Lưới an ninh bảo vệ lễ nhậm chức của Biden
Nhiều biện pháp an ninh gắt gao được tiến hành để ngăn nguy cơ khủng bố và phòng ngừa dịch bệnh tại Washington ngày Biden nhậm chức.
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến bắt đầu lúc 11h ngày 20/1 (23h giờ Hà Nội), trong bối cảnh toàn bộ hệ thống an ninh, tình báo của Mỹ vào cuộc để chống lại những nguy cơ chưa từng có từ mối đe dọa bạo lực và đại dịch Covid-19.
Thử thách kép gồm các mối đe dọa an ninh và Covid-19 đồng nghĩa với việc nhiều hoạt động truyền thống đều không thể tổ chức. Gần 200.000 lá cờ Mỹ sẽ được cắm tại công viên quốc gia National Mall thay vì đám đông người dân tụ tập chứng kiến khoảnh khắc tân tổng thống tuyên thệ.
Hàng rào và dây thép gai bao quanh Đồi Capitol hôm 19/1. Ảnh: AFP .
Từ nhiều ngày trước, vô số hàng rào và dây thép gai đã được dựng lên quanh Đồi Capitol, trong khi các lực lượng hành pháp và lính Vệ binh Quốc gia tuần tra 24/7. Không phải ai cũng có thể đến thủ đô Washington vào thời điểm này. 13 bến tàu điện ngầm sẽ bị đóng cửa, nhiều tuyến đường phố cũng bị phong tỏa.
25.000 lính Vệ binh Quốc gia từ nhiều bang đã được điều động tới thủ đô, gấp ba lần quân số trong những lễ nhậm chức trước đây. Tất cả đều được kiểm tra lý lịch để ngăn chặn nguy cơ “nội gián” tấn công Đồi Capitol trong lễ nhậm chức.
Dịch vụ cho thuê nhà AirBnB cũng chủ động hủy toàn bộ đơn đặt chỗ trong khu vực thủ đô Washington cho đến sau lễ nhậm chức, đề phòng lo ngại những phần tử cực đoan có thể tìm vị trí trú ẩn để gây bạo lực. Ngay cả dịch vụ chia sẻ xe đạp cũng ngừng hoạt động.
Brian Toolan, giám đốc phụ trách chiến lược chính phủ tại Everbridge, công ty cung cấp hậu cần, cho biết lễ nhậm chức bình thường đã là một trong những sự kiện có quy mô lớn và phức tạp nhất tại Mỹ, đòi hỏi sự bối hợp giữa nhiều cơ quan thực thi pháp luật ở thủ đô và liên bang.
Quân cảnh Mỹ (trái) và sĩ quan cảnh sát tại thủ đô Washington hôm 16/1.
Sở Mật vụ Mỹ sẽ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ công tác an ninh trong buổi lễ, với sự hỗ trợ từ lực lượng cảnh sát thủ đô Washington và Vệ binh Quốc gia. Lầu Năm Góc đã cho phép trang bị vũ khí cho các vệ binh thực hiện nhiệm vụ, nhiều binh sĩ đã tuần tra thành phố với súng trường tự động.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller hôm 18/1 cho biết “không có tin tình báo cho thấy hiểm họa từ tay trong”, nhưng vẫn có 12 lính Vệ binh Quốc gia bị đình chỉ nhiệm vụ vì có liên hệ với các nhóm dân quân cực hữu.
Thom Bolsh, cựu sĩ quan Mật vụ từng bảo vệ 4 đời tổng thống Mỹ, cho biết những biện pháp trên chỉ là bề nổi của công tác an ninh. “Bạn không thể nhìn thấy sự hiện diện của phần lớn lực lượng được triển khai, nhưng họ luôn sẵn sàng hành động khi có lệnh. Họ ẩn mình, nhưng luôn có mặt tại đó”, Bolsh nói, thêm rằng lực lượng bắn tỉa sẽ được đóng chốt tại nhiều điểm cao trong thành phố.
Quân đội Mỹ cũng dự kiến triển khai nhiều máy bay trinh sát, do thám và tình báo (ISR) để giám sát mọi hoạt động tại thủ đô Washington trong ngày Biden nhậm chức.
Lực lượng này có thể gồm những phi cơ hạng nhẹ dùng động cơ turbine cánh quạt như MC-12S của lục quân Mỹ, cũng như phi cơ Beechcraft King Air được hoán cải để phục vụ hoạt động đặc nhiệm. Quân đội Mỹ thường thuê các nhà thầu quân sự vận hành đội bay King Air để giảm tải cho lực lượng chính quy.
Những phi cơ này được trang bị cụm cảm biến quang điện tử và camera hồng ngoại để theo dõi mọi diễn biến dưới mặt đất, cũng như các hệ thống trinh sát tín hiệu (SIGINT) để giám sát liên lạc vô tuyến. Một số tổ hợp SIGINT cũng có khả năng định vị và phân loại đài phát, như bộ điều khiển máy bay không người lái cỡ nhỏ, một trong những mối đe dọa mới xuất hiện những năm gần đây.
Bên cạnh đó là máy bay mang hệ thống trinh sát đường không diện rộng (WAAS), công nghệ đột phá mới được phát triển từ cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Chúng có thể thu được lượng lớn dữ liệu tại thủ đô Washington trong thời gian cực ngắn, nhằm lập tức phát hiện mối đe dọa với lễ nhậm chức. Phi cơ trang bị WAAS có thể giám sát khu vực rộng hơn trinh sát cơ truyền thống, tăng cường khả năng phản ứng trước mọi tình huống.
Tiêm kích F-16 Vệ binh Quốc gia Đặc khu Washington tập chặn máy bay lạ hồi năm 2019. Ảnh: USAF .
Trực thăng UH-60 Black Hawk và UH-72 Lakota của Trung đoàn đường không số 12 lục quân Mỹ và Phi đoàn Trực thăng số 1 vận hành dòng UH-1N tại căn cứ Andrews cũng có thể tham gia mạng lưới ISR, đồng thời được đặt trong trạng thái sẵn sàng sơ tán Tổng thống đắc cử Biden, Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, Phó tổng thống Mike Pence và quan chức chủ chốt khi xuất hiện tình huống nguy hiểm.
Tiêm kích F-15 và F-16 trực chiến phòng thủ cũng có thể được trang bị các cụm chỉ thị mục tiêu với camera hồng ngoại và quang điện. Chúng thường được dùng để nhận diện máy bay và các mối đe dọa tiềm tàng trên không từ khoảng cách xa. Lực lượng này có thể tận dụng các bộ chỉ thị để làm nhiệm vụ ISR phi truyền thống, hỗ trợ mặt đất khi có biến.
Vệ binh Quốc gia và nhiều cơ quan liên bang cũng có thể triển khai nhiều loại trinh sát cơ khác nhau cho nhiệm vụ giám sát không phận và mặt đất.
Toàn bộ mạng lưới phòng không hiệp đồng ở thủ đô Washington sẽ được đặt trong trạng thái báo động cao. Ngoài tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm E-3 sẽ được triển khai để giám sát không phận và điều phối hoạt động bay, trong khi các hệ thống phòng không tầm trung NASAMS và phòng thủ điểm Avenger sẽ liên tục cảnh giới, sẵn sàng bắn hạ các mục tiêu tiến vào vùng cấm bay.
“Tôi đã sống ở thủ đô 12 năm và chưa bao giờ thấy khu vực nào quân sự hóa đến mức như vậy. Lính Vệ binh Quốc gia ở khắp nơi, kèm theo những phương tiện quân sự cỡ lớn và chốt gác, nó thực sự giống vùng chiến sự. Chúng ta chưa bao giờ huy động lực lượng quân sự lớn như vậy để bảo đảm an ninh”, Mintaro Oba, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Sử gia Julian Zelizer tại đại học Princeton cho rằng việc đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức là yếu tố rất quan trọng, bởi sự kiện này thể hiện với người dân Mỹ và thế giới rằng chính phủ Mỹ vẫn đứng vững trước một loạt cuộc khủng hoảng.
“Đó là buổi lễ không chỉ nhằm công nhận chính quyền mới, mà còn để kỷ niệm việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và cốt lõi của nền dân chủ Mỹ. Đó là lý do nó được tổ chức công khai, cho thấy nước Mỹ không đầu hàng trước mối đe dọa khủng bố và bạo lực”, sử gia này cho hay.
Mỹ diễn tập chặn không tặc trên bầu trời thủ đô
Mỹ triển khai tiêm kích F-16 và nhiều phi cơ cho cuộc diễn tập "Falcon Virgo" nhằm đối phó kịch bản máy bay bị không tặc khống chế tại Washington.
Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) thông báo sẽ tổ chức cuộc diễn tập Falcon Virgo vào rạng sáng 14-15/1 và 25-26/1 tại không phận thủ đô Washington và các vùng phụ cận. "Một số nội dung diễn tập sẽ đòi hỏi các phi cơ bay ở độ cao 800 m và có thể thấy từ mặt đất", NORAD cho biết trong thông cáo hôm 14/1.
Lực lượng tham gia dự kiến gồm một tiêm kích F-16 của không quân, vận tải cơ hạng nhẹ UC-35A lục quân, máy bay King Air 300 hải quân, trực thăng MH-65D của Tuần duyên và một máy bay hạng nhẹ Cessna 182T của Đội Tuần tra Không phận Dân sự Mỹ (CAP).
Tiêm kích F-16 Vệ binh Quốc gia Đặc khu Washington tập chặn máy bay lạ hồi năm 2019. Ảnh: USAF .
NORAD cho biết đợt diễn tập sẽ áp dụng nhiều kịch bản như đối phó phi cơ xâm phạm vùng cấm bay, không tặc và phản ứng với máy bay lạ. "Mọi cuộc diễn tập của NORAD đều được lên kế hoạch cẩn thận và giám sát chặt chẽ", thông cáo có đoạn viết.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh an ninh đang được siết chặt tại thủ đô Washington trong những ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Lầu Năm Góc đã huy động hơn 16.000 vệ binh quốc gia đảm bảo an ninh cho sự kiện. Cảnh sát quốc hội Mỹ đã cảnh báo ba kịch bản tấn công có thể xảy ra vào ngày này, trong đó gồm cả âm mưu sát hại các nghị sĩ lưỡng đảng.
Các cuộc diễn tập hiệp đồng phòng không được Mỹ tổ chức thường xuyên kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, trong đó nhiều quân binh chủng được huy động để làm nhiệm vụ bảo vệ không phận và lãnh thổ trước mối đe dọa từ máy bay dân dụng.
Theo quy trình tác chiến, NORAD phải đánh giá mối đe dọa từ máy bay lạ, như đường bay hướng tới không phận cấm hay tín hiệu cấp cứu cho thấy nó đang bị không tặc tấn công.
Những chiếc F-15 hoặc F-16 chỉ được triển khai để bảo vệ mạng sống của người dân hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng sau khi mọi phương án liên lạc vô tuyến từ mặt đất với máy bay lạ đều vô hiệu. Các phi công trực chiến thường xuất phát với rất ít thông tin về mục tiêu, họ chỉ được biết đó là một phi cơ đang hoạt động trong vùng cấm.
Tiêm kích F-16 Vệ binh Quốc gia Đặc khu Washington diễn tập chặn máy bay lạ năm 2019. Video: USAF .
Sau khi phát hiện mục tiêu, biên đội trực chiến sẽ tìm cách liên lạc bằng bộ đàm để yêu cầu máy bay chuyển hướng. Trong trường hợp phi cơ lạ không hồi đáp, hai tiêm kích sẽ tách nhau, một chiếc bay phía sau để sẵn sàng khai hỏa, chiếc còn lại bay song song máy bay lạ để thu hút sự chú ý của phi công.
Chiến đấu cơ sẽ lặp lại quy trình áp sát này ba lần, trước khi thực hiện động tác cơ động cắt mặt trước mũi mục tiêu để gây chú ý. Nếu máy bay cố tình không chuyển hướng, nó sẽ bị coi là mối đe dọa và NORAD có thể ra lệnh bắn hạ ngay lập tức.
"Chỉ các sĩ quan cấp tướng tại NORAD được ra lệnh diệt mục tiêu. Nhiệm vụ đánh chặn khẩn cấp thường khá vui vẻ, khi chúng tôi có thể bay qua sa mạc với vận tốc siêu thanh và chỉ phải giám sát những phi cơ bay lạc. Tuy nhiên, phi công trực chiến có trọng trách rất nặng nề khi phải sẵn sàng bắn hạ những máy bay dân sự có khả năng gây nguy hiểm", một phi công Mỹ giấu tên tiết lộ.
Trực thăng của Bộ An ninh Nội địa hoặc Tuần duyên cũng có thể làm nhiệm vụ đánh chặn, nhất là với các máy bay dân dụng cỡ nhỏ với tốc độ hành trình thấp và có thể bị bắn hạ bằng súng máy.
Mỹ lại điều B-52 tuần tra Trung Đông Quân đội Mỹ lần thứ ba trong một tháng triển khai oanh tạc cơ B-52 đến Trung Đông, nhằm thể hiện "khả năng triển khai lực lượng chớp nhoáng". Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ hôm 9/1 thông báo một biên đội hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 tuần trước được triển khai làm nhiệm vụ tại Trung Đông....