Lươn xứ Nghệ và món ăn Tây Bắc giữa Sài Gòn
Đã quá quen thuộc với những món ăn Tây mùa lễ Giáng Sinh và tiệc cuối năm thường niên, bạn muốn quay trở lại thưởng thức những món ăn đậm chất Việt với mùi vị dân dã đặc trưng. Quán Bàu sẽ không làm bạn thất vọng.
Quán ăn nằm trong một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), là một địa chỉ lý tưởng cho những ai những ai thích ăn món lươn và món ăn Tây Bắc. Quán Bàu khang trang, các món ăn cũng rất ngon miệng. Không gian trong quán nhỏ nhưng trang nhã, ấm cúng. Dãy bàn ghế gỗ được sắp xếp thành hai hàng ngăn nắp. Phía trên mỗi bàn đều được trang trí một chiếc đèn bọc vải gam màu đỏ cam ấm áp. Ánh sáng trong quán vàng rực, tạo cảm giác ngon miệng cho thực khách khi đến thưởng thức tại đây.
Những miếng lươn vàng ruộm hấp dẫn.
Đặc sản ở đây là các món lươn với thực đơn đa dạng như cháo lươn, bún chả lươn, lươn xào xả ớt, súp lươn bánh mì, chả lươn cuốn lá lốt, lươn đùm lá chuối, lẩu lươn… Một thực đơn chuẩn khi đến ăn ở đây gồm khai vị bằng món gỏi lươn bóp chuối với những miếng lươn cắt nhỏ được chiên vàng rộm, rau chuối bóp thấu với các loại gia vị kèm bánh phồng tôm và nước mắm chua ngọt. Sau đó đến món lươn nướng muối ớt, tiếp theo là lươn đùm lá chuối ăn kèm với bánh mì hoặc bún tươi.
Hấp dẫn nhất là món lươn nướng muối ớt. Sẽ mất khoảng 20 phút để đầu bếp thực hiện món này cho bạn. Đĩa lươn được dọn lên cùng với nước mắm nguyên chất và ớt xanh kèm theo một đĩa muối ớt hột và chanh. Từng miếng lươn được tẩm ướp gia vị thấm đều nướng vàng rộm thơm lừng, hơi cay một chút vì có vị thơm nồng của sa tế, làm nổi bật vị lươn. Món này ăn kèm với rau răm và chấm ngon nhất với muối ớt chanh.
Lẩu lươn.
Video đang HOT
Ngoài ra, ở đây còn nổi tiếng với món lẩu lươn rất ngon khi nước lẩu được làm từ chanh dây, ăn chung với cả dưa chua, đậu hũ, rau và trứng… Nước lẩu độ chua vừa phải, một chút ngọt rất thanh, cùng lươn tươi và những phụ liệu như đậu hũ và dưa chua càng làm món ăn thêm hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức từng miếng lươn được nấu trong nước súp thơm lừng chấm với nước mắm nguyên chất và ớt xanh, ăn kèm củng bún tươi. Những ngày lạnh mà đến đây ăn món lẩu lươn này thì thật tuyệt.
Đến quán Bàu, ngoài những đặc sản về lươn nổi tiếng bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đến từ miền Tây Bắc với nhiều tên gọi rất “dân tộc” miền bắc như bò gác bếp Sơn La ăn chung với xôi nướng Mai Châu, thịt lợn xông khói Mù Căng Chải, pịa lòng bò Mường Lát, chân giò muối xông khói Sơn la, gà cắp nách nướng Mường Hun…
Chân giò muối xông khói.
Món được các bạn trẻ yêu thích là chân giò muối xông khói Sơn La ăn cùng với xôi nướng Mai Châu. Chân giò được muối, sau đó chiên giòn và xông khói. Vị mặn vừa phải trong từng thớ thịt săn chắc và lớp da vàng rượm. Ăn cùng với xuôi nướng bùi bùi cùng muối vừng nữa thì thật tuyệt. Đặc sản tại Bàu chắc hẳn sẽ làm vừa lòng những thực khách khó tính tính nhất.
Ngoài là một nhà hàng, buổi trưa ở đây, bạn có thể gọi cơm trưa văn phòng với thực đơn thay đổi mỗi ngày và giá cả phải chăng… Một buổi trưa nào đó, có thể khi đã chán ăn cơm, bạn cũng có thể tự thưởng cho mình một tô miến lươn hoặc cháo lươn thì còn gì bằng.
Cùng đến thưởng thức và khám phá Bàu nhé!
Địa chỉ : Địa chỉ: 66/7 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP HCM.
Quỳnh Mây
Theo Bưu điện Việt Nam
Fastfood Của Người Việt
Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác.
Gỏi cuốn, một món ăn rất đỗi bình dân, đơn giản. Thế nhưng cái tên gỏi cuốn ấy lại vinh dự xuất hiện trong menu của nhiều nhà hàng sang trọng, bên cạnh hàng loạt cao lương mỹ vị. Không chỉ có vậy, gỏi cuốn còn được bình chọn là một trong những món ăn Việt Nam được khách nước ngoài yêu thích nhất.
Món ăn của mọi người
Chỉ đơn giản là một cuốn bánh tráng, bên trong có vài ba con tôm đỏ, mấy lát thịt ba rọi, một chút bún tươi, vài cọng hẹ, nắm rau sống... vậy mà chẳng hiểu sao gỏi cuốn lại có sức cuốn hút kì lạ. Từ người sang trọng đến lớp bình dân, từ Ta đến Tây, đã ăn một lần thì nhớ mãi. Món gỏi cuốn khá phổ biến, đi đâu cũng gặp. Nó xuất hiện ở khắp các quán hàng rong nằm rải rác trong những con hẻm nhỏ, hay những tiệm ăn uống ven đường, và cả trong nhà hàng, khách sạn. Muốn ăn gỏi cuốn, chỉ cần đi chừng vài chục mét là mua được.
Trong ẩm thực Việt, chẳng món ăn nào "dễ chịu" như gỏi cuốn. Dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy. Ăn gỏi cuốntrong quán, hay ngồi xổm bên gánh hàng rong, thậm chí vừa đi đường vừa ăn cũng thấy ngon. Chả thế mà thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài anh Tây ba lô trên đường phố, tay cầm gỏi cuốn, tay bưng chén nước chấm, miệng nhai ngồm ngoàm, mắt vẫn láo liêng nhìn xe cộ, trông đến buồn cười. Đấy, ngay đến cả Tây còn ghiền gỏi cuốn, huống chi là người Việt mình.
Gỏi cuốn "đắt khách" là vậy, nhưng chẳng mấy ai dám bạo gan bán độc mỗi món ăn này. Mà cũng chẳng thực khách nào vào quán lại chỉ gọi mình món gỏi cuốn. Bởi thế nên người ta thường rủ rê nhau đi ăn gỏi cuốn bằng một từ ngữ rất quen thuộc là "ăn hàng". Để đáp ứng nhu cầu "ăn hàng" của thực khách, các hàng quán bán gỏi cuốn thường có thêm nhiều món ăn nhẹ khác như chè, xôi, bánh ướt, ốc, canh bún... Thực khách đến ăn có thể tha hồ "lướt" hết món này đến món khác, và tất nhiên, kiểu gì cũng phải "lướt" qua vài khúc gỏi cuốn.
Bản hợp tấu hài hòa
Gỏi cuốn vừa có thịt, vừa có tôm, lại thêm bún, rau nên ăn mãi mà không ngán. Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, nhai kĩ thêm một chút, vị béo đậm đà của miếng thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác.
Ăn gỏi cuốn không thể thiếu rau sống, rau sống không những the mát mà còn giúp cân bằng vị béo và vị ngọt của các nguyên liệu bên trong gỏi cuốn. Rau tía tô, húng lủi hơi hăng một chút, nhưng ăn kèm với tôm, thịt sẽ dịu bớt mùi, hơn nữa, vị cay của rau càng kích thích vị giác, khiến cho miếng tôm, thịt thật đậm đà.
Gỏi cuốn ngon phần nhiều còn do nước chấm, lúc mới ra đời, gỏi cuốn chỉ ăn với mắm nêm, bởi trong gỏi cuốn có thịt luộc, mà thịt luộc chấm mắm nêm là ngon tuyệt cú mèo. Nhiều người chê mắm nêm có mùi hôi, vậy nên đã tự sáng tạo thêm nước mắm chua ngọt và nước tương. Phần đông thực khách phương Tây thích dùng gỏi cuốn với tương, vì tương không quá mặn, lại có chút beo béo, rất hợp với khẩu vị người châu Âu, thêm vài hạt đậu phộng rang càng làm cho tương thêm béo ngậy, thơm lừng. Người Việt lại thích món ăn phải đậm đà, mặn mà, nên thường dùng mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt. Mỗi loại nước chấm lại tạo ra một hương vị mới cho gỏi cuốn thêm ngon, thêm lạ.
Món ngon giản dị
Gỏi cuốn đơn giản, dễ làm như chính cái tên của nó. Chỉ cần luộc chín tôm, thịt rồi kết hợp các loại rau, bún, cuộn tròn với bánh tráng là xong. Nhưng để có được một khúc gỏi cuốn ngon lại chẳng đơn giản tí nào. Việc này đòi hỏi người đầu bếp phải rất kĩ trong cả khâu lựa chọn nguyên liệu lẫn chế biến. Bánh tráng cuốn gỏi phải không quá cứng ráp, nhưng cũng không quá dai, bánh tráng Củ Chi là thích hợp nhất. Loại bánh này rất dẻo nên khi cuốn bánh không bị rách, nếu dùng loại bánh quá dai sẽ khiến người ăn phải... nhai mỏi miệng, tất nhiên, với những cuốn gỏi như vậy, chẳng ai đủ kiên nhẫn để ăn cuốn thứ hai. Gỏi cuốn không thể thiếu thịt ba chỉ, chọn miếng thịt vừa có nạc, vừa có mỡ, khi ăn gỏi cuốn mới không quá xảm, mà cũng không quá béo. Để thịt được chắc, giòn, và không mất vị ngọt, người ta thường dùng cọng chỉ nhỏ, quấn thành từng đường tròn xung quanh miếng thịt rồi mới đem luộc, thịt vừa chín tới, vớt ra xối sơ bằng nước lạnh.
Pha nước chấm cho gỏi cuốn là khâu quan trọng nhất mà cũng là công đoạn khó nhất. Gỏi cuốn có ngon bao nhiêu đi nữa mà nước chấm tệ thì cũng xem như bỏ. Nước chấm có nhiều loại, tương đen, tương nâu, nước mắm sa tế, mắm ớt tỏi, mắm chua ngọt, mắm nêm,... thôi thì đủ cả. Mỗi loại một chiêu thức pha chế mà người bán phải giữ cho mình một bí quyết làm nước chấm riêng để giữ khách. Thông thường, mắm nêm và nước mắm rất mặn, không thể cứ thế mà dùng chấm gỏi cuốn, người bán phải pha chế sao cho mắm vừa ăn, nhưng không quá nhạt và vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của mắm. Để có được tương ngon cũng phải tốn nhiều công sức pha chế lại. Pha tương cũng có hẳn công thức hẳn hoi, cứ 3 phần tương hòa chung 1 phần nước, thêm một chút bột năng để tạo độ sệt, đun sôi rồi nêm lại gia vị cho vừa ăn, nếu thích cay thì cho thêm tí ớt bằm, vậy là đủ cho một chén tương ngon.
Giản dị mà tinh tế, gỏi cuốn như một nét chấm phá thanh tao trong ẩm thực, cuốn hút người thưởng thức bằng hình thức nhỏ xinh, gọn nhẹ cầm tay.
Theo Amthuc.com.vn
Món Nướng Đặc Sắc Của Nam Bộ Nướng đã tạo ra những món ăn có mùi vị đặc trưng, rất khoái khẩu lại cũng vừa "đã" khứu giác nữa. Vì thế, mà từ cái thuở còn hồng hoang, khi vừa phát hiện ra lửa, con người đã bắt đầu "nghiện" món nướng. Tuy nhiên, gần gũi với chúng ta hơn vẫn là các kiểu nướng của người Việt mà có...