Luộc gà cúng tất niên bị rách da và pha “vụng chèo khéo chống” của nàng dâu trong chiều 30 Tết khiến nhiều người bật cười
Chiều 30 Tết, nhiều chị em tranh thủ khoe những mâm cơm tất niên với nhiều món bắt mắt như gà luộc, nem rán, chả giò, giò lụa… Nhưng để có được một con gà luộc đẹp mắt bày biện trong mâm cỗ không phải ai cũng làm được.
Chỉ còn vài tiếng nữa, cả nước sẽ chào đón năm mới Tân Sửu 2021 và tạm biệt năm Canh Tý. Dù trải qua một năm dịch bệnh, nhiều địa phương đang phải cách ly phong toả nhưng không khí Tết ở các nơi cũng rất rộn ràng trong trạng thái bình thường mới.
Trên các trang mạng xã hội, dân mạng cũng tranh thủ khoe những mâm cơm tất niên bắt mắt, với nhiều món truyền thống nhưng được bày biện khá công phu. Thế nhưng, cũng không ít chị em nhanh chóng chia sẻ những “tai nạn” dở khóc dở cười trong lúc luộc gà. Đối với nhiều người, có lẽ món khó chinh phục nhất chính là gà luộc. Nhiều chị em đã “đắng lòng” khoe thành phẩm của mình lên các diễn đàn.
Hình ảnh được nàng dâu chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xôn xao
Mới đây, tài khoản H.T.L cũng chia sẻ thành phẩm của mình trên một hội nhóm dành cho những người yêu thích nấu nướng. Được bố mẹ chồng giao cho việc luộc gà, nhưng vì một pha sẩy chân, quá lửa mà “chú gà luộc” lại bị lột da đùi, trầy da cánh.
Chẳng biết làm nào cho đỡ xấu, nàng dâu nhanh trí chế ngay pha “chữa cháy” có 1-0-2 khiến nhiều người cười ngất. Theo đó, sợ bị trách mắng, tài khoản H.T.L đã tranh thủ trang trí những chỗ rách da bằng hoa đào.
Ngay sau khi cô nàng chia sẻ thành quả lên mạng xã hội cũng khiến nhiều người gật gù. Đồng cảnh ngộ với chủ thớt, một vài người cũng học theo để trang trí những chú gà cúng không may bị quá lửa rách da.
Video đang HOT
Mẹ 3 con làm dâu phố Hàng Bông 1 tiếng làm xong mâm cỗ 12 món: Nếu không giữ Tết, mai này biết kể chuyện gì cho con cháu nghe?
Chị Hương Giang yêu tha thiết những ngày Tết cổ truyền sum vầy bên gia đình, yêu cái tấp nập rộn rã những ngày giáp Tết, yêu những bận bịu chuẩn bị cho những mâm cỗ. Tình yêu ấy "lây" sang cả 3 bạn nhỏ trong gia đình.
Yêu Tết từ những điều giản dị
Nhiều người thường nghĩ rằng Tết là để nghỉ ngơi, không cần phải vất vả cỗ bàn, vùi mình vào bếp núc. Nhiều người bảo nhau "ăn Tết chứ đừng để Tết ăn mình", ý nói nên giảm tải việc nấu nướng cầu kỳ, dành thời gian nghỉ ngơi, "nhâm nhi" kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Ai đó cũng cho rằng, Tết chỉ khiến hội chị em vất vả, bận rộn hơn với những công việc nội trợ nhiều gấp bội ngày thường. Nhưng với mẹ ba con Tô Thị Hương Giang, một nàng dâu phố cổ trân trọng truyền thống, Tết là dịp để cả gia đình sum họp, để con trẻ được trải nghiệm văn hóa, là nuôi dưỡng mạch ngầm truyền thống chảy trôi trong tâm khảm.
Gia đình yêu Tết truyền thống của chị Hương Giang.
Không phải đến khi làm vợ của một anh chồng "kỹ tính, kén ăn", chị Giang mới yêu Tết. Chị manh nha cảm thấy dòng chảy ấy từ những ngày mười chín đôi mươi, là du học sinh ở Úc. " Năm đầu tiên ăn Tết ở Úc, mình cũng làm mâm cơm đủ các món truyền thống, cũng đón giao thừa theo giờ Việt Nam, cũng bày biện hoa trái y như ở nhà, nhưng thật lạ là chẳng có cảm giác Tết gì. Đó là lúc mình nhận ra, Tết không đơn giản chỉ là bày biện, là kén chọn được thức ăn ngon, nấu nướng đúng chuẩn... mà còn là không khí, là sự rộn ràng chuẩn bị, là thời tiết...
Rồi có năm, mình đã về Việt Nam nhưng lại làm việc tại Sài Gòn. Năm ấy giáp Tết, mình cứ say sưa kể mãi về những ngày Tết mưa phùn, về cái nhộn nhịp mua sắm, dọn nhà cuối năm, về cách bà ngoại làm giò xào... khiến một chị đồng nghiệp thích mê. Chị ngỏ ý muốn thử ra Hà Nội hưởng cái rét, ăn Tết miền Bắc một lần cho biết. Thế là hai chị em kéo nhau về nhà mình, cùng đi chợ hoa, cùng ăn Tết "nháp" vô cùng hân hoan.
Một trong những mâm cỗ Tết nhà chị Hương Giang.
Cứ thế, niềm yêu Tết ngấm vào mình, thấm thía từ bao giờ chẳng rõ, chứ hồi còn trẻ con, vẫn lăng xăng phụ giúp bố mẹ bày cái này, dọn cái kia, nhưng chưa thật sự hiểu ý nghĩa của Tết. Đến khi lấy chồng, gặp đúng anh chồng gia đình sống nhiều đời ở phố cổ cực kỳ truyền thống, lại sạch sẽ, kỹ tính, món gì cũng muốn tự làm; tính của mình thì thích khám phá, thử thách bản thân, cuối cùng thành cả gia đình đều yêu Tết ".
Chị Hương Giang kể, hồi mới lấy chồng, chị rất áp lực vì không biết phải làm thế nào cho đạt yêu cầu, lo nhất là việc chuẩn bị cho mâm cỗ cúng ngày Tết. Tết đầu tiên ở cùng nhà chồng, sáng mùng 1 chị đã dậy từ 7 giờ nhưng vẫn... không kịp làm gì, vì mẹ chồng và chị dâu đã nấu cỗ xong, bày biện đẹp đẽ trên bàn thờ từ bao giờ rồi.
Những năm sau ra riêng, chị chủ động toàn bộ việc chuẩn bị cho mâm cỗ mấy ngày Tết. Chồng chị Hương Giang là người khá hoài cổ, lại cầu kỳ trong việc ăn uống, nên dù ở riêng, cỗ Tết nhà chị cũng truyền thống đúng kiểu người Hà Nội xưa, thường đủ 4 bát 8 đĩa.
Nhưng từ khi các con còn nhỏ cho đến giờ các em giúp đỡ được mẹ, chị tuyệt nhiên không thấy mỏi mệt hay căng thẳng gì với việc làm cỗ Tết. Thậm chí, ngoài món mặn, chị còn làm cả các món mứt quen thuộc như mứt dừa non, mứt gừng, mứt quất, mứt sen... để mời khách.
Bây giờ thì cứ đến Tết cả nhà mỗi người một việc cùng chuẩn bị cỗ. Mẹ nấu nướng chính; con gái lớn giúp bày biện, bạn thứ hai sẽ giúp bóc bánh chưng và rửa bát đũa, bạn bé nhất sẽ chuẩn bị ấm trà, bánh kẹo và hỗ trợ vận chuyển; ông xã là chủ lực chặt gà và bày mâm cỗ lên bàn thờ để thắp hương, đó là cách những ngày Tết đầm ấm của gia đình chị diễn ra.
Rộn ràng chuẩn bị trong suốt tháng Chạp, để sát Tết, trong không gian bày biện cành đào, lọ lay-ơn, thược dược, violet với mùi hương bài lan tỏa, cả nhà cùng nhau chuẩn bị cho mâm cỗ, đó là cách anh chị nuôi dưỡng trong các con tình yêu với dịp lễ cổ truyền của dân tộc, về nề nếp gia đình, để những đứa trẻ của thế hệ tương lai không bao giờ phai nhạt sự háo hức với ngày Tết Việt Nam.
Bí quyết nấu nướng 1 tiếng là xong mâm cỗ: Có một ông chồng truyền thống và kỹ tính
Mỗi dịp Tết, ngoài những lần "trù bị" làm thử các món để test thử hương vị, ít nhất nhà chị Hương Giang sẽ chuẩn bị 3 mâm cúng với ít nhất 12 món/mâm, đảm bảo nguyên tắc 4 bát, 8 đĩa. Các món canh sẽ là 4 trong số các món măng nấu chân giò, miến nấu lòng gà, bóng thả, chim câu hầm cốm hạt sen, mọc, ốc nấu thả, vây cá, gà tần, su hào thái chỉ hầm...
8 đĩa gồm có giò lụa xếp hình rùa, chả quế xếp hoa, giò thủ, nem rán, gà luộc là những món cơ bản gần như không thay đổi, còn lại có thể làm lòng gà xào dứa, tôm tẩm bột chiên, thịt xá xíu, bóng xào, xào thập cẩm, hạnh nhân xào, cá trắm đen kho...
Mỗi món lại có một tiêu chuẩn và cầu kỳ trong chế biến riêng. Ví dụ như món hạnh nhân xào gồm các loại rau củ như su hào, cà rốt, củ đậu... thái hạt lựu rồi xào lẫn với nhau thành một món ăn nhiều màu sắc và cân bằng với các món toàn thịt cá trong mâm cỗ.
Mẹ chồng chị còn có món mực thái chỉ xào su hào cũng rất ngon. Mực phải ngâm cho mềm, thái sợi mỏng và chiên thật giòn, được rắc lên trên đĩa su hào cà rốt thái sợi xào vừa tới, rồi trang trí chút lá mùi xanh xanh và hành phi vàng nhìn thôi đã rất bắt mắt.
Hay canh măng, nếu đúng chuẩn sẽ phải nấu bằng măng lưỡi lợn. Măng khô mua về cần được sơ chế trước, ngâm và luộc rất nhiều lần (ít nhất trong 3 ngày) cho đến khi nước luộc không còn màu vàng sậm. Thường thì chị Giang sẽ hầm chân giò riêng, xào măng riêng cho ngấm, sau đó cất chân giò riêng ra rồi mới đổ nước vào hầm măng. Miếng măng dày dặn, được hầm mềm và ngấm đượm vị ngậy từ chân giò hầm, ăn sẽ ngon chẳng kém gì miếng lưỡi lợn.
Món chim câu hầm cốm, chim câu sẽ cần nướng/khò sơ cho da óng ả màu vàng nâu, căng mọng rồi nhồi cùng phần nhân làm từ thịt, giò sống, cốm, một chút miến, mộc nhĩ nấm hương... sau đó hầm mềm cùng hạt sen tươi, khi cắt đôi con chim ra, phần nhân vẫn yên vị trong bụng...
Ngoài 4 bát, 8 đĩa được chọn từ những món nêu trên thì mâm cúng không thể thiếu một bát cơm trắng, nấu bằng gạo tám thơm. Mâm cỗ Tết còn phải có thêm đĩa bánh chưng đã bóc lá và cắt thành 8 phần bằng dây lạt, nhưng phải tước dây lạt nhỏ thôi để vết cắt đẹp, rút xong không bị hở nhân. Một đĩa xôi cũng là bắt buộc có trong mâm cỗ Tết.
Chị thường nấu xôi gấc hoặc xôi đỗ, xôi hoa cau, xôi vò... Trên mâm cúng còn có rượu trắng và đồ tráng miệng. Nhà chị thường đặt bên cạnh mâm cúng một ấm trà ngon, 1 đĩa chè kho và 1 đĩa bánh kẹo, mứt Tết (bắt buộc có mứt sen, mứt gừng và mứt dừa).
Ngay cả những món ăn phụ như dưa góp, hành muối, chị Hương Giang cũng tự tay làm. Dưa góp nhà chị được làm từ su hào, cà rốt, hành tây thái miếng vuông và cọng cần tây trộn với tỏi ớt giấm đường, theo công thức của bố chồng truyền cho. Hành muối thường được làm từ đầu tháng Chạp, muối hành với muối và mía. Sau chừng 3 tuần, khi hành bớt hăng thì sẽ đổ toàn bộ nước muối hành, bỏ mía, tước bớt vỏ già rồi làm lại nước muối, đường, giấm mới rồi cho hành vào muối tiếp.
Với sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong nấu nướng, bày biện cũng như số lượng món rất nhiều trong mâm cỗ như vậy, thật bất ngờ khi chị Giang chỉ mất khoảng 1 giờ để hoàn thành. Những ngày Tết sau đêm giao thừa hoặc chơi khuya, chị dậy muộn, khoảng 9h mới vào bếp, nhưng 10h sáng đã có mâm cơm tươm tất để dâng cúng. Chị bảo, bí quyết chính là sắp xếp công việc thật khoa học và chuẩn bị từ trước.
Là trợ lý chủ tịch tại một tập đoàn truyền thông lớn, chị không có cả ngày để đủng đỉnh chuẩn bị cỗ Tết, mà tận dụng thời gian các buổi tối từ đầu tháng Chạp. Tất cả những gì cần sơ chế, chị đều làm trước, chia theo bữa và cất vào hộp, lúc nấu chỉ cần bỏ ra rã đông đúng hộp ấy thôi. Các loại rau củ, bóng bì... chị đều làm sạch, cắt tỉa sẵn, chần qua nước sôi rồi ngâm với nước đá cho nguội hẳn rồi cất.
Các món nấu lâu, cần nhiều lửa như măng, chim hầm, chị thường nấu trước một vài hôm. Nem rán, giò xào, chị cũng tranh thủ làm rồi chia sẵn thành bữa, hút chân không rồi mới cất tủ đông để giúp món ăn giữ được chất lượng tốt nhất. Làm mứt, công đoạn lâu nhất nhưng ít phải chú ý là khi đun cạn nước đường, chị cứ để chảo mứt sôi liu riu cùng lúc nấu bữa tối, đến khi rảnh tay mới đứng sên...
Cứ thế, công việc của chị mỗi sáng ngày Tết sẽ nhàn hơn nhiều, chỉ cần phải nấu xôi và luộc gà; thậm chí xôi cũng có thể nấu từ hôm trước và sáng chỉ đồ lại. Gà luộc sẽ được ủ trong nồi khi chị xào nấu và rán nem. Trong khi cả nhà chuẩn bị bày biện thì gà luộc đã vớt, để ngoài ban công "hóng gió" cũng đủ nguội để chặt lên đĩa.
Chị Hương Giang bảo rằng, bí quyết để trở thành người nội trợ đảm đang, rèn giũa được cả các con, còn nhỏ tuổi nhưng đã rành việc nấu nướng, ấy là... sắm một anh chồng khó tính, kén ăn, bữa sáng và bữa tối nhất định phải ăn ở nhà, mà không thể nấu úi xùi được, phải chiều được khẩu vị tinh tế của anh ấy cơ.
Hẳn rồi, đấy chỉ là lời bông đùa. Còn thực ra, cái "nhàn hạ" hiện tại của chị là kết quả của một kế hoạch tận dụng thời gian tỉ mỉ, khoa học cũng như quá trình tự khắt khe với mình, ép mình phải tiến bộ mỗi ngày, như triết lý "Kaizen" của Nhật Bản mà chị yêu thích. Đương nhiên, không thể bỏ qua sự gắn bó máu thịt với văn hóa, ẩm thực truyền thống dân tộc, như chị luôn trăn trở: "Nếu trong từng gia đình còn thấy Tết nhạt, nếu không giữ Tết, mai này biết kể chuyện gì cho con cháu nghe?".
Các hot girl, cầu thủ nổi tiếng rộn ràng khoe ảnh chuẩn bị đón Tết Tân Sửu Các hot girl và các cầu thủ nổi tiếng đã có sự chuẩn bị ra sao để đón năm mới Tân Sửu? Công Phượng Không chỉ được fans hâm mộ trên sân cỏ với những cú sút "đi vào lịch sử" của Công Phượng, thì mới đây, dân mạng lại không ngừng dành cho anh lời khen về sự khéo tay khi khoe...