Lùi áp thuế, miễn thuế thịt lợn và đậu nành: Vì sao Mỹ-Trung cùng ‘xuống nước’?
Áp lực trong nước gia tăng, Mỹ và Trung Quốc buộc phải có những nhượng bộ nhằm tạo bầu không khí thoải mái trước vòng đàm phán thương mại thứ 13.
Trung Quốc sẽ miễn thuế bổ sung đối với đậu nành, thịt lợn và một số nông sản khác của Mỹ. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ.
Động thái “thiện chí” này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trì hoãn đợt tăng thuế tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến sau khi cuộc đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, các quan chức ở Washington cũng xác nhận Trung Quốc đã thực hiện giao dịch mua lô đậu nành lớn đầu tiên của Mỹ trong vài tháng qua.
Quyết định rút lại một số mức thuế mới của Trung Quốc là một dấu hiệu khác cho thấy 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại làm “rung chuyển” thị trường toàn cầu. Điều đó cũng đến vào đúng thời điểm khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận, bao gồm cả suy thoái kinh tế và những bất ổn ở Hong Kong.
Trong thông báo đưa ra ngày 13/9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc viện dẫn quyết định của ông Trump liên quan đến việc trì hoãn đợt tăng thuế tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc trong 2 tuần. Theo đó, các mức thuế mới sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 15/10.
Trung Quốc miễn thuế bổ sung đối với thịt lợn và đậu nành Mỹ. (Ảnh: EPA)
Động thái của Trung Quốc ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của chính quyền Tổng thống Trump, khi họ cho rằng điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trước vòng đàm phán tiếp theo.
“ Bầu không khí đã hạ nhiệt khi Trung Quốc miễn một số thuế quan. Chúng tôi đã quay trở lại làm việc, và các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. Và như Tổng thống đã nói hôm qua, chúng tôi luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận tốt” – ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, cho biết.
Một bộ phận nông dân không nhỏ ở Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan do Bắc Kinh áp đặt đối với hàng hóa của Mỹ – một sự trả đũa đối với thuế quan mà Nhà Trắng áp đặt đối với Trung Quốc. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang đến gần, trong khi những lá phiếu “nông dân” tại nhiều bang lại rất quan trọng đối với ông Trump. Trong cuộc tranh luận bầu cử của đảng Dân chủ hôm thứ Năm, một số ứng cử viên đã tấn công ông Trump bằng dẫn chứng về những tác động của cuộc thương chiến đối với nông dân.
Các cố vấn của ông Trump nói rằng họ sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc ký kết một “thỏa thuận chuyển đổi”, trong khi nhiều người lại mong muốn làm dịu căng thẳng và tránh tăng thuế quan hơn nữa. Họ cân nhắc việc thực hiện một thỏa thuận, theo đó sẽ đẩy lùi đợt thuế quan mới nhất đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của ông Trump – chỉ giữ lại thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa – để đổi lấy việc mua đậu nành, thịt lợn và các sản phẩm khác với số lượng lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đưa ra một đề nghị chính thức như vậy trên bàn thương lượng hay không.
Video đang HOT
Việc nới lỏng thuế quan nông nghiệp cũng có thể giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề của chính mình. Lạm phát thực phẩm đang gia tăng khi chính quyền Trung Quốc phải chiến đấu với dịch tả lợn châu Phi, khiến Trung Quốc buộc phải tiêu hủy hơn 1 triệu con lợn. Thịt lợn là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo rất dài của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn chưa cho thấy liệu nước này có sẵn sàng đẩy lùi các loại thuế quan mà trước đó đã áp đặt đối với hàng hóa Mỹ hay không. Bắc Kinh bắt đầu ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ một năm trước, khi căng thẳng thương mại leo thang.
Thêm một bằng chứng khác cho thấy mối quan hệ đang “tan băng”: Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 13/9 cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân đã báo cáo về 204 nghìn tấn đậu nành mới bán sang Trung Quốc – đây là giao dịch lớn đầu tiên trong vài tháng qua. Trước đó, vào ngày 12/9, các đại diện của Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ cũng cho biết số lượng đậu nành mà Trung Quốc đã mua cỡ khoảng từ 600 nghìn đến 1 triệu tấn.
Một cuộc chiến thương mại với số lượng hàng hóa bị đánh thuế ngày càng mạnh tay sẽ không chỉ đẩy giá cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Trung Quốc và Mỹ tăng cao, mà còn có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa hai nước “đóng băng”.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán hồi tháng 5. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của hai chính phủ sẽ gặp nhau ở Washington vào đầu tháng tới, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế đang gia tăng ở cả hai nước.
Trong một cuộc họp báo ngày 12/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng chính phủ nước này đang xem xét những nhượng bộ để mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại. Và một trong những nhượng bộ đầu tiên sẽ là đề nghị mua đậu nành và thịt lợn Mỹ.
“ Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ cùng đi theo một hướng, có những hành động thiết thực và tạo ra một môi trường lành mạnh cho các cuộc đàm phán thương mại. Điều đó sẽ tốt cho hai bên và cho cả thế giới“, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết.
(Nguồn: The New York Times)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Chuyên gia: Thương chiến Mỹ-Trung tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc kinh tế Trung Quốc
Chuyên gia cho rằng thương chiến Mỹ-Trung đang tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện từ vài năm trước.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc mới đây công bố số liệu chính thức của nền kinh tế nước này, theo đó mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2% - mức thấp nhất trong 27 năm qua. Mặc dù con số này vẫn nằm trong biên độ tăng trưởng từ 6-6,5% mà chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, nhưng nó cho thấy rõ cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua với Mỹ đã gây nhiều áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
"Các điều kiện kinh tế vẫn còn phức tạp và khắc nghiệt ở trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, những bất ổn bên trong và bên ngoài đang gia tăng, sự phát triển không cân đối và không đầy đủ ở trong nước vẫn còn gay gắt, và nền kinh tế đang chịu áp lực đi xuống mới" - phát ngôn viên Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc Mao Sheng Yong cho biết.
Bình luận về những số liệu mới công bố của nền kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trên trang Twitter cá nhân, những chính sách thuế của Mỹ đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay xuống còn 6,2%.
Giải thích cho sự tăng trưởng thấp của nền kinh tế Trung Quốc, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
"Trước hết là nguyên nhân chủ quan: Đây là kết quả của nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong. Mục tiêu quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi là làm sao giảm nợ và giảm dư thừa. Để giảm được nợ thì những chính sách kích thích kinh tế sẽ phải hướng nhiều hơn đến chính sách tài khóa, chứ không chỉ sử dụng chính sách tiền tệ nhiều như trước nữa và nó khiến cho đồng vốn chảy vào nền kinh tế sẽ không ồ ạt như trước đây" - chuyên gia nhận định.
Điều này lý giải vì sao trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc chỉ ở mức 12,5% - rất thấp so với con số khoảng 20% một vài năm trước, đồng thời kéo theo sản xuất công nghiệp của Trung Quốc xuống mức thấp nhất (tăng trưởng 5% trong 6 tháng đầu năm 2019). Đi kèm với đó là đầu tư vào tài sản cố định (chỉ số phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào tương lai) cũng ở mức rất thấp - chỉ khoảng 6%.
Về nguyên nhân khách quan, theo TS. Thành, đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Thương chiến đã làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu cực, dẫn đến những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế từ bên ngoài (giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu) bị đảo lộn. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn cao như nửa đầu năm ngoái, nhưng nhập khẩu giảm rất mạnh. Từ đó cho thấy cách ứng phó của Trung Quốc hiện nay đang là cố gắng thúc đẩy xuất khẩu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng bên ngoài nền kinh tế nước này" - TS. Thành cho biết.
Đồng ý với quan điểm trên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia, nhấn mạnh thương chiến Mỹ-Trung đang tạo thêm sức ép cho đà giảm tốc đã xuất hiện từ vài năm trước ở Trung Quốc, đồng thời vẫn sẽ là sức ép cho đà tăng trưởng của nước này trong tương lai.
"Liên quan tới thương chiến, đó là những tác động từ góc độ đầu tư nước ngoài, góc độ công nghệ - những yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn. Trung Quốc đang gặp phải không ít khó khăn liên quan tới các yếu tố này. Do đó, điều đáng lo ngại hơn với Trung Quốc hiện giờ chính là sự giảm tốc kéo dài trong tương lai" - chuyên gia kinh tế nhận định.
Tàu container hàng cập cảng Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: NBC News)
Theo TS. Thành, dường như ban đầu Trung Quốc đã bị động với thương chiến. "Họ không nghĩ rằng thương chiến có thể kéo dài như vậy và chính sách từ phía Mỹ lại cứng rắn như thế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh chủ động hơn và họ có các gói giải pháp tương đối toàn diện trên cả 4 khía cạnh của đời sống Trung Quốc" - chuyên gia nói.
Đầu tiên, về mặt chính trị, Trung Quốc đang làm rất kỹ càng và nhiều tầng nấc, để làm sao tạo ra tâm lý chuẩn bị cho tất cả người dân về việc sẽ phải "trường kỳ kháng chiến" trong cuộc xung đột này. Trong lãnh đạo nội bộ, Bắc Kinh cũng cho thấy có sự chuẩn bị, thể hiện qua số lần họp của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này. Tiếp đến, Trung Quốc điều chỉnh cách tuyên truyền với các sáng kiến lớn của mình, đặc biệt là "Made in China 2025".
Về mặt kinh tế, các gói kích thích kinh tế lớn được tung ra. Từ năm ngoái đến nay, có tổng cộng 3.700 tỷ Nhân dân tệ đã được sử dụng thông qua tài khóa để kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là Nga và các nước nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường", đồng thời quay lại với chiến lược "Đại khai phá miền Tây" để làm sao khai thác thêm thị trường 350 triệu dân ở trong nước.
Về mặt xã hội, Trung Quốc ưu tiên tạo thêm nhiều việc làm. Và đặc biệt, về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang dùng chiến thuật đàm phán nhằm tìm kiếm thêm thời gian để Trung Quốc có thể chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi với Mỹ.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung nổ ra từ tháng 7/2018, khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó là chuỗi những hành động trả đũa lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington. Nhiều vòng đàm phán đã được tổ chức nhưng chưa đạt được thỏa thuận làm giảm căng thẳng thương mại.
Cuối tháng 6 vừa qua, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán và hoãn áp thuế bổ sung. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có thời hạn đình chiến cụ thể nào được thiết lập, các mức thuế hiện hành được áp đặt trước đó vẫn được áp dụng, và cả hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong việc đi đến chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ giữa năm ngoái.
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Nga sẵn sàng thay Mỹ khai thác thị trường béo bở 1,4 tỷ dân Trung Quốc Các nhà sản xuất lương thực hàng đầu ở Nga rất mong muốn khỏa lấp chỗ trống mà Mỹ để lại ở thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc không thể tự mình lo đủ ăn cho 1,4 tỷ dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm Nga gặp ông Putin. Theo tờ Bưu điện Hoa nam...