Lười vệ sinh răng miệng có thể dẫn đến đột quỵ
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách có thể ngừa huyết áp cao, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ.
Chăm sóc răng miệng tốt giúp giữ huyết áp ổn định – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Huyết áp cao được gọi là “sát thủ thầm lặng” do nhiều người mắc chứng bệnh này đều không biết họ bị huyết áp cao, vốn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ.
Các nhà khoa học thuộc Đại học L’Aquila (Ý) cho biết những người có nướu khỏe mạnh và không bị sâu răng có huyết áp ổn định và hưởng lợi nhiều hơn từ các loại thuốc trị cao huyết áp.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia xem xét hồ sơ của hơn 11.700 người trong 5 năm và họ đã được kiểm tra bệnh nha chu.
Gần 4.100 người trong số đó được chẩn đoán bị chứng cao huyết áp, với khoảng 88% dùng thuốc điều trị và 11% không dùng thuốc, theo tờ Daily Mail.
Kết quả là bệnh nhân cao huyết áp và viêm nướu răng bị mất 20% cơ hội duy trì mức huyết áp trong phạm vi lành mạnh so với bệnh nhân cao huyết áp không bị viêm nha chu.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện này cho thấy những người bị viêm nướu răng, viêm nha chu cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên hơn và những bệnh nhân cao huyết áp có thể hưởng lợi từ việc chăm sóc răng miệng định kỳ.
Lợi ích của vệ sinh răng miệng tốt kéo dài ngay cả khi họ bị chẩn đoán cao huyết áp. Các chuyên gia thấy rằng bệnh nhân cao huyết áp không được điều trị nhưng không bị viêm nướu răng có chỉ số huyết áp tương tự những người có dùng thuốc trị cao huyết áp song bị viêm nướu răng.
Video đang HOT
Điều này có nghĩa là sức khỏe răng miệng kém đã thực sự triệt tiêu lợi ích do thuốc trị cao huyết áp mang lại.
Các nhà khoa học Ý cho biết nghiên cứu của họ là phù hợp với nghiên cứu trước đó chứng minh rằng viêm nha chu có liên quan đến tổn thương mạch máu và nguy cơ tim mạch, cả hai đều ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân cao huyết áp.
Trưởng nhóm nghiên cứu – tiến sĩ Davide Pietropaoli tại Đại học L’Aquila – nói: “Các bác sĩ nên chú ý đến sức khỏe răng miệng của bệnh nhân, đặc biệt là những người được điều trị cao huyết áp và thúc giục những người có dấu hiệu bệnh nha chu chăm sóc răng miệng. Việc chăm sóc răng miệng tốt có thể quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp, tương tự một số biện pháp can thiệp giúp giữ huyết áp ổn định như hạn chế ăn muối, tập thể dục và kiểm soát cân nặng”.
Biểu hiện của bệnh viêm nướu răng
- Đỏ, ra máu và/hoặc sưng nướu.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Răng lung lay do tụt nướu.
- Mất răng…
Những yếu tố khiến viêm nướu răng thêm nặng là hút thuốc lá; nghiến răng; di truyền, sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ như làm giảm lưu lượng nước bọt, xạ trị…
Đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa đúng cách cũng như lấy vôi răng định kỳ mỗi 6 tháng có tác dụng phòng ngừa các bệnh về nướu răng.
Liệu pháp thiên nhiên điều trị sưng viêm nướu răng
- Thêm hai muỗng canh muối hột vào ly nước ấm, khuấy đều. Súc miệng bằng hỗn hợp này hai lần trong ngày để giảm sưng nướu.
- Nước chanh giàu vitamin C là một chất khử khuẩn tự nhiên cho nướu bị sưng. Súc miệng bằng nước chanh ấm vào buổi sáng và buổi tối trước khi đánh răng.
- Để trị chứng sưng nướu răng, cũng có thể áp một muỗng cà phê bột gừng lên vùng bị nhiễm bệnh. Gừng có đặc tính kháng viêm và khử trùng nên giảm viêm cũng như chặn cơn viêm lây lan sang những vùng nướu khác.
- Nha đam (lô hội) phù hợp nhất đối với trẻ em. Cắt đôi lá nha đam để lấy gel bôi lên vùng nướu bị sưng của trẻ, sau đó mát xa nhẹ nhàng.
Theo thanhnien
Tự nhiên rụng cả hàm răng!
Chỉ vừa mới qua cái tuổi 30, chị T. hốt hoảng phát hiện cả hàm răng lung lay, từng cái lần lượt rụng dần. Nghề của chị là giáo viên, đứng trên bục giảng với không một cái răng nào trong miệng!
Hãy đến nha sĩ khi răng bạn có dấu hiệu lung lay! - K.O
Từ khi răng mới bắt đầu lung lay, sâu và xấu đi, chị T. (sống ở TP.HCM) đã đến nha sĩ. Chị được tư vấn bọc răng sứ. Bọc răng sứ cả hàm tốn khá nhiều tiền nhưng để cứu lấy nụ cười, cứu lấy sự tự tin và cứu lấy công việc, chị gật đầu không mấy đắn đo. Không mất quá lâu, chị có lại hàm răng trắng bóng sạch đẹp.
Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Từ ngày bọc răng sứ, chị phát hiện cả hàm răng càng lung lay bạo, các mảng bám, thức ăn càng bám chặt vào răng mà không vệ sinh kỹ được vì răng sứ gây cản trở, miệng lúc nào cũng hôi.
Rồi chuyện gì đến cũng đến: từng cái răng "lần lượt chia tay" khổ chủ và đến một ngày, trong miệng chị không còn đến một cái răng.
Cô giáo bịt khẩu trang
Một phụ nữ trẻ không có răng, lại làm nghề giáo viên - đó là cú sốc quá sức với chị T. Lúc nào chị cũng phải đeo khẩu trang kín mít suốt hơn 1 năm trời, kể cả khi đứng trên bục giảng, mất hết cả sự tự tin, cho tới ngày "gặp thầy gặp thuốc".
Tiến sĩ, bác sĩ nha khoa Trần Hùng Lâm cho biết chị T. đã làm răng sứ trên nền bệnh nha chu chưa được kiểm soát đúng mức, việc phục hình răng sứ lại không đúng kỹ thuật, thêm cơ địa thuận lợi cho việc tiêu xương nên quá trình tiêu xương (dưới chân răng) đã diễn ra rất nhanh. Mà một khi "cái móng" không còn, "sập nhà" là chuyện tất yếu.
Tiến sĩ Lâm nói thêm, bệnh nha chu là bệnh lý do vi khuẩn gây ra, làm tổn hại các mô nâng đỡ quanh răng, dẫn đến tiêu xương. Thông thường, quá trình này diễn ra chậm. Chị T. thuộc nhóm người xương bị tiêu rất nhanh so với bình thường, có thể là các vấn đề về di truyền và đáp ứng miễn dịch.
Với sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ số, việc phục hình và cấy ghép răng hiện đã nhanh chóng, chính xác và đơn giản hơn trước rất nhiều - K.O
Phòng ngừa nha chu
Vệ sinh răng miệng tốt, dùng chỉ nha khoa thường xuyên vẫn là cách hiệu quả nhất để đề phòng ngừa nha chu. Còn khi đã mắc bệnh, sự can thiệp chuyên môn là rất quan trọng. Nếu muốn phục hình, bác sĩ cần phải xử lý tốt các mảng bám, xử lý nha chu.
Theo tiến sĩ Lâm, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải được gây tê để lấy các mảng bám sâu dưới chân răng, sát với xương. Ngoài ra, việc phục hình đúng kỹ thuật cũng rất quan trọng để bệnh nhân có thể vệ sinh răng miệng tốt sau đó.
Quay lại với trường hợp của chị T, vì đã mất hết răng nên chỉ còn cách cấy ghép răng. Nhưng vì bệnh nhân này đã tiêu rất nhiều xương ổ răng và xương hàm, chẳng còn "móng" để cắm răng cấy ghép vào nên phải ghép xương.
Hiện tiến trình điều trị của chị đang diễn ra rất tốt, việc ghép xương đã hoàn tất, chị đang mang hàm răng tạm ổn định, đợi thêm vài tháng nữa để ghép răng. Và đó cũng là lần đầu tiên, chị lại có thể nở nụ cười tự tin, cởi phăng cái khẩu trang che kín miệng mỗi giờ lên lớp!
Tiên sĩ Lâm cho biết với sự hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ số, chẳng hạn như với công nghệ CAD/CAM đã đến Việt Nam, các quy trình phục hình, cấy ghép răng đang thuận lợi, chính xác và nhẹ nhàng hơn nhiều cho bệnh nhân so với trước đây.
Theo thanhnien.vn
Nhật Bản bào chế được vắcxin ngừa đột quỵ Các nhà khoa học Nhật Bản đã bào chế thành công vắcxin S100A9 ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch không gây ra các phản ứng tự miễn dịch, không làm tăng nguy cơ xuất huyết, mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân và giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Vắcxin S100A9 có hiệu quả tương tự như thuốc chống đông...