưởng, còn các ý kiến dư luận sẽ được nhìn nhận ở giải thưởng của khán giả bầu chọn cho phim mình yêu thích nhất. Giải thưởng, kết quả ở LHP chỉ căn cứ vào đánh giá của BGK.
Tại lễ trao giải LHP Việt Nam 2023 ở Đà Lạt tối 25/11, Đất rừng phương Nam không thắng bất cứ giải nào. VietNamNet đã liên hệ với NSND Đào Bá Sơn – Chủ tịch BGK hạng mục Phim truyện điện ảnh để tìm hiểu lý do vì sao tác phẩm này trắng tay, liệu có phải nguyên nhân là do những dư luận quanh bộ phim?
NSND Đào Bá Sơn – Chủ tịch BGK hạng mục Phim truyện điện ảnh trên sân khấu lễ trao giải LHP Việt Nam 2023 ở Đà Lạt tối 25/11. Ảnh: Anh Vũ
NSND Đào Bá Sơn trả lời VietNamNet : “Không có sự phân biệt nào với bộ phim. Khi BTC trình chiếu Đất rừng phương Nam cho BGK xem, không có một áp lực nào cả. BGK cũng xem Đất rừng phương Nam như tất cả những phim khác. Chỉ có điều, khi mổ xẻ từng giải thì phụ thuộc vào chất lượng từng vấn đề, từng thành phần trong phim”.
NSND Đào Bá Sơn cho hay, cá nhân ông đánh giá cao Đất rừng phương Nam vì sự đầu tư từ bối cảnh, dàn dựng, quay phim đến các khía cạnh để tạo ra một tác phẩm, ê-kíp sản xuất đã làm rất tốt.
“Họ đã chuẩn bị công phu và rõ ràng BGK ghi nhận công sức, khát vọng của họ. Tuy nhiên, còn rất nhiều phim khác. Vừa rồi BGK xin thêm giải nhưng không được vì BTC nói hệ thống giải đã như vậy rồi. Năm nay chúng tôi cũng rất tiếc vì nhiều phim hay”, NSND Đào Bá Sơn nói.
Cảnh trong phim “Nhà bà Nữ”.
Video đang HOT
Cùng chung số phận với Đất rừng phương Nam là Nhà bà Nữ – một bộ phim khác của Trấn Thành. Nhà bà Nữ ra rạp hồi tháng 1/2023 và nhanh chóng trở thành phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé với 475 tỷ đồng. Tác phẩm cũng được gọi tên ở LHP Châu Á- Đà Nẵng đầu tiên diễn ra tháng 5/2023. Song Nhà bà Nữ cũng hoàn toàn thất bại tại LHP Việt Nam 2023. Phải chăng bộ phim này chỉ mang tính thị trường?
NSND Đào Bá Sơn trả lời VietNamNet: ” Nhà bà Nữ cũng là một bộ phim rất tốt. Tính nhân văn của phim sâu sắc. Chúng tôi đánh giá Nhà bà Nữ rất cao. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thấy Con Nhót mót chồng ra sau nhưng khai thác tầng lớp người nghèo sống ở những hẻm nhỏ, trong họ sáng lên lòng nhân ái, vị tha và xử sự với nhau tốt nên BGK đã lựa chọn để trao giải”.
KẾT QUẢ LIÊN HOAN PHIM VIỆT NAM 2023 – HẠNG MỤC PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH
Bông Sen Vàng: Tro tàn rực rỡ
Bông Sen Bạc: Mẹ ơi, Bướm đây!; Em và Trịnh; Đào, Phở và Piano
Đạo diễn xuất sắc: Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ)
Nam diễn viên chính xuất sắc: Thái Hòa (Con Nhót mót chồng)
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Mai Cát Vi và Đinh Y Nhung (Mẹ ơi, Bướm đây!)
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Lê Công Hoàng (Tro tàn rực rỡ)
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Bùi Lan Hương (Em và Trịnh)
Tác giả Kịch bản xuất sắc: Lưu Huỳnh (Mẹ ơi, Bướm đây!)
Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc: Cô gái từ quá khứ
Đạo diễn có phim đầu tay xuất sắc: Andy Nguyễn (FANTI)
Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Ghia Fam (Người vợ cuối cùng)
Quay phim xuất sắc: Nguyễn K’Linh (Tro tàn rực rỡ) và Nguyễn Phan Linh Đan (Cô gái từ quá khứ)
Âm thanh xuất sắc: Vick Võ Hoàng (Em và Trịnh)
Âm nhạc xuất sắc: Tôn Thất An (Tro tàn rực rỡ)
Giải thưởng Ban giám khảo: Con Nhót mót chồng
Giải Khán giả bình chọn: Siêu lừa gặp siêu lầy
Giải ‘Cao nguyên hùng vĩ’ cho phim có bối cảnh quay tại tỉnh Lâm Đồng: Em và Trịnh
'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành thu 475 tỷ, Việt Nam có công nghiệp điện ảnh chưa?
Gần đây Việt Nam có hàng loạt phim phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu thị trường phim chiếu rạp như 'Nhà bà Nữ', 'Bố Già' của Trấn Thành nhưng việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề lớn cần bàn thảo.
Thiếu vắng đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi đứng sau những phim 'hot'
Ngày 23/11, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh diễn ra tại Đà Lạt trong khuôn khổ LHP Việt Nam 2023. Đây là vấn đề lớn tồn tại lâu nay nhưng được nhắc tới gần đây trong bối cảnh nền điện ảnh ngày càng hội nhập và chứng kiến sự xuất hiện của các LHP quốc tế do Việt Nam tổ chức, cũng như bước tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường sản xuất phim lẫn doanh thu chiếu rạp.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt Nam khi đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng tại LHP Cannes cho phim Bên trong vỏ kén vàng.
Đặc biệt lần đầu tiên có phim Việt thu về 475 tỷ đồng. Nhà bà Nữ khi công chiếu dịp Tết đã bán được hơn 5,8 triệu vé, dẫn đầu doanh thu phim chiếu rạp tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 3/2021, Bố Già của Trấn Thành cũng giải cứu các rạp phim đang khủng hoảng sau dịch Covid-19 thu 427 tỷ đồng với 5,2 triệu vé bán ra, hình thành thói quen ra rạp trở lại của khán giả.
Trấn Thành trong phim 'Nhà bà Nữ'.
Đáng tiếc là hội thảo không có sự xuất hiện của các nhà làm phim đang hoạt động sôi nổi và đóng góp vào thị trường những bộ phim thay đổi diện mạo thị trường điện ảnh như: Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng...
Tuy nhiên, xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ đo bằng lượng phim rạp, các giải thưởng hay tác phẩm có doanh thu cao. Chính vì vậy, hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh nhằm tìm ra những giải pháp thực tế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 hương tới phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên cần có sự chung tay của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, cùng vai trò không kém phần quan trọng của công chúng".
Ông Vi Kiến Thành tại hội thảo. Ảnh: Anh Vũ.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra các ví dụ về những công ty lớn hay các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... trong việc sử dụng dữ liệu lớn của ngành công nghiệp điện ảnh.
"Công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng tài năng điện ảnh, nguồn lực văn hóa, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh. Dữ liệu lớn (Big data) trong xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh đề cập đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng một lượng lớn thông tin số hóa nhằm cải thiện mọi khía cạnh của ngành điện ảnh".
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh về sử dụng dữ liệu lớn. Xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến dữ liệu lớn và ứng dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cuối cùng là đầu tư nguồn lực cho triển khai dữ liệu lớn.
PGS. Bùi Hoài Sơn nói: "Việc sử dụng dữ liệu lớn có khả năng nâng cao chất lượng của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam. Không chỉ giúp tạo ra nội dung sáng tạo và phong cách hấp dẫn hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh. Các công ty và nhà sản xuất phim có thể sử dụng dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khán giả, cải thiện quản lý sản xuất và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị".
Phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử chỉ vài lỗi mà dư luận đã sôi sục
Nếu như PGS Bùi Hoài Sơn nghiêng về khía cạnh công nghệ thì theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, nền công nghiệp điện ảnh cần những con người công nghiệp.
NSƯT Phi Tiến Sơn nhận định: "Con đường phát triển trở thành một nền điện ảnh công nghiệp còn khó khăn. Máy móc phương tiện hiện đại có thể mua được. Nhà xưởng đất đai trường quay hoành tráng có thể được đầu tư, nếu Nhà nước coi phát triển điện ảnh là một quốc sách để quảng bá hình ảnh, để phát triển kinh tế văn hóa du lịch (như Hàn Quốc chẳng hạn). Nhưng không có con người công nghiệp cũng chẳng làm được. Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong một công việc, một dự án, kế hoạch và cả một "nền", như ở đây chúng ta đang nói về nền điện ảnh... ".
'Đất rừng phương Nam' gây tranh cãi trong dư luận vì cho rằng có chi tiết sai lệch lịch sử.
Đạo diễn Đào, Phở và Piano cho rằng một nền điện ảnh lớn phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng. "Làm phim có tính giải trí cao, thu hút được nhiều khán giả, doanh thu cao là rất khó và cần thiết để tái đầu tư, nuôi đội ngũ. Nhưng giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở đó.
Họ muốn không chỉ có sản phẩm điện ảnh ăn khách mà còn có tác phẩm điện ảnh. Chỉ khi đó thế giới mới biết điện ảnh Việt Nam. Nhưng làm được không dễ. Vừa rồi có một số phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử, tìm hiểu hồn cốt dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước. Vậy mà chỉ vài lỗi, hoặc chưa chính xác về chi tiết lịch sử mà dư luận đã sôi sục soi xét. Con đường gian truân chưa đi đã vấp còn ai muốn đi nữa? Và đến khi nào chúng ta ra được biển lớn?".
Tại hội thảo, vai trò của truyền thông trong xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam cũng được đề cập tới. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - TBT Báo Điện tử Tổ Quốc chia sẻ: "Tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành đến quản lý, phê bình đều phải được tổ chức, vận hành một cách chuyên nghiệp, đồng bộ vì điện ảnh là ngành tổng hợp của nghệ thuật và công nghiệp. Dù công nghệ có sức mạnh và ảnh hưởng lớn đến đâu thì vai trò lao động, sáng tạo của con người vẫn là không thể thay thế.
Truyền thông là cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất tới khán giả. Song công cụ nào cũng có mặt mạnh và chưa mạnh. Trong mỗi chiến lược truyền thông cho ngành công nghiệp điện ảnh hay cho từng bộ phim, thiết nghĩ phải có kế hoạch dự phòng cho những tình huống, nguy cơ khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào lại là một vấn đề không đơn giản".
'Đất rừng phương Nam' đối đầu phim doanh thu cao nhất lịch sử của Trấn Thành 'Đất rừng phương Nam' - bộ phim gây tranh cãi thời gian qua sẽ tranh giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam 2023 với 'Nhà bà Nữ' của Trấn Thành. Ngày 27/10, Cục Điện ảnh công bố danh sách 16 phim điện ảnh được chọn dự thi tại Liên hoan phim Việt Nam 2023. Danh sách phim tham gia khá đa dạng...