Lối thoát nào cho những đại dự án “thoi thóp” ?
Hàng loạt đại dự án hàng nghìn tỷ trong lĩnh vực thép, xơ sợi, nhiên liệu sinh học… có vốn Nhà nước nằm phơi nắng phơi mưa khiến dư luận không khỏi xót xa. Cho đến nay, “giải cứu” hay “bỏ chết” những dự án kiểu này vẫn còn bỏ ngỏ.
Đại dự án hơn 8.000 tỷ gang thép Thái Nguyên mở rộng nằm phơi nắng phơi mưa khi gần hoàn thành. Ảnh: L.Bằng .
La liệt dự án tai tiếng
Không khó để điểm mặt những đại dự án nghìn tỷ “chết yểu” đã được báo chí phanh phui trong thời gian gần đây. Đó là dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng bị “chết lâm sàng” khi hoạt động chưa được bao lâu; là dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang thi công dang dở; là hàng loạt nhà máy ethanol nghìn tỷ trải dài từ Bắc chí Nam… bị “chết yểu”.
Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến được tổ chức gần đây về những dự án nghìn tỷ “thoi thóp”, ông Tăng Ngọc Tráng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Các dự án này phần lớn được quyết định đầu tư trong giai đoạn phân cấp đầu tư rất lớn cho các bộ, ngành địa phương, DN. Cho nên tất cả dự án này Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trực tiếp thẩm định, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện đầu tư.
Ông Tăng Ngọc Tráng cho rằng: Để xử lý các dự án này cần tổ chức đánh giá toàn diện. Khi đánh giá lại, cũng cần làm rõ được nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư không hiệu quả là do đâu, trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong việc lập dự án, thẩm định, quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện dự án. Đặc biệt cần làm rõ chi phí đã bỏ ra, chi phí tiếp tục bỏ ra so với lợi ích dự án mang lại. Trên cơ sở đó mới có thể có được phương án cụ thể với từng dự án, không thể có biện pháp chung giải quyết cho tất cả các dự án.
Cũng theo ông Tráng, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các DN Nhà nước đối với các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Đồng thời tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng các dự án mà báo chí điểm mặt thời gian qua chưa phải là đã hết và cần phải rõ ai là người chịu trách nhiệm với các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả này. Bởi lẽ vì sử dụng vốn Nhà nước nên những dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Những hệ lụy của những dự án “đắp chiếu” hay còn gọi là những “xác sống” này, là rất nghiêm trọng. Về mặt tài chính, nó làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của ngân sách Nhà nước. Về mặt kinh tế, dự án kém hiệu quả làm tăng thêm chi phí của toàn bộ ngành kinh tế. Về mặt xã hội, đầu tư kém hiệu quả không tạo được việc làm, sẽ làm tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo. Tình trạng này góp phần tăng tham nhũng và làm giảm niềm tin của xã hội. Vì vậy, cần phải thay đổi cơ bản cơ chế đầu tư công của Nhà nước.
Video đang HOT
Phải chấm dứt tình trạng này
Nhắc đến dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả này có vấn đề từ thể chế. “Nhìn gang thép Thái Nguyên, ban đầu khi nghiên cứu nhà đầu tư đưa ra vốn đầu tư rất thấp, khi được phê duyệt thì nâng lên. Không riêng gì gang thép Thái Nguyên, các dự án ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp như thế này, đưa số vốn đầu tư ban đầu thấp để được duyệt rồi từ từ nâng lên”.
Xa hơn, theo ông Bùi Kiến Thành là sai lầm từ tư duy. “Họ làm ra sản phẩm không cần tính tới giá thành, hiệu quả kinh tế, chỉ nghĩ rằng làm ra sản phẩm là tốt rồi. Dự án gang thép Thái Nguyên có làm nghiên cứu hiệu quả của dự án không, hay chỉ cần có được nhà máy, rồi sản phẩm bán được hay không bán được không phải vấn đề?”.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ: Đây là những điển hình của việc đầu tư công kém hiệu quả, đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt tình trạng này. Chúng ta không thể để thế này mãi được bởi vì còn tồn tại tình trạng này kinh tế càng khó phát triển.
Theo vị chuyên gia này, Nhà nước, trước hết Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải tổng rà soát các dự án đầu tư từ vốn Nhà nước, phải kiểm điểm công tác phân cấp xem mặt được và mặt hạn chế. “Tôi rất đau đáu vấn đề phân cấp. Chính phủ muốn phân cấp để các bộ, ngành địa phương, DN phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo. Thế nhưng mặt trái là không nắm được, không giám sát được. Lúc xảy ra vấn đề rồi mới biết, lúc đó cứu không được” – TS Lưu Bích Hồ phân vân và lưu ý dự án nào buộc lòng phải chấm dứt đầu tư thì phải làm ngay, thà cho chết còn hơn để dai dẳng.
Ông Tăng Ngọc Tráng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ đã có văn bản yêu cầu rà soát các dự án có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Ông Tráng cũng liệt kê một loạt các quy định mới của Chính phủ về quản lý vốn đầu tư công và khẳng định: “Nếu tuân thủ đúng sẽ giảm được dự án kém hiệu quả”.
Nhưng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý: Vấn đề là phải bồi dưỡng cán bộ quản lý liên quan như thế nào. Tất cả vấn đề xảy ra đều do yếu tố con người. Con người là quan trọng nhất vì quy định rõ thế, nếu con người làm không tốt thì hiệu quả sẽ không cao.
Theo Lương Bằng
Hải Quan
SCIC "cứu" dự án thép 8.000 tỷ đồng đã 10 năm "đắp chiếu"
Sau 4 năm "đắp chiếu", dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đối mặt nguy cơ phải trả gần 60 triệu USD chi phí cho nhà thầu Trung Quốc để tái khởi động. Cuối tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã kiến nghị giải pháp cấp bách "cứu" dự án này.
Năm 2007, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được khởi công với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng. Hơn 1 năm sau đó, tổng mức của dự án được nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng lên 8.104 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói, sau gần 10 năm, đến nay nhà máy này vẫn "đắp chiếu" trong khi nhà thầu Trung Quốc đã rút người về từ năm 2012 sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án... Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang gần 4 năm sau khi chủ đầu tư đã rót vào 4.438 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ).
Cuối tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của TISCO.
Tại công văn này, SCIC cho biết, sau 10 lần đàm phán, TISCO đã đạt mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời MCC tỏ rõ thiện trí cùng TISCO quyết tâm triển khai hoàn thành đưa dự án vào khai thác vận hành. Tuy nhiên, kết quả đàm phán giữa MCC và TISCO vẫn chưa đạt được như các điều kiện tiên quyết do TISCO đưa ra tại báo cáo gần nhất.
Theo các điều khoản mà 2 bên đã thương thảo, trường hợp dự án tiếp tục được triển khai, MCC yêu cầu TISCO chi trả cho các phần việc của MCC/công ty con của MCC một loạt các chi phí. Trong đó, chi phí bồi thường kéo dài từ tháng 6/2016 là gần 4,4 triệu USD và gần 53 triệu USD bao gồm: chi phí dịch vụ sau bán hàng; chi phí bàn giao, bảo quản, tu sửa hiện trường; chi phí mua sắm lại thiết bị và vật liệu hư hỏng; chi phí cho việc thu hồi khí than lò cao và chi phí trả cho công ty con của MCC về lắp đặt thiết bị chính.
"Để dự án có thể tái khởi động, sau rà soát tổng mức đầu tư, với các chi phí phát sinh, tổng mức đầu tư dự án tăng lên thành hơn 9.031 tỷ đồng", SCIC cho hay.
Vì vốn đầu tư đội lên quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án nên chủ đầu tư đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra, điều chỉnh mức đầu tư để dự án tái khởi động hiệu quả là 7.871 tỷ đồng.
Và để giảm vốn, TISCO cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án như: miễn một số khoản thuế; cơ chế tín dụng; khoanh, giảm lãi vay, điều chỉnh lãi suất, thời gian vay, trả nợ của Ngân hàng VDB, VietinBank; không tính thuế GTGT trong tổng mức đầu tư.
Trong văn bản gửi lên Thủ tướng lần này, SCIC cho rằng, đây đều là những điều kiện tiên quyết để giúp cho dự án đạt được hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, các đề xuất này đều nằm ngoài khung quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho TISCO được áp dụng các cơ chế ưu đãi trên.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương từng gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư được áp dụng các ưu đãi trên.Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công.
Đáng lưu ý, dù đề xuất 1 loạt ưu đãi cho dự án nhưng về hiệu quả đầu tư dự án, SCIC thừa nhận là chưa thể khẳng định được tại giai đoạn này. Theo SCIC, dự án chỉ đạt hiệu quả đầu tư tài chính với các giả định: tổng mức đầu tư 7.871 tỷ đồng và cơ chế tín dụng như TISCO đề xuất; dự án được khởi động từ 1/4/2016, hoàn thành 30/9/2017 (18 tháng thi công) và bắt đầu đi vào sản xuất từ 1/1/2018; giá bán phôi thép nằm trong kế hoạch tính toán...
Trong khi đó, dự án sẽ không đạt hiệu quả trong 3 trường hợp sau: tổng mức đầu tư 9.031 tỷ đồng; giá bán giảm 6% so với dự báo; tổng mức đầu tư tăng 5% đồng thời giá bán giảm 5%.
Phương Dung
Theo Dantri