Lừa đảo qua mạng: Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối dư luận. Mặc dù những thủ đoạn các đối tượng sử dụng đã quá quen thuộc nhưng số người mắc bẫy không hề giảm.
Những cuộc tình xuyên biên giới
Lợi dụng các trang mạng xã hội ( facebook, zalo…) Ihugba Augustine Chinonso (sinh năm 1986, quốc tịch Nigeria), Onu Chinonso Peter (sinh năm 1985, cùng quốc tịch Nigeria) và một số đồng phạm chủ động kết bạn với phụ nữ Việt. Sau đó, những thanh niên này đặt vấn đề tình cảm và đề cập việc gửi tiền, quà từ nước ngoài về tặng nạn nhân.
Các đối tượng giả gửi quà rồi lừa tình, tiền các phụ nữ Việt.
Các đối tượng ở nước ngoài này cấu kết với đồng phạm người Việt Nam giả danh nhân viên công ty vận chuyển, cán bộ hải quan, công an… Rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền trước khi nhận quà. Không chỉ vậy, nhóm tội phạm nhắn tin, gửi mail giả thông báo trúng thưởng rồi đề nghị bị hại chuyển tiền vào tài khoản do nhóm này dùng giấy tờ giả đăng ký. Vì ham lợi và cả tin, không ít người sập bẫy.
Cụ thể, tháng 1/2016, bà Ngô Thị Hồng C. quen biết một thanh niên nước ngoài, tự nhận mình là người Anh, qua facebook. Thanh niên này đã dùng thủ đoạn nêu trên lừa bà C. gửi hơn 27 triệu đồng cho một “ nhân viên vận chuyển”, 80 triệu đồng cho “nhân viên hải quan” để được nhận quà “khủng”. Đến lúc được một “cảnh sát kinh tế” báo phải đóng 200 triệu đồng mới được nhận hàng thì quý bà này mới nghi ngờ mình bị lừa và báo công an.
Với việc lừa cả tình lẫn tiền, Ihugba Augustine Chinonso bị phạt 16 năm tù và Onu Chinonso Peter 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trò diễn làm quen xuyên biên giới rồi gửi quà, lừa tiền của phụ nữ diễn ra khá phổ biến. Trước đây, các đối tượng nghiên cứu nhằm vào các phụ nữ thành đạt, đơn thân để lừa đảo. Giờ các “con mồi” mà các đối tượng nhằm vào rất đa dạng, từ cô công nhân may đến các quý bà. Tất cả đều xuất phát từ trò làm quen trên mạng của những người đàn ông nước ngoài, sau đó là viễn tưởng về cuộc sống hôn nhân hay vì “thùng hàng có triệu đô” gửi về từ người đàn ông nước ngoài làm quen trên mạng ấy…
Giả danh cơ quan tố tụng
Một trong những chiêu mà các đối tượng lừa đảo qua mạng thường xuyên thực hiện là giả danh cơ quan tố tụng gọi điện thoại, đưa ra các thông tin không đúng sự thật để uy hiếp các nạn nhân chuyển tiền.
Khoảng tháng 1/2018, 2 đối tượng có tên Hồng Trà, Tiểu Lâm (chưa rõ lai lịch) đã câu kết với Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta cùng nhiều đối tượng người Đài Loan và Việt Nam dùng thủ đoạn giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại đến những người bị hại, rồi đưa thông tin họ liên quan đến phạm tội, đe dọa bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chúng kiểm tra. Sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định thì Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm rút ra chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân.
Video đang HOT
Pan Chu Lin giả danh cơ quan tố tụng để lừa đảo.
Khoảng 13h ngày 19/1/2018, bà Cam Thị Bích N. (ngụ Quận 7, TPHCM) nhận được cuộc gọi vào số máy bàn của gia đình, đối tượng giả danh là Công an TP Hà Nội, thông báo bà N. đang nợ tiền ngân hàng và liên quan tới việc lừa đảo trên hệ thống ngân hàng, tiền trong tài khoản của bà N. là tiền của ngân hàng. Tiếp đó, đối tượng liên tục gọi điện thoại đe dọa khởi tố, bắt giam, yêu cầu bà N. phải ra Hà Nội làm việc và chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Trước sự đe dọa của các đối tượng giả danh công an nên bà N. đã làm theo yêu cầu, chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định. Sau khi nhận được tiền của bà N., các đối tượng đã rút chia nhau. Số tiền bà N. bị chiếm đoạt là 399 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm đã thực hiện trót lọt 18 “phi vụ” chiếm đoạt số tiền 10,7 tỷ đồng. Với hành vi của mình, Pan Chu Lin và Chiu Po Sung bị phạt 13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài các thủ đoạn trên thì việc lừa đảo qua mạng còn một số thủ đoạn như gửi tiền làm từ thiện, lừa đảo trúng thưởng, thương mại điện tử… Trước tình hình lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp thì người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan công an để tránh trở thành nạn nhân. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân… cho bất kỳ ai không quen biết.
Theo một Kiểm sát viên công tác tại TPHCM, phần lớn nạn nhân bị tiếp cận khi đã lộ thông tin cá nhân. Các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt thông tin về thói quen, quê quán, thậm chí cả giấy tờ cá nhân nên thuyết phục được những người thiếu cảnh giác. Việc xử lý các vụ lừa đảo qua mạng khá khó khăn do đa phần tội phạm lừa đảo ở nước ngoài, có cả người nước ngoài. Ngay cả những vụ bắt được tội phạm cũng không thể thu hồi khoản tiền đã mất.
Bên cạnh đó, vị Kiểm sát viên này cho biết mức xử lý cũng chưa đủ răn đe nên hình thức lừa đảo này vẫn tiếp tục diễn ra. Người dân chỉ còn cách phải nâng cao cảnh giác, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân, cẩn trọng khi giao dịch điện tử.
Vì sao 400 người mắc bẫy "cán bộ ngân hàng"?
Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hoàng Thanh Bình (sinh năm 1986, trú tại xã Vạn Phúc, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã dàn dựng màn kịch hoàn hảo, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che mắt lực lượng chức năng và ngân hàng, khiến hàng trăm "con mồi" sập bẫy.
Từ thông tin phản ánh của khách hàng, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng gây án.
Lần tìm chân tướng kẻ mạo danh nhân viên ngân hàng
Trong thời gian ngắn, một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) liên tiếp nhận được phản ánh của khách hàng về một đối tượng tự xưng là Trần Văn Tuấn, cán bộ của một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, cùng lúc đối tượng này lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook như: "Hỗ trợ tài chính online", "Hỗ trợ vay vốn tiêu dùng online", "Hỗ trợ vay vốn tiêu dùng", "vay vốn tiêu dùng", "Ngân hàng...." hoặc "bán hồ sơ vay vốn ngân hàng" để tiếp cận những người có nhu cầu vay vốn và và giải ngân nhanh. Trên mạng xã hội, đối tượng dùng số điện thoại 097..., để giao dịch với người bị hại qua mạng xã hội zalo. Khi người có nhu cầu vay vốn nhắn tin qua facebook, zalo thì các đối tượng yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền "phí" lót tay, "phí" bảo hiểm để được phê duyệt hồ sơ giải ngân vay vốn.
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Hoàng Thanh Bình
Ban đầu, các đối tượng chỉ yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản phí từ 1-2 triệu đồng. Sau khi bị hại chuyển khoản chi phí trên, đối tượng lại tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần với số tiền tăng dần từ 5-10 triệu đồng...
Cứ thế cho đến khi người bị hại không còn khả năng chuyển nữa thì đối tượng chặn liên lạc. Để chiếm đoạt lòng tin của bị hại, đối tượng chụp ảnh một nhân viên ngân hàng và một căn cước công dân mang tên Trần Văn Tuấn (sinh năm 1986, trú tại Đội 2, Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) gửi cho người bị hại. Sau đó, hướng dẫn họ chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng. Bằng thủ đoạn trên, kẻ giả danh đã lừa của nhiều khách hàng, trong đó có khách hàng là Nguyễn Thị L (ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị lừa 2 lần, khách hàng Nguyễn Văn D ở Vĩnh Phúc bị lừa chuyển tiền ba lần trong tháng 11-2020.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đội CSHS Công an quận Hoàn Kiếm đã tập trung lực lượng vào cuộc. Trong quá trình điều tra, các trinh sát gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu bởi nạn nhân và đối tượng đều quen biết nhau trên mạng xã hội; thông tin về các đối tượng gây án rất nhạt nhòa... Song bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã dựng được đối tượng nghi vấn là Nguyễn Tú A. Quá trình rà soát, các mắt xích của vụ án dần được hé lộ, tổ công tác đã phát hiện Nguyễn Tú A có quan hệ với Nguyễn Bình D và Nguyễn Trọng N (sinh năm 2000, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)...
Tang vật của vụ án
Quá trình mở rộng đã phát hiện một đối tượng thường xuyên giao dịch với Nguyễn Tú A nhưng vào thời điểm đó, họ chưa xác định đó là ai. Xác định đây là "chìa khóa" quan trọng để mở vụ án, các trinh sát không quản ngày, đêm nắm bắt các mối quan hệ của Nguyễn Tú A. Quá trình rà soát đã xác định được được đó là Nguyễn Thanh T (sinh năm 2000, trú tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội).
Cuối tháng 12-2020, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm đã đưa Nguyễn Thanh T và Nguyễn Tú A về trụ sở làm việc. Nguyễn Thanh T khai có quan hệ với một đối tượng là nam thanh niên còn rất trẻ và thường giao dịch mua bán thẻ ngân hàng với người này tại khu vực vườn hoa Hà Đông, quận Hà Đông (Hà Nội). Song cụ thể người này làm gì, ở đâu thì Nguyễn Thanh T không biết. Nguyễn Thanh T chỉ biết đã gặp người này ở khu vực Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội...
Từ thông tin này, các trinh sát tiếp tục rà soát và xác định danh tính đối tượng là Nguyễn Đức Anh; làm rõ hai đối tượng liên quan đến vụ án là Hoàng Thanh Bình và Đoàn Thị Hằng (sinh năm 1989, trú tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Bình là anh họ của Nguyễn Đức Anh. Cuối tháng 12-2020, tổ công tác đã phát hiện Đức Anh đang ở tại một căn phòng trọ tại phường Quang Trung, quận Hà Đông và triệu tập Đức Anh cùng với Hằng và Bình về trụ sở làm việc. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã bị lật tẩy.
Từ nạn nhân trở thành người tình rồi tiếp tay, phạm tội
Không nghề nghiệp trong tay, lại có máu mê cờ bạc nên sau khi đi xuất khẩu lao động trở về nước (khoảng tháng 3-2020), Hoàng Thanh Bình, đối tượng có một tiền sự về hành vi đánh bạc đã lên mạng xã hội vay tiền và bị lừa mất 12 triệu đồng. Từ đó, đối tượng nảy ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chính thủ đoạn mà mình đã bị lừa.
Bình tìm mua các thẻ tín dụng sau đó sử dụng phần mềm để chỉnh sửa, tạo thông tin giả, mạo danh về một đối tượng tên là Trần Văn Tuấn rồi bắt đầu đăng tải các bài viết về việc cho vay tín chấp, giải ngân với thủ tục đơn giản... Cùng lúc đối tượng mua nhiều sim điện thoại của nhiều nhà mạng; lập các tài khoản Zalo liên kết với các sim điện thoại đã mua. Đồng thời, lập nhiều tài khoản facebook chạy quảng cáo dưới nhiều tài khoản tên: "Hỗ trợ vay vốn", "tiêu dùng online"...
Đối tượng Nguyễn Đức Anh và Đoàn Thị Hằng
Sau khi khách hỏi trên Facebook thì đối tượng này hướng dẫn họ kết bạn qua zalo, yêu cầu hồ sơ vay vốn gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, số điện thoại tài khoản ngân hàng giải ngân. Khi người bị hại có đủ hồ sơ thì đối tượng hướng dẫn họ nộp các loại tiền phí hồ sơ, phí bảo hiểm, tiền trả góp đóng trước. Sau đó, làm giả hợp đồng tín dụng rồi chụp ảnh màn hình chuyển cho bị hại...
Trong vụ án này, đối tượng dễ dàng đánh được vào lòng tin của bị hại vì chúng đánh vào tâm lý tiếc của, khi đã đóng tiền thì phải theo đến cùng. Về phía bị hại đã "đâm lao thì phải theo lao" nên cứ tiếp tục đóng tiền cho đến khi không còn khả năng. Khi đã đẩy con nợ vào cảnh khốn cùng; chiếm đoạt được tiền thì Bình cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Trong số này, có một trường hợp là Nguyễn Thị N, trú tại Hà Nội. Nạn nhân làm hồ sơ vay của đối tượng 150 triệu đồng nhưng đã phải nộp cho đối tượng 99 triệu đồng mà đến thời điểm này, họ chưa nhận được một đồng tiền vốn vay nào.
Sau khi nhận được tiền của các bị hại, Bình và đồng phạm thực hiện việc rút tiền. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Bình che mặt, dùng mũ bảo hiểm... khi đi rút tiền. Ban đầu, đối tượng này hoạt động một mình nhưng khi có đông người liên hệ thì bắt đầu lôi kéo em họ là Nguyễn Đức Anh cùng tham gia.
Từ tháng 7-2020, theo sự phân công của Bình, Đức Anh thực hiện việc mua các thẻ ngân hàng. Trong quá trình lên mạng xã hội và qua bạn bè, đối tượng đã quen biết và giao dịch với nhóm đối tượng chuyên cung cấp thẻ ngân hàng, trong đó có Nguyễn Thanh T. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Đức Anh không cung cấp địa chỉ cho Nguyễn Thanh T; các lần giao dịch đều thực hiện ở khu vực công cộng như vườn hoa hoặc bưu điện Hà Đông...
Sau khi thống nhất về giá tiền mua thẻ là 1,8 triệu đồng, Nguyễn Thanh T bắt đầu tìm và móc nối với nhóm đối tượng làm thẻ ngân hàng để mua. Qua các cầu, giá bán có sự chênh lệch rất lớn. Thời gian sau này, Đức Anh được Bình giao thêm nhiệm vụ đi rút tiền; mỗi lần thực hiện việc chiếm đoạt được tiền sẽ cho Đức Anh số tiền từ 1-5 triệu đồng. Và đến tháng 6-2020, Đức Anh được Hoàng Thanh Bình nhờ dùng điện thoại của Bình, sử dụng tài khoản Facebook tên Trần Văn Tuấn để đăng các bài viết mời chào vay tiền của ngân hàng. Sau đó, thi thoảng được Bình cho từ 500 đến 1 triệu đồng.
Đến tháng 9-2020 thì Đức Anh được Bình rủ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hướng dẫn sử dụng tài khoản facebook giả của Trần Anh Tuấn để đăng các bài viết lên nhiều nhóm trên mạng xã hội với nội dung mời, chào người khác vay tiền; đồng thời trả lời các bình luận. Tại cơ quan điều tra, Đức Anh cho biết với số tiền vay từ 30 triệu đồng trở lên, hồ sơ vay cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và tài khoản ngân hàng để giải ngân.
Sau khi người bị hại nhắn tin qua Zalo tìm hiểu thì đối tượng yêu cầu họ cung cấp giấy tờ bằng việc chụp ảnh gửi qua zalo. Sau khi có thông tin của bị hại thì Bình sử dụng hợp đồng tín dụng giả; chụp hình ảnh gửi lại người bị hại để làm tin. Tiếp đó, các đối tượng nhắn tin, yêu cầu người vay tiền phải trả tiền cho các loại phí ban đầu khoảng 1,8 triệu đồng. Nếu người bị hại chuyển tiền thì tiếp tục yêu cầu đóng phí bảo hiểm số tiền khoảng 2 triệu đồng và tiếp tục tìm lý do khác để bị hại chuyển tiền như phí xóa nợ xấu với mức phí từ 5-10 triệu đồng... Cứ như vậy đến khi nào bị hại phát hiện không chuyển tiền nữa thì chặn tin nhắn zalo cắt liên lạc.
Qua mối quan hệ xã hội, Đức Anh biết Nguyễn Thanh T bán thẻ ngân hàng nên có mua của đối tượng này 6 thẻ ngân hàng với giá 1.800.000 VNĐ/thẻ (số tiền mua thẻ đều do Bình đưa cho Đức Anh và hướng dẫn bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng này). Sau khi lừa được tiền, Đức Anh sẽ trực tiếp đi rút tiền tại các cây ATM đưa cho Bình. Mỗi lần rút tiền, đối tượng đều được Bình cho tiền và tổng cộng Đức Anh đã nhận được khoảng 20 triệu đồng. Ngoài tiền mặt, Đức Anh đã được Bình bao trọn gói các chi phí ăn, ở...
Về phần Đoàn Thị Hằng, khoảng cuối tháng 10-2020, Hằng đã từng bị Bình lừa số tiền 9,6 triệu đồng trong 3 lần. Sau khi bị lừa, Bình liên lạc và trả lại cho Hằng 5 triệu đồng. Cũng vào thời điểm này, Hằng vừa gặp những biến cố lớn về gia đình nên đã tâm sự với Bình, hai bên đã nảy sinh tình cảm. Từ cuối tháng 11-2020, Hằng chuyển về sinh sống với Bình tại địa chỉ thuê ở Hà Đông. Hằng biết Bình và Đức Anh là đối tượng lừa đảo, nhưng không can ngăn mà còn tiếp tay cho người tình thực hiện hành vi phạm tội. Khoảng giữa tháng 12-2020, Bình đã hướng dẫn Hằng nói chuyện với người bị hại.
Cụ thể, khoản vay từ 30-500 triệu đồng thì tư vấn số tiền phải trả hàng tháng. Nếu số tiền là 100 triệu đồng thì 1 tháng phải trả 3.947.000 đồng và đóng trong 36 tháng; đối với số tiền khác thì hỏi Bình để tiếp tục nhắn tin theo hướng dẫn hoặc chuyển lại máy cho Bình để Bình tự nói chuyện. Sau khi các con mồi đã cắn câu thì Bình và Đức Anh sẽ tự nói chuyện với khách. Số tiền chiếm đoạt được của người bị hại, Bình và Đức Anh sẽ tự chia nhau. Số lượng bị hại cho đến nay thống kê sơ bộ đã lên tới con số 400 người.
Khi tìm hiểu về vụ án này, một câu hỏi đặt ra với tôi là vì sao đối tượng dễ dàng "qua mặt" nạn nhân để thực hiện việc lừa đảo. Trước hết, đối tượng đánh vào sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và tâm lý tiếc của của nạn nhân. Dù không quen biết đối tượng nhưng ngay từ lần đầu tiếp xúc qua mạng xã hội, các nạn nhân đã dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho đối tượng... Vụ án thêm một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho không ít người bị hại.
Đầu tháng 1-2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm Hoàng Thanh Bình (sinh năm 1986, trú tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội); Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1999, trú tại TT Tiêu, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và Đoàn Thị Hằng (sinh năm 1998, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi liên quan của các các đối tượng chuyên thu mua thẻ ngân hàng có liên quan.
Phá đường dây lừa đảo qua mạng gần 400 tỉ đồng Ngày 15.12, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đơn vị đã phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP.HCM phá chuyên án đường dây lừa đảo qua mạng với số tiền gần 400 tỉ đồng. Cơ quan công an bắt giữ Lê Thành Nhân, đối tượng tham gia đường dây lừa đảo qua mạng...