Lý do châu Âu không thể thực hiện được kế hoạch giá trần khí đốt từ tháng 1/2023
Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch giới hạn giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh, bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2023, nhưng giờ đây phải nỗ lực tìm biện pháp khác.
Sử dụng bếp gas tại Dortmund, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/11 đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Bộ trưởng Công thương CH Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Jozef Sikela cho biết các bộ trưởng EU đã nỗ lực thông qua một số “biện pháp quan trọng khác”, trong đó có việc mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU dẫn đến tăng giá, đoàn kết trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số bộ trưởng tham dự cuộc họp ngày 24/11 phàn nàn về đề xuất giá trần khí đốt mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố 2 ngày trước đó, cho rằng đề xuất này rõ ràng không khả thi. Theo ông Sikela, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng.
Video đang HOT
Kế hoạch giới hạn giá đặt ra ngưỡng tối đa 275 euro/MWh. Tuy nhiên, mức giá này đi kèm theo rất nhiều điều kiện, đến nỗi mức giá này đã không được áp dụng vào tháng 8 vừa qua khi giá khí đốt tăng vọt lên mức 300 euro trong thời gian ngắn, qua đó cảnh báo châu Âu về những mức giá lịch sử chênh lệch khoảng 10% so với mức giá này.
Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.
Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông ở Bắc Bán cầu.
Lo ngại giá trần khí đốt làm gia tăng áp lực lạm phát, nhiều nước châu Âu lên tiếng chỉ trích
Trong khi châu Âu đang chật vật với giá năng lượng tăng cao do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và việc cắt giảm nguồn cung, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson lại đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức mà nhiều nước cho rằng là quá cao.
Một trạm vận chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna, gần Warsaw, Ba Lan. Ảnh minh họa: PAP/TTXVN
Ngày 23/11, Pháp và Tây Ban Nha, Ba Lan đã chỉ trích mức giá trần khí đốt 275 euro (283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) mà EU đề xuất một ngày trước đó.
Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribeca cho rằng mức giá trần khí đốt mà EU đề xuất sẽ chỉ khiến giá khí đốt tăng cao hơn, cản trở những nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ.
Trong khi đó, Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp cho rằng mức giá đề xuất này của EU là chưa đủ và không đáp ứng được thực tế trên thị trường. Tuyên bố của bộ này nêu rõ: "Ủy ban châu Âu phải đề xuất một mức giá có thể áp dụng được chứ không phải mức giá mang lại tác động tiêu cực hoặc không có tác động nào cả".
Trong một động thái tương tự, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 23/11 cho rằng mức giá trần khí đốt do EU đề xuất là quá cao.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu họp báo, ông Morawiecki nói: "Chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc đưa ra quy định này của châu Âu. Nhưng mức giá đề xuất này thực sự là rất cao. Điểm mấu chốt là giữ giá ở mức chấp nhận được trong điều kiện khủng hoảng hiện nay. Và mức giá EU đề xuất khiến tôi lo lắng".
Trước đó, ngày 22/11, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh trong bối cảnh khối này đang chật vật với giá năng lượng tăng cao do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và việc cắt giảm nguồn cung.
Theo bà Simson, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Bà nhấn mạnh đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Lần duy nhất, giá khí đốt tại TTF vượt giới hạn 275 euro/MWh là từ ngày 22-29/8 vừa qua.
Các đề xuất trên sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng năng lượng EU dự kiến diễn ra ngày 24/11. Nếu được thông qua, EU sẽ áp mức giá trần khí đốt này vào tháng 1/2023. Cùng với việc áp giá trần khí đốt, các nước thành viên EU cũng có kế hoạch tình nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong mùa Đông này.
Lộ trình gập ghềnh của châu Âu Tại Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 20-21/10 ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về lộ trình nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu cho thấy "bước tiến lớn" này cũng mới chỉ là kế hoạch khái quát. EU cần phải gấp rút...