Lợi thế của Anh khi giúp Australia đóng tàu ngầm hạt nhân
Tham gia thỏa thuận AUKUS, Anh có thể bảo dưỡng tàu ngầm hạt nhân của mình tại Australia, tăng hiện diện tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các nguồn tin chính phủ Anh ngày 20/9 cho biết thỏa thuận AUKUS có thể cho phép các tàu ngầm tấn công lớp Astute, trị giá gần hai tỷ USD mỗi chiếc, được bảo dưỡng sâu tại các cơ sở của Australia mà không cần quay lại căn cứ Faslane ở Scotland. Điều này cho phép hải quân Anh hiện diện lâu dài hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kế hoạch trên sẽ thành hiện thực khi Australia bắt đầu chế tạo hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ từ Anh và Mỹ theo thỏa thuận AUKUS. Nguồn tin cho biết hiệp ước được công bố hôm 15/9 mở ra cơ hội mới cho Anh, cung cấp cho Londin một căn cứ mới để duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hải quân Anh sở hữu 4 tàu ngầm tấn công lớp Astute, ba chiếc khác cùng lớp đang được chế tạo. Lực lượng này đang vận hành hai tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar cũ hơn và 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard, có thể mang theo tên lửa hạt nhân UGM-133A Trident II của Mỹ với tầm bắn khoảng 12.000 km.
Tàu ngầm HMS Artful của Anh cập cảng Gibraltar ngày 6/7. Ảnh: Twitter/NavyLookout .
James Peddell, cựu tùy viên Anh tại Mỹ phụ trách công nghệ quốc phòng, cho biết một căn cứ tại Australia sẽ cho phép các tàu ngầm Anh mang vũ khí thông thường hiện diện lâu dài tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời giúp san sẻ kinh phí giữa các nước đồng minh.
“Tàu ngầm của Anh và Australia hoạt động trong khu vực có thể đưa năng lực tác chiến ngầm của hải quân hai nước tới trước bậc thềm Trung Quốc”, Peddell nói. “Tàu ngầm có thể tiếp cận một cách bí mật, thực hiện nhiệm vụ tình báo, trinh sát, phô diễn sức mạnh và bảo vệ các chiến hạm mặt nước”.
Tàu ngầm mang vũ khí thông thường của Anh thường tham gia đợt triển khai kéo dài 4-5 tháng trước khi quay về căn cứ. Nhiệm vụ tuần tra dài nhất mà một tàu ngầm Anh thực hiện là vào năm 2013, khi chiến hạm HMS Trenchant thuộc lớp Trafalgar quay về cảng sau 11 tháng triển khai.
Video đang HOT
Các bộ trưởng Anh muốn tàu ngầm của nước này có thể hiện diện lâu hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai khi quốc gia châu Âu chuyển dần trọng tâm sang khu vực.
Tiến sĩ Paul Dorfman, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Anh, trong một báo cáo cho biết các căn cứ hạt nhân ven biển của Anh, bao gồm Fasslane, “dễ bị ngập lụt khi có triều cường hoặc bão”.
Một nguồn tin quốc phòng Anh cho biết các tàu ngầm của họ không cần đi vòng quanh thế giới để bảo trì nếu tham gia thỏa thuận với Australia. “Thêm một quân cảng có năng lực bảo trì là điều tốt, nhưng các cơ sở như vậy hiện rất hiếm hoi”, nguồn tin cho biết.
Tàu ngầm HMS Ambush (trước) và tàu hậu cần RFA Lyme Bay (sau) tham gia diễn tập Joint Warrior ở vịnh Faslane, Anh tháng 4/2019. Ảnh: Twitter/NavyLookout .
Thỏa thuận tàu ngầm trong khuôn khổ hiệp ước AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp, khi Canberra hủy thương vụ mua 12 tàu ngầm diesel-điện trị giá hơn 40 tỷ USD của Paris.
Pháp sau đó triệu hồi các đại sứ của mình tại Australia và Mỹ, đồng thời hủy bỏ hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly và người đồng cấp Anh Ben Wallace.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Wallace khẳng định Anh và Pháp “cùng hội cùng thuyền” và nước này không đâm sau lưng đồng minh. “Chính phủ Anh hoàn toàn không hề có ý định làm suy yếu, gây khó chịu hoặc gây căng thẳng trong quan hệ với Pháp”, Wallace nói.
Australia tranh cãi vì thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân
Các nhóm phản đối hạt nhân Australia phản đối thỏa thuận tàu ngầm giữa nước này với Anh, Mỹ, lo ngại nó tiềm ẩn rủi ro cho dân cư và môi trường.
Khi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố hồi tuần trước, Pháp đã rất tức giận. Nhưng họ không phải là những người duy nhất.
Tại Australia, không ít người dân và các nhóm phản đối hạt nhân cũng lên tiếng bày tỏ bất bình. Trong khi chính phủ Australia nhấn mạnh thỏa thuận đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp nước này đảm bảo an ninh quốc gia, nhiều người lại quan tâm đến nguy cơ về sức khỏe và môi trường của nó.
Các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: Navy.gov.au.
"Thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân làm dấy lên những mối quan ngại nghiêm trọng về phổ biến vũ khí nguyên tử, khi các mẫu tàu ngầm của Mỹ và Anh đều sử dụng uranium làm giàu cao", Tổ chức Chiến dịch Quốc tế về Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) Australia, viết trên Twitter.
Tiến sĩ Jim Green, nhà vận động chống hạt nhân Australia, cho biết các tàu ngầm hạt nhân thường sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu (HEU). Điều này sẽ làm suy yếu nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ dần việc sử dụng HEU để thúc đẩy nỗ lực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời đặt ra những mối lo ngại đặc biệt về an ninh.
"Chính phủ muốn đóng tàu ngầm hạt nhân ở ngoại ô Adelaide. Việc đóng tàu ngầm hạt nhân ở một thành phố với 1,3 triệu dân có phải là động thái khôn ngoan không", ông đặt câu hỏi. "Những địa điểm thay thế nào đã được xem xét, nếu có?".
"Chính phủ cũng im lặng về vấn đề xử lý chất thải phóng xạ do chương trình tàu ngầm hạt nhân tạo ra", tiến sĩ Green nói thêm.
Gem Romuld, giám đốc ICAN Australia, thì cho rằng việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân ở Adelaide có thể biến thành phố triệu dân này có nguy cơ trở thành mục tiêu trong đòn tấn công hạt nhân của đối phương.
"Các lò phản ứng sẽ tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân rõ ràng và trở thành địa điểm tiềm ẩn rủi ro xảy ra tai nạn hạt nhân cũng như ô nhiễm phóng xạ trong tương lai lâu dài", Romuld nói.
Lãnh đạo đảng Xanh Adam Bandt thậm chí gọi quyết định đóng tàu ngầm hạt nhân của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison giống như đưa "những nhà máy Chernobyl nổi vào trung tâm các thành phố của Australia", nhắc đến thảm họa hạt nhân ở Ukraine năm 1986. Theo ông, việc làm này sẽ khiến "Australia trở nên kém an toàn hơn".
Bob Brown, cựu lãnh đạo đảng Xanh, cho rằng thỏa thuận tàu ngầm với Anh, Mỹ đưa Australia đến gần hơn với ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân và cảnh báo động thái này sẽ nhận về phản ứng dữ dội từ công chúng.
"Những gì chính phủ đang làm thật hèn nhát", Brown nói. "Họ đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến từ công chúng vì biết rằng công chúng sẽ phản đối".
Australia không phải quốc gia duy nhất phản đối hạt nhân. Một số nước đã kìm hãm đà phát triển của ngành điện hạt nhân từ sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.
Một cuộc biểu tình phản đối uranium bên ngoài Nhà hát Opera Sydney ngày 4/6/1979. Ảnh: Fairfax.
Fukushima là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất sau vụ nổ lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, năm 1986. Tuy nhiên, làn sóng chống hạt nhân của Australia đã nổ ra từ trước đó rất lâu, trở thành một phong trào phản đối mạnh mẽ vào những năm 1970. Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ những mối lo ngại về tác động môi trường của việc khai thác uranium, nguyên tố kim loại mà Australia có trữ lượng khổng lồ, và những rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các khu dân cư gần những cơ sở khai thác.
Người Australia còn lo ngại về việc làm thế nào để lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân. Các vụ nổ hoặc rò rỉ chất thải lưu trữ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dù những thảm họa như vậy ngày nay ít xảy ra hơn nhiều so với trước đây.
Năm 1977, Phong trào Chống khai thác Uranium tại Australia đã thu thập được 250.000 chữ ký yêu cầu cấm khai thác nguồn nguyên liệu hạt nhân này, dù Australia không sử dụng năng lượng hạt nhân. Hiện tại, Australia vẫn khai thác và xuất khẩu uranium để phục vụ sản xuất điện hạt nhân ở các khu vực khác trên thế giới.
Những cuộc đàm phán bí mật dẫn tới thỏa thuận tàu ngầm Mỹ - Australia Châu Á phấp phỏng với tàu ngầm hạt nhân Australia Thỏa thuận tàu ngầm Australia khiến Pháp cay đắng
Biden ca ngợi quan hệ Mỹ - Australia Biden cho biết Mỹ "không có đồng minh nào gần gũi và đáng tin cậy hơn" Australia, sau khi hai bên đạt thỏa thuận tàu ngầm khiến Pháp tức giận. Trong cuộc gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison bên lề họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai nước đều cam...