Luật sư từng bào chữa cho kẻ bắt cóc con tin ở Sydney bị dọa giết
Truyền thông Úc đưa tin, đã có nhiều lá thư đe dọa gửi cho các luật sư bào chữa và vị thẩm phán trong phiên tòa hồi tháng 12/2013 xử tại ngoại cho Man Haron Monis, thủ phạm vụ bắt cóc con tin ở Sydney mới đây.
Man Haron Monis từng được xử tại ngoại sau các cáo buộc tấn công tình dục và đồng lõa giết vợ cũ
Trang AFP cho biết, trước khi xảy ra vụ bắt giữ con tin tại quán cà phê Lindt ở trung tâm thành phố Sydney, Man Haron Monis từng bị chính quyền Úc để mắt đến do có quan điểm cực đoan. Hắn cũng đã được xử tại ngoại trong nhiều vụ kiện tấn công tình dục hay đồng lõa giết vợ cũ.
Thủ tướng Úc Tony Abbott đã ra lệnh điều tra khẩn cấp nguyên nhân tại sao Monis không nằm trong danh sách theo dõi khủng bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích rằng chính quyền đã không thể bảo vệ người dân. Thậm chí gần đây, những chỉ trích này đang hướng về các luật sư bào chữa và vị quan tòa đã không khép tội hắn.
Hôm nay 19/12, các quan chức Úc cho biết các luật sư từng bào chữa cho Monis và vị quan tòa từng thả hắn tại ngoại đã nhận được nhiều lá thư dọa giết.
Trước những lá thư tấn công các luật sư và thẩm phán gần đây, Chủ tịch Hiệp hội luật sư New South Wales Jane Needham nhận định: “Hành động gửi thư đe dọa các luật sư và thẩm phán là một phản ứng đáng tiếc”. Bà cũng cho biết phản ứng này “có thể thông cảm được nhưng đã đi nhầm hướng”.
Bà Neeham nói thêm: “Công việc của những người theo nghề luật rất khó và phức tạp. Đặc biệt là các vị thẩm phán, họ phải xử lý rất nhiều vụ việc, đưa ra phán quyết trên cơ sở những tài liệu họ có vào thời điểm phiên tòa diễn ra. Còn đối với các luật sư, một điều rất quan trọng cần nhớ là luật sư chỉ làm nhiệm vụ của họ – bào chữa cho thân chủ mà thôi”.
Video đang HOT
Katrina Dawson, một trong hai con tin thiệt mạng, là một luật sư và quán cà phê nơi xảy ra vụ bắt cóc cũng là địa điểm yêu thích của các luật gia.
Chủ tịch hiệp hội luật sư cũng chia sẻ: “Vụ bắt cóc là một nỗi đau lớn, quán cà phê Lindt là nơi tụ tập của nhiều người dân Sydney. Bởi vậy có một cảm giác rất thực bên cạnh nỗi tiếc thương hay bàng hoàng, sợ hãi: đó là bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân”.
Hiện Thủ tướng Abbott đang yêu cầu điều tra quá trình nhập cảnh của Monis vào Úc và quyết định cấp quy chế tị nạn và quyền công dân cho kẻ này năm 1996. Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ xem các cơ quan của Úc đã có những thông tin gì về hắn, với cấp độ bảo mật ra sao. Đồng thời, cuộc điều tra cũng sẽ tìm hiểu cách thức hắn có thể sở hữu khẩu súng để bắt cóc các con tin trong ngày 15/12.
Sau vụ bắt giữ con tin, an ninh ở thành phố Sydney cũng đã được tăng cường. Vào đêm qua, lực lượng cảnh sát đã tiến hành đột kích bất ngờ một vài khu vực trong thành phố. Lực lượng cảnh sát đã tuyên bố đây chỉ là một nhiệm vụ trong chiến dịch chống khủng bố vẫn đang diễn ra tại Úc và khẳng định các cuộc kiểm tra này không liên quan đến Monis hay thảm kịch tại quán cà phê Lindt.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AFP
Kẻ bắt cóc tại Sydney từng bị Iran truy nã
Giới chức Iran cho biết 14 năm trước, nước này đã yêu cầu chính quyền Úc giao nộp Man Haron Monis, kẻ bắt cóc con tin ở Sydney hôm 15/12, nhưng Canberra từ chối.
Haron Monis được biết đến ở Iran với cái tên "Manteqi" và từng bị truy nã vì tội danh lừa đảo.
Trang BBC đưa tin, ngày 16/12, Giám đốc cảnh sát Iran, Tướng Ismail Ahmadi Moghaddam đã cho biết rằng cách đây 14 năm, tay súng Monis là tội phạm bị truy nã ở Iran vì tội lừa đảo. Ông cũng cho biết Monis đã trốn sang Malaysia và sang tị nạn tại Úc vào cuối những năm 1990.
Tướng Moghaddam cho hay Monis được người dân Iran biết đến với cái tên "Manteqi".
"Vào năm 1996, hắn ta là quản lý một hãng du lịch và đã phạm tội lừa đảo. Sau đó hắn tị nạn sang Malaysia và rồi sang Úc dưới một cái tên giả", Tướng Moghaddam xác nhận.
Ông cũng nói thêm: "Ở thời điểm đó, chúng tôi không có thỏa thuận trao trả phạm nhân với Úc. Do đó, cảnh sát Úc đã từ chối trao trả hắn về cho Iran".
Trước đó, trong cuộc họp báo vào ngày 16/12, Thủ tướng Úc Tony Abbott cùng thừa nhận: "Chúng tôi đã tự hỏi mình rằng liệu thảm kịch ở Sydney có thể ngăn chặn được hay không?".
Monis đã xin tị nạn chính trị để được cấp quy chế tị nạn ở Úc, Tướng Moghaddam cho biết, miêu tả vụ việc như là một "màn kịch". Trong khi đó chính phủ Úc nói nước này đang điều tra lý do Monis được bảo lãnh sau nhiều cáo trạng khác nhau.
Thủ phạm vụ bắt cóc đã có liên quan đến nhiều hoạt động tôn giáo, nhưng các quan chức cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy những hoạt động này có mối liên kết đến các phong trào Hồi giáo toàn cầu.
Monis cũng bị buộc tội liên quan đến tấn công và quấy rối tình dục.
Vào năm 2009, Monis đã bị buộc tội gửi các lá thư xúc phạm đến gia đình các quân nhân Úc tử trận ở Afghanistan.
Năm ngoái, tên này từng bị cáo buộc là đồng phạm trong vụ giết hại người vợ cũ ở Sydney nhưng được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh.
Luật sư cũ của Monis cho biết hắn ta đã "phủ nhận hoàn toàn"cáo trạng tấn công và tội đồng lõa liên quan đến cái chết của vợ cũ.
Thoa Phạm
Theo dantri/BBC
Vụ bắt cóc con tin tại Sydney có thể mang động cơ chính trị Thành phố Sydney, Australia ngày 15/12 náo loạn với vụ bắt cóc con tin tại quán café Lindt ở trung tâm thành phố. AP dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott cùng ngày nhấn mạnh vụ bắt cóc này có thể mang "mục đích chính trị". "Chúng tôi không rõ liệu vụ bắt cóc này có mang động cơ chính trị hay không...