Lội suối hái rêu đá chế biến món ngon ngày Tết
Ngày Tết, khi đã ngán với những mâm cao cỗ đầy, người vùng cao Nghệ An tìm đến những thức ăn có nguồn gốc thực vật, trong đó có món rêu đá.
Từ nhiều đời nay, rêu đá ở dưới đáy các sông, suối trên thượng nguồn sông Lam được người dân miền núi Nghệ An xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt, đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết.
Rêu xuất hiện trên các lưu vực sông suối vào cuối mùa thu đến tháng 2 năm sau. Trong ảnh, người dân dầm mình dưới suối để hái rêu về chế biến món ăn ngày Tết.
Chị Lô Thị Lang (trú bản Tùng Hương, xã Tam Quang) chia sẻ: “Muốn lấy được nhiều rêu non, ngon và ít cát sạn thì phải ra những vùng nước sâu, dòng chảy xiết. Chỉ có ở đó rêu mới sạch và ngon”.
Là một món ngon nhưng để chế biến được rêu đá cũng khá mất công. Rêu hái về phải giũa sạch đất cát, sau đó đem vào cối giã cho mềm. Giã xong thì đem ra suối đãi một lần nữa cho thật sạch. Trước khi đem nấu rêu được băm trộn với các lại gia vị. Tất nhiên không thể thiếu hạt mắc khén (hạt tiêu rừng).
Công đoạn rửa rêu thường mất nhiều thời gian vì đất cát thường bám vào rêu rất chắc, phải rửa qua nhiều lần mới sạch và đem giã.
Video đang HOT
Người đồng bào Thái sống dọc các lưu vực sông Lam (ở các huyện Con Cuông, Tương Dương) hay sông Nậm Mộ, Nậm Nơn (chảy qua Tương Dương, Kỳ Sơn) cũng rất ưa thích các món ăn chế biến từ rêu đá.
Rêu đá xuất hiện trong những bữa ăn thường ngày của người dân vùng cao Nghệ An. Thời gian gần đây, rêu còn được bán như một thứ đặc sản tại các chợ. 1kg rêu tươi đã làm sạch cát sạn có giá bán khoảng 15.000 – 20.000 đồng.
“Mọc” là món ngon và phổ biến nhất được chế biến từ rêu đá. Sau khi đã sơ chế, rêu được trộn với gạo giã nhuyễn, thịt gà, hành, gia vị và gói bằng lá dong rồi đem hấp chín. Thời gian để hấp chín một nồi “mọc” rêu thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ.
Món rêu đá trông khá giản dị, nhưng là món ngon, lạ miệng, giúp cho bữa ăn ngày Tết thêm đầy đủ phong vị.
Bỏ túi cách làm khô gà lá chanh nhâm nhi ngày Tết
Tết này cùng trổ tài làm khô gà lá chanh thơm ngon tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa đơn giản, dễ làm thì ngại gì không thử để chiêu đãi cả nhà nào!
Món ngon ngày Tết hôm nay, Dân Việt hướng dẫn bạn cách làm khô gà lá chanh đãi khách, ngon miệng lại đảm bảo an toàn vệ sinh.
Nguyên liệu để làm khô gà lá chanh
- 2 ức gà khoảng 700 gr
- 2 nhánh sả
- 10 lá chanh
- vài trái ớt
- 1 miếng gừng
- 1 muỗng canh muối tiêu ớt
- 1 muỗng canh rượu nấu ăn ( nếu có)
Gia vị:
- 1 muỗng canh nước mắm 1 muỗng canh dầu hào 1 muỗng cà phê bột nghệ 1 muỗng cà phê bột curry 1/3 muỗng cà phê ngũ vị hương 1 muỗng canh bột nêm 2 muỗng canh đường 1 muỗng cà phê bột ớt 1 muỗng cà phê mật ong
Cách làm khô gà lá chanh
Bước 1: Sả thái lát mỏng, lá chanh xé nhỏ, ớt thái khúc, gừng thái lát mỏng.
Bước 2: Gà rửa sạch cho vào âu trộn cùng muối tiêu ớt gừng sả và rượu. Cho thịt vào giấy bạc, rồi chiên/nướng nồi không dầu khoảng 30 phút( cách này giúp thịt giữ được đột ngọt). Bạn cũng có thể hấp thịt.
Bước 3: Để thịt nguội bớt trước khi xé sợi nhỏ cho vào âu ( lấy lại sả gừng và nước nướng/hấp thịt) trộn cùng với lá chanh ớt và gia vị để 2-3 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh, hoặc để qua đêm. Thời gian để lâu như thế sẽ giúp nước ướp thịt ngấm hết vào thịt giúp khô gà đậm đà hơn.
Bước 4: Cho hết thịt lên khay có lót giấy bạc dàn đều, rồi cho vào lò nướng sấy ở nhiệt độ 140 độ C. Thời gian sấy ở nhiệt độ này khoảng 30 phút. Trong 30 phút này các bạn phải đảo thường xuyên (5 phút/1 lần).
Bước 5: Qua 30 phút, gà bắt đầu hơi ráo nước, lúc này các bạn hạ nhiệt độ xuống còn 100 độ C và nhớ để chiếc đũa ngay cửa lò khi đóng. Kẻ hở này giúp hơi nước thoát ra và gà mau khô hơn. Khi sấy nhiệt độ thấp thì cứ 10-15 phút các bạn đảo thịt 1 lần và thời gian tổng cộng sấy gà khô khoảng 1tiếng 30 phút đến 2 tiếng tùy theo lượng thịt nhiều hay ít trong 1 cái khay.
Bước 6: Khi bạn đảo nghe tiếng xào sạt tức gà đã thành khô gà. Bạn có thể tắt lò, lấy khay thịt ra.
Vị ngọt của gà, vị thơm của lá chanh cùng vị cay của ớt sẽ rất thích hợp để làm món ăn vặt nhâm nhi cho ngày Tết. Cùng trổ tài ngay thôi nào!
Món ngon ngày Tết có cái tên đẹp và rất sáng tạo của người Hà Nội xưa Một món ngon đầy sáng tạo với cái tên đẹp của phụ nữ Hà Nội dành cho mâm cỗ Tết và các bữa cỗ, giỗ xưa ngày càng ít người nhắc đến, biết đến và đang dần biến mất trong nuối tiếc của người Hà Nội cổ. Đó là món hạnh nhân xào - một trong các món ngon trên mâm cỗ Tết...