Lũ đất đá tương tự làng Nủ: Dấu hiệu nào nhận biết để phòng tránh?
Mưa lũ, sạt lở đất, đặc biệt là lũ đất đá liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tại sao lại có hiện tượng lũ kèm đất đá?
Có những dấu hiệu nào để có thể nhận biết và phòng tránh thảm họa lũ đất đá ập đến bất ngờ? PV có cuộc đối thoại với GS.TS. Đỗ Minh Đức – Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật và phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – đơn vị vừa thực hiện khảo sát hiện tượng lũ đất đá ở các tỉnh miền núi phía Bắc xung quanh nội dung này.
GS.TS Đỗ Minh Đức – Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuât và phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
PV: Lũ đất đá gây ra thảm họa và hậu quả vô cùng lớn và thời gian gần đây thì xảy ra ngày càng nhiều. Xin ông cho biết những nguyên nhân gì gây ra hiện tượng lũ đất đá nguy hiểm như vậy?
GS.TS. Đỗ Minh Đức: Thời gian vừa qua, hiện tượng sạt lở, lũ bùn đá diễn ra rất nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc và gây thiệt hại trầm trọng. Đặc biệt mấy hôm vừa qua đã mở rộng ra một số khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Có 3 nhóm yếu tố chính làm hiện tượng sạt lở và lũ bùn đá ngày càng gia tăng. Thứ nhất là điều kiện địa hình, địa chất của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là những vùng miền núi có địa hình dốc, mức độ hoạt động địa chất diễn ra rất là mạnh mẽ trong suốt một thời kỳ địa chất lâu dài, dẫn đến là đất đá bị phá hủy. Đấy là nhóm yếu tố về các điều kiện địa hình, địa chất bất lợi.
Nhóm yếu tố thứ hai là các hình thế thời tiết cực đoan thời gian gần đây đã diễn ra ngày càng khốc liệt, trầm trọng hơn và phần nào đó nó liên quan đến những tác động do biến đổi khí hậu.
Nhóm yếu tố thứ ba, đó là các hoạt động dân sinh.
Để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và các khu vực định cư, rồi phát triển hạ tầng đã can thiệp ngày càng mạnh mẽ vào các vùng đất dốc và làm mất cân bằng nghiêm trọng các điều kiện ổn định tự nhiên của mái dốc để từ đó tổ hợp cả 3 nhóm nguyên nhân chính như vậy nó làm cho các hiện tượng sạt lở lũ đá gia tăng trong thời gian gần đây.
Video đang HOT
(Ảnh minh họa)
PV: Theo ông có những dấu hiệu nào để có thể nhận biết sớm thảm họa lũ đất đá xảy ra. Bởi vì như trận lũ đất đá xảy ra tại làng Nủ vừa rồi, người dân phản ánh có nghe thấy tiếng nổ lớn, nhưng gần như ngay lập tức là thảm họa đã xảy ra rồi và người dân không kịp phòng tránh?
GS.TS Đỗ Minh Đức: Đúng như phản ánh, khi diễn ra một hiện tượng sạt lở hay lũ bùn đá quy mô lớn thường kèm theo tiếng nổ. Nhưng chúng ta phải khẳng định với nhau là khi mà đã nghe tiếng nổ thì cơ hội để chúng ta phản ứng kịp thời, cho dù có cũng là rất nhỏ.
Bởi vì tốc độ và quy mô diễn ra hiện tượng như vậy nó diễn ra rất nhanh và tác động lớn, nên khả năng ứng phó một cách kịp thời đối với nhiều người không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng được.
Cho nên chúng ta phải tập trung vào những dấu hiệu khác để chúng ta phát hiện sớm những nguyên nhân, ví dụ như là các khu vực có dấu hiệu về các khe nứt ở trên mái dốc, hay là những khu vực nước chảy đang trong thì chuyển sang đục và những khu vực đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khoanh định là các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét xảy ra.
Rồi những yếu tố khác như các hoạt động xây dựng các công trình nhà cửa, đường sá mới xây dựng, nó cũng góp phần nâng cao khả năng diễn ra sạt lở và lũ quét. Đối với người dân, một trong những dấu hiệu, cảm nhận thì có thể bằng những cái rà soát ngoài hiện trường, bằng các tổ đội xung kích, chúng ta rà soát các mái dốc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết được là mình ở trong khu vực nào trong bản đồ phân vùng nguy cơ và sẵn sàng ứng phó khi có các sự kiện như mưa lớn cực đoan xảy ra.
PV: Cơ quan chức năng địa phương cũng như người dân có thể căn cứ vào đâu để có thể phòng tránh lũ đất đá, nhất là khu vực miền núi?
GS.TS Đỗ Minh Đức: Đặc trưng của sạt lở, lũ bùn đá là nó diễn ra gây tác hại sẽ rất khốc liệt, tuy nhiên, diện tích và phạm vi diễn ra lại không phải là lớn, mà rất cục bộ, thế nên để có thể ứng phó hiệu quả với hiện tượng sạt lở, lũ bùn đá thì chính quyền và người dân trước hết phải tuân thủ và thường xuyên cập nhật những thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết cực đoan của Trung tâm Khí tượng dự báo thủy văn Quốc gia, các Đài khí tượng vùng, Đài khí tượng của tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan.
Thứ hai nữa là chính quyền cơ sở và người dân cần phải tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn trong phòng, chống thiên tai và mỗi người dân và chính quyền cơ sở phải nắm rõ được danh sách, những địa điểm, vị trí nào có nguy cơ cao về sạt lở và lũ quét.
Khi có những bản tin cảnh báo thì chúng ta phải có những kịch bản để ứng phó, mà phải khẳng định là kịch bản này chỉ phát huy hiệu quả khi mà chúng ta có sự diễn tập, tập luyện trước và tất cả các kịch bản hành động như thế nào phải được lên kế hoạch trước và thậm chí cả tập luyện nhiều lần, đảm bảo thành thục khi không may thiên tai thực sự xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thôn Làng Nủ nằm ở vị trí đứt gãy địa chất nguy hiểm
Trận lũ quét vùi lấp Làng Nủ ở Lào Cai thực chất là một trận lũ bùn đá tạo thành do mưa rất lớn tập trung tại một điểm.
Lũ bùn đá này có vận tốc dòng chảy là 20m/giây sẽ cuốn phăng mọi thứ trên đường đi.
Lũ bùn đá do mưa lớn đã gây nên thảm họa Làng Nủ
PGS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã có chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Nhóm nghiên cứu xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá.
Lũ bùn đá là một trong số hàng loạt thiên tai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Lũ bùn đá có cả đất, đá và nước. Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự va chạm rất lớn. Trên đường đi của dòng lũ, bùn lẫn đá dịch chuyển sẽ phá hủy nhà cửa và các công trình nằm trong dòng chảy của nó.
Trận lũ bùn đá vùi lấp Làng Nủ được nhận định do mưa quá lớn kéo dài.
Lũ bùn đá thường có 3 phần. Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy. Phần thứ hai là dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường. Phần tiếp theo là vùng lắng đọng của lũ bùn đá, là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.
Lũ bùn thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại nơi có địa hình dốc (chữ V) và đất bề mặt rời rạc. Các tham số quan trọng để tạo xác định xảy ra một trận lũ bùn đá gồm: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện qua các đặc trưng hình thái lưu vực như diện tích, chiều dài, chiều rộng, độ dốc, mật độ sông, suối, hình dạng lưu vực..
Theo phân tích của PGS Nguyễn Châu Lân, trận lũ sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ có vị trí phát sinh trượt lở là núi Con Voi. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 - 200 m. Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km. Diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha.
Sau khi nhập dữ liệu vào mô hình, PGS Nguyễn Châu Lân nhận được kết quả mô phỏng như sau: chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15 m, nơi sâu nhất khoảng 18 m, vận tốc dòng chảy là 20 m/giây (rất lớn). Thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.
PGS Nguyễn Châu Lân nhận định, tại khu vực xã Bảo Khánh, vào lúc 5 giờ sáng 9/9 đã có mưa rất lớn, đạt mức 57 mm trong 1 giờ. Với cường độ mưa này, tình trạng trượt lở đất đá đã có thể xảy ra từ ngày 9/9. Lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu (phần thứ nhất) từ ngày 9/9. Nhưng ngày 9/9, người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.
Không nên làm nhà khu vực thôn Làng Nủ
PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho biết, vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.
Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, thực tế cho thấy một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ. Qua đó cho thấy, nếu lượng mưa giờ lớn hơn 40 mm, lượng mưa tích lũy trên 200 mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện nay cũng có nhiều công nghệ, phương pháp cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai địa chất nhưng thường có tác dụng tốt ở quy mô hẹp.
Đối với cảnh báo sớm tai biến sạt lở, có thể sử dụng các phương pháp như: Lắp đặt thiết bị quan trắc tự động ghi đo sự dịch chuyển của khối trượt. Khi sự dịch chuyển này vượt quá giới hạn có thể gây thảm họa thì hệ thống sẽ thông báo cho chính quyền và người dân kịp di rời khỏi nơi nguy hiểm.
Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này đó là trên toàn bộ khu vực miền núi Việt Nam tồn tại vô vàn mái dốc, sườn núi có nguy cơ sạt lở, chúng ta không có đủ kinh phí và nhân lực thực hiện công việc này.
Mặt khác, ở nhiều nơi không có sóng điện thoại di động, không có internet, không có hệ thống điện thì công tác truyền tín hiệu về trung tâm phân tích cảnh báo không thể thực hiện được.
Vì vậy, chúng ta có thể đưa ra cảnh báo sớm đơn giản cho bà con, đó là khi quan sát thấy các khe nứt xuất hiện trên đỉnh mái dốc, trong thân mái mà có nước đục chảy ra, cần di dời ngay ra khỏi mái dốc vì mái dốc sắp sụp đổ.
Về cảnh báo sớm tai biến lũ quét, do đặc trưng xảy ra nhanh, bất ngờ, việc cảnh báo sớm lũ quét còn gặp rất nhiều khó khăn, các nghiên cứu KHCN vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Tuy nhiên, cách cảnh báo sớm đơn giản hơn, đó là vào mùa mưa, quan sát mực nước suối đang bình thường tự nhiên mực nước cạn bất thường; hoặc nước suối tự nhiên trở nên đục bất thường thì đó là dấu hiệu lũ quét sắp xảy ra cần di dời ngay.
Hiện nay để cảnh báo tai biến sạt lở, lũ quét và các thiên tai địa chất khác chúng ta vẫn đang sử dụng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai do các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng. Trên các bản đồ này chỉ ra các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai ở các cấp độ khác nhau, tuy nhiên chưa chỉ ra được thời gian khi nào xảy ra.
Giải pháp hiệu quả và kinh tế trong phòng tránh tai biến lũ quét là quy hoạch không gian sống an toàn, không ở những nơi mà dòng chảy hướng thẳng vào khu dân cư (quy hoạch khu dân cư trên bờ cong nhỏ của dòng suối); quy hoạch khu dân cư chỉ ở 1 bên bờ suối (bờ cao thì tốt hơn).
Ở đó, có thể xây dựng công trình bảo vệ bờ, dải đất bên bờ thấp không xây dựng, là quỹ đất dùng để sản xuất canh tác và là không gian thoát lũ nhằm giảm năng lượng dòng lũ khi thiên tai xảy ra.
Quân đội Israel đã đạt đến 'giới hạn' ở Gaza? Dù Israel đã thành công trong việc phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của Hamas và làm suy yếu nhân lực của phong trào này, nhưng việc giải cứu các con tin và mục tiêu dài hạn vẫn còn xa vời. Sự tấn công liên tục của Israel đã làm gia tăng nguy cơ cho dân thường mà không dẫn đến sự...