Lưu ý khi dịch đau mắt đỏ lan rộng
Khi mắc bệnh đau mắt đỏ, không tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid (dexamethasone) hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu…
Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào tháng 7, 8 hằng năm – thời điểm mưa lũ nhiều. So với những năm trước, dịch đau mắt đỏ năm nay xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ lây lan nhanh và trầm trọng hơn. Hiện tại, dịch vẫn chưa có xu hướng giảm mà ngày càng lan rộng trên cả nước.
Lây lan rất nhanh
Ngày 26-9, Bệnh viện (BV) Mắt TP HCM cho biết hiện số người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị đã tăng gấp đôi so với những ngày thường. Theo thống kê của BV này, trong tháng 8 có 1.123 lượt người đến khám mỗi ngày. Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội, cho biết số bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ những ngày gần đây tăng vọt, chiếm 50%-60% tổng số bệnh nhân khám các bệnh về mắt mỗi ngày. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều BV, phòng khám chuyên khoa mắt ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Theo bác sĩ Phạm Nguyên Huân, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP HCM, dịch đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, lây lan tương đối nhanh. Bệnh này do virus gây nên. 65%-90% nguyên nhân là do virus Adenovirus, ngoài ra có thể là virus Enterovirus.
Ảnh minh họa
Giới chuyên môn cho biết đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp và dịch tiết nên dễ lan rộng. Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây lan nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm virus, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế, thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau.
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa Kết, giác mạc BV Mắt trung ương, cho biết đau mắt đỏ biểu hiện ban đầu với các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có dử mắt. Phần lòng trắng đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt, mi mắt có thể sưng nề, đỏ. Bệnh nhân có thể thấy nước mắt chảy ra có màu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương.
Video đang HOT
Bác sĩ Đông khuyến cáo: “Nguy cơ lây bệnh cao nhất là trong 1 tuần đầu khi người bệnh bị chảy nước mắt, có dử mắt, do đó với trẻ nhỏ nên cho trẻ nghỉ học để cách ly trong thời điểm này. Tuy vậy, vẫn phải giữ gìn vệ sinh để tránh nguy cơ lây lan cho các trẻ khác bởi ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng rõ ràng hoặc đã khỏi bệnh vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần”. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người đau mắt đỏ nên nghỉ 5-7 ngày để tránh lây cho người khác.
Phòng bệnh
Theo các bác sĩ, hiện chưa có thuốc ngừa bệnh đau mắt đỏ, chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa chủ động. Bác sĩ Phạm Nguyên Huân cho biết bệnh đau mắt đỏ cũng có biến chứng nhưng thường rất ít xảy ra. Đó là biến chứng thâm nhiễm dưới biểu mô giác mạc, có thể kéo dài trong vài tháng, gây giảm thị lực, chói mắt khi ra nắng. Đa số người mắc bệnh đau mắt đỏ đều có thể tự khỏi bệnh. Do đó, với bệnh này, chỉ điều trị hỗ trợ, đem lại sự dễ chịu cho người bệnh và tránh lây lan. Không tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid (dexamethasone) hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu… vì dễ gây biến chứng cho mắt.
Nhiều người cho rằng đeo kính sẽ tránh lây bệnh cho người khác nhưng thực tế không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Các bác sĩ cũng khẳng định việc nhìn nhau không lây bệnh mắt đỏ mà trung gian truyền bệnh là nước mắt, dử mắt của bệnh nhân do nước mắt có chứa virus. Virus lây khi bệnh nhân ho hoặc chảy nước mũi, qua những vật dụng, tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, điện thoại, vòi rửa tay, qua nước bị nhiễm khuẩn như nước ở hồ bơi…
Các bác sĩ khuyến cáo người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh và nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hằng ngày. Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh, tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa. Ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Nếu trẻ bị bệnh đau mắt đỏ nên để ở nhà, không đưa đến trường học hoặc nơi đông người.
Sẵn sàng chống dịch
Ngày 26-9, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết dù bệnh đau mắt đỏ không nằm trong số những bệnh truyền nhiễm phải báo cáo nhưng trước tình hình dịch bệnh lan rộng, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu sở y tế các địa phương tăng cường công tác phòng chống, giám sát dịch đau mắt đỏ, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học và tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống cách ly, điều trị kịp thời. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất để chống dịch.
Theo VNE
Đau mắt đỏ: Dù không nặng cũng nên nghỉ
Dịch đau mắt đỏ đang có diễn biến phức tạp và lan rộng trên cả nước. Nhiều người bị đau mắt đỏ buộc phải nghỉ học, nghỉ làm để phòng tránh lây lan.
Lo sợ học sinh bị hổng kiến thức
Theo chị Nguyễn Thị Bình (Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) cả gia đình chị đều bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Trước đó, con gái lớn của chị chưa bị bệnh nhưng cô giáo đã khuyên không nên đến lớp vì sợ ảnh hưởng đến bạn bè. Nhiều bạn trong lớp không lại gần con chị (cháu Hương lớp 10 -trường THPT Thăng Long) vì sợ cháu là tác nhân mang mầm bệnh cho cả lớp.
Sau đó, cháu phải nghỉ học từ khi chưa có biểu hiện của đau mắt đỏ. Chị Bình kể: "Nghỉ học được hai hôm thì con bé cũng bị bệnh luôn, khổ thế đấy". Sau 10 ngày điều trị, mắt của chị vẫn đỏ hoe nên đi làm vẫn bị kỳ thị. Nhiều người thấy đồng nghiệp đau mắt đỏ là tránh xa, sợ bị lây nhiễm. Hai vợ chồng chị đã xin nghỉ không lương cả tuần rồi nên chị Bình sợ không dám nghỉ thêm. Điều chị lo lắng nhất là các con nghỉ học lâu sẽ bị hổng kiến thức.
Cùng hoàn cảnh đó, anh Nguyễn Việt Trường - số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị đồng nghiệp "xa lánh". Anh bị dính đau mắt đỏ từ gia đình nên khi vừa thông báo bị đau mắt, công ty anh đã báo anh nên nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, công việc trên văn phòng còn dở dang, nhiều hợp đồng chào thầu đang cần chỉnh sửa nên tiếc công tiếc việc anh lại lên công ty làm việc. Tuy nhiên, khi đi ở thang máy dù cố né vào sâu bên trong nhưng nhiều người vẫn không dám nhìn anh.
Thậm chí, vào đến văn phòng làm việc nhiều nhân viên cấp dưới của anh cũng tránh xa. Anh buồn bã kể lại, làm được buổi sáng thì sếp lớn lên bảo "cậu muốn cả công ty cùng đau mắt đỏ à", rồi anh được đặc cách mang giấy tờ, hồ sơ về nhà làm.
Còn bác sĩ Hùng - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cũng ngán ngẩm: "Anh bị đau mắt vào đúng ngày đầu tuần đi làm. Công việc và lịch mổ cho bệnh nhân đã xếp sẵn rồi mà giờ đành ở nhà điều hành qua điện thoại. Nếu đến bệnh viện thì lây bệnh cho cả khoa và bệnh nhân mất".
Cũng may, các bệnh nhân của anh Hùng không phải bệnh nguy cấp nên anh có thể điều chỉnh lại ca mổ khi bệnh đỡ hơn. Ba ngày đau mắt đỏ, mọi lịch trình của anh thay đổi hẳn.
Không khí lạnh sẽ giảm nguy cơ phát tán bệnh
Theo bác sĩ Hoàng Cương, trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho đến hết ngày 24/9 số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ vẫn không giảm. Số bệnh nhân này chiếm từ 20 % tổng số các bệnh nhân đến khám về mắt. Đến hết ngày hôm qua chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị biến chứng nặng từđau mắt đỏ như viêm kết mạc cấp tính, loét giác mạc.
Bác sĩ Cương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về miền bắc từ ngày hôm nay sẽ giúp tình hình bệnh đau mắt đỏ được kiểm soát tốt hơn.
Kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng sụt sùi, hai cơn bão số 8 và số 9 ập đến liên tục càng khiến bệnh lan nhanh ở các tỉnh thành.
So với mọi năm trước, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 7 và tháng 8 vì trời mưa. Nhưng năm nay bệnh đến muộn hơn và diễn biến cũng phức tạp hơn.
Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh cũng than thở với bác sĩ bị ép nghỉ làm hoặc nghỉ học vì mắc bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho rằng những người đau mắt đỏ nên nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho cộng đồng. Nhiều người mắc bệnh còn cố gắng ra ngoài dẫn đến bệnh lây lan nhanh hơn.
Tâm lý cho rằng cứ đeo kính là không sợ lây bệnh sang cho người khác nên nhiều người cố tình vừa đeo kính vừa đi làm. Điều đó hoàn toàn sai bởi bệnh còn lây lan qua đường không khí, đường thở. Thậm chí, tay người bệnh dụi vào mắt sao đó sờ vào bàn ghế, cầu thang, máy tính... đều là nguồn mầm bệnh cho người khác.
Điều bác sĩ Cương băn khoăn nhất dù là bệnh lành tính nhưng tốc độ lây lan rất nhanh như hiện nay thì các cơ quan nên có chính sách hỗ trợ cho người bệnh nghỉ ở nhà điều trị nhưng vẫn có lương. Vì sợ nghỉ không có lương nên nhiều người vẫn cố đi làm.
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo các trường hợp mắc bệnh nên nghỉ ở nhà, trẻ em có biểu hiện cần cho nghỉ học, ngay sau đó có các biện pháp bù kiến thức cho các em nghỉ vì đau mắt đỏ. Mọi người dân nên tránh tập trung nơi đông người. Không nên sử dựng chung khăn mặt, khăn tắm và các dụng cụ sinh hoạt khác.
Theo Thanhnien
Những lưu ý "vàng" cho chị em theo từng độ tuổi Trong mỗi một giai đoạn, một độ tuổi, sức khỏe của bạn lại có những sự thay đổi nhất định. Bạn nên đặt cho mình những mốc thời gian cá nhân để giữ gìn sức khỏe của bản thân. 20 tuổi Độ tuổi này bạn cần phải được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là sắt, canxi trong chế độ ăn...