Lưỡng đảng Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý dài hơi về kết quả bầu cử 2024
Mặc dù từ lâu các cuộc chiến giữa các đảng về luật bỏ phiếu đã là một phần của các chiến dịch tranh cử tổng thống, song các vụ kiện tụng bầu cử đã tăng vọt trong những năm gần đây.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, hàng đầu) tại phiên xét xử của tòa án quận Manhattan, bang New York, Mỹ, ngày 2/10/2023. Ảnh: USA TODAY/TTXVN
Tại một sự kiện vận động ở bang Georgia, ứng viên tranh cử của đảng Cộng hoà Donald Trump – người vẫn từ chối chấp nhận ông đã thua Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 – cho biết ông muốn chiến thắng vào ngày Bầu cử 5/11 tới phải áp đảo đến mức “không thể gian lận”.
Tuy nhiên, bất kể khoảng cách chiến thắng rộng đến bao nhiêu, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đang sẵn sàng tinh thần chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý có khả năng kéo dài liên quan đến kết qủa bầu cử sau khi được công bố. Hàng chục vụ kiện có thể tạo tiền đề cho các thách thức sau khi quy trình kiểm phiếu đã diễn ra. Trong lịch sử bầu cử, các vụ kiện trước đây phần lớn đều do đảng Cộng hòa và các đồng minh của họ đệ trình. Nhiều vụ kiện liên quan đến các cáo buộc bỏ phiếu qua thư, lá phiếu từ cử tri ở nước ngoài và các khiếu nại về việc bỏ phiếu của những người không phải là công dân Mỹ.
Trong khi cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần từ chối tuyên bố rõ ràng ông sẽ chấp nhận kết quả của năm nay thì đảng Dân chủ cũng lên tiếng cảnh báo có thể từ chối chứng nhận kết quả hợp lệ và thúc đẩy kiện tụng.
Mặc dù từ lâu các cuộc chiến giữa các đảng về luật bỏ phiếu đã là một phần của các chiến dịch tranh cử tổng thống, song các vụ kiện tụng bầu cử đã tăng vọt trong những năm gần đây.
“Thậm chí không chỉ các đảng phái mà còn là các tổ chức bên ngoài, và họ đang gây quỹ để bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, bất kể đó là gì. Họ có những nhà tài trợ giàu có ủng hộ vụ kiện tụng này. Vì vậy, có vẻ như lịch bản này sắp tới sẽ không có bất kỳ sự hạ nhiệt nào”, Derek Muller, một chuyên gia về luật bầu cử và là giáo sư tại Trường Luật Đại học Notre Dame, cho biết.
Video đang HOT
Theo luật sư đảng Dân chủ Marc Elias, người sáng lập nhóm theo dõi các vụ kiện tụng bầu cử Democracy Docket, chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Ngày bầu cử, khoảng 180 vụ kiện bỏ phiếu và bầu cử đã được đệ trình trong năm nay.
Tỷ lệ các vụ kiện liên quan đến bầu cử đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000, khi Tòa án Tối cao bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 để giải quyết cuộc bầu cử có lợi cho ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush thay vì ứng cử viên Dân chủ Al Gore.
Vai trò của tòa án cấp cao trong cuộc đua này đã thúc đẩy sự quan tâm đến luật bầu cử, thúc đẩy sự gia tăng các vụ kiện tụng diễn ra nhanh hơn vào năm 2020 do những thay đổi trong các quy tắc bỏ phiếu trong đại dịch COVID-19.
Những thay đổi đối với các quy định tài trợ cho chiến dịch tranh cử cách đây một thập kỷ cũng cho phép các nhà tài trợ cung cấp cho các đảng một khoản tiền mặt khổng lồ dành riêng cho các cuộc chiến pháp lý. Các vụ kiện tụng bầu cử ngày nay không phải lúc nào cũng là về việc giành chiến thắng tại tòa án, mà còn gửi một thông điệp chính trị để khích lệ các nhà tài trợ.
Rebecca Green, giáo sư tại Trường Luật William & Mary kiêm chuyên gia về luật bầu cử, cho biết: “Nó đã trở thành một phần của chiến dịch để thể hiện bản thân trước tòa án. Việc thưa kiện của các chiến dịch sẽ thu hút sự chú ý và mang ý nghĩa lớn về mặt truyền thông”.
Đầu năm nay, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã khởi động chương trình “chưa từng có” về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, với kế hoạch có 100.000 tình nguyện viên và luật sư tại các tiểu bang chiến trường quan trọng như một phần của “cam kết đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong cuộc bầu cử năm 2024′.
“Nỗ lực bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của ứng viên Trump là nhằm bảo vệ mọi lá phiếu hợp pháp, giảm thiểu các mối đe dọa đối với quá trình bỏ phiếu và bảo vệ cuộc bầu cử. Trong khi đảng Dân chủ tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử của Tổng thống Trump và người dân Mỹ, hoạt động của chúng tôi đang đối đầu với các âm mưu của họ và chuẩn bị cho tháng 11″, Claire Zunk, giám đốc truyền thông về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của RNC cho biết.
Cuộc chiến quan trọng nhất tại tòa án có thể là về các quy định chứng nhận phiếu bầu. Có một quy trình xem xét mới, nhanh hơn đối với các tranh chấp chứng nhận theo các bản cập nhật của Đạo luật Cải cách Số phiếu bầu do Quốc hội thông qua vào năm 2022.
Tuần trước tại bang Georgia, một thẩm phán tuyên bố 7 quy định bầu cử mới do Hội đồng Bầu cử Tiểu bang thông qua gần đây là “bất hợp pháp, vi hiến và vô hiệu”. Trong đó có một quy định yêu cầu số lượng lá phiếu phải được đếm thủ công sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Một quy định khác yêu cầu các quan chức của quận phải tiến hành “cuộc điều tra hợp lý” trước khi chứng nhận kết quả, nhưng không nêu rõ điều đó có nghĩa là gì. Đảng Cộng hòa đã kháng cáo quyết định của thẩm phán về việc vô hiệu hóa các quy định lên tòa án tối cao của tiểu bang.
Chủ tịch RNC Michael Whatley gọi phán quyết đó là “hành động tư pháp tồi tệ nhất”. “Bằng cách lật ngược các quy định hợp lý của Hội đồng Bầu cử Tiểu bang Georgia được thông qua để bảo vệ các cuộc bầu cử của Georgia, thẩm phán đã đứng về phía đảng Dân chủ trong các cuộc tấn công của họ vào tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra”.
Những vấn đề ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ với Ukraine
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ đối với Ukraine.
Trong khi Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề nội địa, Kiev cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ủng hộ từ Washington.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Washington DC., ngày 12/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Kiev Post (Ukraine) ngày 15/10, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc đua tới Nhà Trắng. Nhiều người đều quan tâm đến việc liệu nhà lãnh đạo mới có thể thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ hay không. Đặc biệt, trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với cuộc xung đột với Nga, các vấn đề liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Ukraine trở nên cực kỳ quan trọng.
Trong một bài xã luận mới đây, Pavlo Klimkin, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, đã nêu ra những thách thức mà Ukraine sẽ phải đối mặt với vị tổng thống Mỹ tiếp theo. Ông nhấn mạnh rằng con đường phía trước với Kiev sẽ không dễ dàng, bất kể ai vào Nhà Trắng vào tháng 1/2025 sau cuộc bầu cử. Ông Klimkin đã chỉ ra 5 vấn đề chính sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ Mỹ - Ukraine trong thời gian tới.
Thứ nhất, sự ủng hộ dành cho Ukraine không phụ thuộc vào đường lối đảng phái. Ông Klimkin cho rằng sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho Ukraine đã giảm sút khi cuộc xung đột kéo dài. Mặc dù các cử tri Mỹ từng ủng hộ mạnh mẽ Ukraine vào đầu cuộc xung đột, nhưng một số chính trị gia, đặc biệt trong đảng Cộng hòa, đã bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu việc gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine có còn khả thi hay không. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Ukraine trong việc duy trì sự hỗ trợ từ Mỹ, nơi mà các vấn đề nội bộ như lạm phát và an ninh biên giới đang chiếm ưu thế.
"Trong khi chúng ta phải kiên định với lập trường của Ukraine trong cuộc đối thoại với Mỹ, chúng ta cũng cần lắng nghe đối tác Mỹ và hiểu rằng họ đang theo đuổi các ưu tiên và vấn đề nóng hổi riêng, chứ không phải của chúng ta. Điều đó sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử", ông Klimkin lưu ý.
Thứ hai, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Mỹ sẽ đóng vai trò rất lớn. Không chỉ cuộc bầu cử tổng thống mà cả cuộc bầu cử quốc hội Mỹ cũng sẽ có tác động lớn đến mối quan hệ Mỹ - Ukraine. Khi 1/3 Thượng viện và toàn bộ Hạ viện sẽ tái tranh cử, kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách và những quyết định chiến lược liên quan đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông Klimkin nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải đảm bảo rằng việc hợp tác với tổng thống tương lai và chính quyền Mỹ không bị coi là "thiên vị chính trị".
Cựu bộ trưởng ngoại giao Ukraine nêu rõ: "Sau cuộc bầu cử, Kiev sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đảm bảo rằng việc tập trung vào hợp tác với tổng thống tương lai và chính quyền của họ không bị đảng kia coi là thiên vị chính trị".
Thứ ba, Mỹ đang chuyển hướng tập trung khỏi châu Âu. Một thực tế không thể phủ nhận là Mỹ hiện đang quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nội địa như lạm phát và nhập cư thay vì các cuộc xung đột ở nước ngoài. Ông Klimkin nhận định rằng dù ứng cử viên nào thắng cử, thì ít người Mỹ hơn sẽ quan tâm đến các vấn đề châu Âu.
Thứ tư, ông Trump và bà Harris có chiến lược không rõ ràng để giúp Ukraine. Các ứng cử viên tổng thống hiện tại, Donald Trump và Kamala Harris, đã có những quan điểm khác nhau về cuộc chiến ở Ukraine. Cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt xung đột ngay cả trước khi trở lại Nhà Trắng, trong khi bà Harris tỏ ra ủng hộ Ukraine nhưng né tránh các câu hỏi cụ thể.
Thứ năm, không ứng cử viên nào hiểu được cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Dù đã có một lịch sử lâu dài với Ukraine, cả Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đều dường như không nắm bắt rõ ràng về cách thức cuộc chiến đang diễn ra. Ông Klimkin nhấn mạnh rằng chính quyền Biden đã có những đánh giá sai về Kiev trong một số tình huống quan trọng.
Tóm lại, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ đối với Ukraine. Trong khi Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề nội địa, Kiev cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ủng hộ từ Washington.
Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi 'tạo nên một Nhật Bản mới' Ngày 9/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định cuộc bầu cử sớm là cơ hội để "tạo nên một Nhật Bản mới" bằng cách hồi sinh các vùng nông thôn. Phát biểu được đưa ra sau khi ông tuyên bố giải tán Hạ viện, mở đường cho việc tổ chức tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 27/10....