Lý do Bộ GTVT đề xuất tăng tuổi lái xe bằng E
Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh tăng tối đa tuổi lao động của lái xe chở người trên 30 chỗ ngồi và đang chờ góp ý của người dân, chuyên gia.
Trong dự luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT có quy định điều chỉnh tăng tuổi lao động của lái xe trên 30 chỗ ngồi (bằng E). Theo đó, tài xế lái xe hạng này sẽ được tăng tuổi lao động tối đa lên 62.
Tận dụng lao động có kinh nghiệm
Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 104 của dự luật giao thông đường bộ quy định: Tuổi lao động tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.
Nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), tuổi lao động tối đa của người lái xe trên 30 chỗ đối với nữ là 60 và nam là 62. Trong khi đó, quy định hiện hành tuổi lao động tối đa của lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi là 50 đối với nữ và 55 đối với nam.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết trong quá trình soạn thảo dự luật, nhiều đơn vị có đề xuất như trên.
Qua nghiên cứu, đánh giá, Bộ GTVT đưa vào dự luật để lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và người dân.
“Tôi cho rằng trong bối cảnh độ tuổi lao động Việt Nam đang tăng lên thì việc tăng tuổi tối đa là phù hợp. Điều này giúp các doanh nghiệp vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm. Còn tăng như thế nào, lộ trình tăng, chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia góp ý” – ông Thống nói.
Về việc lo ngại tài xế lớn tuổi không đảm bảo sức khỏe để lái xe, ông Thống cho rằng theo quy định hiện hành các tài xế đều phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Doanh nghiệp, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị xử phạt. Vì vậy, dù tài xế ở tuổi 40 hoặc 50 tuổi nhưng không đảm bảo sức khỏe cũng đều cấm lái xe.
“Như vậy, chúng ta có thể thấy các quy định pháp luật hiện hành khá chặt chẽ. Trường hợp nào không tuân theo quy định pháp luật hoặc gian dối thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – ông Thống nhấn mạnh.
Bộ GTVT đề xuất tăng tối đa tuổi lao động của người lái xe trên 30 chỗ lên 62. Ảnh: V.LONG
Video đang HOT
Tăng khám định kỳ sức khỏe tài xế
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng trong lúc nguồn lao động, nhất là tài xế hạng E đang thiếu hụt thì việc tăng độ tuổi tối đa là đề xuất dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là quy định mới nên cần phải có lộ trình, tức phải thí điểm trong vòng 1-2 năm, sau đó mới áp dụng trên diện rộng.
Anh Nguyễn Văn Thiện (ngụ Nghi Xuân, Hà Tĩnh có năm năm lái xe khách trên 30 chỗ) cho rằng đề xuất tăng tuổi lao động của tài xế trên 30 chỗ ngồi là tương đối phù hợp.
Theo anh Thiện, hiện nay nhiều người trên 55 tuổi còn đủ sức khỏe để điều khiển xe. Cạnh đó, những người lớn tuổi thường rất cẩn thận, hầu hết các vụ tai nạn giao thông không nằm ở nhóm này mà ngược lại.
“Nên quy định trên là cần thiết, giúp tài xế tiếp tục mưu sinh, còn ai không đủ sức khỏe thì nghỉ. Tôi nghĩ chẳng ai làm cố để đánh đổi tính mạng của bản thân mình…” – anh Thiện nói.
Cạnh đó, các văn bản dưới luật cần phải quy định hết sức chặt chẽ quy định khám sức khỏe đối với độ tuổi này. “Bộ GTVT và Bộ Y tế cần nghiên cứu, bổ sung vào thông tư hướng dẫn các điều kiện khám sức khỏe tài xế theo định kỳ trong năm. Có thể khám ba tháng/lần, để đảm bảo duy trì nguồn lao động có chất lượng. Tóm lại việc tăng cường kiểm tra sức khỏe là hết sức quan trọng…” – ông Liên nói.
Ngoài ra, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý chặt việc cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế. “Phải ngăn chặn, xử nghiêm tình trạng cán bộ làm sai lệch hồ sơ, lúc đó người dân mới yên tâm…” – ông Liên nêu quan điểm.
Đồng tình, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt, cho rằng quy định tuổi tối đa của người lái ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam như hiện hành là chưa phù hợp. Theo đó, cần phải điều chỉnh tăng vì đây là độ tuổi có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận… khi điều khiển xe.
“Tôi có hai người bạn vừa mới dừng lái xe ô tô trên 30 chỗ vì quá tuổi. Trong khi đó, họ còn rất khỏe có thể điều khiển xe trên 10 năm nữa. Nên tôi thấy việc quy định như hiện hành buộc nhiều tài xế về hưu quá sớm là rất uổng, ảnh hưởng đến thu nhập của bộ phận này” – ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, quy định hiện hành các tài xế đều phải khám sức khỏe sáu tháng/lần. Cạnh đó, luật cũng quy định tài xế làm việc không quá 8 tiếng/ngày, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. “Như vậy, việc đề xuất tăng tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động là phù hợp…” – ông Bằng nêu quan điểm.
Gian dối về bằng lái sẽ phải học và thi lại
Khoản 7 Điều 107 của dự luật cũng quy định: Người sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển xe cơ giới hoặc có hành vi gian dối để được gia hạn, đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn năm năm (kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm).
Sau thời hạn trên, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.
Như vậy, trường hợp tài xế vi phạm các quy định trên, ngoài việc không được điều khiển xe trong năm năm thì phải thi và học lại.
Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn suốt cả ngày
Dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi đưa vào quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy tắc sử dụng đèn của các phương tiện tham gia giao thông.
Xe máy phải bật đèn nhận diện
Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng...) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Theo điểm L khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Đề xuất mới quy định xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Quy định không phù hợp
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Còn ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắcquy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
"Nên tôi cho rằng việc bật đèn xe máy vào ban ngày với nước ta là không cần thiết. Đặc biệt việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt..." - ông Quyền nêu quan điểm.
Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng hiện nay Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Từ đó xảy ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính góp phần làm khí hậu nóng lên, điều này đi ngược với xu thế.
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi dự kiến được đưa vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11, nếu phạm vi điều chỉnh của luật vẫn giữ như Chính phủ đề nghị.
"Chúng ta thử cảm nhận nếu quy định này được áp dụng, vào mùa hè nắng đến 40 độ C, hàng triệu xe đổ ra đường dẫn đến kẹt xe, khói bụi, nóng bức... Có người bật đèn position light hay gọi là đèn đờmi nhưng có người bật đèn lớn và chiếu thẳng giữa mặt người đi ngược chiều thì rõ ràng đây không phải là một đề xuất tối ưu cho việc giảm tai nạn giao thông..." - vị này nhận định.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) cho rằng Hà Nội, TP.HCM đường lúc nào cũng đông đúc, tốc độ di chuyển chỉ khoảng 20-30 km/giờ thì việc bật đèn chiếu sáng cả ngày không chỉ không cần thiết mà còn gây nguy hiểm. "Thực tế hiện nay số lượng xe máy ở nước ta vẫn chiếm phần lớn, ô tô chỉ lượng nhỏ. Nên tôi cho rằng buộc xe máy bật đèn chiếu sáng cả ngày không phù hợp. Thậm chí nhiều người phải bỏ thêm tiền để cải tạo độ bền của bình ắcquy, bóng đèn... Và với nhiệt độ như nước ta nếu kẹt xe hoặc dừng đèn đỏ, xe đồng loạt bật đèn, dù là loại đèn gì thì đó cũng là điều quá khủng khiếp" - anh Hùng nói.
Tư lệnh Giao thông báo cáo Quốc hội hướng xử lý 4 điểm nóng BOT Sau khi xử lý xong 15/19 dự án BOT có những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, Bộ GTVT đang rốt ráo xử lý hoặc xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền hướng xử lý 4 dự án còn lại. Việc thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo...