Lời phê ‘bá đạo’ của giáo viên dạy Văn
Cũng là giáo viên dạy Văn, bà mẹ không khỏi bật cười khi đọc lời phê độc đáo trên bài kiểm tra của con mình.
Ảnh minh họa
Mọi khi các bài kiểm tra – nhất là môn Văn – thì cu cậu giấu biệt. Nhưng lần này, hình như ngược lại, cậu trò tỏ thái độ rất thâm thúy bằng cách mang bài kiểm tra có lời phê của cô về… khoe mẹ.
Đầu tiên phụ huynh đều rất ngưỡng mộ cô vì khả năng vừa thẩm định bài, vừa nghĩ ra vài câu thơ lục bát để phê. Nhưng sau khi đọc kỹ, bà mẹ mới thấy lời phê và bài làm không liên quan.
Cô giáo phê đại loại như là:
‘Cô muốn cho em điểm 10
Làm bài như thế thì 10 được không?
Bài này cô thấy không hay
Lần sau em phải làm hay hơn nè…
Tương lai được ví như là
Biển xanh rực nắng bao la bến bờ
Em ơi chớ có hững hờ
Không ngừng vươn tới bến bờ nghe em!
Chưa nói tới chuyện gieo vần thì lời phê của cô chẳng ăn nhập vì với bài làm của các con. Và hình như cô có hàng loạt câu thơ để sẵn đó dùng dần…
Theo Datviet
Cô giáo dạy Văn 'khét tiếng trẻ mà... hung'
Học trò vừa biết tin được học cô, mặt xanh lét, học rồi thì biết "trung thực trong giờ kiểm tra, biết ga lăng cho các bạn gái, biết rơi nước mắt vì những điều thiêng liêng, biết đạt điểm... trung bình khá môn Văn".
Môn Văn là ác mộng với nhiều học sinh phổ thông, lại dạy học ở một trường cấp 3 đầu vào không cao, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Như Trang (trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM) đã làm gì để vừa khiến học sinh chịu học, vừa đảm bảo chất lượng thi cử?
Với phương pháp riêng của mình, cô giáo trẻ đã đạt khá nhiều thành tích trong lĩnh vực giảng dạy. Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn hết là với sự nghiêm khắc nhưng rất tâm lý.
Nổi tiếng là một giáo viên nghiêm khắc nhưng lại được học sinh yêu mến.
Làm gì để học sinh chịu học Văn?
Biết rõ môn Văn gây áp lực nhiều cho các em học sinh vốn đã vất vả, mà nhiều em lại không hiểu được tầm quan trọng của môn này, cô Như Trang không quá chú trọng vào kiến thức, trừ những kiến thức bắt buộc trong những bài quan trọng. Với những tác phẩm đọc thêm, văn học nước ngoài không phải thi, cô "giao toàn quyền" cho học sinh làm chủ giờ học bằng cách đóng kịch, thuyết trình, vẽ tranh, vẽ sơ đồ tư duy...
"Học sinh sáng tạo, và nhiều em rất có tài. Tôi nhớ nhất là một buổi dạy về Sử thi Rama của Ấn Độ. Các em học sinh đã diễn lại đoạn Rama đấu với yêu quái dưới hình thức... so chuột và đánh cờ caro!". Theo cô Trang, việc học Văn không chỉ vì kiến thức mà còn là học cách sống, cách ứng nhân xử thế, nên nếu làm được gì để học sinh cảm thấy vui thích, chịu đọc văn và tâm hồn lay động trước văn chương thì nên làm.
Cô Như Trang trong một buổi tuyên dương giáo viên giỏi vào 20/11 năm nay.
Có một lần khi sửa bài văn nghị luận xã hội, cả lớp học của cô Như Trang đã bật khóc khi nghe bài Nhật ký của mẹ... Âm nhạc cũng được cô Như Trang tận dụng để hỗ trợ việc giảng dạy, "khi nghe một bài hát hay, tôi thường nghĩ xem có thể cho học sinh nghe bài này trong giờ học nào".
Ngoài ra, cô giáo trẻ cũng chuẩn bị sẵn phiếu bài giảng để giảm thiểu việc chép bài của học sinh, giúp các em có thêm thời gian nghe giảng và cảm thụ văn học trên lớp. Vào giờ trả bài của cô, học sinh nếu có việc bận có thể xin phép... không phải học bài và hẹn để trả vào một ngày khác. Cô Như Trang không dạy thêm vì cô cho rằng kiến thức cần thiết để thi thì đã truyền tải hết trên lớp, đi thi đã có ba-rem điểm rõ ràng thì còn có thể dạy gì khác nữa? Đối với học sinh cũng vậy, nếu đi học thêm có thể rèn luyện thêm khả năng viết, diễn đạt hay cảm thụ văn học thì hãy đi học.
Học sinh tổ chức sinh nhật cho cô giáo.
Sẽ chọn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" để giảng
Tuy vậy, không phải lúc nào giờ học của cô Trang cũng được thoải mái đóng kịch hay thảo luận, thuyết trình. Chương trình học văn dày và nặng vẫn là gánh nặng buộc cô trò cô Như Trang phải giải quyết hết trước khi thoải mái sáng tạo, mà trường Lê Thánh Tôn cô dạy cũng không phải một trường giỏi trong thành phố, đầu vào khá thấp, vì "dạy có hay trời biển mà học sinh rớt tốt nghiệp thì cũng thôi rồi", cô cho biết.
"Theo tôi, chương trình với mười mấy bài văn trong một học kỳ là quá nặng với học sinh. Nhiều bài trong đó vừa khó, lại chất văn ít hơn chất sử nên học sinh khó cảm thụ. Hơn nữa, học sinh bây giờ khổ lắm, không riêng gì Văn, nếu các em muốn học nghiêm túc tất cả các môn học thì mỗi ngày chỉ ngủ được 3 tiếng thôi", theo cô Như Trang.
"Một chương trình dạy văn lý tưởng, theo tôi, sẽ chỉ nhẹ bằng 1/2 chương trình hiện tại, và đưa vào đó những tác phẩm mà học sinh dễ cảm thụ hơn. Ngoài ra, tôi nghĩ nên có thêm phần sáng tạo, giáo viên sẽ chọn ra những tác phẩm mà mình tâm đắc và có thể giảng hay nhất. Tại sao không dạy học sinh văn học hiện đại? Những tác phẩm như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng rất hay. Tôi sẽ giảng bài này cho học sinh nếu có điều kiện".
"Cô rất khét tiếng trong trường"
Không riêng gì văn, với bất kỳ môn học nào, riêng việc làm cho học sinh vui thích và chịu học đã là một thành công. Tuy vậy, cô giáo rất được yêu quý của học sinh trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7 đã có những ngày tưởng mình chọn nhầm nghề.
Không ngại đi chơi với học sinh.
Khi còn học ĐH Sư phạm TP.HCM, cô đến thực tập giảng dạy tại trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau một giờ giảng thử, cô giáo hướng dẫn đã nói với Như Trang, "em có chọn nhầm nghề không?".
"Thời gian đó tôi hay nghĩ, "mình dạy cái gì mình cũng không hiểu" và cảm thấy bản thân không có tố chất nhà giáo. Nhưng vì yêu nghề và may mắn được nhận đi dạy ngay sau khi tốt nghiệp, tôi cứ cố gắng dần dần cho ngày hôm nay. Bây giờ đứng giảng ở trên mà thấy học sinh ngồi dưới ngáp là buồn rồi", cô Như Trang cho biết.
Bây giờ ở trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, cô Như Trang đã trở thành một giáo viên khét tiếng "trẻ mà... hung". Theo cô Như Trang, "học sinh đã học tôi thì đều yêu mến, nhưng với những lớp không học, đặc biệt là nghe tin chuẩn bị học thì đều hoảng vì tôi nổi tiếng nghiêm khắc".
"Tôi hiện không chủ nhiệm một lớp nào, nhưng bất kỳ học sinh nào đi ngang qua mà tóc dài, quần áo chưa nghiêm túc thì tôi đều gọi lại. Chỉ cần tôi nghe bất kỳ một tiếng chửi thề nào thì tôi sẽ tra bằng được đó là ai", cô Như Trang kể. "Vào ngày cuối năm học, có một học sinh nam đã nói với tôi, "trong cuộc đời em, cô là người phụ nữ đầu tiên mà em sợ!"".
Vào mỗi cuối năm học, hoặc sau tháng đầu tiên đứng lớp trong năm học, cô Như Trang thường cho học sinh viết cảm nghĩ của mình về cô mà không cần ghi tên kèm. "Đến giờ thì phản hồi cũng tốt, các em có thích thú với phương pháp, chỉ đôi khi than cô quá nghiêm khắc thôi. Tôi cũng nhận được những bức thư rất tình cảm từ các em nữa".
Cuối năm học vừa qua, cô Như Trang nhận được một bức thư viết trên giấy A4 của một cô bé học sinh ghi rằng "cô Như Trang là động lực để em trở thành một giáo viên dạy Văn".
Cô giáo trẻ chụp ảnh cưới với dàn "phụ họa" là các em học sinh.
PHƯƠNG THẢO
Theo Infonet
Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy văn Với sáng kiến "Ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy đọc hiểu văn bản ngữ văn trong trường THPT", cô giáo Nguyễn Thu Hà đã được UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen "Sáng kiến - sáng tạo thủ đô" năm 2012. Cô Nguyễn Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn. Cô Nguyễn Thu Hà...