Long An: Hàng trăm người dân có nguyện vọng về quê
Thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã có 2 công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố miền Tây hỗ trợ, đón người dân đang có nguyện vọng về địa phương để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, chỉ một vài địa phương đã tổ chức xe đón công dân về quê; còn lại phần lớn, các địa phương chưa phối hợp thực hiện. Điều này gây khó khăn rất lớn cho tỉnh Long An.
Mong muốn sớm được về quê đoàn tụ gia đình
Người dân Đồng Tháp vui mừng khi được được chính quyền tỉnh đón về quê.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 30/9, tỉnh Đồng Tháp tổ chức đón đợt 2, với 104 người dân về địa phương, nâng tổng số người được đón về quê đến nay là 255 người.
Trong niềm phấn khởi, anh Nguyễn Tấn Tài, quê thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, anh đã nghỉ việc từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện anh không còn tiền để trả tiền nhà trọ, chi tiêu ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Dù biết tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, trở lại bình thường nhưng anh không thể “trụ” lại được. Anh Tài quyết định về quê, nhưng đến trạm kiểm soát tại huyện Tân Thạnh, anh được đưa vào khu vực cách ly để chờ tỉnh Đồng Tháp tổ chức đón. Trong thời gian chờ đợi 4-5 ngày nay, anh và những người cùng về quê được chăm sóc chu đáo về nơi ăn, chốn nghỉ.
Trong khi đó, 114 công dân của tỉnh An Giang; 11 người ở Sóc Trăng; Bạc Liêu, Vĩnh Long mỗi tỉnh 5 người và Kiên Giang, Cần Thơ mỗi địa phương 3 người vẫn chưa được đón về. Điều này gây bức xúc cho người dân cũng như khó khăn của huyện Tân Thạnh trong việc kiểm soát.
Chị Nguyễn Thị Quyên, quê xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nghẹn ngào cho hay, chị đến Long An làm công nhân tại huyện Đức Hòa nhưng đã thất nghiệp cách đây 3 tháng. Nay chị cũng sắp đến ngày sinh nên tranh thủ về quê để có người thân chăm sóc. Tuy nhiên đã nhiều ngày nay, chị phải ở lại khu cách ly của huyện Tân Thạnh để trông chờ được trở về. Chị Quyên rất mong chính quyền tỉnh An Giang sớm giải quyết để kịp về quê đón em bé chào đời.
Video đang HOT
Còn anh Nguyễn Thế Dương, quê Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, những ngày qua, huyện Tân Thạnh chăm lo đầy đủ bữa ăn cho người dân bị “mắc kẹt”. Thế nhưng, người dân mong muốn được về quê.
Lực lượng Công an huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đưa thêm đoàn công dân tỉnh An Giang vào khu cách ly.
Tận mắt chứng kiến người dân đang tạm trú tại Trường Trung học Phổ thông Tân Thạnh mới thấu hiểu được khát khao, ước ao được về quê sớm của họ. Mấy tháng qua, dịch bệnh bủa vây làm họ mất việc làm, thu nhập, cuộc sống rất vất vả. Không cầm cự được nơi xứ người, người dân đành chấp nhận nguy hiểm, chạy xe hàng trăm km để về quê.
Hiện nay, huyện Tân Thạnh đang hỗ trợ trên 140 người mắc kẹt khi các địa phương chưa tổ chức đón về. Tại đây, huyện cử gần 20 cán bộ, chiến sĩ và 2 nhân viên y tế chăm lo ăn uống, nghỉ ngơi và sức khỏe cho người dân. Bình quân, huyện xuất kinh phí gần 15 triệu đồng/ngày lo ăn uống cho những người dân này. Dù nguồn ngân sách địa phương có hạn, nhưng huyện Tân Thạnh luôn nỗ lực chăm lo cho người dân đến khi các ngành chức năng địa phương bạn đến đón, đưa người dân về.
Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, khó khăn lớn nhất là số lượng người dân rất đông. Hiện huyện sử dụng khu cách ly nhà đa năng và khu ký túc xá trường cấp 3. Tuy nhiên, dự kiến ngày 16/10 tới, học sinh sẽ tập trung học nên huyện buộc phải trả lại không gian trong thời gian sớm nhất để khử khuẩn, sát trùng. Vì vậy, huyện không còn nơi bố trí cách ly tập trung cho người dân. Ông Lê Thanh Đông mong UBND các tỉnh, thành phố có công dân đang ở huyện Tân Thạnh sớm phối hợp với UBND tỉnh Long An và huyện Tân Thạnh giải quyết cho bà con đang bị kẹt tại đây.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phối hợp đón công dân
Các bà mẹ mang thai quê An Giang đang mong chờ chính quyền tỉnh đón về quê.
Chiều 30/9, UBND tỉnh Long An có công văn lần 3 gửi các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ về việc phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu trở về địa phương.
Trong 2 ngày qua, tỉnh ghi nhận 1.274 trường hợp là người dân thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Gia Lai và thành phố Cần Thơ đã tự di chuyển từ các huyện trong tỉnh; từ các địa phương qua địa bàn Long An để trở về quê nhưng chưa được sự cho phép di chuyển của các địa phương lân cận tỉnh Long An.
Số công nhân, người lao động gây đang ùn ứ trên Quốc lộ N2 xã Hưu Thạnh, huyện Đức Hòa. Lãnh đạo UBND tỉnh Long An và lãnh đạo các sở, ngành cùng UBND huyện Đức Hòa đã vận động người dân quay lại nơi tạm trú. Hiện có một số người dân quay lại nhà trọ, một số tập trung vào các khu trường học của huyện Đức Hòa được lo ăn, nghỉ tạm thời. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân mong muốn được trở về địa phương, những người này đã được tiêm vaccine và được các lực lượng chức năng của tỉnh Long An quản lý, chăm sóc sức khỏe và thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.
UBND tỉnh Long An đề nghị UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh trên quan tâm và phân công đơn vị đầu mối để phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện đón người dân trở về địa phương, trong thời gian dự kiến từ ngày 1-5/10/2021.
UBND tỉnh Long An cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có chỉ đạo chung đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực trong việc phối hợp tổ chức đưa, đón người dân trở về địa phương đảm bảo kịp thời và an toàn. Đối với người lao động đang sinh sống, làm việc trên địa bàn, tỉnh cam kết sẽ bố trí phương tiện đưa người dân trở về địa phương nếu các tỉnh, thành phố đồng ý tiếp nhận. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ tỉnh Long An xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn. Qua đó, góp phần ngăn ngừa các trường hợp tương tự trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An (được gọi là “Khu vực”). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra, vào “Khu vực”. Việc đưa đón người ra, vào “Khu vực” phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong ” Khu vực” và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài “Khu vực”. Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong “Khu vực” tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê; phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong “Khu vực” để khôi phục sản xuất kinh doanh…
Long An: Người dân ồ ạt về quê gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trong những ngày qua, tỉnh Long An và một số địa phương khác của các tỉnh miền Tây áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng ngàn người từ các địa bàn trong huyện của Long An và Thành phố Hồ Chí Minh kéo nhau về quê theo tuyến đường N2, Quốc lộ 62 để về các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang.
Điều này vừa gây khó trong việc di chuyển của người dân, vừa gây khó cho chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
Người dân các tỉnh miền Tây chờ "thông chốt" về quê tại chốt N2, thuộc địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 23/9, tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 62, thuộc địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, hàng chục người từ lớn đến trẻ em, kể cả phụ nữ mang bầu đều buộc dừng lại, không được qua trạm kiểm soát.
Chị Trần Thị Hằng quê ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho hay, nhiều năm nay, chị rời quê đến huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để làm công nhân. Hơn 3 tháng nay, vợ chồng chị thất nghiệp và không có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày, trả tiền thuê trọ. Vợ chồng chị Hằng còn chật vật hơn khi phải nuôi dưỡng, chăm sóc 2 đứa con nhỏ mới 6 tháng và 7 tuổi. Sáng nay 2 vợ chồng chị cùng 2 con trở về Đồng Tháp.
Còn anh Nguyên Hữu Long, ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, anh đến huyện Đức Hòa làm công nhân hơn 1 năm thì dịch bệnh bùng phát, dẫn đến mất việc làm hơn 2 tháng. Giờ đây trong túi của anh không còn được 200.000 đồng nên phải quyết định chạy xe về quê.
Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết, địa bàn huyện giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang với khoảng 40 km. Hiện nay, huyện đặt 3 chốt kiểm soát tại tuyến đường tỉnh 829, thuộc xã Tân Hòa, giáp xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang); chốt N2 giáp xã Mỹ An của huyện Tháp Mười và chốt đường tỉnh 837, tại xã Tân Thành, giáp xã Trường Xuân của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Hai ngày qua, tại các chốt có trên 2.000 phương tiện cá nhân của những người dân thuộc các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An và đa phần là người dân của tỉnh các tỉnh miền Tây về quê.
Gia đình chị Trần Thị Hằng, quê tỉnh Đồng Tháp mong chờ "thông chốt" để trở về quê. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN
Hiện phía tỉnh Đồng Tháp không cho người dân "thông chốt", dẫn đến ùn ứ trên địa bàn huyện rất đông. Những người về quê này, có người đã tiêm một mũi vaccine, có người tiêm 2 mũi và cũng có người chưa tiêm vaccine. Qua kiểm tra tại các chốt, lực lượng làm nhiệm vụ của huyện đã phát hiện 5 trường hợp có chỉ số CT rất thấp và nguy cơ bị bệnh rất cao.
Từ thực trạng trên, UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh Long An, Sở Giao thông, Công an để có hướng xử lý. Trước mắt, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo việc ăn uống, nơi nghỉ cho người dân; đồng thời, xin ý kiến UBND tỉnh đưa vào cách ly tạm thời đối với người dân về quê này. Bên cạnh đó, UBND huyện Tân Thạnh đàm phán với các huyện, thuộc các tỉnh khác đang có công dân tại các chốt để tiếp nhận, đưa về.
"Riêng đối với những người dân thuộc địa bàn Tân Thạnh, huyện sẽ đưa vào khu cách ly, sàng lọc. Sau đó, khoảng 3-4 ngày xét nghiệm PCR, nếu kết quả âm tính, huyện giao về cho cộng đồng cách ly, theo dõi khoảng 14 ngày; đồng thời, những người dân này nếu chưa tiêm vaccine, huyện lên kế hoạch tiêm, kể cả mũi 1 và mũi 2", ông Lê Thanh Đông cho biết thêm.
Trước đó, UBND tỉnh Long An có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương (đặc biệt là địa phương nơi đi và địa phương nơi đến) về phương án di chuyển của người dân trở về quê hoặc trở lại làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thông tin cho UBND tỉnh Long An được biết để phối hợp kiểm soát, dẫn đường... , đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc phối hợp này vẫn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Tình cảm của người dân Khánh Hòa dành cho những người xa xứ Giữa khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng nguồn Quỹ phòng, chống dịch của địa phương và kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung tay hỗ trợ người nước ngoài đang sống, làm việc tại tỉnh. Hội Hữu nghị Việt - Nga phối hợp cùng Liên...