Lớp học ôm
20 sinh viên, cả nam và nữ… được giảng viên trấn an, thả lỏng cơ thể, gạt bỏ mọi bối rối và dành cho nhau những cái ôm. Lớp học nghệ thuật ứng dụng như vậy đã thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn học cách kết nối xúc cảm để sống cân bằng.
Sáng ngày 12/8 trên nền nhạc du dương, các bạn sinh viên của Đại học FPT được giảng viên hướng dẫn tham gia một bài tập nhỏ: tĩnh tâm, di chuyển vòng tròn, nhìn sâu vào mắt nhau để nắm bắt cảm xúc. Qua vài phút tò mò ban đầu, các chàng trai, cô gái dường như bị cuốn vào một bầu không khí lạ, nơi mỗi ánh mắt, nụ cười đều không còn xa cách, ngượng ngùng mà tràn đầy sự cảm thông, chia sẻ, họ bắt đầu trao nhau những cái ôm siết chặt và ấm áp.
“Nối” – Lớp học khuyến khích học viên “ôm” để trải nghiệm cảm xúc của chính mình.
Đó là những hình ảnh tại “Nối” – một lớp học đặc biệt của Đại học FPT, giúp học viên khám phá bản thân, kết nối xúc cảm của chính mình với thế giới xung quanh, học cách chấp nhận cuộc sống một cách đơn giản như nó vốn có. Không ồn ào bằng lời nói hay hành động, việc kết nối trong lớp học này chỉ thông qua ánh mắt, bàn tay, lắng nghe nhịp thở của người đối diện để hiểu xúc cảm. Chính điều đó đã làm sống dậy khả năng cảm nhận tinh tế đang “ngủ quên” trong cuộc sống vội vã của nhiều người trẻ.
“Dường như không cần lời nói em vẫn có thể cảm nhận được phần nào suy nghĩ và tình cảm của những người bạn mới. Có những bàn tay lạnh, có những bàn tay ấm nóng, có những ánh mắt chan chứa, có những ánh mắt dè dặt, có những nhịp đập kỳ lạ khi chúng em trao nhau vòng ôm, chúng em bỏ qua sự e dè và mở lòng mình hơn, dường như mỗi người đều có những điều cần chia sẻ, chỉ là đôi khi ta không để ý”, Lê Quang Dũng, sinh viên năm 2 chia sẻ.
Video đang HOT
Dùng nghệ thuật ứng dụng để giáo dục và phát triển cá nhân không phải là điều mới ở ngôi trường công nghệ này. Những lớp học lạ như “Nối”, “Nghịch”, “Buông” hay Kịch câm vẫn đang thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn khám phá những nét sâu kín trong tâm hồn mình, cảm nhận rõ về cơ thể và cảm xúc để làm chủ nó, hoặc đơn giản học cách chấp nhận để cuộc sống cân bằng hơn. Những lớp học này đã thu hút hơn 500 người tham gia, sinh viên không phải đóng lệ phí khi đến đây.
Khóa học giúp các bạn trẻ khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh.
Một trong những lớp nghệ thuật ứng dụng vào học đường đầu tiên tại Đại học FPT là Kịch câm. Đến nay, 6 khóa kịch câm đã được trường tổ chức đều đặn mỗi năm, với khoảng 200 sinh viên đã theo học (3 khóa cơ bản kèm theo 3 khóa nâng cao). Tại những lớp học này, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm.
Theo cô Nguyễn Hồng Nga, trưởng phòng Phát triển cá nhân PDP của Đại học FPT, những bài tập này đặc biệt hữu ích với việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình của sinh viên. Bởi yêu cầu công việc hiện nay đòi hỏi các bạn trẻ có khả năng thuyết trình trước đám đông nhưng điều đó không chỉ cần thể hiện bằng ngôn từ. Sức hút xuất phát từ chính sự biểu cảm, từ gương mặt, cử chỉ bàn tay đến dáng đứng… của người nói. “Chỉ khi hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể, các bạn mới có thể tự tin, dùng hành động sao cho đúng để bài thuyết trình hiệu quả và hấp dẫn hơn”, cô nói.
Không chỉ giúp sinh viên khám phá bản thân và phát triển kỹ năng mềm, tại các lớp học của Chương trình Phát triển cá nhân PDP, các bạn trẻ còn được học cách cân bằng tâm hồn để sống vui vẻ, lạc quan hơn – điều rất quan trọng trong cuộc sống căng thẳng hiện nay. Như trong một lớp học về nghệ thuật ứng dụng có tên “Buông”, sinh viên được hướng dẫn cách thả lỏng, thư giãn cơ thể, truyền đạt và cảm nhận suy nghĩ bằng chuyển động cơ thể.
Tại lớp học kịch câm, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm.
“Vứt bỏ những thứ buồn bã, nếu không thể vứt bỏ đi được, hãy tìm một điều gì đó vui vẻ để giúp mình quên đi nó, em đã nghĩ đó là những điều mình sẽ học được ở ‘Buông’. Nhưng không hẳn vậy, điều lớp học này dạy em không phải là gạt đi nỗi buồn trong cuộc sống mà là đối mặt với nỗi buồn và khó khăn bằng tâm thế điềm đạm, tĩnh lặng và lạc quan. Những điều đó, thầy không nói ra, tất cả được truyền tải bằng thông điệp qua những bài tập trên lớp. Nước mắt đã rơi, và chúng em ngẫm ra nhiều điều…”, Trịnh Quốc Thăng, sinh viên K8, nói.
Giảng viên của lớp học, thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm, chuyên gia Nghệ thuật ứng dụng và kịch ứng tác, phân tích các bạn trẻ hiện nay thường có nhu cầu được chia sẻ, được kết nối với nhau, cũng như có những khát khao, mơ ước rất mạnh mẽ được thể hiện bản thân. Họ thích được ôm, được yêu, được quan tâm, được bày tỏ những cảm xúc, cá tính của họ. Nhưng ngoài đời thực, họ lại bị nhiều rào cản, định kiến ngăn lại. “Những bài học nghệ thuật này giúp các bạn trẻ tôn trọng bản thân, khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh”, thầy nhấn mạnh.
Thừa nhận học những bộ môn này không đơn giản, nhất là khi sinh viên phải theo nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật như học cách im lặng, nhập tâm…, song thầy Bảo Khiêm cho rằng khi đã theo học, các bạn trẻ sẽ bị cuốn hút. Bởi nó không chỉ mang đến sinh viên thêm kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp giới trẻ tự tin trong giao tiếp, khám phá sâu con người mình và sáng tạo hơn. Đó cũng là mục tiêu quan trọng mà Chương trình phát triển cá nhân của ngôi trường này hướng đến.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Không để học phí tăng đồng loạt
Thời điểm kết thúc năm học 2012-2013 cũng là lúc các cơ sở đào tạo đồng loạt tung ra dự kiến mức học phí mới tăng theo lộ trình được cho phép. Lo ngại việc tăng học phí tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa yêu cầu cơ sở giáo dục công lập giãn điều chỉnh học phí và không được ép buộc đóng học phí cả học kỳ, cả năm.
Học sinh, sinh viên không phải nộp gộp học phí cả học kỳ hay cả năm
Chóng mặt vì tiền học
Theo mức học phí mới công bố, với khối ngoài công lập, việc thu đủ bù chi khiến học phí được đặt ra với mức chóng mặt. ĐH Hoa Sen đưa ra mức thu hệ ĐH theo chương trình tiếng Việt là 3,5-3,8 triệu đồng/tháng. Chương trình hợp tác quốc tế cao nhất là Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế: 5,7 - 5,8 triệu đồng/tháng. Hệ CĐ học phí từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, nhiều trường tăng đáng kể so với năm trước. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tăng khoảng 2 triệu đồng ở bậc ĐH, nâng mức học phí của trường lên 16,4 triệu đồng/năm. Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng tăng lên 2 triệu đồng, học phí sẽ là 17,9 triệu đồng/năm (bậc ĐH) và 16,7 triệu đồng/năm (bậc CĐ). Tuy nhiên mức thu cao nhất phải kể đến ĐH Anh quốc Việt Nam từ 170 triệu đến 220 triệu đồng/năm. Mức học phí tại Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam khoảng trên 169 triệu đồng/năm (bậc CĐ) và từ 169 đến 182 triệu đồng/năm (bậc ĐH). Trường ĐH FPT 23 triệu đồng/học kỳ (toàn bộ chương trình ĐH 9 học kỳ). Trường ĐH Tân Tạo có mức học phí 62,8 triệu đồng/năm.
Cũng theo thông báo mức học phí năm 2013 - 2014 của các trường, những khối ngành có mức học phí cao tập trung vào ngành Y - Dược. Trường ĐH Tây Đô thông báo mức học phí đối với ngành dược là 18 triệu đồng/học kỳ, ngành điều dưỡng là 10 triệu đồng/học kỳ. Trong khi các ngành khác học phí một học kỳ trung bình từ 5 - 6,5 triệu đồng. Ở hệ CĐ, ngành dược của Trường ĐH Tây Đô thu 11 triệu đồng/học kỳ và 7,5 triệu đồng/học kỳ với ngành điều dưỡng. Các ngành học khác dao động từ 4,5 - 6 triệu đồng/học kỳ. Trường ĐH Thành Tây thông báo ngành điều dưỡng thu 1,4 triệu đồng/tháng so với 750.000 đồng/tháng đối với các ngành khác.
Tuy nhiên thực tế khi vào năm học, ngoài khoản học phí, sinh viên sẽ phải gánh thêm nhiều khoản tiền đang kể khác như tiền học tiếng Anh hơn 8 triệu đồng/cấp độ với trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hay 9 triệu đồng/cấp độ với ĐH FPT. Mức học phí tiếng Anh dự bị ĐH tại Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam trên 37 triệu đồng/cấp độ. Bên cạnh đó là các khoản hỗ trợ kinh phí đào tạo, tiền cơ sở vật chất, xây dựng trường, tiền giáo trình, chăm sóc sức khỏe... đều gõ vào túi tiền của các gia đình có con đi học.
Sẽ thu hàng tháng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga công nhận, học phí chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính chỉ số giá tiêu dùng, nên việc tăng học phí tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, nhất là vào tháng 9 hàng năm, khi các địa phương và các cơ sở đào tạo thực hiện tăng mức học phí vào dịp năm học mới.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc đưa ra mức học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo được căn cứ vào trần học phí từng năm học, đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên từng trường. Mức thu học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Với các cơ sở ngoài công lập, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hội đồng quản trị các trường này tự quyết định nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng của trường.
Tuy nhiên, năm học này, "để góp phần thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6,0-6,5%, Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý. Mức học phí phải phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Học phí được thu định kỳ hàng tháng, các trường không được ép buộc học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học, nhất là vào đầu năm học mới" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp và có ý kiến với các Bộ chủ quản và các cơ sở đào tạo để quyết định việc điều chỉnh học phí nhằm đảm bảo không để nhiều tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo cùng tăng học phí vào một thời điểm, nhất là vào đầu năm học mới 2013-2014.
Theo ANTD
Kêu gọi ngừng làm ô nhiễm sông hồ Kỷ niệm Ngày Trái đất năm 2013 tổ chức hàng năm vào ngày 22-4, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Đại học FPT, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam đồng tài trợ sự kiện với chủ đề hãy dừng ngay các hoạt động làm...