Lựa chọn hành động sớm ứng phó với nắng nóng
Ngày 28/5 tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Lựa chọn hành động sớm ứng phó với nắng nóng – FbF”.
Nhằm mục tiêu lập kế hoạch hành động giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại các đô thị thông qua nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo.
Tham dự Hội thảo có bà Trần Thị Hồng An – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ông Jerome Faucet-Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam; các cán bộ thuộc các ban của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế liên quan.
Khẳng định lĩnh vực cảnh báo, dự báo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc khắc phục và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bà Trần Thị Hồng An cho rằng khung hành động và kế hoạch hành động ứng phó với nắng nóng cần được xây dựng sớm để thực hiện thí điểm trong mùa nắng nóng năm 2019. Việc thực hiện triển khai dự án này tại Việt Nam, không chỉ giúp đỡ cho các đối tượng dễ bị tổn thương trước nắng nóng còn giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp cận được với một phương pháp hoạt động nhân đạo mới mẻ, tính hiệu quả cao khi ứng phó với các loại hình thiên tai.
Bà Trần Thị Hồng An – Phó Chủ tịch Trung ương Hội và ông Jerome Faucet-Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Theo ông Jerome Faucet, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam: Nắng nóng là một loại hình thiên tai nguy hiểm nhưng hiện nay rất ít các tổ chức quan tâm tới loại hình thiên tai này. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không chỉ áp dụng một mô hình ứng phó với thiên tai mới mà còn là một trong những Hội Chữ thập đỏ quốc gia tiên phong trong ứng phó với nắng nóng. Đây là dự án được triển khai tại khu vực đô thị, các thông tin dự báo khí tượng thủy văn là cơ sở để kích hoạt các hành động ứng phó sớm nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động ứng phó với thiên tai.
Dự án “Sẵn sàng cho FbF” tập trung vào xây dựng hành động ứng phó sớm với nắng nóng, và thông qua dự án FbF, giúp Hội CTĐ Việt Nam xây dựng Quy trình Hành động sớm với các loại hình thiên tai khác ở Việt Nam, là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Dự án với nguồn kinh phí hơn 325.000 Euro được hỗ trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Đức, với sự phối hợp của Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) được thực hiện tại Hà Nội, thời gian thực hiện dự án từ 6/2018-10/2020 (29 tháng) nhằm mục tiêu xây dựng khung hành động sớm giúp giảm tác động tiêu cực của nắng nóng lên sức khỏe nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, thợ xây, xe ôm, người bán hàng rong, …).
Video đang HOT
Nhóm khảo sát, thu thập thông tin các nhóm dễ bị tổn thương do nắng nóng
Tại hội thảo, đại diện Ban điều hành dự án Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã giới thiệu quy trình lập kế hoạch triển khai hoạt động sớm ứng phó với nắng nóng, chia sẻ kết quả khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi về ảnh hưởng của nắng nóng tới các nhóm dễ bị tổn thương ở Hà Nội.
Trong quá trình triển khai dự án đã tập huấn và khảo sát KAP tại 168 phường tại Hà Nội và xây dựng bản đồ dự báo thiên tai và lựa chọn 15 phường thuộc 8 quận để thực hiện.
Khảo sát, thu thập thông tin về khu nhà tạm ở Hà Nội cho thấy, nắng nóng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thu nhập của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; Các đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương như 89% người bán hàng rong là phụ nữ 79% thợ xây là nam giới; thời gian làm việc ngoài trời từ 8.6 tiếng đến 10.4 tiếng/ngày, điều kiện sống thấp, 73% số người được hỏi cho biết phải ở trong những căn phòng với trên 4 người/phòng; Thời tiết nắng nóng khiến thu nhập ở 2 nhóm xe ôm (77%) và nữ bán hàng rong (71%) bị giảm; 66% người phỏng vấn gặp 4-7 triệu chứng (mệt, yếu, vã mồ hôi, tăng thân nhiệt, đau đầu và chóng mặt); Phần lớn người dân nhận biết được 1-2 triệu chứng kiệt sức do nắng; 67% người được phỏng vấn không biết gì về triệu trứng sốc nhiệt .
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã cùng nhau thảo luận, phân tích các hoạt động để giảm thiểu nguy cơ do nắng nóng gây ra đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: Cải thiện điều kiện làm việc và nghỉ trưa; cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các nhóm dễ bị tổn thương; Nâng cao nhận thức về triệu chứng bệnh liên quan do nắng nóng và cách phòng ngừa, xử trí; Tăng cường tiếp cận thông tin dự báo thời tiết cho nhóm đối tương dễ bị tổn thương.
Lã Hằng
Theo baonhandao
Lao động ngộp thở vì nắng nóng
Nắng nóng cao điểm khiến nhiều người lao động kiệt sức. Nhưng tối đến, họ cũng không ngủ được trong những khu nhà trọ giá rẻ, quạt không dám bật nhiều, điều hòa không dám lắp do lo ngại giá tiền điện tăng cao.
Tiền điện hết một góc tiền lương
Anh Đinh Văn Toàn (thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), công nhân may tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long cho biết, nhà nghèo, công việc chủ yếu làm nông nghiệp không đủ ăn nên hai vợ chồng anh phải rời quê lên Hà Nội tìm việc.
Dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều công nhân lao động vẫn phải núp trong những căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức. Ảnh: Tạ Nguyệt
"Công nhân lao động chính là lực lượng tạo ra của cải, vật chất, góp phần vào việc tạo ra những con số về GDP, xuất khẩu, vì vậy chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến họ".
Ông Ngọ Duy Hiểu
Anh Toàn tâm sự: "Hai vợ chồng tôi mỗi tháng làm được chừng 9 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt cũng gần hết. Khổ nhất là vợ đang nghỉ sinh, thu nhập của tôi chỉ được 5 triệu đồng, không biết lấy gì mà sống".
Hiện vợ chồng anh Toàn đang thuê một căn phòng cấp 4, vệ sinh chung với giá 500.000 đồng/tháng và giá điện là 3.000 đồng/1 số điện. Theo anh Toàn, mặc dù đây đã là loại phòng rẻ nhất nhưng hàng tháng vợ chồng anh vẫn phải trả chi phí từ 800 đến 1,3 triệu đồng cho tiền nhà và điện. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, chi phí này còn phát sinh tăng cao hơn.
"Trời nắng nóng, phòng mái tôn, nhiệt độ trong phòng có lúc lên đến 35-37 độ C, không bật điều hòa, đến người lớn cũng không chịu nổi chứ đừng nói con nhỏ. Nhưng bật điều hòa thì chúng tôi đến nhịn ăn để trả tiền điện. Như tháng vừa rồi, tiền điện hết 1,3 triệu đồng" - anh Toàn nói.
Theo anh Toàn, vợ chồng anh cũng như nhiều công nhân KCN khác khi thuê phòng trọ đa phần không nghĩ đến việc sinh sống lâu dài, nên không làm hợp đồng thuê nhà, mọi giao dịch với chủ nhà trọ chỉ là thỏa thuận miệng, nếu ở cảm thấy an ninh không tốt thì 2-3 tháng lại chuyển đi nơi khác.
Chị Vũ Thị Thu (công nhân Công ty Daiwa Plastics (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ, mức giá 3.000 đồng/1 số điện đang khiến nhiều công nhân đang thuê trọ như chị phải tìm chỗ chuyển đi nơi khác. "Đi làm cả ngày về mệt muốn nghỉ ngơi, nhưng phòng chật, nhà mái tôn rất nóng, có muốn bật điều hòa chút để ngủ ngon, nghĩ lại tiếc tiền điện" - chị Thu nói.
Khó quản lý giá điện riêng cho công nhân
Điều 10, Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Tuy nhiên, rất nhiều công nhân hiện nay chỉ có thể mua điện theo "giá thỏa thuận miệng" với chủ nhà (thường đổ đồng một giá cao - PV) mà không có hợp đồng mua bán điện để được mua giá điện theo quy định ngành điện.
Thừa nhận những khó khăn trong việc tiếp cận giá điện của công nhân, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện toàn xã có hơn 4.000 công nhân từ nơi khác đến thuê trọ. "Do địa bàn xã có số lượng công nhân đến thuê trọ quá lớn trong khi cơ sở vật chất, giao thông, đường điện... chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, việc quá tải thường xuyên xảy ra. Người lao động thường xuyên thay đổi địa điểm thuê trọ, không cố định nên việc làm mỗi hộ thuê nhà một hợp đồng điện không dễ" - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện quy định về giá bán điện cho người thuê nhà vẫn còn các trường hợp các chủ thuê trọ tự ý thu tiền điện cao hơn quy định. Vấn đề này đã có chế tài kiểm tra xử lý, nhưng việc ký kết hợp đồng thuê nhà thường không dùng hợp đồng cụ thể, mà chỉ thỏa thuận miệng giữa 2 bên trong đó có cả các chi phí như điện, nước... khiến công tác kiểm tra, xử lý việc vi phạm rất khó khăn. Công ty điện lực huyện đã có những hướng dẫn tách riêng song các chủ trọ thường tìm cách thu tăng tiền thuê trọ nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Thắng cho biết, điện lực huyện Đông Anh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã Kim Chung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường hợp thu giá điện công nhân sai quy định. Khi kiểm tra phát hiện sẽ lập hồ sơ chuyển sang Sở Công Thương để xử phạt hành chính.
Mới đây, trong cuộc họp tại tổ của các Đại biểu Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ ra thực tế đáng buồn về chất lượng sống của công nhân lao động. Theo ông Hiểu, những ngày qua, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C, nhiều công nhân lao động và con cái họ phải sống trong những dãy nhà thuê trọ lợp fibro ximăng chật hẹp, nóng bức. Giá điện tăng cao, tiền lương của họ không đủ trả tiền điện, tiền nhà, tiền sinh hoạt, nuôi con cái đi học...
Theo Danviet
Quá khổ vì khan hiếm nước sạch ! Do nắng nóng, tại các xã khu đông H.Tuy Phước (Bình Định) đã xảy ra tình trạng người dân không có nước sạch để sử dụng mặc dù đường ống nước sạch đã được lắp đặt đầy đủ đến mọi gia đình. Người dân thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, H.Tuy Phước (Bình Định) phải đi xin nước từ xa về, chia nhau...