Lọt vào thung lũng hoang vắng chỉ thấy bò, dê, đếm không xuể
Sau bao năm lăn lộn xứ người, Nguyễn Mạnh Hùng quyết định trở về quê hương – vùng đá trắng Quỳ Hợp (Nghệ An) lập nghiệp. Và sau gần bốn năm gây dựng trang trại chăn nuôi, anh Hùng đã trở thành tỷ phú. Gương sáng lập nghiệp trên quê hương của Nguyễn Mạnh Hùng đáng được học tập, noi theo.
Sinh ra và lớn lên ở xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), năm 2003, Nguyễn Mạnh Hùng đi học Trung cấp điện. Sau ba năm học rèn, có tấm bằng tốt nghiệp trên tay, Hùng vào miền Nam đi làm. Lang thang làm thuê ở TP Hồ Chí Minh được một năm, anh về quê và cùng bạn bè mở xưởng chế biến đá.
Một góc trang trại chăn nuôi của tỷ phú trẻ Nguyễn Mạnh Hùng ở Thung Khẳng.
Do không có vốn liếng để đầu tư chế biến sâu nên làm ăn không có hiệu quả, năm 2009, Hùng bỏ xưởng chế biến đá và đi Israel để học nông nghiệp nông nghệ cao.
Năm 2011 về nước, không xin được việc làm và cũng không tự mình triển khai những công nghệ đã học được ở xứ người vào cuộc sống, nên Hùng lại quyết định đi lao động ở Angola và về nước cuối năm 2015.
Tròn 30 tuổi từ Angola trở về, Hùng có lưng vốn trong tay. Bình thường như bao thanh niên khác, sau khi đi nước ngoài về sẽ toan tính chuyện lấy vợ; rồi đầu cơ đất đai, làm nhà… nhưng Nguyễn Mạnh Hùng lại không nghĩ như vậy.
Qua đi khảo sát các mô hình làm ăn ở vùng đá trắng Quỳ Hợp, Hùng tính toán: Mặc dù, sống ở vùng có nguồn tài nguyên đá trắng quý giá nhưng nếu không đầu tư lớn, chế biến bột đá siêu mịn hay các sản phẩm cao cấp khác để xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế thì không nên làm.
Nhưng muốn làm nhà máy chế biến sâu; rồi thủ tục xin cấp phép, khai khác mỏ, xử lý môi trường…với bao vấn đề đặt ra, cần rất nhiều tiền và không thể một sớm một chiều mà làm được.
Thung Khẳng, bao quanh bởi các mỏ đá trắng khai thác nham nhở và cách quốc lộ 48 gần 10 km. Đường sá ra vào khu vực này khá khó khăn, bởi do xe chở đá nhưng đối với Hùng đây là nơi chăn nuôi lý tưởng vì khu vực này khá biệt lập với chung quanh.
Hùng thuê máy vào san gạt mặt bằng, làm nhà ở và khu vực chăn nuôi; mua máy cày để chở vật liệu vào trại. Những tảng đá lớn từ mỏ đá rơi xuống thung, gây khó khăn cho sản xuất được Hùng vần lại, kéo xếp thành vòng ngăn bảo vệ an toàn cho khu chăn nuôi. Rồi kéo đường điện, đường nước gần 2 km về trang trại.
Ngay những năm đầu tiên, Hùng bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để mua dần đàn bò và dê khoảng 60 con. Bò, dê mua về, Hùng đều tiến hành tiêm phòng cẩn thận, tẩy giun sán đầy đủ. Các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, dê Hùng tìm đọc để làm theo.
Video đang HOT
Hùng cất công đi chọn mua bò ở các trang trại trong vùng, nhất là loại bò gầy để về vỗ béo. Hùng kể, mới vào nghề cũng phải trả học phí khá đắt. Số là, Hùng bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua 4 con bò giống của lái buôn. Do không có kinh nghiệm chọn, nên bốn con bò này được lái buôn “hồ” trông rất đẹp nhưng về trại được mấy hôm đã lăn đùng ra ốm và chết.
Để gây dựng được trang trại chăn nuôi như ngày hôm nay phải nói lên nghị lực, quyết tâm vươn lên của chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Hùng. Tuy đang độc thân, nhưng nhiều đêm, Hùng phải nằm ở trại, bốn bề hoang vắng để chờ đón từng chú bê ra đời; hay những đêm mưa rét bất chợt, phải vùng dậy để căng bạt tránh rét cho lũ me (bê) non…
Từ UBND xã Thọ Hợp, chiếc xe bảy chỗ “bò” hơn một giờ đồng hồ qua những đoạn đường dốc, ổ trâu, nham nhở đá cuội, chui qua các đồi keo xanh mướt, chúng tôi mới vào đến trang trại của Hùng. Nhưng rất tiếc không gặp được Hùng bởi anh đang đi mua vật liệu để mở rộng khu vực chuồng trại.
Bù lại cảnh đàn bò vàng, đàn dê đủng đỉnh gặm cỏ, lẩn khuất dưới tán rừng. Nghe tiếng gọi cho ăn, cả đàn bò, đàn dê hàng trăm con lớn nhỏ, ào từ khắp nơi trong rừng về trang trại, đi thành dòng, trông thật bắt mắt trong ráng chiều nắng nhạt lọt xuống Thung Khẳng.
Anh Nguyễn Văn Tuệ, kỹ thuật của trang trại cho biết: Tuy là giống địa phương nhưng đàn bò đã được “thửa” khá kỹ, hằng năm đều thải loại những con nào giống nhỏ, nuôi lâu lớn. Riêng năm 2019, 11 con bò thải loại, Hùng đã bán được hơn 200 triệu đồng.
Hiện đàn bò có hơn 70 con đều giống to, mắn đẻ; trong số này có hơn 40 con bò sinh sản. Nên nhiều con me (bò con), mới có 6-9 tháng tuổi, đã có giá lên đến 25-30 triệu đồng nhưng không có mà bán. Đàn dê hơn 150 con cũng là giống chuyên leo núi đá nên luôn đắt khách với giá từ 3-4 triệu đồng/con.
Chưa kể đàn lợn thả rông hơn 40 con, đàn bồ câu đậu kín trên nóc dãy chuồng bò, đàn gà chật sân mà theo anh Tuệ là nuôi chơi. Ngoài ra, gần 10 ha keo đang vút cao 5-7m… Chúng tôi nhẩm tính, sơ sơ năm 2019, Hùng thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ trang trại này.
Trở ra phố núi Quỳ Hợp, may mắn được gặp Hùng. Nhìn Hùng khá trẻ so với độ tuổi 35; dáng người cao, ánh mắt thông minh, nói năng hoạt bát, dễ gần. Qua trao đổi, được biết, ngoài việc tiếp tục phát triển đàn bò, đàn dê, Hùng đang liên hệ với một Viện chăn nuôi Hà Nội để mua giống lợn rừng để gây đàn và cung cấp giống cho người dân trong vùng.
Đồng thời, anh nâng cao chất lượng đàn bò bằng việc lai tạo, sin hóa đàn bò…Điều mong muốn của Hùng lúc này là tiếp tục được vay vốn ngân hàng để phát triển trạng trại và phối hợp với các trang trại khác, doanh nghiệp khai thác mỏ nâng cấp đường vào khu vực này cho đi lại thuận lợi nhất là mùa mưa.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp Ngân Thị Hồng cho biết, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể địa phương rất quan tâm đến việc xóa nghèo bền vững, nhất là phát triển các mô hình kinh tế. Huyện Quỳ Hợp tập trung hỗ trợ các mặt như giải quyết các thủ tục, kết nối các nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khác…
“Riêng các kiến nghị, mong muốn của Hùng sẽ được chuyển đến lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và các đơn vị liên quan một cách sớm nhất. Mô hình phát triển kinh tế trang trại của tỷ phú trẻ Nguyễn Mạnh Hùng sớm được nêu gương, nhân rộng…”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp Ngân Thị Hồng cho biết thêm.
Thành Châu
Giá gia cầm hôm nay 7/4: Gà vịt từ chuồng ra chợ "vênh" 40.000 đ/kg
Giá gia cầm hôm nay 7/4 vẫn ở mức thấp, nhưng từ trang trại chăn nuôi đến khi gà vịt ra chợ, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao. Đơn cử như vịt thịt, thương lái thu mua tại trại từ 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng khi ra đến chợ dân sinh, giá vịt thịt lên tới 65.000 - 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Giá gia cầm hôm nay tại các chợ dân sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao.
Người chăn nuôi thua lỗ nặng vì giá gia cầm liên tục giảm
Hôm nay, gia đình ông Phạm Trọng An ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) vừa xuất bán gần 1.000 con vịt bơ (vịt super) với giá 25.000 đồng/kg, tính ra vợ chồng ông chịu thua lỗ trên 20 triệu đồng.
Theo tính toán của ông An, với giá giống 8.000 đồng/con, 1.000 con = 8 triệu đồng; lượng thức ăn tiêu tốn tương đương khoảng 300 bao cám x 240.000 đồng/bao (tùy loại cám)= 72 triệu đồng; tiền thuốc và các khoản phát sinh khoảng 10 triệu đồng; trừ mức hao hụt 5 - 10%.
Khi bán đàn vịt còn khoảng trên dưới 900 con x 3,1kg/con (tính trung bình) = 2,8 tấn x 25.000 đồng/kg = 70 triệu đồng. Như vậy, lứa vịt này gia đình ông An chịu lỗ khoảng trên 20 triệu đồng. Đó là chưa tính chi phí công chăm sóc.
"Với giá gà, vịt như hiện tại thì người nuôi càng nhiều, càng thua lỗ nặng. Ở quê tôi có hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường", ông An khẳng định.
Bà Phạm Thị Thanh, một lái buôn ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cho hay: Đang trong những ngày cách ly toàn xã hội để phòng đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ gà, vịt rất khó khăn nên các thương lái cũng thu mua ít, nhỏ giọt hơn.
"Nhưng hộ nuôi được gà, vịt đẹp còn bán được, còn các hộ có hàng xấu, non, còi rất khó bán, thậm chí có gia đình còn không bán được, gà, vịt đầy chuồng", bà Thanh nói.
Với giá vịt thịt hôm nay vẫn ở mức thấp, khoảng 25.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Rà soát, giảm bớt khâu trung gian
Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá vịt thịt hôm nay tại các trại được lái buôn thu mua ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán tại chợ đầu mối đang được các tiểu thương cung cấp cho khách hàng (các quán ăn, hàng mổ nhỏ, lẻ) với giá trên dưới 30.000 đồng/kg.
Mặc dù giá bán tại chuồng rất rẻ mạt, nhưng thực tế tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai..., người tiêu dùng vẫn phải mua vịt thịt mổ sẵn với giá trên dưới 70.000 đồng/kg.
"Xem thông tin trên đài, báo nói giá gia cầm giảm sâu, người nuôi chịu thua lỗ nặng vì ế ẩm, nhưng thực tế hàng ngày chúng tôi đi chợ thấy giá không thay đổi nhiều so với trước Tết Nguyên đán, khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg gà ta thả vườn; 65.000 đồng đến trên 70.000 đồng/kg vịt thịt mổ sẵn", bà Trương Thị Phương ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Dương, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi ở khu vực miền Trung cho biết, nhiều năm nay, không chỉ mặt hàng gia cầm, thủy cầm mà thịt lợn của Việt Nam cũng đều đang phụ thuộc nhiều vào các thương lái, khâu trung gian.
"Do sản phẩm phải vượt qua nhiều cầu, cứ qua một khâu trung gian, giá sản phẩm lại được các lái buôn tùy ý nâng lên cao để hưởng lợi", ông Dương nói.
Để giảm chi phí cho các khâu trung gian, ông Dương cho rằng: Nhà nước cần sớm có định hướng rõ và lập quy hoạch chăn nuôi cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi liên kết với các doanh ngiệp, HTX để chăn nuôi theo chuỗi giá trị mới hạn chế đươc rủi ro và có đầu ra ổn định.
"Nếu chúng ta cứ mãi duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thì người chăn nuôi và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi nhiều và ngành chăn nuôi cũng sẽ khó phát triển bền vững", ông Dương khuyến cáo.
Theo ông Dương, trước mắt để giảm bớt khâu trung gian trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, các bộ ngành liên quan cần vào cuộc rà soát toàn bộ khâu này, từ đó có chính sách, biện pháp điều chỉnh kịp thời, hợp lý hơn, may ra mới giúp người chăn nuôi được hưởng lợi.
Hải Đăng
Dân huyện miền núi Nghệ An dậy từ mờ sáng nấu xôi gửi tặng khu cách ly Nhiều người dân ở huyện miền núi Nghệ An dậy từ 3h sáng góp gạo nếp, nấu xôi gửi tặng những người đang cách ly và các chiến sỹ làm nhiệm vụ. Từ mờ sáng, nhiều người dân ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) cùng nhau nấu xôi làm quà sáng cho gần 200 người đang cách ly và các chiến...