Lòng tin về ổn định kinh tế vẫn còn khá mờ nhạt
Dù bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều khả quan, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi vẫn không khỏi lo lắng bởi vẫn còn “những khoảng trống giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế”.
Thưa ông, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của nền kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Nhiều ý kiến đánh giá đây là tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế, vượt qua cả sự mong đợi của các cơ quan dự báo trong nước, thậm chí cả của hầu hết các tổ chức quốc tế. Ông đánh giá thế nào về một thành tích này?
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt Nam (Thái Lan) (KCN Nội Bài, Hà Nội). Ảnh: Đ.D
- Đúng là mức tăng GDP của 9 tháng đầu năm nay không chỉ là một tín hiệu tích cực mà còn là một trải nghiệm đáng quan tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hẳn nhiên mức tăng trưởng này thể hiện một sự khả quan của một quá trình phát triển, nhưng thiết nghĩ không nên vội vã cho rằng đây là một thành tích cao nhờ vào nội lực chúng ta. Tại sao? Tại vì doanh thu xuất khẩu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã lên đến 70% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, nghiền ngẫm con số 70% này để nhanh chóng giải quyết cái bẫy thu nhập trung bình đã và đang chắn ngang ở đâu đó mà chúng ta cần phải sớm vượt qua.
Như vậy, tình hình kinh tế có thật sự “khả quan”,”khởi sắc” hay không còn có độ vênh lớn trong các nhận định. Theo ý kiến đánh giá của ông, liệu có điểm gì còn “vênh” giữa những số liệu”đẹp” ngược với thực tế hay không?
-Những cái khả quan và khởi sắc thật sự có hay không thì không quá khó để thấy là có. Đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Nhưng đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, tôi chưa thấy rõ nét khởi sắc trong kế hoạch đầu tư và chuyển đổi công nghệ. Với sự đồng thuận tương đối khá cao từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, cùng với các tờ báo kinh tế tài chính uy tín như Bloomberg và Wall Street Journal thì tôi mong là những con số vênh – đẹp mà nhiều người đang băn khoăn, nếu có thì cũng chỉ là một sai số nhỏ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê nhận định thì sản xuất phục hồi, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu cũng được cải thiện đáng kể nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô do lạm phát ở mức thấp. Nếu đánh giá một cách cụ thể hơn thì những tác động tích cực được thể hiện ra sao trên bức tranh chung của đời sống xã hội?
-Để đánh giá cụ thể những tác động tích cực trên bức tranh chung của đời sống xã hội, quả thật là rất khó. Tuy vậy, trong những lần quan sát và tiếp cận với một số doanh nghiệp và người tiêu dùng ở một số địa phương, tôi thấy và cảm nhận lòng tin của cả hai giới về ổn định kinh tế vẫn còn mờ nhạt. Nói một cách khác, phần tích cực là họ vẫn tiếp tục kinh doanh, lao động nhưng phần lớn họ vẫn còn nghi ngờ và băn khoăn về những quy định, quy chế còn nhiều bất cập của cấp chính quyền.
Ngoài ra, cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay lệ thuộc khá nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kế tiếp là các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng. Vấn đề chính là các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay và trong những năm phía trước có đem lại hiệu quả cho nền kinh tế và nâng cao đời sống cho đại đa số người dân trong xã hội hay không thì phải làm rõ?
Video đang HOT
Liên quan đến hai yếu tố tăng trưởng và lạm phát câu hỏi về việc vì sao lạm phát thấp mà tăng trưởng kinh tế vẫn khá cao đã được không ít chuyên gia kinh tế đặt ra. Ông có thể đưa ra một số lý giải của cá nhân ông?
-Đây cũng là vấn đề mà các nhà kinh tế và người làm chính sách thường có quan điểm khác nhau và tranh luận. Thoạt nhìn thì hệ số giảm phát giữa CPI và GDP được đo lường với những yếu tố gần giống nhau nhưng thật ra có những điểm rất khác nhau.
Chẳng hạn như hệ số giảm phát của GDP thường chỉ bao gồm các hàng hóa nội địa mà không bao gồm tất cả hàng hóa nhập khẩu; đồng thời đo lường các giá cả của tất cả các hàng hóa và dịch vụ nhưng CPI chỉ đo lường các hàng hóa được người tiêu dùng mua. Bên cạnh đó, không hẳn luôn có tỷ lệ thuận hoặc tỷ lệ nghịch giữa CPI và GDP để nhất thiết cho rằng chỉ số tiêu dùng thấp thì tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng phải thấp.
Hơn nữa, yếu tố cộng hưởng đầu tư và xuất khẩu của lĩnh vực FDI trong 9 tháng qua đã góp phần rất lớn trong chỉ số phát triển sản xuất và cũng lý giải được một phần của sự tăng trưởng này.
Kinh tế thế giới còn đang nhiều bất ổn, chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, theo ông là những thách thức, khó khăn gì trong thời gian từ nay đến hết 2015 và những tháng đầu năm 2016?
-Những yếu tố bất ổn trong kinh tế, cũng như chính trị và tùy mức độ, lúc nào và nơi nào cũng có và luôn là thách thức cho giới làm chính sách và điều hành.
Với Việt Nam, tôi cho rằng, trước tiên là chính sách về điều hành tiền tệ và kế tiếp là chính sách tài khóa vẫn sẽ là hai thách thức lớn và quan trọng trong những tháng còn lại của 2015 và suốt năm 2016.
Tại sao? Đang khi chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng vẫn còn đang tìm những giải pháp khả dĩ để hạ lãi suất hòng thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng; Bộ Tài chính đã vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và tuyên bố sẽ hoàn trả lại vào cuối năm nay 2015. Điều này cho thấy vẫn có những khoảng trống giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy mức tăng trưởng nền kinh tế. Đây là vấn đề thật đáng quan ngại.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Trọng Nhi là một chuyên gia về tài chính và kinh doanh cao cấp trong lĩnh vực ngân hàng. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông đã cố vấn và làm việc cho nhiều tổ chức tài chính lớn, bao gồm Ngân hàng Mỹ tại San Francisco, Credit Lyonnais Securities Asia, Deutsche Morgan Grenfell tại Vietnam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Credit Agricole, Ngân hàng Pháp và Hà Lan.
Theo NTD
Doanh nghiệp bất động sản đua nhau thành lập mới
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đã tăng tới 78,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Cục Quản lý kinh doanh vừa có báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2015. Theo đó, trong tháng 9/2015, số doanh nghiệp được thành lập mới là 7.042 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 44.513 tỷ đồng, giảm 24,3% về số doanh nghiệp và giảm 19,3% về số vốn đăng ký so với tháng 8 năm 2015.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 9 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 là 125.926 lao động, giảm 3,04% so với tháng trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong tháng 9 của cả nước là 672 doanh nghiệp, giảm 19,4% so với tháng 8 năm 2015. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 9 là 9.439 doanh nghiệp, tăng 24,3% so với tháng trước
Trong đó, có 1.443 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 7.996 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Số doanh nghiệp trước ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong tháng 9 trên cả nước là 1.515 doanh nghiệp, tăng 11,5% so với tháng 8 năm 2015.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2015, cả nước có 68.347 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 420.932 tỷ đồng, tăng 28,5% về số doanh nghiệp và tăng 31,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước (So sánh 2014/2013: doanh nghiệp giảm 8,7%; vốn tăng 13,9%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2015 là 1.029.869 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 420.932 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 608.937 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2015 là 999.253 lao động, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo Quý cho thấy trong Quý III/2015 cả nước có 22.941 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.537 tỷ đồng, giảm 13,0% về số doanh nghiệp và giảm 19,1% về số vốn đăng ký so với Quý II/2015 (do trong Quý III/2015 có tháng 7 âm lịch nên trong tháng này số doanh nghiệp đăng ký thành lập thường ít hơn so với các tháng khác); so với Quý I/2015, tăng 20,4% về số doanh nghiệp và tăng 24,6% về số vốn đăng ký; so với cùng kỳ năm trước, tăng 44,5% về số doanh nghiệp và tăng 54,9% về số vốn đăng ký.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Xét về tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ở tất cả các ngành so với cùng kỳ năm 2014, một số ngành có tỷ lệ tăng cao.
Cụ thể, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 95,3%; kinh doanh bất động sản tăng 78,7%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 55,3%; vận tải kho bãi tăng 52,3%; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 38,0%; xây dựng tăng 36,6%; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác tăng 33,7%...
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, xét theo theo vùng lãnh thổ, tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng cho thấy những diễn biến đáng chú ý. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, so với cùng kỳ năm 2014, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2015 chia theo vùng lãnh thổ cho thấy duy nhất khu vực Tây Nguyên là có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm.
Ở chiều ngược lại, các khu vực khác đều có tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng, bao gồm các khu vực là Đồng bằng Sông Hồng tăng 33,5%; tiếp đến là Đông Nam Bộ tăng 31,3%; khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 26,1%; khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tăng 25,7% và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 20,5%.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam
El Nino có thể làm giá gạo toàn cầu tăng mạnh Thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino và lượng gạo tồn kho giảm có thể sẽ đẩy giá gạo tăng cao trong những tháng sắp tới, đảo ngược xu hướng giảm liên tục trong mấy năm qua - tờ Wall Street Journal cho hay. Một người nông dân Indonesia đang cấy lúa - Ảnh: Bloomberg/WSJ. Giá gạo đã đạt đỉnh vào...